24 tháng 12, 2009

Chúc Mừng Giáng Sinh & Năm Mới 2010




Happy New Year_ABBA





Last Christmas




Felix Navidad






Làng Santa Claus


Quà tặng Giáng Sinh
The Best Christmas Album CD1 (trong tập tin nén gồm 21 bản nhạc Giáng Sinh do: John Lenon+Yoko, Jackson Five, Paul McCartney, Elton John...trình bày)
The Best Christmas Album CD2 (trong tập tin nén gồm 23 bản nhạc Giáng Sinh do: Doris Day, Cliff Richad, Roy Orbison...trình bày)



Ẩm thực truyền thống các nước ngày Noel

Giáng sinh đã về rộn ràng từ ngoài phố đến trong nhà, những bàn tiệc với những món ăn đầy hấp dẫn đang chờ đón tất cả mọi người. Hãy cùng khám phá sự khác biệt trong các món ăn mùa Noel trên khắp thế giới.

Đến Áo khi dạo quanh các chợ Noel lâu đời được khai trương khi bước vào Mùa Vọng (Advent) thì người ta có thể ngửi thấy mùi thơm của bánh quế sực thẳng vào mũi hòa lẫn vào hương nến mật ong từ các cây thông.


Bánh Panettone - Ảnh: tifa-folkdance.org.tw

Sẽ không phải là Năm Mới nếu như người dân Bỉ không được thưởng thức món bắp cải nấu chua choucroute. Nhưng để cho truyền thống được trọn vẹn thì cần phải nhét một đồng xu dưới dĩa hoặc trong túi của thực khách.

Tây Ban Nha thì lại có món cháo trái cây khô và món tráng miệng thì không thể thiếu “Bánh của 7 tầng mây” mà hầu như tất cả các tu viện đều làm.

Ghé qua Ý bạn sẽ được trao tặng chiếc bánh truyền thống nổi tiếng Panettone, được gói trong hộp quà kiểu dáng không thay đổi từ thời Trung Cổ đến nay.


Bắp cải nấu chua choucroute của người Bỉ

Dân Phần Lan thì luôn luôn hảo các món hải sản cho nên các ngày lễ hội không thể thiếu hương vị từ cá hồi hồng, cá hồi trắng, trứng cá, cá tuyết. Nếu bạn tìm được đồng xu vàng trong chiếc bánh của Thánh Basile tại Hy Lạp thì chắc chắn nó sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng cho bạn suốt cả năm.


Lutefisk, cá tuyết hầm với cháo đậu

Na Uy có thời tiết trái ngược lại với các vùng đất khác của bắc bán cầu cho nên đón Noel trong ánh nắng chan hòa. Thế nhưng họ vẫn có những món ăn truyền thống như lutefisk, một món cá tuyết hầm với cháo đậu, khoai tây nướng, ba rọi muối, mù tạt và phô mai sữa dê. Nhưng đôi khi lớp trẻ Na Uy cũng “nhảy rào” với món Snow chicken, cá hồi và thịt heo.


Món Tourtière - Ảnh: wheatlessbay.wordpress.com

Bồ Đào Nha thì sao? Đêm 24 thì chúng ta sẽ được phục vụ món súp nghiền cá tuyết. Riêng bàn dành cho những món tráng miệng sẽ được trang trí và trưng bày trong mỗi gia đình thường xuyên cho đến ngày Lễ Ba Vua, tức một tuần sau đêm Noel.

Trong khi tại xứ sở của những đêm dài bắc cực Thụy Điển thì tiêu biểu nhất là món Glogg, một thứ rượu gia vị được phục vụ chung với bánh mì gia vị nóng ấm và tỏa hương ngào ngạt.

Thụy Sĩ là quốc gia có những truyền thống ẩm thực lễ hội khác nhau ở mỗi bang. Có thể là món Biscôme từ ngày 6 tháng 12, bánh mật ong của Appenzil…và vô số những món khác ở hội chợ Noel Montreux.

Hãy đến Canada tìm hiểu vì sao họ chuộng nhất món Tourtière, một loại bánh bột nướng, nó như một bệnh dịch trong mỗi gia đình và chưa sẵn sàng bị thay thế.

Đan Mạch bước vào không khí lễ hội ngay từ đầu tháng 12. Tem Noel cũng được phát hành vào dịp này. Bữa ăn Noel bắt đầu từ 18h vào cuối bữa người ta phục vụ món cơm nấu sữa có nhét một quả hạnh đào to. Người nào may mắn được nó sẽ nhận dược một chú heo bằng bột hạnh đào, biểu tượng của hạnh phúc suốt cho Năm mới.

Còn Hawaii thì phong phú hơn, vì đây là hòn đảo du lịch quanh năm nên văn hóa ẩm thực nơi này mang sắc thái đa quốc gia, hòa lẫn hương vị độc đáo bản địa với hương vị phương đông và phương Tây.


Món cozonac - Ảnh: romaniangourmet2u.com

Đi xa hơn một chút, đến quần đảo Antilles thuộc Pháp thì nơi đây tuy chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa ẩm thực truyền thống Pháp là những món như gà tây, ngỗng, hay gan béo hoặc là những bàn buffet ăn chiều với 7 món chính và 13 món tráng miệng, tượng trưng cho 13 môn đồ Chúa Jésus, hòa lẫn vào tiếng trống con, thì người dân bản địa lại chuộng các món từ thịt heo hơn.

Nếu đã đến Pháp thì hãy qua biên giới Đức để có dịp thưởng thức gà tây nướng kèm với xu đỏ và pom.

Có lẽ bạn cũng muốn biết tại Rumani họ tận hưởng lễ nữa đêm như thế nào chăng ? Các quý ông sẽ có nhiệm vụ giết mổ và làm heo để cho các bà làm món cozonac, một loại bánh nhân mặn với trái cây khô.

Tại Mỹ, thì tổng thống sẽ cùng dân chúng chia sẻ chiếc bánh Noel to sau lễ réveillon tại Nhà Trắng, một thông lệ và công thức xưa từ hai thế kỷ nay.

Người dân Mêhicô và Tân Mêhicô thì nổi tiếng với nền ẩm thực nhiều ớt và mùa lễ hội cũng thế nên cho dù là món posolé hay là gà tây nấu chocolate thì hương vị cay nóng của ớt cũng tỏa lan sang bên kia biên giới.

Cuối cùng là dân quý tộc Anh không thể nào bỏ qua món Christmas Pudding được phục vụ ngay sau bài diễn văn của Nữ hoàng, đúng vào giờ Five O’Clock Tea, bất di bất dịch và gà tây nhồi nhân hạt dẻ cho bữa ăn nửa đêm và trên bàn tiệc không thể thiếu món “crackers” bên cạnh mỗi đĩa ăn. Đối với trẻ con thì không phải là Noel nếu không được kéo nổ nó. Một phong tục xưa hơn 150 năm. Các “crackers” này phải tuân thủ những nguyên tắc khắc khe về thành phần cũng như cách sử dụng.


Bàn tiệc giáng sinh - Ảnh: spktforum.info

Việt Nam ta cũng tự hào có nền ẩm thực phong phú, đa quốc gia. Rảo quanh các nhà hàng ẩm thực bạn có thể tìm kiếm cho mình hương vị, khung cảnh riêng cho mùa lễ hội năm nay mà không cần phải đi đâu xa. Tuy nhiên, theo nhận xét chung của các nhà dinh dưỡng thì hầu như tất cả các món ăn truyền thống không thể nào làm chúng ta tăng cân, mối lo lắng không nhỏ của quý bà, nếu như không bị lạm dụng.

Theo Saveurs de Noel

22 tháng 12, 2009

TIN BUỒN







Cáo Phó



Vài hình ảnh về Cố Giáo Sư PHAN VĂN LONG trong ngày Lễ Tri Ân Tết Kỷ sửu 2009,






Hình ảnh về Lễ viếng linh cửu Thầy Phan văn Long của Đoàn Trường THKT Cao Thắng, do Thầy cựu hiệu trưởng Lê Đình Viện đại diện.


Thầy Viện đại diện các thầy cũ và các nhóm chia buồn với cô Phan Văn Long



Vân, Hiệp, Tài, Tạo và vòng hoa phúng điếu của nhóm 62-69



Vân và Bình



Lê Hiệp và Bình



Thầy Viện thắp hương và nói lời vĩnh biệt trước linh cữu của thầy Long



Chụp chung với gia đình thầy Long



Chụp chung với gia đình thầy Long



Các thầy và các nhóm đại diện chụp sau khi thắp hương



Vòng hoa phúng điếu của các Anh khóa 56-63



A.Phát, A.Tông, A.Minh, A.Lợi, A.An, A.Chiếu (khóa 56-63)

Nguồn:Website Cao Thắng khóa 1956-1963

Tải hình Đoàn cựu giáo sư & học sinh THKT Cao Thắng, viếng phân ưu cùng gia đình Thầy Phan Văn Long

21 tháng 12, 2009

Lại thêm một lệnh cấm... hài hước

Chúng ta lại vừa được nghe sắp có một lệnh cấm được ban hành.....
Không phải lệnh cấm kẻ vẽ linh tinh trên các bức tường ở thành phố. Không phải lệnh cấm vứt rác ra nơi công cộng. Không phải lệnh cấm tuỳ tiện lấn chiếm vỉa hè bán hàng. Không phải lệnh cấm các cô gái mặc ba mảnh diễn trên màn hình tivi trong giờ trẻ em còn thức. Không phải lệnh cấm tự do đổ rác và san lấp hồ nước... mà là lệnh cấm hôn nhau ở một số nơi công cộng như Vườn Bách thảo chẳng hạn.
Lúc đầu, tôi tưởng đó là chuyện của mấy ông bà rảnh việc ngồi tán gẫu bịa ra. Nhưng cuối cùng thì là sự thật mà một số tờ báo đã nói đến. Lúc đó, mới giật mình thất kinh không làm sao hiểu nổi cái lệnh cấm này.


Biển cấm hôn được đặt trước ga xe lửa Warrington Bank Quay ở Warrington, miền bắc nước Anh. (Ảnh: Xinhua/Reuters)

Mấy năm nay, chúng ta phải chứng kiến một số quy định "quái dị" và cười ra nước mắt. Ví dụ như quy định xe máy số lẻ đi vào ngày lẻ hay xe máy số chẵn đi vào ngày chẵn. Rồi thì xe máy có số đăng ký ở địa phương khác không được vào Hà Nội. Ngày ấy, tôi đã nghĩ đến việc xin nghỉ hưu non vì tôi sống ở Hà Tây lại làm ở Hà Nội thì không biết đi làm bằng gì khi mà đi xe buýt thì suốt đời bị phê bình vì đến muộn về sớm.
Và để mọi người phải chấp hành quy định này, chúng ta sẽ huy động hoặc tuyển thêm hàng vạn nhân viên đứng dọc đường để theo dõi những chiếc biển số và nhanh chóng tính nhẩm xem "thằng này" chẵn hay lẻ. Vô tình, hàng ngày chúng ta có hàng ngàn người là ít đứng trên phố mắt mở to không chớp và miệng lẩm bẩm: chẵn lẻ, lẻ chẵn. Quá kinh khủng.
Bạn đọc kính mến, cho đến bây giờ, tôi cũng không làm sao hiểu được trong trạng thái tâm thần nào mà người ta lại nghĩ ra cái quy định đó cho dù cuối cùng nó không được áp dụng.
Rồi mới đây, người ta lại ra quy định cấm những người có ngực lép điều khiển xe máy. Nếu lệnh đó được thực hiện thì bao chuyện khôi hài và tiêu cực sẽ xảy ra. Trước hết, chúng ta phải tốn kém rất nhiều để tổ chức người người, nhà nhà, ngành ngành... tiến hành đo vòng ngực. Thế rồi sẽ nảy sinh tiêu tực từ độn ngực bằng mút hay bông, rồi xin tăng vòng ngực. Rồi người ngực bé nhờ người ngực to đi đo hộ. Nhiều người lúc đó đã hình dung những cô gái hay những phụ nữ có kém vòng ngực một tí sẽ đến nhà những đo đạc viên dúi phong bì, phong bao miệng năn nỉ như khất nợ: "Em xin anh thương em, thương chồng con em, anh cho ngực em to lên một tí. Nếu không thì em chết mất".
Và đến bây giờ những đôi tình nhân đưa nhau đi chơi ở công viên hay vườn Bách thảo chỉ nhìn nhau hoặc cầm tay nhau chứ không được hôn. Rồi ở những nơi đó, chúng ta lại phải lập ra các "Đội chống hôn" ở những nơi quy định không được hôn. Thế là, bên cạnh các đôi tình nhân ngồi tâm sự là những kiểm soát viên chống hôn lượn lờ bên cạnh từ sáng cho tới khuya.
Các báo chí lại lao vào viết về chiến dịch chống hôn và liên tục đưa tin: "Riêng ngày hôm qua, ngày 8 tháng 3, đội chống hôn số 9 ở vườn Bách thảo đã bắt quả tang 101 đối tượng hôn trộm. Các đối tượng này đã phải ký vào biên bản thưa nhận hành vi sai trái của mình và sẽ bị xử lý hành chính".
Sẽ là như thế. Thực tế phải là như thế chứ không phải chuyện viễn tưởng.
Những đôi trai gái hôn nhau là một hình ảnh đẹp. Nụ hôn từ thuở con người có tình yêu đã mang một biểu tượng đẹp của tình yêu con người. Ngày xưa các cụ không hôn nhau trước người khác. Đấy là tục lệ thời phong kiến. Cũng như ngày xưa làm gì có chuyện một quốc gia tổ chức chấm thi các cô gái có ba vòng đo tiêu chuẩn rồi mặc áo tắm phơi ra trước thiên hạ ở sân khấu và trên tivi với những bài diễn văn trang trọng về những cô gái và nhấn mạnh: "Họ đã mang đến cho chúng ta vẻ đẹp thân thể tuyệt mỹ với những đường cong chết người".
Nhưng bây giờ, cuộc sống được mở ra nhiều vẻ đẹp. Tất nhiên không phải hôn nhau ở bất cứ nơi nào thì cũng là đẹp. Nhưng hình ảnh một đôi trai gái hôn nhau dưới một gốc cây là một hình ảnh đẹp.
Tôi đồng ý ở một số nơi công cộng trong thành phố có những đôi tình nhân đã có những hành động làm xấu đi vẻ đẹp và sự trang trọng của những nơi công cộng đó. Chúng ta phải giáo dục cho con người từ khi còn ngồi ghế nhà trường về những vẻ đẹp của văn hoá để họ tự thân biết xử sự như thế nào cho đẹp nhất và văn hoá nhất. Chứ thấy điều gì đó chưa phải mà lại ra lệnh cấm như cấm xe lẻ không được đi ngày lẻ, cấm ngực không to không được đi xe máy hay cấm những đôi tình nhân hôn nhau trong công viên... thì cấm cả đời.
Tất nhiên nếu những người có quyền vẫn cứ ký vào những quy định hay lệnh này thì người dân cũng phải... chịu. Nhưng qua các quy định hay lệnh cấm kiểu tôi vừa nói đủ cho chúng ta biết đội ngũ những người tư vấn cho các cơ quan quản lý nó ở trình độ như thế nào rồi. (Thở dài).

NGUYễN QUANG THIềU
Nguồn : Tuần Việt Nam

Ý kiến

Có nên cấm… hôn ở nơi công cộng?

Báo chí vẫn hay phản ánh “hiện tượng” nhiều đôi nam nữ đưa nhau vào công viên tâm sự, đôi khi làm những hành động quá đà. Một trong những nơi nổi tiếng với danh hiệu “Đồi Hôn” hẳn là khu vực Núi Nùng ở Vườn Bách thảo Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, có nên cấm thanh niên vào công viên để hôn không, bà Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc Vườn Bách thảo Hà Nội, cho biết ý kiến: “Tôi nghĩ không nên cấm. Đây là quyền tự do của mỗi người”. (Khoa học và Đời sống Online, 16/12)


Bà Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc Vườn Bách thảo Hà Nội. Ảnh: bee.net.vn

Giá như tất cả các quan chức ở ta đều có được tư duy thoáng như bà Nguyễn Thị Thạch. Nói cách khác, giới làm chính sách rất nên học theo gương của vị giám đốc Vườn Bách thảo Hà Nội, để thay đổi tư duy “không quản được thì cấm” bấy lâu nay.
Tất nhiên, bà Thạch cũng không có ý tạo điều kiện cho những hành động quá đà làm chướng mắt người qua lại. Nhưng thay vì trương biển “cấm hôn”, bà cho biết: “Mình khắc phục bằng cách không cho họ có địa điểm đi quá giới hạn yêu đương. Ghế đá khu lẩn khuất được thu dọn hết. Không trồng các lùm cây. Buổi tối thì đèn điện chiếu sáng khắp nơi”.
Đó thực sự là cách suy nghĩ của một nhà quản lý có tư duy hiện đại, hướng tới tính hiệu quả của chính sách và sự tôn trọng quyền tự do cá nhân.

14 tháng 12, 2009

GS. NGÔ BẢO CHÂU: 'TÔI HƠI BẤT NGỜ'

Ông Ngô Bảo Châu bất ngờ khi được tin về cuộc bình chọn của Time.

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Ngô Bảo Châu, người mà công trình toán học vừa được Tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong 10 phát minh tiêu biểu của khoa học Thế giới năm 2009, cho BBC Việt ngữ hay, ông bất ngờ trước tin này.

"Quả thực là tôi bất ngờ. Tôi nghĩ ở đây có thể có một yếu tố ly kỳ nào đó khiến Time quan tâm chăng, vì bài toán này đã được ông Langlands đặt ra cách đây suốt 30 năm như những giả thuyết và người ta đã không chứng minh được nó,"

"Và bây giờ khi bổ đề cơ bản đã được chứng minh, thì người ta thở phào nhẹ nhõm," Giáo sư Châu nói với BBC hôm 13 tháng 12 từ Hoa Kỳ.

Tôi hơi bất ngờ vì tuy công trình của tôi có một tầm quan trọng nhất định, nó hướng tới giới hàn lâm nhiều hơn là tới đại chúng.


GS Ngô Bảo Châu (thứ 2 từ trái sang) tại Lễ trao giải thưởng Viên nghiên cứu toán học Oberwofach 2004

Ngày 9/12/2009, Tạp chí Time đã xếp công trình chứng minh Bổ đề cơ bản chương trình Langlands (gọi tắt là Bổ đề cơ bản) bên cạnh một loạt các phát minh khoa học tiêu biểu có tầm vóc quốc tế và có ảnh hưởng tới lịch sử phát triển của nhân loại.

Một số sáng chế khác mà công trình "Bổ đề cơ bản" của Giáo sư Châu được xếp bên cạnh là: Ardi - thủy tổ của loài người, Giải mã gene di truyền ở người, Phát hiện nước trên mặt trăng, Hệ thống ngoại tuyến nguyên tử, Máy gia tốc hạt lớn v.v...

"Tôi hơi bất ngờ vì tuy công trình của tôi có một tầm quan trọng nhất định, nó hướng tới giới hàn lâm nhiều hơn là tới đại chúng," ông Châu, Giáo sư toán học tại Đại học Paris Sud 11của Pháp chia sẻ.

"Theo tôi hiểu, Tạp chí Time đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia các ngành khác nhau về đâu là những bài toán, công trình khoa học nổi bật của năm, và một số người đã đưa công trình của tôi cho Time để họ biết."
'Không lý giải được'

Mặc dù làm việc ở nước ngoài trong suốt nhiều năm qua, Giáo sư Châu, người từng được được mời làm Giáo sư tại Pháp khi mới 32 tuổi, vẫn theo dõi sát tình hình phát triển ở Việt Nam.

Ông cho biết đã hơn nửa năm, bức thư của ông ngày 29/5 từ Mỹ, gửi Quốc hội Việt Nam, kiến nghị về dự án Bauxite vẫn chưa nhận được câu trả lời.

"Tôi không lý giải được vì sao, nhưng tôi vẫn hy vọng đến một ngày nào đó, Quốc hội sẽ có câu trả lời chính thức cho bức thư mà tôi viết."

Giáo sư Châu, người đang được mời làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton (Hoa Kỳ) cũng cho biết quan điểm của mình về việc giới trí thức đóng góp, phản biện về dự án khai khoáng của Chính phủ trong suốt năm nay.

Mọi người ai có điều kiện hoặc có một cách nào đó thuận lợi, nên có ý kiến của mình. Còn chuyện ý kiến đó có được tiếp thu hay không là một chuyện khác.

"Tôi không nghĩ tới chuyện vấn đề có thể đảo ngược được hay không. Nhưng chuyện phát biểu ý kiến, tôi nghĩ, mỗi người đều có quyền suy nghĩ độc lập," đồng chủ nhân giải thưởng về toán học Clay 2004 nói.

Trong bức thư gửi Quốc hội Việt Nam, ông Châu đề cập tới chính sách mà ông gọi là "thực dân mới" của chính quyền Trung Quốc liên quan tới khai thác khoáng sản trên quy mô toàn cầu và cảnh báo về dự án Bauxite tại Tây Nguyên: "phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh."

Nhà toán học trẻ tuổi cho rằng mặc dù không phải chuyện gì cũng nên có ý kiến, "những chuyện như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nếu làm sai thì không sửa được."

"Vì vậy, mọi người ai có điều kiện hoặc có một cách nào đó thuận lợi, nên có ý kiến của mình. Còn chuyện ý kiến đó có được tiếp thu hay không là một chuyện khác."

'Không biết lắng nghe'
Ứng viên được đề cử cho Giải thưởng Fields 2010, tương đương với "Nobel", trong ngành toán học, cũng bình luận về hành vi, ứng xử của giới có trách nhiệm khi nhận được các đóng góp của giới trí thức. Ông nói:

"Còn đối với những người đã được những người khác có ý kiến mà không tiếp thu, thì đấy là trách nhiệm của họ."

Ông Châu cũng cho hay ông có theo dõi sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), một Viện nghiên cứu và phản biện chiến lược của tư nhân do Giáo sư Hoàng Tụy và Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang A đứng đầu, giải thể sau khi Viện này cho rằng một quyết định quản lý khoa học của Chính phủ ban hành năm nay là bất hợp lý.

Nhà lãnh đạo vì lý do này, lý do kia bịt tai lại, không muốn lắng nghe mình, nhưng thực ra, nó vẫn sẽ thấm vào đâu đó. Nếu không thay đổi vào lúc này, thì sẽ thay đổi vào lúc khác.
GS. Ngô Bảo Châu

"Tôi có theo dõi tuy không chi tiết như giới nhà báo. Nhưng một xã hội mà không biết lắng nghe các ý kiến phản biện là một chuyện tương đối dở."

"Bởi vì chỉ muốn nghe những ý kiến mà mình muốn nghe thì không bao giờ có thể làm đúng được."
Tuy nhiên ông Ngô Bảo Châu tin rằng các ý kiến đóng góp tâm huyết và thẳng thắn của các trí thức trong và ngoài nước đối với các chính sách phát triển của đất nước vẫn có tác dụng nhất định:

"Có thể trong một thời điểm nào đó, nhà lãnh đạo vì lý do này, lý do kia bịt tai lại, không muốn lắng nghe mình, nhưng thực ra, nó vẫn sẽ thấm vào đâu đó. Nếu không thay đổi vào lúc này, thì sẽ thay đổi vào lúc khác," ông khẳng định.

Ông Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972, là Giáo sư Đại học Paris 11, thành viên Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton, Hoa Kỳ, nhận giải thưởng của Viện Toán học Clay năm 2004, là người Việt Nam đầu tiên được mời làm Báo cáo viên toàn thể tại Đại hội toán học Thế giới, đồng thời là ứng viên được đề cử cho giải thưởng danh giá về toán học Fields 2010.

Quốc Phương
nguồn BBC vietnamese :
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091213_prof_ngo_bao_chau.shtml

11 tháng 12, 2009

Ai bức tử sông Hồng?

Bài này tôi viết lên trong tâm trạng khẩn trương bức xúc bởi vì tình hình đất nước càng lúc càng đi vào khó khăn phức tạp, mà lãnh đạo Nhà nước thì có vẻ bó tay chịu thua.
Tôi đã nghe phong phanh chuyện sông Hồng bị khô cạn trơ đáy từ lâu. Trong dịp về thăm nhà cuối năm 2007, tôi có cơ hội ra thăm miền Bắc và đáp xe buýt qua cầu Chương Dương để ngắm nhìn con sông thân yêu từng nuôi sống tổ tiên dân tộc Lạc Việt từ nghìn năm trước.
Tháng Ba vừa rồi, tôi vào VNExpress vô tình đọc và giữ được vài hình ảnh con sông Hồng bị cạn kiệt trơ đáy, khúc chảy qua Thủ đô Hà Nội (xem hình ảnh đính kèm). Tôi thắc mắc và lo ngại vô cùng, vào Google tra cứu, tôi biết con sông này bắt nguồn từ cao nguyên Vân Nam bên TQ, chảy qua nhiều thành phố làng mạc TQ rồi vào Việt Nam, nhập chung với nhiều nhánh sông khác như sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, chảy xuống hạ lưu qua Thủ đô Hà Nội và thông ra biển Đông. Con sông dài khoảng 1200km, nhưng có 3/4 chiều dài tập trung bên TQ, khúc chảy vào VN chỉ khoảng 400km, nhưng thừa hưởng nhiều phù sa từ thượng lưu nên đã có công bồi đắp cho khu vực hạ lưu thành một vựa lúa phì nhiêu đủ sức nuôi toàn dân miền Bắc nước ta. Tôi cũng biết TQ đã và đang ra sức tập trung mọi nỗ lực xây đắp đập thủy điện khắp nơi để hiện đại hóa nền công nghiệp đất nước họ, trong đó vùng thượng lưu sông Hồng cũng bị khai thác tối đa. Đi đôi với nước bạn, thì Nhà nước ta cũng ban hành chính sách thủy điện hóa đất nước, với những công trình lớn như thủy điện Hòa Bình vắt qua sông Đà. Tất cả mọi công trình thủy điện to nhỏ rải rác khắp nơi đó đã góp phần tạo ảnh hưởng trầm trọng cho khu vực hạ lưu, do đó mới có hiện tượng sông cạn khô trơ đáy.
Và tuần qua, VNExpress lại đăng tiếp hình ảnh con sông cạn kiệt một lần nữa (bản tin đầu tháng 12), không lý nào trong một năm có thể nào xảy ra hai lần hạn hán? Một lần nữa người ta đã tìm cách giải thích hiện tượng bằng một câu trả lời đơn giản: “thiên tai, hạn hán”, chấm dứt! Mặc cho số phận dân chài lưới sống khổ cực ra sao, mặc kệ tàu bè bị mắc cạn chìm dưới lớp cát bồi, mặc cho ruộng đồng, vườn tược bị mất mùa, và một số quận vùng ngoại thành bị thiếu nước sinh hoạt, v.v.

thuyền mắc cạn tại chân cầu Chương Dương

Tôi không phải là một Kỹ sư chuyên môn về thủy lợi, nhưng nhờ kiến thức khoa học căn bản tôi nghi ngờ “nguyên nhân hạn hán” vì những lý lẽ sau:
1)- Nếu cho rằng bị hạn hán, đến không còn một giọt nước trên vùng hạ lưu thì có nghĩa cả con sông dài 1.200km và những vùng đất hàng trăm ngàn cây số vuông xung quanh đó đã bị khô cằn, thiếu mưa suốt cả tháng trời. Chuyện này không hề nghe báo động trên báo chí truyền thông TQ và VN. Lời giải thích này coi như mơ hồ không luận cứ khoa học.
2)- Nếu lý do thiên tai hạn hán không đứng vững, thì chỉ còn một giả thuyết thứ hai, đó là những hồ nước nhân tạo vĩ đại cùng với những đập thủy điện trên thượng lưu đua nhau đóng cửa đập giữ nước lại. Hàng chục con đập và hàng chục cái hồ đó giữ tích trữ nước trong mùa khô, thì chắc chắn vùng đồng bằng sông Hồng sẽ không còn một giọt nước. Lý do này có cơ sở vững hơn, vì nghe nói Liên hiệp quốc đã từng báo động thế giới về khả năng đồng bằng sông Cửu Long sắp bị bức tử bởi những đập thủy điện cao nhất thế giới đang xây bên TQ. Khi một khúc sông dài bị mất nước thì chuyện gì xảy ra: trước hết là dân chài lưới trên sông bị chết đói, thứ là đến nông nghiệp trồng trọt trong vùng bị thiếu nước, hoang tàn, tàu bè bị mắc cạn hay bị nhấn chìm dưới lớp cát dày (xem tin trong báo Công an nhân dân, 08-12-09), dân cư thành phố thiếu nước sinh hoạt, v.v.
3)- Tuy nhiên, song song với sự kiện nước ngọt bị giữ lại trên vùng cao nguyên, thì nảy sinh một nguy cơ trầm trọng khác ảnh hưởng đến môi trường vùng hạ lưu. Đó là lượng phù sa từ thượng nguồn chảy về hạ lưu giảm đi trầm trọng, làm giảm đi nguồn dinh dưỡng quí giá cho cây trồng. Đó còn là nước biển từ biển Đông tràn vào, vì lòng sông thấp hơn mặt nước biển. Tình trạng “nhiễm mặn” này có tính cách trầm trọng hơn, thủy sản nước ngọt (tôm, cua, cá) chết hàng loạt, nước ngầm bị nhiễm mặn, hạ tầng cơ sở (cầu, cống) bị rỉ sét, xi măng bê tông bị phân hóa vữa ra. Toàn bộ hệ thống dẫn thủy nhập điền bị nhiễm mặn, đồng ruộng, vườn tược tan hoang.
4)- Trước tình thế nguy hiểm đó có thể Nhà nước ta bắt buộc phải tìm cách cứu gỡ, bằng cách xây một con đập ngăn nước mặn ở cửa biển. Nhờ vậy chúng ta mới nhìn thấy quang cảnh một khúc sông Hồng bị cạn kiệt khô cằn dưới lòng sông, trong khi cây cỏ hai bên bờ vẫn mọc xanh um tươi tốt.
Tôi chỉ nêu lên đây vài giả thuyết, mong mỏi các nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nước quan tâm và tìm hiểu cho ra nguồn cơn, ngõ hầu tránh được một đại họa khác có khả năng xảy ra: đó là hiểm hoạ lũ lụt. Khi hàng chục con đập trên thượng nguồn không còn sức giữ nước trong đỉnh cao mùa mưa bão, họ bó buộc phải mở cửa đập, chỉ trong vài giờ ngắn ngủi hàng tỷ tỷ mét khối nước đổ ào ào xuống miền đồng bằng, gây ra một trận Đại Hồng Thuỷ thứ hai ngay tại thủ đô Hà Nội, kinh nghiệm đau đớn tang thương ở các tỉnh miền Trung vừa qua chắc không ai quên. Đến nước này, thì chỉ có Trời cứu!!!
Con sông Hồng từ xưa đến nay thường gây lũ lụt quanh năm, do đó con đê Yên Phụ được xây đắp để ngăn ngừa thiên tai theo tính toán dự phòng hàng năm, ai cũng biết rõ. Nhưng khi xảy ra “thiên tai do nhân họa gây ra” thì thử hỏi con đê Yên Phụ đó có cón khả năng chống đỡ nổi sức nước vĩ đại đó không? Tôi nhớ không lầm trong bài viết “Bao giờ cho hết tháng Mười” của GSTS Nguyễn Thu đăng trên trang mạng BauxiteVietNam, có đoạn:
“3)- TQ cũng đang xây đập trên đầu nguồn sông Đà và sông Hồng trên đất của họ, sau này muốn làm áp lực kinh tế hay chính trị, họ chỉ việc siết nước lại tại thượng nguồn thì chúng ta chỉ còn cách van lạy!”…

trụ cầu hở cả chân đế

Trời đất! Phải chăng mạng sống người dân Thủ đô Hà Nội đang bị đe doạ từng giờ từng phút sao?
Thuở nhỏ tôi học Việt văn, rất xúc động khi đọc tác phẩm Anh phải sống của nhà văn Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Chuyện kể về một gia đình anh phó nề Thức nghèo rớt mồng tơi, con đông, sống bằng nghề vớt củi trên sông Hồng, gặp mùa nước lũ kéo về, hai vợ chồng gắng sức chèo xuồng ra vớt củi và bị đắm, hai người gắng sức vật lộn với sóng gió. Đến lúc khốn quẫn, tuyệt vọng, chị Lạc, vợ anh Thức, đành phải nhắm mắt buông tay hy sinh:
…”Bỗng Lạc run run khẽ nói:
- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!… Không!… Anh phải sống!
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ“…

Tôi sinh trưởng trong Nam, gia đình gốc Bắc, nhưng tôi yêu quý quê cha đất tổ, bên tai tôi hãy còn vẳng lại âm hưởng bản nhạc “Tiếng sông Hồng” tuyệt tác của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (trong tuyển tập Hội Trùng Dương):
…”Chiều nay, nước xuôi dòng đại dương,
có em tên sông Hồng dâng sóng tuôn trên nguồn.
Vẩn vơ nắng quái vươn trên phù sa
có những cô thôn mờ xa đón bầy dân đánh cá.
Ngày qua trai gái sống vui một miền,
quanh năm anh cuốc em liềm
vun xới ruộng mùa lúa chiêm.
Từ thượng du nước trôi về trung châu,
ấp êm đồng ruộng sâu bên người áo nâu dãi dầu.

Hò ơi… Gối đầu trên Lào Cai Việt Trì,
em nằm tóc xõa bãi cát dài
thả hồn mơ tới Thái Bình qua Sơn Tây.
Hò ơi … Nhớ ngày nao dân chúng lên đường
đem thịt xương ngăn giữ nương đồng
đem vinh quang thắm tô sông Hồng
Nằm mơ, xuân vinh quang,
trở về cho non sông,
và ngày nao
nơi nơi xiết chặt nguồn thương,
là ngày em mơ duyên người lập công…”

Nhân nghe nói về dự án “Mở bể than sông Hồng” tôi xin có vài lời nhắn nhủ với ông TS Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, vì ông từng lên tiếng bảo vệ dự án đó: “Ông Sơn có bao giờ nghĩ rằng một khi con sông Hồng thân yêu bị bức tử, khô cạn, thì đồng bằng còn đủ lúa gạo nuôi sống dân tộc Việt Nam không, vậy thì hơn 200 tỷ tấn than đá mà ông ra sức cổ vũ có đem lại no ấm cho toàn dân không?”.
Để kết luận, tôi cầu khẩn Trời Phật phù hộ cho dân tộc Việt đừng để thảm họa này xảy ra, các nhà khoa học trí thức VN và Nhà nước nên tìm hiểu và giải thích tường tận hoặc tìm phương án giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.
Kính chào,
Lê Quốc Trinh
Kỹ tư tư vấn Canada
Nguồn: http://bauxitevietnam.info/c/20839.html

3 tháng 12, 2009

VƯỢT QUA LỖI DNS TRUY CẬP FACEBOOK

Theo thông báo một số nhà cung cấp mạng Việt Nam ( VNN, FPT, Viettel…) máy chù tại VN bị lỗi DNS …?, nên không truy cập được vào trang Facebook và một số trang khác... Sau khi có một số phản ảnh từ khách hàng. Tuy nhiên bạn vẫn có thể truy cập vào Facebook bằng 2 cách sau:

PHƯƠNG ÁN 1: Chỉnh thông số Open DNS
-Ckick phải vào icon network trên thanh taskbar, tiếp click vào open network connections (h1)


Hình 1

- Vào hộp thoại Network Connections, chọn thiết bị nối mạng ( wireless: không dây; local area connection: có dây), click phải chọn Properties (h2)


Hình 2

- Khi vào hộp thoại wireless network connection properties (hoặc local area connection), chọn mục Internet Protocol [TCP/IP], click properties, mở hộp thọai Internet Protocol (h3)


Hình 3

-Ở tab General, chọn mục Use the following DNS server addresses ( xóa số cũ nếu có) điền vào số sau ( h4):


Hình 4

Preferred DNS server : 208-67-220-220
Alternable DNS server: 208-67-222-222

-Click Ok, đóng tất cả hộp thoại lại, quay lại Internet Explore bạn sẻ vào được trang Facebook

PHƯƠNG ÁN 2: Sử dụng phần mềm UltraSurf
Tài phần mềm UltraSurf 9.6 (zip)tại đây:
Giải nén khởi động UltraSurf (như hình minh họa dưới đây)


Điền trang tìm vào hộp, bấm Google Search.