28 tháng 4, 2010

MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ TINH THẦN BÀI BÁO “MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ TINH THẦN DÂN TỘC”

Tôi là người theo chủ nghĩa hoài nghi, nhưng lại là người tin tưởng một cách sắt đá về sức sống và sự trường tồn của tinh thần dân tộc Việt. Tôi không cuồng nhiệt thể hiện tinh thần ấy, nhưng tôi lại đã nhiều lần khẳng định như đinh đóng cột điều ấy trước sự nao núng của không ít người bởi sự bành trướng của ngoài bang, bởi sức đề kháng có phần yếu ớt của người Việt đối với các yếu tố ngoại lai trong những thời đoạn cụ thể, hay thậm chí có phần vô minh, nhu nhược, tham lam và thiển cận của một vài quan chức chính quyền... Tôi tin tưởng sắt đá rằng nước Việt không thể mất được, dân tộc Việt không thể bị huỷ hoại được, tinh thần Việt không thể chết được, dẫu mấy nghìn năm qua hay nhiều nghìn năm tới, dẫu bởi cá nhân này hay cá nhân nọ, dẫu có khi nó phải đi qua những khúc quanh, những đoạn gấp hết sức khó khăn.

NCS Đỗ Ngọc Bích

Nhân theo dõi vụ BBC và chuyện cô NCS Đỗ Ngọc Bích với bài báo Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc vừa qua, tôi lại càng tin tưởng hơn bao giờ hết những gì tôi đã nghĩ ở trên là hoàn toàn đúng. Hãy tỉnh táo xét đoán nhé. Chỉ với một bài báo nhỏ lên tiếng báng bổ tinh thần dân tộc của một cô NCS thuộc loại “vô danh tiểu tốt” mà có biết bao nhiêu người, bao nhiêu thành phần, tầng lớp, lứa tuổi, trong nước ngoài nước, chính thống phi chính thống, lề trái lề phải... đã lên tiếng phản bác dữ dội? Dù việc lên tiếng phản bác có nhanh có chậm, có nặng có nhẹ, có lý trí hay thuần cảm xúc... thì đều nhất loạt gặp nhau ở một điểm, rằng KHÔNG NGƯỜI VIỆT NAM NÀO CÓ CÁCH NHÌN KHÁC VỀ TINH THẦN DÂN TỘC, trừ phi người đó không phải là người Việt Nam với đúng nghĩa của nó.

Vậy là, ta chợt tỉnh ra một điều, rằng bài báo của cô ĐNB có phải đã không đạt được mục đích đen tối của cô? Hay nó đã đạt được mục đích, nhưng là một mục đích khác, mà có thể cô không ngờ tới, rằng muốn biết sự thật về cách nhìn tinh thần dân tộc của người Việt, thì có khi lại không phải chỉ là những lời tán dương một chiều, mà cần thử chiều ngược lại? Phép biện chứng triết học của sự nhận thức chính là sự phủ định: PHỦ ĐỊNH CỦA PHỦ ĐỊNH CHÍNH LÀ KHẲNG ĐỊNH. Nếu như ta có thể dùng sự phủ định ấy làm phép thử cho rất nhiều điều đang được khẳng định hiện nay ở Việt Nam thì kết quả sẽ ra sao nhỉ?

Trên tinh thần ấy, ta có thể vui mừng khi nhận ra rằng, dẫu có đi ra ngoài dụng ý ban đầu của cô ĐNB hay của BBC, thì chúng ta vẫn cần “CÁM ƠN”... BBC VÀ “CÁM ƠN”... ĐỖ NGỌC BÍCH, trước SỰ THÀNH CÔNG CỦA MỘT PHÉP THỬ CÓ TÍNH PHỦ ĐỊNH VỀ TINH THẦN DÂN TỘC như là MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ TINH THẦN BÀI BÁO CỦA ĐỖ NGỌC BÍCH.

Hiền Chi


Bài của tác giả Đỗ Ngọc Bích đăng trên BBC
Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc
Tác giả ĐNB trả lời độc giả sau khi nhận các bài báo phản đối

website stat

22 tháng 4, 2010

Trung Quốc: Những bước đi nhằm khẳng định "chủ quyền" tại Hoàng Sa

VIT - Với trữ lượng dầu mỏ lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú lại nằm ở vị trí giao thương quan trọng khiến Biển Đông trở thành “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền và kinh tế. Nhằm từng bước hợp lý hóa chủ quyền lãnh hải tự vẽ ra, kể từ đầu tháng 3 năm 2010 Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền tại khu vực này, đặc biệt là tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Bản đồ biển Đông đường lưỡi bò do TQ đề xuất


Tạo cơ sở pháp lý với các chiêu bài “mị dân”.

Nhằm “hợp thức hóa” quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành của mình, Trung Quốc trong thời gian qua đã không ít lần dùng tới các chiêu bài mị dân, tung hỏa mù đối với dư luận trong nước và quốc tế.

Có lẽ hành động đầy “ngang ngược” gần đây nhất mà chúng ta thấy đó chính là việc nước này công bố bản đồ lãnh hải hay còn gọi là Đường ranh giới lưỡi bò. Từ trước đến nay tất cả các bằng chứng khảo cổ học của Trung Quốc không hề có bất kỳ một ghi nhận nào khi cho rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Song với việc tạo ra các “chứng cứ” có phần giả tạo, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra đường cơ sở trên biển của mình bất chấp sự phản đối gay gắt từ nhiều nước có cùng lợi ích trong khu vực. Theo đó đường ranh giới này bao gồm 11 đoạn vẽ bao gộp các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Trung Sa với điểm giới hạn phía nam là vĩ tuyến 40, bãi cạn Tăng Mầu (Malaysia).

Tiếp theo đó, ngày 26 tháng 12 năm 2009, Quốc Vụ Viện nước này đã ban hành chính thức Luật bảo vệ biển và hải đảo. Đây được coi là văn bản pháp lý đầu tiên của Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại một số hòn đảo còn đang gây tranh chấp với các nước như: Nhật Bản, Việt Nam… Đồng thời trong dự thảo luật này cũng đề cập đến việc tăng cường khai thác kinh tế, du lịch, nghề cá, dầu khí, khí đốt tại Hoàng Sa của Việt Nam.

Đến ngày 29 tháng 3 năm 2010, cùng với Đài Loan, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp tác chủ quyền biển và bảo vệ môi trường. Đây là một nước cờ nham hiểm nhằm thống nhất kế hoạch khai thác và bảo vệ môi trường kinh tế biển giữa hai bờ eo biển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đẩy mạnh các hoạt động khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hội nghị lần này còn bàn sâu hơn các vấn đề liên đến chủ quyền của quần đảo này, do Đài Loan cũng có “một phần” chủ quyền trong đó đối với đảo Ba Bình. Đồng thời hai bên cũng nhất trí cao về một số điều luật cơ bản, theo đó dự kiến sẽ tổ chức một diễn đàn khoa học biển lần thứ 7 vào ngày 8 tháng 8 tới tại Hàng Châu.

Các hành động cụ thể nhằm khẳng định “chủ quyền” trên Hoàng Sa.

Có thể nói, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, mở các hội nghị qua đó nhằm khẳng định chủ quyền trái phép của mình tại Hoàng Sa, trong thời gian qua Trung Quốc còn tiến hành một loạt các hoạt động không được sự cho phép của Việt Nam tại vùng biển này.

Đầu tiên là việc Trung Quốc cho một số tàu ngư chính, hộ ngư đến Hoàng Sa tác nghiệp. Trong đó nhiều lần hai tàu ngư chính hiện đại là 311 và 302 đến Hoàng Sa tác nghiệp. Sự có mặt của các tàu ngư chính được trang bị vũ trang này đã gây không ít khó khăn cho ngư dân của chúng ta khi tiến hành đánh bắt thủy hải sản tại đây.

Tiếp đó ngày 27 tháng 11 năm 2009 tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu 866 cũng đến vùng biển này của Việt Nam tiến hành khám chữa bệnh cho binh lính và nhân dân của Trung Quốc đóng tại đây.

Đến đầu năm này, Trung Quốc đã cho phép chính quyền tỉnh Hải Nam tiến hành các hoạt động khai thác khảo cổ học tại khu vực Hoàng Sa. Theo đó thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 15.04.2010 và sẽ kéo dài trong 2 tháng. Mặc dù hiện nay chưa biết kết quả khảo sát như thế nào, nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu các “bằng chứng khảo cổ” đó nếu được tìm thấy thì có bao nhiêu phần trăm trong số đó là sự thật? và liệu rằng sẽ có các bằng chứng ngụy tạo cho một âm mưu nham hiểm hay không? Bởi không cần phải nói thì ai cũng biết từ trước đến nay Trung Quốc luôn được coi là một “thiên đường” của hàng giả và hàng nhái.

Ngoài ra, một công ty du lịch (Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch Tam Á) của Trung Quốc còn thường xuyên tổ chức tuor cho khách ra thăm quan tại đây với giá vô cùng “ưu đãi” định kỳ hàng tháng.

Như vậy có thể thấy rằng, thông qua các hình thức tuyên truyền, khảo cổ…nhằm tạo ra một cơ sở pháp lý mang tính lịch sử quan trọng và tiến hành các hành động khai thác trên thực tế, Trung Quốc ngày càng chứng tỏ “chủ quyền” trái phép đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cần phải ứng xử theo đúng như công ước về luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và tuyên bố chung các vấn đề trên biển với các nước Asean được ký năm 2002.

Cao Phong ( Tổng Hợp)
Nguồn: vitinfo

website stat

14 tháng 4, 2010

Hoàng Sa, nơi cuộc sống không có chỗ cho sự yếu hèn

“Chiến binh” của biển

Hạnh phúc của tôi trong những ngày sống ở biển Hoàng Sa là được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió trên nóc ca bin của những chiếc tàu đánh cá đang ngày đêm bám vùng biển Hoàng Sa để mưu sinh.

Mỗi lần nhìn lá cờ Tổ quốc phần phật bay, tim tôi như nghẹn lại cùng với lòng tự hào. Tổ quốc vẫn hiển hiện trên bầu trời biển đảo giữa trùng khơi.

Những "chiến binh" trẻ giữa biển Hoàng Sa.

Trước biển bao la, những ngư dân mặt sạm đen vì nắng gió biển khơi luôn rạng rỡ nụ cười lạc quan. Nhiều ngư dân trẻ tôi từng gặp, giữa trùng khơi họ đều khẳng định với tôi rằng: Họ chỉ có hai bàn tay trắng nhưng đất trời Hoàng Sa mãi mãi trong trái tim và luôn gợi nhắc quá khứ hào hùng của cha ông suốt mấy trăm năm cưỡi sóng đạp gió chinh phục vùng biển đảo này.

“Trung Quốc ỷ thế tàu to, trang bị súng ống, còn bà con ngư dân tàu nhỏ lại tay trắng, giữa biển mênh mông nên họ ăn hiếp. Thực lòng mà nói, nếu được cho phép, bà con ngư dân tụi tui sẵn sàng đối mặt để bảo vệ chủ quyền…” - thuyền viên Trương Văn Công khẳng định.

Những "chiến binh" trẻ đang ngày đêm bám biển Hoàng Sa, đối mặt với bao hiểm nguy nhưng gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười.


Không riêng gì ông Công, mà tất cả những thuyền viên tôi gặp giữa biển Hoàng Sa đều bảo rằng họ không hề biết run sợ cho dù có bị bắt, bị đánh đập.

“Nhiều lần bị bắt, đánh đập, rồi cướp toàn bộ máy móc, kể cả cá đánh được, tức lắm, nhưng chỉ có hai bàn tay trắng không biết làm chi hơn, đành phải chấp nhận. Cái mà anh em tụi tui lo sợ nhất là bị cướp tàu, hoặc bị tàu lớn bất ngờ đâm chìm tàu giữa biển như trường hợp tàu Qng-96516-TS của anh Dương Thanh Phú ở Lý Sơn hôm 9/3. Còn những hiểm nguy khác không nghĩa lý gì…” - thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn tâm sự.

Mỗi một chiếc tàu cưỡi sóng đạp gió ra Hoàng Sa mang theo những đứa con đất Việt dũng cảm, can trường. Tôi vẫn còn nhớ như in lời tâm tình của thuyền viên Nguyễn Thanh Tích trên tàu Qng-95821: “Cuộc sống ở Hoàng Sa là nơi không dành cho những người run sợ, yếu hèn. Nếu sợ chết thì chỉ ra một lần rồi mãi mãi không quay trở lại...”

Tôi hỏi Tích: Trong số những thuyền viên mà Tích quen biết, có ai không trở lại Hoàng Sa?". Tích lắc đầu: “Nói là vậy, nhưng tất cả những người ra Hoàng Sa mưu sinh, chẳng ai bỏ biển bao giờ cho dù họ có bị Trung Quốc bắt giữ, đánh đập. Thậm chí nhiều chủ tàu bị giữ tàu, trắng tay trở về nhưng một thời gian sau họ cũng tìm cách quay trở lại biển Hoàng Sa…”

Những đêm trắng cùng thức với ngư dân giữa Hoàng Sa, tôi được nghe những câu chuyện kinh hoàng nơi biển cả, từ chuyện giông tố nổi lên bất ngờ, đến chuyện tàu Trung Quốc rượt đuổi bắt giữ.

Hơn 40 thuyền viên tôi gặp giữa biển Hoàng Sa, người ít nhất cũng 2 lần thoát chết và 1 lần bị Trung Quốc bắt giữ. Nhiều chủ tàu trắng tay lên bờ, họ lại tiếp tục vay mượn để đóng tàu mới ra khơi.

"Chiến binh" can trường giữa biển Hoàng Sa.


Ngay như thuyền trưởng kiêm chủ tàu Dương Lúa, Lê Văn Lộc ở An Hải, huyện đảo Lý Sơn, bị Trung Quốc bắt giữ thu tàu hồi cuối tháng 9/2009. Không còn phương tiện, cả hai chủ tàu đều lên tàu bạn tiếp tục bám biển Hoàng Sa mưu sinh.

“Nếu được nhà nước hỗ trợ, tụi tui sẽ vay vốn đóng mới tàu tiếp tục ra bám biển Hoàng Sa...” - Lão ngư Dương Lúa khẳng định

Ngồi trò chuyện cùng ngư dân, tôi gọi họ là những “chiến binh” của biển. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, Tiêu Viết Hồng đều bảo: Tụi tui là những “chiến binh” của biển nhưng là những “chiến binh” tay trắng. Mấy chục năm nay dẫu đối mặt với bao hiểm nguy, chúng tôi không bao giờ biết run sợ. Cho dù những kẻ cậy tàu to, súng lớn, nhưng khó lòng mà khuất phục được ý chí kiên cường của những người con đất Việt.

Hào khí Hoàng Sa

Nếu lấy mốc từ ngày Phạm Quang Ảnh, người con của đất đảo Lý Sơn dưới thời triều Nguyễn đã “vâng mệnh vua ban” đóng thuyền buồm ra Hoàng Sa để đo đạc, đóng cột mốc trên đảo đã hơn 400 năm.

Kể từ ngày đó, những con dân đất Việt cứ thế hết đời này đến đời khác tiếp nối bước chân ra chinh phục vùng biển đảo Hoàng Sa bất chấp những hiểm nguy rập rình.

Tượng đài Hoàng Sa, niềm kiêu hãnh của con dân đất đảo Lý Sơn đã tạo nên hào khí Hoàng Sa cho con cháu mai sau.


Ông Võ Hiển Đạt, một người con được sinh ra trên đất đảo Lý Sơn, không nối gót cha anh xuống tàu ra Hoàng Sa mà ở nhà chăm chỉ học hành để làm phận sự truyền cái chữ cho con dân xứ đảo và chú tâm nghiên cứu lịch sử của vùng đất.

Ông khẳng định rằng, từ thuở Phạm Quang Ảnh “vâng mệnh vua ban” thống lĩnh đội Hoàng Sa giong thuyền buồm ra đo đạc, cắm cột mốc chủ quyền nơi đảo Hoàng Sa, những bước chân nối tiếp rầm rập xuống thuyền vượt biển tạo nên hào khí Hoàng Sa nơi vùng đất đảo này.

Ông Đạt nói rằng: "Cái hào khí Hoàng Sa được hun đúc từ nhiều thế hệ cha ông truyền trong dòng máu của mỗi con dân xứ biển lòng quả cảm, ý chí kiên cường không hề biết sợ run trước thế lực hung bạo nào…”

Trước khi ra biển Hoàng Sa, tôi đã có những ngày sống ở đảo Lý Sơn, tận mắt chứng kiến cảnh ngư dân nơi huyện đảo sắm lễ vật lũ lượt đến Âm Linh Tự làm lễ cầu nguyện trước mỗi chuyến ra Hoàng Sa.

Bất kể sớm, trưa, chiều tối, trong khói hương nghi ngút cùng tiếng chuông ngân lên nơi Âm Linh Tự như nhắc nhở cháu con nơi vùng đất đảo này ghi nhớ công khai phá của tiền nhân.

Trong cái không khí trầm hùng của nghi lễ những ngày đầu năm nơi làng biển của huyện đảo này, tôi như nghe vang vọng những bước chân rầm rập xuống thuyền và tiếng mái chèo khua nước của đội hùng binh mấy trăm năm trước.

Còn bây giờ, nơi cảng cá Lý Sơn hay cảng biển Sa Kỳ, hàng trăm tàu thuyền chen chúc vào ra. Ngư dân trên những chiếc tàu đầy tôm cá từ Hoàng Sa trở về, hay những chiếc tàu rẽ sóng ngược ra Hoàng Sa với bao kỳ vọng cho cuộc sống no cơm ấm áo.

Nhiều lão ngư tôi gặp giữa biển Hoàng Sa bảo rằng: Có ra Hoàng Sa mới thấy cái hào khí của con dân đất Việt bao đời bám biển. Bất chấp mọi hiểm nguy, những đứa con biển vẫn can trường không hề biết sợ...

Bất chấp mọi hiểm nguy, những con tàu ngày đêm rẽ sóng ngược ra Hoàng Sa.

Tôi vẫn còn nhớ như in lời của lão kình ngư Nguyễn Thanh Tuấn trong cái đêm trắng nơi đảo Bom Bay: “Không có sức mạnh nào có thể khuất phục được những đứa con đất Việt đang ngày đêm bám biển Hoàng Sa. Bây giờ và mãi mãi về sau, chúng tôi và cháu con đã, và đang tiếp tục tiếp nối bước chân của tiền nhân ra vùng biển đảo Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền…”

Giữa những ngày biển lặng, đi qua vùng biển Lý Sơn, hay dọc các vùng ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, thanh niên trai tráng của các làng chài lần lượt kéo nhau xuống tàu ra Hoàng Sa.

Họ ra đi trong tâm thế của người con nước Việt ra vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc để mưu sinh. Tôi đã gặp hàng đoàn trai tráng xuống tàu ra Hoàng Sa bám biển với những chuyến đánh bắt dài ngày và những chuyến tàu rời Hoàng Sa trở về khi tàu đã đầy tôm cá.

Hoàng Sa trong tâm trí của những chàng trai ra đi với lời hò hẹn của bao thiếu nữ trên bờ mong ngày trở về như những sợi dây vô hình nối chặt đất liền với biển đảo Hoàng Sa như là máu thịt.

Vũ Trung
(trích phóng sự "Tường trình từ Hoàng Sa" của báo điện tử VietNamNet)

website stat

10 tháng 4, 2010

Đảo Bạch Long Vĩ căng thẳng mới Việt Nam và Trung Quốc ?

Sơ lược về Bạch Long Vĩ

Đảo Bạch Long Vĩ là hòn đảo thuộc huyện Bạch Long Vĩ, trực thuộc thành phố Hải Phòng. Đảo này nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, cách thành phố Hải Phòng khoảng 110 km, có diện tích khoảng 2,5 km² khi nước thủy triều lên cao và khoảng 4 km² khi thủy triều xuống thấp.


Huyện đảo Bạch Long Vĩ

Theo tin từ trang web của Huyện đảo Bạch Long Vĩ thì hòn đảo này có khoảng 80 hộ dân, với hơn 350 người đang sinh sống. Nhưng số người có mặt trên đảo thường nhiều hơn con số này cả chục lần, gồm các hộ gia đình, các doanh nghiệp, thanh niên xung phong và cán bộ nhà nước. Khách vãng lai cũng thường có mặt ở đây, đa số đến từ các tầu cá neo đậu xung quanh đảo, nếu tính cả khách vãng lai, dân cư trên đảo khoảng trên dưới 4.000 người. Ngoài ra, các đơn vị hải quân cũng có mặt trên hòn đảo này.

Diễn biến mới nhất

Theo tin từ các cơ quan truyền thông trong nước và báo chí nước ngoài trong mấy ngày qua, Trung Quốc đang tranh chấp đảo Bạch Long Vĩ với Việt Nam.
Bản tin trên báo Việt Nam Net và báo Tuổi Trẻ có viết về chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến đảo Bạch Long Vĩ từ ngày 30-03 đến 01-04. Tại đó, chủ tịch nước đã khẳng định: “Dù là đảo nhỏ nhưng Bạch Long Vĩ là tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và là hòn đảo tiền tiêu có ý nghĩa quan trọng cả về an ninh quốc phòng lẫn kinh tế – xã hội“.
Sau đó thì tờ EarthTimes ngày 2-4 với tựa đề “Lãnh đạo Việt Nam nguyện bảo vệ lãnh thổ trên Biển Đông”, có nhắc chuyện Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được hai tàu hải quân hộ tống ra thăm đảo Bạch Long Vĩ: “Việt Nam đã kiểm soát Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng một số viên chức Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam về hòn đảo này“.
Rồi tờ South China Morning Post số ra ngày 4-4, bài báo có tựa đề “Hà Nội để mắt tới quân bài Asean trên Biển Đông”, có 2 đoạn cũng nhắc tới chuyện tranh chấp hòn đảo Bạch Long Vĩ: “Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đi tới một hòn đảo đang tranh chấp để nói với các sĩ quan hải quân Việt Nam chuẩn bị ‘chiến đấu cho chủ quyền của tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào’”. Và một đoạn khác: ”Hôm thứ sáu, ông Nguyễn Minh Triết đã tổ chức một chuyến viếng thăm hiếm hoi tới một căn cứ hải quân Việt Nam trên hòn đảo đang tranh chấp Bạch Long Vĩ giữa miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam“.
Cũng trong ngày 4-4, bản tin tiếng Trung trên tờ BBC có tựa đề: Nguyễn Minh Triết thăm các đảo trên biển Nam Hải, tuyên bố bảo vệ ‘chủ quyền’, với 2 chữ “chủ quyền” được đặt trong ngoặc kép. Bản tin này có đoạn “Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này”.Hai ngày sau, ngày 6-4, bản tin tiếng Trung trên tờ Nhân dân Nhật báo nói về việc Việt Nam lợi dụng chức Chủ tịch để thảo luận vấn đề biển Đông trong Hội nghị Thượng đỉnh Asean, bài viết có đoạn: “Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này”.
Ngày 7-4, một bài trên diễn đàn của tờ Nhân dân Nhật báo có nêu chủ đề: Giải pháp nào cho các tranh chấp trên biển Đông, trong đó có đoạn nhắc tới Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến thăm các đảo “tranh chấp” ngày 01-04 như sau: “Chủ tịch Việt Nam một lần nữa đến thăm các đảo đang tranh chấp ngày 1 tháng 4, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với các hòn đảo nằm ở giữa Việt Nam và tỉnh Hải Nam, Trung Quốc”.
Ngày 9-4, mạng Sina cũng có đăng bài nói tới “tin vui” về việc Trung Quốc sắp lấy lại các đảo ở Việt Nam, trong đó có đảo Bạch Long Vĩ. Bài báo còn nói rằng, trong Hiệp định phân vịnh Vịnh Bắc Bộ, hai nước chỉ phân chia vùng biển, chứ không nói đến chủ quyền của hòn đảo Bạch Long Vĩ và Việt Nam chỉ tạm thời giữ đảo Bạch Long Vĩ chứ không có chủ quyền.
Mạng Sohu cũng có nhắc tới Bạch Long Vĩ, người viết bài còn cảm ơn Hội Địa Lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google vì đã để chữ “Tây Sa” (tức Hoàng Sa) là lãnh thổ Trung Quốc.
Vào hôm nay (10-04-2010)báo điện tử Vitinfo đưa tin:"Hai tàu ngư chính của Trung Quốc sẽ tới Vịnh Bắc Bộ tác nghiệp "
Liệu có phải Trung Quốc thật sự muốn lấy đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam, hay còn có ý đồ nào khác trong vấn đề này?

Tồng hợp từ internet.

website stat

8 tháng 4, 2010

Ký sự: 10 ngày nghẹt thở trên vùng biển Hoàng Sa

LTS: Những ngư dân đang ngày đêm bám biển Hoàng sa để mưu sinh như những chiến binh canh giữ đất trời ngoài trùng dương của tổ quốc. Họ như những cột mốc “sống” khẳng định chủ quyền trường tồn trên vùng biển đảo Hoàng Sa suốt mấy trăm năm nay.

Phóng viên VietNamNet đã có 10 ngày lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa cùng ngư dân với lời dặn trước khi xuất phát: Nếu bị tàu Trung Quốc rượt đuổi có thể phải huỷ máy ảnh, máy tính mang theo xuống biển và bị bắt giữ thì tự chịu trách nhiệm. Khi phóng viên vừa về đất liền thì nhận được tin chiếc tàu cùng đoàn bị tàu Trung Quốc bắt.

Để giúp độc giả hiểu cuộc sống và sự quật cường của ngư dân nơi vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi xin đăng tải loạt phóng sự “Tường trình từ vùng biển Hoàng Sa” với những hình ảnh, câu chuyện nóng hổi phóng viên vừa mang về.

Trước khi đăng tải loạt bài, chúng tôi - Những người làm báo VietNamNet xin được chân thành cảm ơn bà con ngư dân hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Đặc biệt là hai thuyền trưởng, kiêm chủ tàu Nguyễn Thanh Tuấn và Tiêu Viết Hồng (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã từng đùm bọc, chở che, giúp đở, chia sẽ từng giọt nước, miếng cơm trong những ngày chúng tôi lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa.


Kỳ I: Vượt biển ra Hoàng Sa

- Qua nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi được một chủ tàu chấp nhận cho làm ngư dân “không số” lên tàu đánh bắt xa bờ ra Hoàng Sa với điều kiện là chuẩn bị tinh thần chịu đựng gian khổ và hiểm nguy. Nếu bị tàu Trung Quốc rượt đuổi có thể phải huỷ máy ảnh, máy tính mang theo xuống biển và bị bắt giữ thì tự chịu trách nhiệm.
Tôi chấp nhận tất cả và âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi đầy hiểm nguy này! Bất chợt tôi nhớ câu thơ mà một lão ngư dân đọc cho tôi nghe khi hỏi chuyện về Hoàng Sa nơi Âm Linh Tự trong một sáng đầu xuân ở huyện đảo Lý Sơn: “Hoàng sa, trời nước mênh mông; Người đi thì có, người về thì không…” mà lòng tôi quặn thắt cho số phận những ngư dân ngày đêm mưu sinh trên vùng biển Hoàng Sa. Rất nhiều những chàng trai ra đi mãi mãi không về, thân xác họ vùi dưới lòng biển sâu bởi bão tố cuồng phong nhấn chìm…

Hơn 50 giờ ra Hoàng Sa


Để chuẩn bị cho chuyến đi “lành ít, dữ nhiều” này, tôi không còn thời gian để suy nghĩ cho riêng mình. Chỉ biết rằng, chuyến đi sinh tử ra Hoàng Sa ấy là niềm khao khát cháy bỏng nhiều năm tôi mơ một lần được nhìn thấy vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc sau hơn 36 năm nằm trong tay của ngoại bang bây giờ sẽ như thế nào. Số phận mong manh của những ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ thu tàu trắng tay lên bờ mà tôi đã từng gặp, họ đã sống và mưu sinh nơi vùng biển này ra sao?

Tàu đánh bắt của ngư dân ra đảo Hoàng Sa.

Bỏ lại phía sau phố phường tấp nập, với bao trăn trở suy tư của cuộc sống đời thường, tôi khoát bộ đồ lao động trở thành ngư dân “không số” lên chiếc tàu đánh bắt xa bờ 120 CV mang số hiệu Qng-95…TS của một ngư dân Quảng Ngãi rời cảng Sa Kỳ trong một sáng giữa tháng 3 ra vùng biển Hoàng Sa trong sự can ngăn, lo lắng của bạn bè và người thân.

Trên con tàu công suất 120 CV nhỏ bé, tổng cộng 12 thuyền viên. Tôi là “thuyền viên không số” thứ 13 không tính thuyền trưởng, kiêm chủ tàu. Hình như con số 13 không may mắn với người phương tây. Nhưng với bà con ngư dân thì họ chẳn hề suy nghĩ.

Chuẩn bị lương thực, nước uống, dầu trước khi ra Hoàng Sa.

Vị thuyền trưởng, kiêm chủ tàu đồng ý cho tôi đi theo bảo rằng: “Có thể tàu chật, nhưng tấm lòng anh em tụi tui không chật. Chỉ mong anh cố mà chịu đựng gian khổ, chia sẽ cùng anh em. Có phước cùng hưởng, có hoạ cùng chia…” Tôi hiểu lời trấn an ấy. Bởi ra khơi, thì mặt biển mênh mông ấy là không bến bờ. Không có bất cứ thước kẻ nào vạch được cái đường biên hình học duy lý lên bề mặt của đại dương biển cả. Chỉ có tình thương yêu bọc đùm, tạo thành một khối mới có thể vượt qua những bất trắc hiểm nguy nơi mặt đại dương hoang dại

Chuyến ra Hoàng Sa âm thầm ấy, tôi đã mang nặng bao tấm lòng ân nghĩa của bà con ngư dân nơi vùng biển khó nghèo này giành cho tôi. Nhiều ngư dân tôi gặp nơi cảng Sa Kỳ, tất cả đều ái ngại khi biết tôi ra Hoàng Sa không phải để đi chơi hay đánh bắt mà là chuyến đi sinh tử đánh cược số phận cho rủi may để thực hiện thiên chức của người làm báo tôn trọng sự thật.


Ngư dân thắp hương nguyện cầu trước khi xuống tàu ra Hoàng Sa.

Nhiều ngư dân khi biết tôi quyết định ra Hoàng Sa đầy hiểm nguy thì ái ngại. Họ bảo rằng, nếu ra Hoàng Sa thì tôi là người “ngoại đạo” đầu tiên đến vùng biển đảo đầy hiểm nguy này. Tất nhiên, ai gặp tôi cũng đều tay bắt với lời cầu chúc an lành. Nhiều người trong số họ còn làm phép cầu phúc lành cho tôi một chuyến đi dữ ít lành nhiều. Thú thực, lòng tôi rưng rưng khi những tấm lòng bao dung của bà con ngư dân nơi vùng biển này giành cho tôi-Một đứa con không phải của biển!

Hành trình hơn 50 giờ đồng hồ với khoản thời gian tính của bà con ngư dân là hơn 2 ngày 2 đêm ra Hoàng Sa. Trong chuyến hải hành gian nan và hiểm nguy ấy, khi tận mắt chứng kiến cảnh lão ngư dân, kiêm thuyền trưởng trên tàu đưa tôi ra Hoàng Sa đã hai lần dừng tàu trước khi ra cửa biển để lễ vật khấn vái ơn trên phù hộ độ trì cho chuyến ra khơi. Tôi mới thấy hết những hiểm nguy rập rình, mà chổ dựa của những ngư dân nghèo này không nơi bấu víu. Họ chỉ tin vào thế giới tâm linh như sức mạnh nhiệm màu giúp họ vượt qua tai ương của biển cả luôn rập rình ngoài vùng biển Hoàng Sa!

Lời cầu khẩn trước biển của lão ngư dân thuyền trưởng Nguyễn T.T trong buổi sáng ra khơi đã phải 2 lần quay đầu tàu hướng về đất mẹ để cầu khẩn nghe sao mà thắt lòng. Thú thật, lòng tôi đau nhói khi những lời cầu khấn của bao số phận ngư dân gửi gắm đức tin vào một đấng linh thiêng vô hình nào đó của biển, của đất trời. Họ cầu cho những đứa con từng cưỡi sóng đạp gió ra khơi được an lành, mà lòng tôi tự hỏi có ngư dân nào trước khi ra biển không lễ lạt thành khẩn gửi lòng tin vào tâm linh?!

Bài học đầu tiên khi ra Hoàng sa

Vượt qua vùng biển Lý Sơn chừng 70 hải lý, biển mênh mông không một bóng tàu qua lại. Con tàu nhỏ bé như một chiếc lá trôi bập bềnh giữa biển bao la. Thế giới nhỏ bây giờ của tôi với 12 thuyền viên trên tàu là 6 m2 làm nơi ăn, ngủ, nghỉ. Diện tích khiêm tốn còn lại giành cho chứa dầu và lương thực, nước uống.

Tài công N. V. A., người đã có hơn 17 năm bám vùng biển Hoàng Sa thấy tôi sốt ruột bảo rằng: Phía trước là Hoàng Sa, người ra biển không được nóng vội. Cho dù có gặp bất trắc cũng phải bình tỉnh để đối mặt. Đó là bài học đầu tiên trong đời làm báo tôi học được trong chuyến ra Hoàng Sa lần này.

Mênh mông biển Hoàng Sa.

Những ngày lênh đênh trên biển, tôi đã nhận ra tấm lòng bao dung rộng như biển cả của bao ngư dân tôi gặp. Họ sẵn sàng chấp nhận những hiểm nguy về phía mình để cho anh em đồng đội được bình yên. Lão thuyền trưởng Nguyễn T.T. đã từng bảo với tôi rằng: “Sống giữa biển cả nguy hiểm này, nếu không thương yêu đùm bọc nhau thì khó lòng mà vượt qua những tai ương rập rình phía trước. Tình đoàn kết, lòng yêu thương nhau là điều thiêng liêng nhất mà mỗi thuyền viên trên tàu tâm niệm…”

Đêm ngày thứ 2, khi con tàu đi ngang qua đảo Phú Lâm, Tri Tôn, là những hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm giữ của Việt Nam hơn 36 năm qua. Đứng nhìn từ xa trong màn đêm đen dày đặc giữa biển, mắt tôi chỉ thấy quầng sáng và ánh đèn nhấp nháy của đèn tín hiệu mà ngực tôi như nghẹn lại và lòng đau quặn thắt. Bởi vùng đất thiêng ấy đã thấm đẫm bao máu, mồ hôi, nước mắt của cha ông mấy trăm năm trước bỏ công khai phá bây giờ đang nằm trong tay ngoại bang.

Đi ngang qua những hòn đảo, một phần đất máu thịt của tổ quốc, nhưng tôi không được đặt chân đến. Con tàu cứ thế chầm chậm trôi đi trong bóng đêm dày đặc. Tất cả đèn trên tàu đều được tắt, âm thanh duy nhất chỉ là tiếng máy nổ của chiếc tàu bị sóng biển ầm ào nuốt chửng. Ngồi trong ca bin tàu cùng với tài công N.V.A, mắt tôi đăm đắm nhìn về hướng đảo Tri Tôn chỉ nhận ra ánh đèn đỏ chớp nháy liên hồi.

Tài công N.V.A thở dài bảo với tôi rằng: “Mỗi lần tàu đánh cá của bà con mình ra vùng biển Hoàng Sa, khi đi qua các đảo đều phải chọn ban đêm, không dám đi ban ngày vì sợ tàu tuần tra Trung Quốc phát hiện rượt bắt. Mỗi lần đi ngang qua đây, tụi tui đau lắm. Không biết đến bao giờ mới hết cảnh khổ đi qua vùng đất của tổ quốc mà không dám ngước nhìn. Hỏi răng không đau được…”

Có ra Hoàng Sa, được nghe bà con ngư dân kể lại nổi gian khó nhọc nhằng những ngày bám biển, mới thấm hết được cái giá mà ông cha ta đã trả để bảo vệ. Giờ đây, cho dù phần đất thiêng liêng ấy vẫn còn trong tay của ngoại bang. Nhưng tất cả những ngư dân ngày đêm bám nơi vùng biển này vẫn luôn tự hào về quá khứ hào hùng của cha ông mấy trăm năm trước. Tất cả họ đều mơ đến một ngày không xa, Hoàng Sa, mãnh đất thiêng ấy không còn trong tay ngoại bang.

Suốt chuyến hải hành khi tàu chúng tôi đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa, bắt đầu đi ngang qua đảo Phú Lâm, xuống Hai Trụ, Tri Tôn về đảo Bom Bay được ngư dân mệnh danh là vùng biển “tử thần” hay vùng biển “chết”. Bởi nơi vùng biển này chỉ tính trong hơn 10 năm qua đã có hàng trăm tàu của ngư dân Việt Nam chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt tại đây bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp tàu và đòi tiền chuộc. Thậm chí nhiều người bỏ mạng, bị thương vì bị lính Trung Quốc nổ súng bắn…

Kỳ 2: Nín thở đi qua vùng biển 'tử thần'

- Suốt chuyến hải hành khi tàu chúng tôi đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa, bắt đầu đi ngang qua đảo Phú Lâm, xuống Hai Trụ, Tri Tôn về đảo Bom Bay được ngư dân mệnh danh là vùng biển “tử thần” hay vùng biển “chết”.

Bởi nơi vùng biển này chỉ tính trong hơn 10 năm qua đã có hàng trăm tàu của ngư dân Việt Nam chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt tại đây bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp tàu và đòi tiền chuộc. Thậm chí nhiều người bỏ mạng, bị thương….

Đi qua vùng biển “tử thần”

Trước khi tàu bắt đầu chạy qua vùng biển đảo Phú Lâm, tôi được lệnh của thuyền trưởng Nguyễn T.T. yêu cầu đem toàn bộ máy móc bọc vào túi ni-lon cột chặt đưa cất giấu dưới hầm tàu để đề phòng khi tàu Trung Quốc phát hiện bắt giữ .

Chuẩn bị vượt qua vùng biển "tử thần"

Thuyền trưởng T. bảo: “Nếu không may bị tàu TQ bắt giữ, phát hiện anh đem theo máy ảnh, chắc chắn anh khó có đường trở về. Vì vậy, trường hợp xấu nhất, có thể phải vứt bỏ toàn bộ máy móc anh mang theo xuống biển, nếu như anh muốn bảo toàn mạng sống để trở về…”

Không biết thực hư lời cảnh báo đó như thế nào. Nhưng trong hơn 10 giờ tàu chạy trong bóng đêm qua vùng biển được bà con ngư dân mệnh danh là vùng biển “tử thần” hay vùng biển “chết” này, toàn bộ đèn trên tàu được lệnh tắt. Chỉ còn bóng điện nhỏ đủ soi sáng chiếc la bàn đặt trước bánh lái cho tài công định hướng chạy tàu giữa đêm đen trên biển.

Trên gương mặt thuyền trưởng Nguyễn T.T lộ rõ vẻ căn thẳng, mắt luôn quan sát phía trước và hai bên. Thuyền trưởng T. kể: Hơn 22 năm bám vùng biển Hoàng Sa từ những ngày còn là ngư dân đi bạn đến khi sắm tàu, anh thuộc vùng biển này như lòng bàn tay và nhận biết ánh đèn của các tàu.

Đâu là tàu đánh bắt của ngư dân Việt Nam, đâu là tàu quân sự, tàu tuần tra của Trung Quốc. Trừ trường hợp tàu tuần tra của Trung Quốc bất thần xuất hiện thì bó tay. Nếu phát hiện từ xa, thì còn có cơ may chạy thoát.

Chỉ tính trong hơn 10 năm qua đã có hàng trăm tàu của ngư dân Việt Nam, chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt tại đây bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp tàu và đòi tiền chuộc. Thậm chí nhiều người bỏ mạng, bị thương….

Nơi vùng biển “tử thần” này, chỉ mới hôm ngày 23-3, khi trên đường từ Hoàng Sa trở về, tôi lại nhận được tin tàu của ông Tiêu Viết Là, một tàu đánh bắt công suất 70 CV mang số hiệu Qng-50362 mà tôi đã gặp nơi vùng biển Hoàng Sa cùng 12 thuyền viên trên tàu đang đánh bắt cách đảo Phú Lâm khoảng chừng 4 hải lý đã bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ đòi khoảng tiền chuộc hơn 150 triệu đồng.

Tôi vuốt ngực, ơn trời tôi đã gặp may. Nếu hôm 22-3, tôi ở lại trên chiếc tàu ấy, chắc giờ này đã trở thành “con tin” bị Trung Quốc bắt giữ nơi đảo Phú Lâm.

Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện mà ông Là kể cho tôi nghe hoàn cảnh khi ông đã 2 lần trắng tay vì bị Trung Quốc bắt giữ thu tàu. Sự đời người ta bảo”họa bất hoá tam”, nhưng với ông, lần bị bắt này là thứ 3 trong vòng hơn 5 năm qua.

Ông kể: 2 lần trắng tay trở về, rồi đi bạn làm thuê không đủ nuôi vợ con 7 người trên bờ. Đánh liều ông vay tiền mua tàu và ra Hoàng Sa. Lần này thì ông cùng 11 thuyền viên tiếp tục bị bắt, thu tàu, đòi tiền chuộc với số tiền vượt ngoài khả năng của một ngư dân nghèo.

“Việc ngư dân Việt Nam đi ngang hay đánh bắt tại khu vực đảo Phú Lâm, Tri Tôn thường xuyên bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ thu tàu xảy ra như cơm bữa trong những năm gần đây. Bởi Trung Quốc không muốn sự có mặt thường xuyên của ngư dân Việt Nam tại vùng biển này. Nhưng đây là vùng biển chủ quyền của Việt Nam, việc Trung Quốc bắt giữ tàu đòi tiền chuộc là vô lý…”, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn nói.


Tàu ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam

Đó là chưa kể hàng trăm tàu khác với hàng trăm ngư dân phải bỏ mình nơi vùng biển này vì bão tố.

Chỉ tính riêng trận bão Chan Chu hồi tháng 5-2006, đã có hơn 158 ngư dân tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng bỏ mình khi đánh bắt tại khu vực biẻn Hoàng Sa bị cơn bão Chan Chu nhấn chìm.

Hơn 10 giờ nghẹt thở

Suốt chuyến hải hành chạy ngang vùng biển đảo Phú Lâm, Tri Tôn đến vùng biển đảo Bom Bay phải mất hơn 10 giờ tàu chạy trong bóng đêm.

Thuyền Trưởng Nguyễn T.T bảo với tôi rằng: “Đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ. Cách đây chừng 10 năm, vùng biển này còn là vùng biển chung, tàu đánh bắt các nước trong khu vực cùng đánh bắt quanh các đảo. Nhưng không hiểu tại sao, mấy năm gần đây Trung Quốc lại tăng cường tuần tra, không cho tàu các nước đánh bắt, muốn độc chiếm khu vực biển Hoàng Sa và không muốn sự xuất hiện của ngư dân Viẹt Nam, nên thường xuyên bắt giữ thu tàu…”.


Những chiếc tàu đã từng vượt qua vùng biển "tử thần" an toàn


Còn thuyền trưởng Trương Minh Quang thì bảo rằng, anh đã có hơn 22 năm bám nơi vùng biển Hoàng Sa. Những năm trước, khi đánh bắt cũng như đi qua vùng biển này vào ban ngày đều bình yên. thường xuyên gặp tàu Trung Quốc tuần tra, không hề bị xua đuổi hay bắt bớ. Nhưng không hiểu vì sao độ chừng 5 năm trở lại đây, tàu quân sự và kiểm ngư của Trung Quốc lại có những động thái bắt giữ tàu đánh bắt của bà con ngư dân Việt Nam.

Đến 1 giờ sáng đêm ngày thứ 3, tàu chúng tôi đã vượt qua vùng biển “tử thần” nằm sát đảo Phú Lâm chừng 10 hải lý. Vùng biển đảo chìm Bom Bay hiện ra trong màn đêm. Theo tay chỉ của thuyền trưởng T., đảo chìm Bom Bay hiện ra giữa mênh mông biển cả chỉ xác định qua ánh đèn hiệu nhấp nháy được Trung Quốc cho xây dựng trên đảo này.

Đây là đảo không có lực lượng quân sự Trung Quốc đóng giữ. Nhưng theo thuyền trưởng T. cho biết, thỉnh thoảng tàu quân sự và tàu kiểm ngư Trung Quốc vẫn thường xuyên tuần tra tại khu vực này. Nhiều tàu đánh bắt của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị bắt giữ.

Tuy nhiên, vùng biển quanh đảo Bom Bay vẫn là ngư trường tương đối an toàn cho bà con ngư dân đánh bắt vào ban đêm. Đặc biệt là nghề lặn biển săn tìm hải sâm, tôm hùm và các loài cá quí nhiều vô kể nơi các rạn san hô quanh đảo.

Phía bên kia là đảo Phú Lâm cách 10 hải lý

Điểm quyết định dừng tàu để chuẩn bị đánh bắt lúc 1 giờ sáng ngày thứ 3 sau chuyến ra Hoàng Sa được thuyền trưởng T. xác định là cách đảo Bom Bay chừng 2 hải lý nằm ở toạ độ 16 độ 03-447N và 112 độ 26-854E thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Cả rạn san hô quanh khu vực đảo Bom Bay kéo dài hơn 12 hải lý là ngư trường tốt nhất cho nghề lặn biển vào ban đêm của ngư dân Việt Nam.

Thuyền phó T.V. A. chuẩn bị đồ nghề cho đêm đánh bắt đầu tiên ra Hoàng Sa. Thời gian được ấn định cho hai nhóm thợ lặn là 4 giờ đồng hồ, chia làm 2 ca. Sau đó, tàu phải lập tức rời nơi đánh bắt trước 5 giờ sáng ra hải phận quốc tế neo đậu để tránh tàu tuần tra Trung Quốc truy đuổi bắt giữ.

Vũ Trung (còn tiếp)
Nguồn: VietNamNet

website stat