31 tháng 5, 2011

Sự Kiện “BÌNH MINH”



Hình chụp tàu Bình Minh (ở trên) và bên dưới là tàu Trung Quốc


Khi nói về các tranh chấp trên Biển Đông, thí dụ như tranh chấp nghề cá hoặc tranh chấp dầu khí, ít nhất cho đến gần đây, nhận thức thuần túy của người Việt cũng như thế giới là đó là do tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Song, sự thật nghiêm trọng hơn thế nhiều.

Trung Quốc không chỉ hài lòng với tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và những vùng biển mà theo luật quốc tế thì thuộc hai quần đảo này, họ bành trướng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan, ra phần lớn Biển Đông. Thậm chí, có thể nói rằng Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để làm hỏa mù nhằm che dấu tính vô lý của một yêu sách về biển có một không hai trong lịch sử hải dương.

Là nước láng giềng của Trung Quốc, hệ quả cho Việt Nam là vùng biển thuộc Việt Nam bị Trung Quốc tranh chấp trải dài từ cửa Vịnh Bắc Bộ xuống đến bồn trũng Nam Côn Sơn. Điều đó tạo ra một sự đe dọa nghiêm trọng cho kinh tế, quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ và nền độc lập của Việt Nam.

Sự kiện “Bình Minh”

Ngày 26/5/2011, ba tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp tàu khảo sát địa chấn tên Bình Minh của Việt Nam và phá hoại thiết bị của tàu này. Sự kiện Bình Minh không phải là một sự kiện đơn lẻ mà là một hành vi trong một chính sách của Trung Quốc nhằm bành trướng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.


Để hiểu sự kiện Bình Minh có thể xem Bản đồ 1.

Sự kiện này xảy ra tại điểm X trên bản đồ, tọa độ, 12°48¢ 25² Bắc, 111°26¢48² Đông. Các đốm tròn là lãnh hải 12 hải lý chung quanh các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và bãi cạn Scarborough. Đường xanh lá cây bao quanh hai quần đảo là đường cách đều hai quần đảo này và các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp. Đường xanh da trời từ cửa Vịnh Bắc Bộ ra đến quần đảo Hoàng Sa là đường cách đều Việt Nam –Hải Nam không tính quần đảo Hoàng Sa. Đường xanh da trời từ quần đảo Hoàng Sa đi xuống phía Nam là đường 200 hải lý tính từ bờ biển đất liền Việt Nam.

Chiếu theo các án lệ của Tòa án Công lý Quốc tế và tập quán ngoại giao, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ không vươn xa hơn các đốm tròn nhiều. Vì điểm X nằm cách xa các đốm tròn này, chiếu theo luật quốc tế nó sẽ không nằm trong vùng biển thuộc hai quần đảo này, tức là không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Giả sử như không chiếu theo luật quốc tế mà theo trí tưởng tượng phong phú nhất về sự công bằng đi nữa, thì cũng chỉ có thể cho rằng các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có giá trị ngang hàng với đất liền trong việc vạch ranh giới. Với trí tưởng tượng đó thì vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng chỉ vươn ra đến đường cách đều, tức là điểm X vẫn không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Như vậy, việc tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp tàu Bình Minh và phá hoại thiết bị của tàu này là một hành vi bành trướng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Đó không phải là hành vi duy nhất.

Một chính sách có hệ thống

Có thể nói rằng Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa như hỏa mù để ngụy trang cho chủ trương chiếm phần lớn Biển Đông.

Trung Quốc hiện đang “cấm đánh cá” trong vùng biển phía bắc 12° Bắc và phía tây 113° Đông. Vùng biển này bao gồm một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của Việt Nam không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đáng chú ý về vùng “cấm đánh cá” này là Trung Quốc đã thiết kế nó sao cho xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước Đông Nam Á nào khác, và không xâm phạm vùng bên ngoài 200 HL, nơi cả thế giới có quyền đánh bắt.

Cũng có thể thấy trên Bản đồ 1 rằng hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch, được đánh dấu bằng ký hiệu M và H, không thể nào có liên quan với tranh chấp Trường Sa. Hai vùng này cũng nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Năm 2007 Trung Quốc đã ép BP rút ra khỏi hợp tác với Việt Nam trong hai vùng này.

Tiếp tục đi ngược thời gian, vào năm 1992 Trung Quốc ký hợp đồng khảo sát dầu khí với công ty Mỹ Crestone trong vùng Tư Chính (đường tím trong Bản đồ 1). Trung Quốc còn tuyên bố rằng sẽ dùng hải quân để yểm trợ việc khảo sát. Khu vực cụ thể của hợp đồng này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chiếu theo luật quốc tế thì vùng Tư Chính không nằm trong tranh chấp Trường Sa.

Những điều trên thể hiện một chính sách có hệ thống của Trung Quốc để bành trướng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Có thể nói rằng Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa như hỏa mù để ngụy trang cho chủ trương chiếm phần lớn Biển Đông.

Việt Nam phải làm gì

Ngày nay, một lần nữa Việt Nam phải đối diện với tham vọng mở rộng lãnh thổ xuống phương Nam của Trung Quốc. Cùng với những đòi hỏi và những hành động đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc còn thể hiện quyết tâm đòi hỏi gần như toàn bộ Biển Đông.
Cơ bản, chúng ta phải tích cực chống lại sự đe doạ này với một sự tích cực không kém gì tổ tiên ta đã từng giữ nước. Trong vô số việc phải làm, dưới đây là một số việc cụ thể Việt Nam nên làm.

Việt Nam phải xác định và khẳng định ranh giới cho các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và khẳng định rằng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể nằm trong các vùng biển đó. Những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bên ngoài vùng tranh chấp đó là một sự bành trướng vô cớ vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn.
Sau khi xác định, Việt Nam phải công bố rộng rãi các ranh giới biển của mình. Tất cả các bản đồ Việt Nam nên thể hiện quan điểm của Việt Nam về đâu là ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, đâu là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam nên gửi bản đồ thể hiện quan điểm đó đến các nước trên thế giới và các cơ quan quốc tế. Như vậy để thế giới thấy yêu sách của Việt Nam là gì và yêu sách đó công bằng và phù hợp với luật quốc tế hơn yêu sách của Trung Quốc.

Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích Biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng những ranh giới hợp lý và minh bạch.

Kế đến, Việt Nam nên tranh thủ và đàm phán với các nước Đông Nam Á trong tranh chấp về các ranh giới mà mình chủ trương. Trước nhất, Việt Nam và các nước này nên đi đến một quan điểm chung về ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Sau đó, Việt Nam và các nước này nên đi đến một thực tế ngoại giao trong đó tất cả đều ủng hộ nạn nhân trong trường hợp xảy ra việc xâm phạm chủ quyền bên ngoài ranh giới của vùng tranh chấp.

Trong những trường hợp xâm phạm như sự kiện Bình Minh, nếu tất cả các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều lên án hành vi của Trung Quốc thì tiếng nói chung đó sẽ mạnh mẽ hơn nếu chỉ cho Việt Nam lên án.
Dù sao đi nữa, trong mỗi trường hợp cụ thể, mọi sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam đều phải trả một giá xứng đáng trong lãnh vực ngoại giao và hình ảnh của nước xâm phạm trước cộng đồng quốc tế. Hình ảnh xứng đáng cho nước có hành động xâm phạm ngang ngược, là một hình ảnh ngang ngược. Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn.

Dương Danh Huy
Nhà nghiên cứu về biển Đông

Nguồn:BBC

29 tháng 5, 2011

Không còn là “tàu lạ”

Nếu như trước đây, tàu của ngư dân VN bị tấn công giữa biển hoặc bị bắt giữ để đòi tiền chuộc, chúng ta còn bán tín bán nghi hay ngại ngần để đặt cho nó một cái tên là “tàu lạ” thì sự việc xảy ra trên biển Đông, trong vùng lãnh hải của VN rạng sáng ngày 26.5, thì đã có thể gọi đích danh đó là tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84


Tàu hải giám 84 Trung Quốc. Ảnh: báo Thanh Niên

Trong buổi tiếp xúc với các cơ quan truyền thông ngày 27.5 tại Hà Nội, ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) đã nói thẳng đó là hành động xâm phạm lãnh hải VN trắng trợn và ngang ngược của Trung Quốc, vừa đe dọa an ninh chủ quyền quốc gia vừa làm thiệt hại về kinh tế cho PVN. Vậy là, cái gọi là “đường lưỡi bò” mà phía Trung Quốc từng rao giảng lâu nay để khẳng định “biên giới” của họ trên biển Đông không còn là chuyện “nói lấy được” nữa mà họ đã cụ thể hóa lời tuyên bố đó bằng hành động cụ thể.

Việc xâm phạm lãnh hải của một quốc gia có chủ quyền bằng những con tàu “hùng hổ”, mang số hiệu và treo cờ một cách công khai như thế, điều đó nói lên rằng, Trung Quốc đã coi biển Đông như là “nhà” của họ, vừa thể hiện tính kẻ cả nước lớn, lại vừa thách thức công luận quốc tế. Nó cũng nói lên rằng, tất cả những văn bản mà họ đã ký kết với các nước ASEAN năm 2002 về ứng xử giữa các bên trên biển Đông cũng chỉ có ý nghĩa trên giấy mà thôi.

Cũng cần nhắc lại rằng, trong nhiều năm qua, hàng chục con tàu đánh cá của ngư dân VN, chủ yếu là ngư dân Quảng Ngãi đi đánh cá một cách hòa bình trên biển Đông thuộc lãnh hải VN nhưng đã bị phía Trung Quốc, hoặc là tấn công cho chìm tàu, hoặc là bắt giữ để đòi tiền chuộc khiến cho nhiều gia đình ngư dân trắng tay và tan nát. Và, chúng ta đã phải tự kiềm chế vì không muốn làm phức tạp thêm tình hình.

Nhưng người ta đã biến sự kiềm chế ấy của chúng ta thành mảnh đất màu mỡ cho sự ngang ngược và lộng hành. Rất nhiều lần, tàu của Trung Quốc đã vào sâu trong vùng lãnh hải của VN, cách đảo Lý Sơn chỉ 5 hải lý; thậm chí, có những hôm, tàu của họ đột ngột xuất hiện trên vùng biển thuộc vịnh Việt Thanh, nơi chỉ cách Dung Quất một tầm nhìn! Nhưng đó mới chỉ là những chuyến “thăm dò” chứ chưa manh động, còn hôm 26.5 vừa qua, tàu hải giám mang số hiệu 84 đã không còn mang tính “thăm dò” nữa mà họ đã càn quấy trực diện vào tàu của PVN. Đó không còn là “tàu lạ” nữa.

Bất cứ người VN nào cũng đều phẫn nộ trước hành động ngang ngược này. Vì vậy, chúng ta cần có một tiếng nói chính thức và quyết liệt ở những cấp cao hơn. Bởi vì, những thiệt hại về kinh tế của PVN tuy rất lớn, song mất mát lớn hơn cả là lòng tự tôn của dân tộc bị tổn thương.

Trà Sơn
Nguồn: Thanh niên online

28 tháng 5, 2011

Tàu Trung Quốc đột nhập biển Phú Yên; phá hoại, uy hiếp tàu Việt Nam

HÀ NỘI 27-5 (NV) - Ba tàu tuần biển Trung Quốc mà họ gọi là ‘hải giám’ đã cắt cáp thăm dò dầu khí của một tàu khảo sát thuộc Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam, áp lực buộc tàu này ngưng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam.


Vị trí tàu địa chấn Bình Minh 02 bị ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại. (Hình: TTXVN)

“Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48'25” Bắc và 111o26'48” Ðông, cách mũi Ðại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.” TTXVN nói.
Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam hôm Thứ Sáu cho hay như vậy về hành động Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam về thềm lục địa, gây thiệt hại tài sản cho một công ty Việt Nam.

Nguồn tin thuật lại cuộc họp báo ở Hà Nội của ông Ðỗ Văn Hậu, phó tổng giám đốc Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam, nói vụ việc xảy ra vào lúc 5 giờ 5 phút sáng ngày Thứ Năm 26 tháng 5. Khi tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 đang hoạt động ở lô 148 thuộc khu vực biển phía Ðông tỉnh Phú Yên 120 hải lý, hoàn toàn nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì bị 3 tàu ‘hải giám’ Trung Quốc mang số hiệu 17, 72 và 84 phóng nhanh tới cắt cáp thăm dò.
Các tàu hải giám này còn ngang ngược tuyên bố tàu Bình Minh 02 “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”.

Bản tin TTXVN nói rằng “Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26 tháng 5 và thu lại các thiết bị đã bị hỏng để sửa chữa”.

Bình luận về hành động của Trung Quốc, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng của đại học George Mason University ở Hoa Thịnh Ðốn nói trong cuộc phỏng vấn của báo Người Việt chiều Thứ Sáu rằng “Hiện tượng này cho thấy Trung Quốc ngày càng tăng áp lực với Việt Nam. Trước giờ họ vẫn cấm đánh cá, bắt ngư dân Việt Nam, nhưng giờ lại tăng áp lực lên một mức nữa là phá luôn cả tàu của công ty Việt Nam.”

Ông Hùng nói tiếp rằng “Tôi nghiệm thấy hễ cứ Trung Quốc đấu dịu được với Hoa Kỳ thì sau đó lại tát tai Việt Nam. Tháng 1, 1979 khi có chuyến viếng thăm của các viên chức Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, lãnh tụ Trung Quốc nói có lẽ phải dạy cho Việt Nam một bài học và thấy Hoa Kỳ lúc đó không tỏ phản ứng gì, sau đó Trung Quốc đánh Việt Nam vào tháng 2.

Lần này, sau khi đấu dịu với Mỹ và nói Hải quân Trung Quốc còn lâu mới theo kịp Mỹ, Trung Quốc bèn tăng áp lực với Việt Nam. Chính sách của Trung Quốc là đang chia để trị. Trung Quốc tách riêng Phi Luật Tân ra khỏi khối ASEAN và muốn tách riêng Mỹ ra khỏi Việt Nam...”

Bản tin đài phát thanh Việt Nam (VOV) gọi hành động của 3 tàu tuần Trung Quốc là “hành động táo tợn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc đối với các hoạt động thăm dò dầu khí nằm rất sâu trong vùng lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này cũng đã vi phạm nghiêm trọng Công Ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc”.

Câu hỏi được đặt ra là “các tàu bảo vệ” được hiểu là tàu võ trang của hải quân CSVN sao không có hành động gì khi tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, bị đe dọa ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước mình theo luật biển LHQ? Vậy thì “các tàu bảo vệ” đến đó để làm gì?

TTXVN nói rằng sáng ngày Thứ Sáu, đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội “trao công hàm phản đối hành động nói trên của Trung Quốc” đồng thời “đòi bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”.

Trung Quốc ngang ngược nộp ở Ủy Ban Thềm Lục Ðịa và Luật Biển của LHQ bản đồ hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% biển Ðông, lấn sâu vào thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Việt Nam đã bác bỏ các đòi hỏi của phi lý của Bắc Kinh.
Ngày 3 tháng 6 tới đây, một diễn đàn về an ninh khu vực sẽ được tổ chức ở Singapore mà tin tức cho hay có cả sự lên tiếng của Lương Quang Liệt, bộ trưởng quốc phòng

Trung Quốc. Trên diễn đàn này hồi năm ngoái, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố Hoa Kỳ chống lại tất cả các hành động đe dọa các công ty hoạt động trên biển.

Các công ty dầu khí Anh Quốc và Hoa Kỳ đã phải từ bỏ hợp đồng dò tìm ký với Việt Nam sau khi bị Bắc Kinh đe dọa.

Talisman, công ty dầu khí lớn hàng thứ 3 của Canada gần đây loan báo năm nay sẽ khoan thăm dò tại các lô 133 và 134 ký với Việt Nam nhưng các lô này cũng bị Trung Quốc gọi là lô WAB-21 ở bên trong vùng “Lưỡi Bò”. Theo hãng tin Bloomberg thuật lời James Edmiston, giám đốc điều hành công ty dầu khí ở Houston Hoa Kỳ là Harvest Natural Resources Inc., rằng Trung Quốc “đã biểu lộ họ rất quan tâm đối với chuyện này và họ có thể can thiệp cách này hay cách khác”.

Tháng 10 năm ngoái, tàu kéo dây cáp dò tìm dầu khí của công ty Úc, Neon Energy, đã do 4 tàu hải quân Việt Nam hộ tống.

Công ty Exxon Mobil loan báo hồi tháng 3 vừa qua là khoan tìm dầu khí trong tháng 4 tại lô 119 (thềm lục địa ngoài khơi Ðà Nẵng, Quảng Ngãi) ký với Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam. Không thấy có tin tức gì loan báo hoạt động của Exxon-Mobil ở đây có gặp trở ngại gì không và công tác đã hoàn tất chưa.

Năm 2008, Exxon-Mobil đã phải từ bỏ dò tìm dầu khí ở các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn. Trước đó, năm 2007, công ty Anh quốc BP cũng bỏ chạy khỏi một lô khác ở Nam Côn Sơn. Cả hai công ty BP và ExxonMobil đã bị áp lực của Trung Quốc.

Nguồn: Người Việt online