31 tháng 5, 2013

Một loại nghiên cứu khoa học vô trách nhiệm?


Giới khoa học quốc tế kinh ngạc và lo ngại về một nghiên cứu của các nhà khoa học China trong việc tạo ra một chủng virus mới từ hai virus cúm gia cầm H5N1 và H1N1. Nghiên cứu này là một trường hợp tiêu biểu về một nền khoa học lệch định hướng đạo đức, và cũng là một chứng cứ về tính nguy hiểm của một số nhà khoa học China

Tuần vừa qua, một nhóm nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu thú y quốc gia China tuyên bố rằng họ đã thành công tạo ra một chủng virus mới bằng cách phối sinh hai virus H5N1 và H1N1. Tại sao họ tạo ra một chủng virus mới? Giáo sư Hualan Chen, chủ trì công trình nghiên cứu, giải thích rằng nhóm nghiên cứu muốn hiểu biết thêm về hai loại virus H5N1 và H1N1, và qua đó phát triển vắc-xin để phòng chống cúm gia cầm. Nhưng vấn đề khó hiểu là thế nào là “hiểu biết thêm” bằng cách tạo ra một chủng virus mới. Thật ra, giới khoa học quốc tế nghi ngờ mục tiêu cũng như lời giải thích của nhóm nghiên cứu.

Nghiên cứu thiếu suy nghĩ chín chắn
Trước hết, cần phải đặt vấn đề trong bối cảnh chung và vài dòng về virus cúm gia cầm. Các virus cúm được chia thành 3 nhóm chính: A, B và C.  Các virus thuộc nhóm B và C thường tìm thấy ở người nhưng chúng không có tác hại lớn, ngoại trừ gây ra vài rối loạn cấp tính đường hô hấp, chúng không có khả năng gây tử vong cho bệnh nhân.  Nhưng các virus thuộc nhóm A là đáng quan tâm hơn hết, bởi vì chúng có thể đột biến một cách nhanh chóng thành những virút có khả năng biến hóa thành những virus mà hệ thống miễn nhiễm của con người không nhận ra được (và không có khả năng phòng chống chúng)

Virus cúm thuộc nhóm A có cấu trúc gồm hai nhóm protein: hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA).  HA có 15 chi với mã danh H1 đến H15.  NA có 9 chi với mã danh N1 đến N9.  Virút H1N1 và H5N1 là một trong những chi virus này.  Virus thuộc chi H1, H2 và H3 đã được biết có lan truyền trong con người từ 100 năm qua.  Chẳng hạn như virus H1N1 không phải là virus mới, vì chúng có mặt trong heo từ rất lâu trên khắp thế giới.  Nhưng virus H5 thì vẫn còn là một “kẻ thù” xa lạ đối với hệ thống miễn nhiễm của con người.

Virus H5N1 và H1N1 hiện đang được thế giới quan tâm vì khả năng gây đại dịch của chúng. Cách đây gần 10 năm (2004), một đợt dịch cúm H5N1 làm hoang mang thế giới vì người ta nghĩ nó có thể trở thành đại dịch (nhưng điều đó không xảy ra). Tuy nhiên, virus H5N1 có thể biến hóa thành virus khác cùng nhóm, nhưng khả năng biến hóa đó chúng ta vẫn chưa biết ra sao. Virus H1N1 là nguyên nhân gây ra nạn đại dịch ở Tây Ban Nha vào năm 1918, giết chết khoảng 50 triệu người trên thế giới chỉ trong vòng 1 năm. Năm 2009, dịch cúm H1N1 (còn gọi là cúm heo vì virus này lan truyền trong heo), và trong vòng không đầy 3 tháng, cúm này đã lan sang 74 nước trên thế giới với hơn 30 ngàn ca bệnh và 200 ca tử vong. Do đó, có thể nói rằng thế giới chúng ta vẫn sống trong tình trạng bất an vì những virus nguy hiểm này vẫn có thể gây ra dịch bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Vì thế, việc sản sinh ra một chủng virus mới từ 2 virus có tiềm năng nguy hiểm là một điều rất khó hiểu. Thật ra, các nhà khoa học China không phải là nhóm đầu tiên nghĩ ra nghiên cứu này; một nhóm nghiên cứu Hà Lan cũng đã từng làm thí nghiệm (và đã công bố) trên virus H5N1, nhưng họ dừng lại không làm phối sinh với H1N1 vì họ chưa đảm bảo an toàn. Giáo sư Simon Wain-Hobson cho rằng thành tựu của nhóm nghiên cứu China có thể đáng khen về mặt kĩ thuật, nhưng ông cho rằng họ chưa suy nghĩ chín chắn việc họ làm.

Ngay sau khi bài báo khoa học được công bố, các nhà vi sinh học danh tiếng trên thế giới đã lên án việc làm này của nhóm nghiên cứu China. Cựu chủ tịch Viện hàn lâm Anh (Lord May of Oxford) cho rằng công trình nghiên cứu của China chẳng giúp cho chúng ta hiểu biết thêm về virus cúm gia cầm, và chẳng giúp ích gì trong việc phòng chống virus nguy hiểm này. Chẳng những không giúp ích gì, các nhà khoa học còn cảnh báo rằng nếu chủng virus mới mà họ tạo ra trong phòng thí nghiệm bị “tháo” ra ngoài thì một đại dịch mới sẽ xảy ra và trở thành một đại hoạ cho thế giới. Có nhà khoa học ước tính rằng nếu tỉ lệ tử vong dao động trong khoảng 0.1 đến 20%, và nếu một đại dịch xảy ra làm ảnh hưởng đến 500 triệu người thì số tử vong có thể dao động trong khoảng nửa triệu đến 100 triệu. Một nhà vi sinh học danh tiếng của Mĩ (Richard Ebright) thì không đánh giá cao công trình của China, ông cho rằng công trình này chẳng có thông tin gì mới để đặt thế giới vào một sự hiểm nguy như thế.

Một nền khoa học thiếu đạo đức
Thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến nhiều hành động mang tính vô trách nhiệm của China. Không nói đến những động thái quân sự hung hãn nhằm gây hấn với các nước láng giềng, China còn tung ra thị trường thế giới nhiều sản phẩm độc hại. Cục Quản lí thực phẩm và dược phẩm Mĩ (FDA) từng lên tiếng chỉ ra rằng các hàng thủy sản từ China thường bị nhiễm nhiều loại hóa chất gây nguy hại sức khỏe, kể cả gây ung thư, cho người tiêu dùng về lâu dài như kháng sinh nitrofuran, chất malachite xanh, thuốc nhuộm và kháng sinh fluoroquinolones. Những nước gần China như Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm về những sản phẩm nguy hiểm của China. Rau quả được tẩm hoá chất, dùng hóa chất ướp xác người để làm tươi hoa quả, gạo được chế biến từ cao su, thịt chuột “hô biến” thành thịt cừu, v.v. Danh sách những hàng hoá độc hại từ China có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt. Người ta có lí do để dè dặt hơn với những sản phẩm và hàng hoá của China.

Cách đây vài năm, một cuốn sách có tựa đề “Chết dưới tay China” (Death by China) của Giáo sư Peter Navarro và Greg Autry (Mĩ) đã gây chấn động thế giới. Hai tác giả đã chỉ ra hàng loạt sản phẩm nguy hiểm do China sản xuất và bán ra thị trường thế giới. Từ đồ chơi cho trẻ em, vòng tay, dây chuyền, dược phẩm giả tạo, thuốc nhái, điện thoại bốc cháy, trái cây hàm chứa vi khuẩn nguy hiểm, v.v. tất cả trở thành những công cụ giết người một cách chậm chạp. Một chuyên gia bình luận thời sự nhận xét rằng hiện nay, China đang đầu độc thế giới bằng những sản phẩm độc hại và gây ô nhiễm (đó là chưa nói đến những kế hoạch phiêu lưu gây chiến với các nước láng giềng).

Đó là sản phẩm của một nền kinh doanh vô đạo đức. Thật vậy, một số không nhỏ doanh nhân China muốn giàu lên một cách nhanh chóng và họ làm bất cứ việc gì, bất chấp các qui ước đạo đức xã hội và đạo đức kinh doanh. Kinh doanh mà không dựa trên nền tảng đạo đức xã hội và không xem trọng trách nhiệm xã hội là loại kinh doanh nguy hiểm.

Tương tự, trong khoa học, tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm cũng là một tiêu chí quan trọng. Một công trình nghiên cứu cho dù mang tính khả thi cao và có ý tưởng tốt, nhưng làm phương hại đến cộng đồng và xã hội, vẫn không được đánh giá là đạt chuẩn mực. Chính vì bản chất đạo đức của khoa học, nhà khoa học còn phải có trách nhiệm với xã hội. Nói cho cùng điều này cũng đúng, vì nhà khoa học cũng chỉ là một thành viên trong xã hội, chứ không thể nào đứng ngoài hay đứng cao hơn xã hội. Nhưng công trình tạo ra chủng virus mới của China không đạt tiêu chuẩn về đạo đức và trách nhiệm xã hội. Có thể đó là một thành tựu về kĩ thuật, nhưng thành tựu đó chẳng đem lại phúc lợi ích gì cho xã hội và giúp ích gì để làm giảm sự đe doạ của một đại dịch.

Đây không phải là lần đầu tiên người ta đặt câu hỏi về đạo đức của các công trình nghiên cứu khoa học từ China. Không ít các công trình nghiên cứu từ China không được các tập san khoa học quốc tế công bố vì có vấn đề về y đức. Trong quá khứ đã có những nghiên cứu y khoa vi phạm y đức nghiêm trọng và bị rút lại, không cho công bố trên các tập san khoa học quốc tế. Năm 2009, một nhóm khoa học China giải mã gene trái dưa leo, một năm sau họ có dự án giải mã gene liên quan đến trí thông minh. Những dự án về ứng dụng tế bào gốc để điều trị chấn thương, dị tật bẩm sinh, bệnh mãn tính, v.v. đều bị giới khoa học quốc tế nghi ngờ vì chưa vấn đề y đức. China còn là nơi sản sinh ra rất nhiều những “phát minh” rác rưởi, những phát minh chẳng khác gì kiểu “Sơn Đông mãi võ” làm trò cười cho ngay cả người dân China. Trong một môi trường mà hoạt động khoa học còn thiếu sự ràng buộc của đạo đức xã hội và luật pháp thì các nhà khoa học China có thể làm bất cứ những gì họ (hay chính quyền họ) muốn và biến nước này thành một nguồn sản sinh ra những hiểm nguy và đầu độc thế giới.

Nguyễn văn Tuấn (Úc)
Nguồn: http://nguyenvantuan.net/health/2-health/1715-mot-loai-nghien-cuu-khoa-hoc-vo-trach-nhiem

28 tháng 5, 2013

Điều kỳ diệu Nick Vujicic và những lời hứa bỏ quên bên bậu cửa !


Nick Vujicic giao lưu với khán giả Việt Nam tại Hà Nội đêm 23/5 
Ngày mai, sau khi nghe Nick nói có bao nhiêu người sẽ lại quên ngay sau khi quay lưng, như bao người đã bỏ quên lời hứa bên bậu cửa nhà Lê Thị Huệ?!

12 giờ sau khi Nick Vujicic đến Việt Nam, con số 31,7 tỷ đồng chi phí cho 4 ngày anh mang “điều kỳ diệu” đến Việt Nam đã được công bố. Dẫu đây là số tiền không từ tiền thuế của dân, nhưng mặc nhiên nó vẫn là con số quá lớn trong tương quan với sự khốn khó của khoảng 6,7 triệu người khuyết tật trên toàn quốc. Để tiện so sánh, 19,6 tỷ đồng là kinh phí trợ giúp 250.000 người khuyết tật ở Kiên Giang trong suốt 10 năm 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn kinh phí để giúp đỡ 6,7 triệu người khuyết tật cả nước trong 10 năm là 2.025 tỷ đồng.

Thưa các bạn, nói đến “điều kỳ diệu Nick” của ngày hôm nay, không hiểu sao tôi lại nhớ đến “ngày hôm nay” của Lê Thị Huệ.

Ngày 14.5 của 10 năm trước, với chỉ một cú ngã tưởng chừng bình thường, cô gái vàng của thể thao Việt Nam, đô vật Lê Thị Huệ, năm đó vừa tròn 18 tuổi, đã gãy tới 3 đốt sống cổ, giập tủy sống, liệt tức thời tứ chi. Mười năm sau, khi phóng viên báo Lao động đến gặp cô trong một ngôi nhà nhỏ, ở một làng quê nghèo nào đó của huyện Quảng Xương và viết về nghị lực xen lẫn nỗi tuyệt vọng trong một cuộc sống ngập tràn khốn khó và sự lãng quên, dư luận đã sững sờ trước những sự thật cay đắng.

Sự cay đắng không phải là việc hàng ngày tất tật mọi sinh hoạt cá nhân từ chuyện tối thiểu nhất như đi vệ sinh, nữ đô vật khỏe mạnh và xinh đẹp ngày nào giờ phải trông cả vào người mẹ già đã ngoại 70. Sự cay đắng không phải ở việc dù ngã lên ngã xuống hàng vạn lần trong suốt 10 năm với một nghị lực phi thường nhưng cô vẫn không thể đứng dậy. Cũng không phải việc mất “Nửa tiếng để cài một chiếc cúc áo”. Sự cay đắng và nỗi xót xa đến từ chiếc xe lăn đã dùng suốt gần 10 năm giờ đã lên lão. Và nỗi tủi thân trước sự lãng quên, trước sự bạc bẽo, trước những lời hứa của quan chức ngành thể thao 10 năm trước, bị bỏ rơi ngay sau khi quay lưng, quên ngay bên bậu cửa. Chẳng nghị lực nào có thể chiến thắng sự bạc bẽo của con người với con người.

Kể lại câu chuyện Lê Thị Huệ, không phải để nói số tiền 31,7 tỷ đồng là đắt, hay rẻ. 31,7 tỷ để dù chỉ vài người khuyết tật như Huệ có thêm niềm tin và nghị lực để sống thì chẳng có gì là đắt đỏ cả. Có nhiều thứ khác người ta còn ném cả ra sông ra biển đó thôi. Bởi giá như Lê Thị Huệ được đến Mỹ Đình, biết đâu, cô sẽ xua tan được nỗi tuyệt vọng và mặc cảm sau khi đã bị lãng quên hoàn toàn. Biết đâu cô sẽ tìm thấy cho mình một lẽ sống sau khi đã mất hết niềm tin vào những lời hứa hẹn.

Niềm tin và nghị lực mà “điều kỳ diệu Nick” mang tới Việt Nam không thể đo bằng tiền bạc. Có điều Huệ sẽ không thể đến Mỹ Đình, vì thiếu tiền chẳng hạn, hay vì hướng tới Nick, chẳng ai còn nhớ đến cô nữa. Nick đáng được khâm phục. Nick đáng được coi là một bài học. Nhưng đó là bài học cho cả những người không khuyết tật. Bao nhiêu người sẽ đến để “xem”, thay vì nghe Nick nói. Bao nhiêu người sau đó sẽ biến sự cảm thông với những người khuyết tật thành những hành động cụ thể.

Ngày mai, khi nghe Nick nói, khi chứng kiến sự tự tin và nghị lực phi thường của chàng trai kỳ diệu, bạn có bao giờ tự hỏi mình sẽ làm gì cho những đồng bào đang khốn khó và cần sự trợ giúp của mình. Hay sau khi xúc động rớt nước mắt trước nghị lực và sự can đảm của anh, bạn cũng sẽ lại quên ngay sau khi quay lưng, như bao người đã bỏ quên lời hứa bên bậu cửa nhà Lê Thị Huệ?!

Sự đắt hay rẻ của khoản tiền 31,7 tỷ để Nick đến Việt Nam không phải chỉ là bài học nghị lực mà những người khuyết tật có được sau khi chứng kiến điều kỳ diệu Nick. Có lẽ, nó còn phụ thuộc vào những hành động cụ thể của những người không khuyết tật.

Tháng Năm 24, 2013
Bao Pham

25 tháng 5, 2013

Họp Mặt Chào Mừng Thầy Nguyễn Văn Nên

Chiều ngày 24/5/2013, BLL cựu học sinh tại Việt Nam đã tổ chức buổi tiệc thân mật tại nhà hàng 241, nhân chuyến về thăm quê hương của thầy Nguyễn Văn Nên (Hoa Kỳ).

H1: Thầy Nên và thầy Kim
H2: Thầy Nên, thầy Hội và thầy Hùng

21 tháng 5, 2013

Người về sông Tương


Ngày 09/5/2013, Nhạc sĩ Văn Giảng - tác giả Ai về sông Tương (với bút danh Thông Đạt) - đã qua đời ở Footscray (thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc), hưởng thọ 89 tuổi
Nhạc sĩ Văn Giảng tên thật là Ngô Văn Giảng, sinh năm 1924 tại làng Bác Vọng Ðông, Thừa Thiên. Ông là một người chơi đàn guitar, hawaiian guitar và contrabass nổi tiếng ở Huế, là trưởng ban nhạc của Đài phát thanh Huế, từ lúc đài này mới thành lập (1949), sau đó là giám đốc Trường quốc gia Âm nhạc Huế (1963).
Những bản nhạc của Văn Giảng như :"Hoa cài mái tóc", "Tình em biển rộng sông dài", "Đôi mắt huyền" từng được ấn hành hàng chục nghìn bản, phổ biến rộng rãi trên thị trường. Nhưng nói đến nhạc tình của Văn Giảng, chúng ta không thể quên "Ai về sông Tương" được viết năm 1949, đã dẫn đầu như một trong 10 bản nhạc hay được thính giả yêu cầu nhiều nhất của Đài phát thanh Pháp Á trong hai năm 1949-1950 dưới cái tên tác giả là Thông Ðạt

14 tháng 5, 2013

Cảm Tạ


Thay mặt gia đình xin chân thành cảm tạ tấm lòng anh chị em chs trong ngoài nước khi hay tin Mẹ tôi mất đã đến chia buồn hay gởi lời phân ưu .
Trong thời gian này, nếu có điều gì sơ suất xin niệm tình tha thứ.

Nguyễn văn Hiếu
Xin cảm tạ
-Đại diện BLL cựu học sinh trong nước: A Đức, A Bình, A Nam
-Đại diện chs khóa 61-68, 62-69: A Hưng, A Tỷ, A Vân, A Nghiệp (Canada), A Khắc Cường (68-73)
-Đại diện lớp CT5 (74-77): Đức Hạnh, Lan B, Kim Hoa, Chi Đàm, A Xân
-Đại diện các bạn lớp 11T6 (khóa 71-75), Hiệp, Hùng (12T4 71-76), Chung Bùi (CT5), KimThu (Úc), Đình Duy (Hoa Kỳ)
- Các trang chs Cao Thắng: ktctuc.net, caothang.org
- Và các anh chị bạn hữu đã gởi vòng hoa, gởi điện thư đến chia buồn cùng gia đình.

11 tháng 5, 2013

Phân Ưu

Gia đình cựu học sinh THKT Cao Thắng vô cùng thương tiếc báo tin:

Thầy: Nguyễn Văn Trực
(Phụ trách môn Kỹ Nghệ Gỗ)
Sinh năm 1940, tại Bình Trưng
Tạ thế lúc 22 giờ 45 ngày 8/5/2013 
(nhằm ngày 29 tháng 3 năm Quý Tỵ)
Hưởng Thọ 74 tuổi
Lễ Nhập Quan lúc 11 giờ ngày 9/5/2013
Linh cửu quàn tại tư gia 
 67 Nguyễn Duy Trinh, Q2 (Giồng Ông Tố)
Lễ Động Quan lúc 15 giờ ngày 11/5/2013
Lễ Hỏa Táng tại Bình Dương




Ban liên lạc cựu học sinh THKT Cao Thắng
Thành Kính Phân Ưu cùng Tang Quyến.
Nguyện cầu hương hồn Thầy vãng sinh cực lạc.

Đại diện: 
Trần đình Đức
Đỗ thọ Bình
Nguyễn văn Châu

8 tháng 5, 2013

Phân Ưu

Nhận được tin:

Cụ Bà: PHẠM HỮU DUYÊN
Phu Nhân thầy Phan Văn Mão (cựu Tổng Giám Xưởng)
Pháp Danh: QUẢNG MÃN
Sinh năm :1931
Quê Quán: Bình Dương 
Từ trần lúc 16giờ45 ngày 05-05-2013
Nhằm ngày 26 tháng 3 Năm Quý Tỵ
Hưởng thọ 83 tuổi


***
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Đại Diện Toàn thể cựu học sinh và Ban liên lạc THKT Cao-Thắng
Xin được gởi lời chia buồn đến Thầy và Tang Quyến.
Kính mong hương hồn Cụ Bà sớm về cõi Phật.

Thay mặt Ban Liên lạc chs: 
Nguyễn Hồng Vân 
Đỗ Thọ Bình, 
Nguyễn văn Hiếu