17 tháng 7, 2018

Trở lại Vinh Sơn – Kon Tum

Trở lại Vinh Sơn sau gần một năm từ chuyến thăm bất ngờ tháng 6 năm trước. Dịp này lịch trình đã được chuẩn bị nên tôi hy vọng có đủ thời gian để tận mắt chứng kiến sinh hoạt hàng ngày của các em.


Tôi và anh chị em đoàn thiện nguyện FEF sau khi làm lễ khánh thành trường tiểu học tại Phú Yên. Ăn trưa và nghỉ ngơi tại huyện Sông Hinh. Khoảng 14 giờ chúng tôi lên xe vượt qua hơn 300 km đường đèo, đến TP Kon Tum, lúc này trời đã về chiều. Nhưng ngày mai chúng tôi sẻ có mặt rất sớm, từ sáng để tìm hiểu cặn kẻ về nơi đây. Nơi mà nổi tiếng với món ăn “đọt mì” truyền thống được phổ biến trên internet..

Trại Mồ Côi Vinh Sơn 4, thuộc huyện Kon Rẫy, cách TP Kon Tum khoảng 20 km. Hiện do 4 nữ tu thuộc Hội Dòng Ảnh Làm Phép Lạ cùng vài thiện nguyện viên điều  hành. Vì thế các Ya (soeur theo cách gọi của người dân tộc theo đạo công giáo tại Tây Nguyện) phải tổ chức cho các em tự quản và chăm sóc cho nhau. Vị nữ tu 58 tuổi, Sơ Augustine Y Lieng, người thiểu số Xêđăng đã thành lập Trại Mồ Côi nầy vào năm 1999, sau khi nằm mơ thấy Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Đa số các trẻ mồ côi tại đây là các sắc tộc:  Xê đăng, Bana, Jơ rai, Ê đê…  Tuy nhiên các trẻ được nuôi ở đây không chỉ có những em mồ côi đúng nghĩa mà còn một số em ở những hoàn cảnh ngặt nghèo khác. Đời sống khó khăn nhưng ngược lại mỗi gia đình người dân tộc lại rất đông con, từ 5 đến 10 đứa con. Vì nuôi không nổi, đành phải cắt ruột mà gởi con cho các vị nữ tu nuôi dưỡng.

Đặc biệt có em Matthew Long được 3 ngày tuổi, mẹ Long đã chết trong khi sinh con. Và theo hủ tục rất tàn khốc của người thiểu số, Long sẽ bị chôn sống theo mẹ (*). May mắn thay các soeur đã cứu được mạng sống của em; đem về Trại mồ côi Vinh Sơn 4 nuôi dưỡng. Không riêng Vinh Sơn 4 mà các nhà Vinh Sơn khác cũng có nhiều trường hợp " thập tử nhất sinh" tương tự như Matthew Long.