8 tháng 11, 2020

4 câu hỏi khó của vị sư trụ trì cô đọng cả đời người

 

 (Ảnh minh họa qua Pixabay)

Tại một ngôi chùa nọ, các đệ tử luôn xảy ra tranh chấp, tật đố mà không hề biết nghĩ cho nhau, làm vị sư trụ trì rất phiền lòng. Một hôm các đệ tử đang tranh cãi đến mức đánh nhau, họ muốn so tài cao thấp để tự tìm ra người xứng đáng được truyền thụ võ công.

Thấy vậy, vị sư trụ trì liền gọi tất cả các đệ tử lại và nói: “Hôm nay ta sẽ chính thức lựa chọn người được vào Tàng Kinh Các để học kinh thư nâng cao công lực, ai là người hiểu đúng 4 câu này của ta sẽ được chọn.”

Tất cả các đệ tử liền vội vàng tập trung lại quanh vị sư trụ trì để nghe câu hỏi, duy chỉ có chú tiểu hay bị các vị sư huynh bắt nạt vẫn khoan thai đứng quét rác như không biết chuyện gì xảy ra. Vị sư phụ quan sát chúng đệ tử rồi gọi chú tiểu ấy lại cùng nghe. Sau đó ông hỏi: “Câu thứ nhất, xem mình là người khác. Các con có thể nói thử xem các con hiểu thế nào về câu nói này không?”

Trong khi các vị sư huynh đang trầm ngâm suy nghĩ để tìm câu trả lời thì chú tiểu nói: “Câu này có phải nghĩa là khi con buồn khổ, nếu xem mình là người khác, như vậy thì nỗi khổ của con sẽ giảm đi. Khi con quá vui vẻ, xem mình là người khác thì sự kích thích đó sẽ được trung hòa lại. Khi con sân hận, xem mình là người khác thì con sẽ hòa ái hơn.”

5 tháng 11, 2020

Mệ


Buổi sáng 1-11-2020, chuyến xe từ thiện lần mò đến được Ba Lòng, Dakrong, Quảng Trị. Con đường lầy lội, đôi lúc dừng lại bởi những đoạn sạt lún đỏ ngòm. Hai bên là núi và lũng sâu. Đây là một trong những nơi khốn khó nhất với người dân, vì nước lụt vẫn bất thần đến từ thủy điện và mưa, sạt lở đổ xuống từ trên cao, rồi đến bùn nhầy vây chặt các lối vào. Dân kể rằng trong hai tuần của tháng 10, họ chịu đến sáu lần lụt lội, mọi thứ trôi và chết theo nước nên giờ chỉ còn biết khoanh tay chờ cứu trợ đến hết năm, vì bao nhiêu thứ làm ra, dành dụm được từ đầu năm đến nay đã trôi tuột. Thậm chí thóc ngâm nước, ngậm sình khi gom lại được, gà vịt cũng không buồn ngó đến.

3 tháng 11, 2020

LÒNG TRẮC ẨN



PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (ĐBQH đoàn đại biểu Quốc hội An Giang)

Phát biểu tại Quốc hội sáng 3.11, 2020

Trích toàn văn:

Cảm ơn những người bạn dù là ngoài đời như Gs Tuấn, Jang kêu, Công Vinh, Thủy Tiên hay chỉ quen trên FB Huy Nguyen, Lao Ta... đã cho tôi kiến thức và cảm hứng để có bài phát biểu hôm nay ở Hội trường Quốc Hội.

Kính thưa Quốc Hội,

Những ngày qua và có thể là ngay ngày mai chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của những cơn bão tràn vào Việt Nam. Bão thì năm nào cũng có nhưng tại sao bão năm nay lại cứ nặng nề hơn năm trước, mức nước lụt trên tường nhà mỗi đợt bão về lại ngày càng cao hơn.

Đó chính là hậu quả của việc chúng ta đã "tấn công" vào mẹ trái đất, tấn công vào những ngọn núi con sông, cánh rừng như những vòng tay bao bọc cho con người hàng nghìn năm nay. Rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào vậy nên nước mới lúc khô lúc ngập, trời lúc nóng kỷ lục, lúc lại lạnh thấu xương.

Vừa trở về từ miền trung hôm kia, tôi thấu hiểu tình cảm của cả nước hướng về khúc ruột yêu thương, nhưng thảm hỏa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này nếu chúng ta không thay đổi.

Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động hoặc thậm chí còn được cấp giấy phép mới... Nếu vậy sẽ lại còn những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa phải ghi nhận.

Chúng ta phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Việc này thật khó vì thay đổi trên giấy tờ văn bản chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy chẳng dễ tẹo nào.

Đơn cử khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ quý tự nhiên là đẹp hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến thăm cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương hay lim sến táu... Rồi tự huyễn hoặc là gỗ của mình nhập khẩu từ Lào, Miến... không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam.

Philipin là quốc gia chịu bão nhiều nhất Đông Nam Á nên chúng ta có thể học rất nhiều từ phía bạn. Họ giữ rừng, giữ những ngọn núi cao còn hơn cả con ngươi của mắt mình vì họ biết đây chính là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước con người trước sự giận dữ của thiên nhiên.

Siêu bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già của Philipin đã hạ cấp độ nguy hiểm là ví dụ rõ ràng nhất.

Bảo vệ môi trường theo tôi phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có. Với cách giáo dục như hiện nay việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn.

Chúng ta thử hình dung một cháu bé vào lớp 1 với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi bổ sung, sửa chữa hay đính chính.

Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và nói dối.

Những hiện tượng kỳ lạ của xã hội như Khá Bảnh sẽ ngày càng phổ biến vì giá trị cốt lõi không được nhà trường vun đắp từ những năm chập chững bước vào đời.

Mượn câu nói của vị giáo sư nổi tiếng Richard Feynman "Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, số môn đồ, bằng cấp, và danh xưng. Hãy ấn tượng với những tấm lòng tử tế, chánh trực, khiêm cung, và rộng lượng".

Làm sao chúng ta dậy được con cháu mình những điều tưởng rất đơn giản nhưng sẽ là nền móng của sự phát triển đất nước vững chắc trong tương lai.

Đừng để cho những tiền bạc, bằng cấp, danh xưng làm choáng ngợp. Nếu có ấn tượng thì nên dành sự ấn tượng cho những tấm lòng tử tế, khiêm cung, và rộng lượng. Và tôi tin Việt Nam sẽ có thật nhiều những người trẻ tuổi thông minh tài giỏi đầy khát vọng nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh Thủy Tiên.

Đấy cũng là hình ảnh mà tôi gặp thường xuyên ở những nơi khó khăn gian khổ trên khắp đất nước. Tinh thần tương thân, bác ái là bản chất, là truyền thống của dân tộc ta, nếu có trách chỉ nên suy nghĩ đến việc tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ chi công và lòng yêu thương con người sẽ ngày càng nhân rộng.

Thưa Quốc Hội, 

Bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm như là một qui luật của thiên nhiên. Chính vì vậy không thể dùng lòng tốt để khắc phục được những hậu quả của bão lũ từ năm này sang năm khác.

Chúng ta cần có chiến lược LÂU DÀI để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia và có sự đóng góp của nhiều chuyên gia. Từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây và vận hành các thủy điện mới và cũ đến những việc cấp thiết như cập nhật vẽ bản độ sạt lở khắp các tỉnh thành phố, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo bão lũ hữu hiệu quả hơn, hay có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt...

Có vậy người dân mà ở đây là những người nghèo, yếu thế cũng như những ngành chức năng bộ đội, công an, y tế, ... mới tránh được những tổn thất hy sinh vô cùng đau xót.

Xin cảm ơn sư lắng nghe của Quốc Hội


2 tháng 11, 2020

CÁC ÔNG NGHĨ GÌ?

Không ảnh nhà dân sụp đỗ tại Quảng Ngãi sau cơn bảo Molave cuối tháng 10/2020

Năm 2003 tôi đi quay ở hai xã ven biển Phổ Khánh và Phổ Quang, Đức Phổ Quảng ngãi. Dọc theo hàng chục cây số bờ biển là 200 ha rừng dương liễu xanh tốt như một lá chắn cho những xóm làng nhà cấp 4 lô xô bên trong. Bạn cán bộ xã ngắm rừng dương ánh mắt đầy tự hào nói rằng 200ha rừng phòng hộ đó là do chính tay người dân trong xã trồng để chắn gió bão mới chỉ hai năm trước.

4 năm sau cũng lại đi qua vùng đó, rừng dương liễu đã biến mất, thay vào đó là ngổn ngang hồ nuôi tôm, UB tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch vùng ven biển này thành diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Hàng trăm ha rừng bị chặt phá có sự tiếp tay của lãnh đạo các xã để chia đất cho các chủ hồ tôm. Dân hai xã bức xúc, ý kiến cử tri rơi vào im lặng, không ai bị xử lý. Ngày hôm qua, Đức Phổ là một trong những địa phương thiệt hại nặng do bão.

Có lần phải làm việc với một anh trợ lý của một giám đốc sở ở Quảng Ngãi. Ngay lúc đó, vị giám đốc đi tới và hình như trách anh về một việc gì đó, giọng rất nhẹ nhàng và nhanh chóng đi khỏi, nhưng anh tái xám mặt đứng lặng cả phút như mất hồn, đến nỗi tôi tưởng anh sắp bị đột quỵ, định hỏi anh có ổn không. Lần khác phỏng vấn một giám đốc sở, cấp dưới vào phòng chuẩn bị bài nói cho sếp mà cung cách đi đứng xun xoe đến tội nghiệp. Quảng Ngãi nổi tiếng là nơi làm việc khó khăn, cán bộ luôn từ chối gặp báo chí. Nỗi sợ hãi gì, văn hoá gì, hay "triết lý" gì tạo ra tất cả những điều đó, khi Quảng Ngãi đến nay vẫn là một tỉnh nghèo?

Ảnh: Biệt thự của ông Lê Viết Chữ

Trong ảnh là căn biệt thự của ông Lê Viết Chữ, bí thư tỉnh Quảng Ngãi mới mất chức hồi tháng 7, vì 12 công văn hoả tốc trong vòng 45 ngày lấy 4 ngàn ha đất, phần lớn là đất canh tác của nông dân, trong đó có 55 ha đất rừng phòng hộ ven biển Bình Châu đem dâng cho dự án FLC xây biệt thự sân golf resort. Bình Châu hôm qua cũng là xã thiệt hại nặng nề. Nhìn cảnh người dân Quảng Ngãi viết tên mình lên tấm tôn trước bão cho khỏi lạc, rồi trở về ngôi nhà xơ xác tan hoang sau bão, không biết những quan chức như ông Chữ ngồi trong căn biệt thự ấm êm kia các ông nghĩ gì.

Hàng ngàn ha rừng phòng hộ ven biển miền trung đã bị chặt phá để phát triển resort, các dự án vẫn tiếp tục được phê duyệt, tặng cho các tỷ phú đỏ những mặt tiền bãi biển lẽ ra theo luật phải là 100 mét rừng phòng hộ từ mép nước trở vào. 51 ngàn căn nhà bị tốc mái và 52 người bị vùi trong đất lở ngày hôm qua rồi có ý nghĩa gì không, hay chỉ là một cơn bão trên FB?

Nhà báo Đoàn Hồng Lê