10 tháng 9, 2022

TRUNG THU BUỒN

 TRUNG THU BUỒN

Tác giả: Vũ Tuấn


Lại một Trung thu nữa sắp qua

Em cô đơn thu mình trong ngõ vắng

Cuộc đời em chưa bao giờ phẳng lặng

Luôn dập dềnh vì bão tố phong ba.

Hai tuổi đầu em đã phải mất cha

Tìm hạnh phúc riêng mình, mẹ đi bước nữa

3 tháng 9, 2022

VỀ MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN CÓ NHÂN TÍNH

Ngày ông Mikhail Gorbachev (1931-2022), cựu tổng bí thư cộng sản cuối cùng của Liên Xô qua đời, ông nhận được nhiều lời bình từ hai phía ca tụng và căm ghét. Những người chống cộng thì nhìn ông như một con người dũng cảm đã hy sinh xé toang bức màn đen của thế giới song cực. Còn những người yêu cộng sản thì căm hận ông vì đã mang tội làm sụp đổ thành trì cách mạng vĩ đại của phía Đông thế giới. 

Đứng giữa những điều đó, Gorbachev còn hiện ra với tính cách của một nhà cách mạng của thế giới cộng sản nhưng đầy chất lãng mạn của người nông dân vùng Privolnoye, miền Nam của nước Nga.

Điều đáng ca ngợi ở Gorbachev là nhân tính. Ông nhìn mọi sự kiện quanh mình bằng con mắt của một người cộng sản trung thành, nhưng ở bên dưới là những lời chất vấn thầm lặng của một con người có nhân tính. 

Tháng 11-1969, ý thức về một hệ thống độc tài cộng sản đang hủy diệt con người bắt đầu đến với ông, trong chuyến thăm đến Tiệp Khắc. Một năm sau cuộc nổi dậy ở đất nước này, vì không muốn chịu ách cai trị của cộng sản Nga, Gorbachev kể ông bị choáng váng khi đến Bratislava, thành phố cổ kính vẫn còn y nguyên những vết đạn pháo và những bức vẽ graffiti khẩu hiệu và hình ảnh chống cộng sản và Nga. Đoàn đi thăm của Gorbachev phải tổ chức thêm cận vệ thường phục để phòng trường hợp bị tấn công. 

Theo truyền thống, phái đoàn của Nga đến thăm Sbrojevka, một nhà máy lớn của Tiệp. Thế nhưng khi được đưa vào một vị trí tốt để phát biểu và mở lời chào, Gorbachev nhận ra rằng những người thuộc giai cấp công nhân ấy đã tìm cách quay mặt đi và không nhìn đoàn của Nga. “Đó là một cảm giác khủng khiếp”, Gorbachev nhớ lại điều mà ông nhận ra rằng trong hệ thống cộng sản, ngay cả ở vị trí cao, ông vẫn được tuyên truyền rằng mọi dân tộc của giai cấp vô sản luôn là tình đoàn kết hữu nghị nồng ấm không thể tách rời.

31 tháng 8, 2022

Gorbachev: Nhà lãnh đạo của perestroika, nhưng cũng là người khai tử Liên Xô

Là tổng thống đầu tiên là cũng là tổng thống cuối cùng của Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev đã được phương Tây xem là một nhà lãnh đạo có đầu óc cải tổ đã mang lại tự do cho người dân Liên Xô lúc ấy, nhưng tại Nga, cho tới khi ông qua đời, Gorbachev vẫn bị nhiều người xem là kẻ đã đào mồ chôn Liên Bang Xô Viết. 

Chính là với Gorbachev mà từ vựng của phương Tây có thêm hai từ “perestroika” (tái cấu trúc) và “glasnost” (công khai), hai từ mang tính biểu tượng cho chính sách cải tổ do ông đề xướng, mở đường cho những đảo lộn to lớn, dẫn đến sự sụp đổ của khối Liên Xô. 

14 tháng 8, 2022

Đến thăm cô nhi viện Vinh Sơn – Kon Tum (6/8/2022)


Kon Tum địa danh nghe chừng xa lạ nằm tặn nóc của vùng Tây Nguyên hoang sơ trên bản đồ Việt Nam.
Lần đầu tôi đến Kon Tum là chuyến đi thiện nguyện tại các huyện nghèo như Kon Plong, Kon Rẩy và cô nhi viện Vinh Sơn 4 vào năm 2017. Lúc đó cô nhi viện còn khó khăn chồng chắt, hiện rỏ trên khuôn mặt, tầm vóc các em hay trên mạng xã hội nói rằng “ đọt khoai mì” là món ăn truyền thống của nhà Vinh Sơn. Thời điểm đó khi tiếp chúng tôi các em vẫn ngây thơ sinh hoạt ca hát như chưa từng đói ăn, đói mặc.
Cảm nhận được nổi khổ của hàng trăm con người ở đây nên trong các năm 2018, 2019 và đầu tháng 8 năm nay 2022 tôi có dịp trở lại thăm và tặng quà cho các em.

13 tháng 8, 2022

Làng Phong Gia Lai (5/8/2022)

Hai năm sau đại dịch chúng tôi " Hội Trái Tim Sẻ Chia"  lại tiếp tục hành trình nhân đạo,  lần này “Về với Làng Phong Gia Lai”. Ngoài ra còn đến thăm, tặng quà cho hai trại trẻ mồ côi Vinh Sơn 4 & 6 ngoại ô Kon Tum.

Chuyến đi xuất phát từ Sài gòn chiều ngày 4/8/2022 trong cơn áp thấp đe dọa miền Trung nên trên đường đến Tây Nguyên mưa gió ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển trên tuyến đường nhiều đèo dốc, trơn trợt, của đoàn chúng tôi. 

Phài mất hơn 20 giờ chôn chân trên xe, nóng ruột, háo hức mong sao mau đến điểm tặng quà gia đình người dân tộc Làng Phong Gia Lai. Đến quá trưa chúng tôi cũng đến điểm đầu thuộc xã Thăng Hưng Chư Prông Gia Lai. Mọi thành viên mau chóng vận chuyển các phần quà để chuẩn bị tặng bà con và các em vì họ chờ đoàn hơn nhiều tiếng đồng hồ nên có vẻ mệt mõi.

Các sơ Cộng đoàn Phaolô Thanh An giúp chúng tôi  tập hợp các gia đình bệnh nhân phong đến điểm phát quà gồm 3 làng ( Làng La ,xã Gào- Huyện Chư Prông,  Làng Gôn xã Bàu Cạn, xã Ia Kriêng Huyện Đức Cơ. Làng Dơ or (Làng Ta) xã Ia O, huyện Ia Trai) . Vì họ ở rất xa, đường núi khó đi mà thời gian có hạn, chúng tôi không thế nào đến tận nơi được.

65 phần quà gia đình và 150 quà trẻ em được các thành viên “ Hội trái tim sẻ chia” lần lượt gởi đến bà con và trẻ em với tình yêu thương.

24 tháng 7, 2022

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và chuyến bay cuối cùng


“Đường đời muôn vạn nẻo, anh đã chọn lấy một hướng, dù gian nan muôn trùng anh cũng sẽ mỉm cười dấn bước”...

 Tin từ gia đình và Giáo sư Trần Huy Bích cho biết, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, một người khổng lồ trong lĩnh vực khoa học và văn nghệ, đã ra đi vào lúc 2:49 chiều nay Thứ Bảy ngày 23 Tháng Bảy 2022 tại nhà riêng ở California, Hoa Kỳ. Thế là một vì sao sáng đã tắt. Người Phi Công Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, cựu Tư Lệnh Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã thực hiện chuyến bay cuối cùng vào cõi vĩnh hằng.

… Lần đầu tôi được nghe tên giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là khi bước vào bậc trung học đệ nhị cấp. Cuốn sách “Bài tập Hình học Không gian lớp 11AB” của Nguyễn Xuân Vinh là sách mà học sinh nào cũng phải nghiền ngẫm vì hình học không gian là môn khó, lớp cuối cấp mới học để thi tú tài. Một thời gian sau, tôi được cầm cuốn “Đời Phi Công”, truyện dài của cùng tác giả, lần này trước cái tên Nguyễn Xuân Vinh ông có thêm bút hiệu Toàn Phong.

Những năm cuối 1960, khi hình ảnh những chuyến phi thuyền Apollo đổ bộ Nguyệt Cầu được chiếu trên truyền hình khắp thế giới, mở ra kỷ nguyên chinh phục không gian của loài người thì Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là cái tên được nói tới thường xuyên trong các trường học miền Nam: Lần đầu tiên có một giáo sư người Việt Nam đã phát minh phương pháp “quỹ đạo tối ưu” – vạch đường bay cho các phi thuyền Apollo đi và về giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Các thầy cô giáo hết sức tự hào khi nói về ông, còn học sinh nhìn ông như một tấm gương sáng rực để noi theo. Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, hôm nay bàng hoàng nghe tin ông đã lên trời, hưởng đại thọ 92 tuổi!

 

Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh khi còn trong quân ngũ và sau này

Toàn Phong – một văn tài

… Rất đông thanh niên lớn lên ở miền Nam sau ngày đất nước chia đôi có máu phiêu lưu, muốn tung hoành ngang dọc, “xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung”. Thời thế chiến tranh binh lửa, có thể lớp trẻ chịu ảnh hưởng tư tưởng “kẻ sĩ, chí làm trai” được giảng dạy trong nhà trường, và tác động từ những tác phẩm văn nghệ thời ấy. Một trong những cuốn sách gây cảm hứng tang bồng trong lớp thanh niên là thiên truyện Đời Phi Công của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Tố Như Sài Gòn xuất bản năm 1959.

 Khi ấy trong các hiệu sách đã có các tác phẩm tương tự về đời phi công của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry như “Bay đêm” (Vol de Nuit), “Phi công thời chiến” (Pilote de Guerre) v.v… nhưng truyện của nhà văn Toàn Phong có sức hấp dẫn đặc biệt:

Cũng những cảnh quan miền Nam nước Pháp và Bắc châu Phi, cũng công việc của người lái phi cơ chiến đấu nhưng Đời Phi Công là tâm tình của một thanh niên Việt Nam xa quê hương tìm hướng đi mới qua nhiều phương trời xa lạ theo tiếng gọi của đất nước. Truyện chỉ có 54 trang, là một tập 9 bức thư tình viết bằng một thứ ngôn ngữ đậm chất thơ của tác giả gửi cho người yêu tên Phượng ở quê nhà, mang tâm hồn thời đại của một mẫu người tuổi trẻ nhiều lý tưởng.

“Đường đời muôn vạn nẻo, anh đã chọn lấy một hướng, dù gian nan muôn trùng anh cũng sẽ mỉm cười dấn bước. Anh mong em sẽ đọc hết bức thư này với một nguồn vui mới trong lòng…”; Viết thư này anh đã ở xa em muôn vạn trùng dương. Anh mỉm cười khi đặt bút vì nghĩ rằng em vẫn thường chê cái tính thích giang hồ vặt của anh.

Lần này thì anh đi hẳn, đi thật xa cho đến khi nào công thành anh mới trở về”; “…làm sao anh có thể kéo dài chuỗi ngày bình thản đến gần như vô vị trong bốn bức tường dưới sự nâng chìu của người thân tình trong khi anh đang thèm khát những bến trời xa lạ, muốn đi nhiều, học nhiều để sau này do chính bàn tay mình xây dựng lấy cuộc đời…” 

Về cuốn “Đời Phi Công”, tác giả cho biết đó là…

“Một tuyển tập những bức thư của một phi công viết cho một thiếu nữ còn đang là sinh viên ở đại học để kể cho nàng nghe cuộc đời của những người hàng ngày bay trên gió mây trời. Tôi bắt đầu viết vào năm 1959 và đăng mỗi tuần một kỳ, vào ngày thứ Hai, trên báo Tự Do là một nhật báo có nhiều độc giả trên toàn quốc. Giáo sư Văn Khoa Phạm Việt Tuyền là chủ nhiệm.”

Tuyển tập những lá thư của ông đã có ảnh hưởng rất mạnh vào lớp thanh niên lúc đó. Hình ảnh người phi công trở thành một biểu tượng của thời đại đầy nét hấp dẫn với tuổi trẻ. Những bức thư gửi cho người tình tên Phượng đã thành những ấp ủ trong mộng của cả một thế hệ thanh niên. Có nhà phê bình cho rằng “Cuốn sách đã tạo nhiều ảnh hưởng, được tái bản nhiều lần và hàng ngàn người trai trẻ nô nức gia nhập Không Lực để thực hiện lý tưởng và hoài bão của mình trong thời chiến tranh khốc liệt”. 

“Đời Phi Công” được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1961; năm ấy tác giả Toàn Phong mới 31 tuổi và có cuốn truyện đầu tay nhưng đã vinh dự nhận giải cùng những tên tuổi lớn của văn chương miền Nam như Võ Phiến và “Thần Tháp Rùa” Vũ Khắc Khoan. Bạn đọc có thể đọc lại Đời Phi Công tại link.

Bầu trời và những vì sao tiếp tục mang lại cảm hứng cho nhà văn Toàn Phong trong những tác phẩm sau này của ông, chẳng hạn tập truyện ký “Theo Ánh Tinh Cầu” xuất bản năm 1991.

Nhưng văn chương không phải là sự nghiệp chính, không phải là phần lớn nhất trong sự nghiệp đồ sộ của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh – một “người khổng lồ” đa tài, một khoa học gia, nhà văn, nhà giáo dục, chỉ huy quân đội, ở cương vị nào ông cũng nổi bật lên thành một gương mặt xuất sắc… 

26 tháng 6, 2022

NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN LẠI GÂY ỒN ÀO

Ông luôn gây ra sự ồn ào từ khi ông bắt đầu sáng tác cho đến khi ông lìa đời. Và bây giờ, hàng chục năm sau khi ông vĩnh biệt cõi vô thường, ông lại gây ra ồn ào một lần nữa.

 Điều đáng nói là lẽ ra sự ồn ào phải vây quanh những gì thuộc về nghệ thuật mà ông sáng tạo ra, đằng này, sự ồn ào lại vây quanh con người chính trị của ông, hay nói đúng hơn là những bối cảnh chính trị mà ông phải rơi vào đó.

  Ông Trịnh Công Sơn lớn lên tại miền Nam Việt Nam, trong chiến tranh Việt Nam, trong đó có hai lực lượng đối nghịch nhau đều là người Việt, lực lượng cộng sản từ miền Bắc Việt Nam, và Việt Nam cộng hòa, đồng minh với Hoa Kỳ.

Ông sáng tác những bài nhạc ca ngợi tình yêu, những ca khúc phản chiến, những lời lẽ mang nội dung siêu thoát của triết lý Phật giáo.

15 tháng 6, 2022

Cho một kiếp mơ được yêu nhau


Tác giả hai bài thơ đã cùng âm nhạc của Phạm Duy trở thành bất hủ trong lòng người Việt, nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, đã ra đi vào ngày 9/6/2017 tại miền Nam California. Một cái tên lớn của văn hoá Việt Nam đã hoá mây về trời trong những ngày ở quê nhà đầy mưa và mây xám.

Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình, là đôi tác phẩm trong hàng loạt các sáng tác của bà như truyện ngắn, truyện dài, thi tập… mà danh mục có đến 17 ấn bản, từ năm 1960 đến 1990.

Tài liệu về bà, chủ yếu được trích từ sách “Văn nghiệp & cuộc đời Minh Đức Hoài Trinh” do phu quân của bà là Nguyễn Huy Quang chép lại (sách đề tác giả là Nguyễn Quang). Hiện sách gần như tuyệt bản. Trong đó nói rõ tiểu sử của bà như sau:

“Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, bà thường lấy các bút hiệu là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử. Bà sinh ngày 15 tháng 10 năm 1930 tại Huế, sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Sau đó bà đến định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ từ năm 1982. Tên tuổi của Minh Đức Hoài Trinh không ai trong giới văn học không biết. Bà sinh tại Huế, con quan Tổng Đốc Võ Chuẩn, Ông Nội bà là Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ của triều đình. Năm 1945 Bà tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó Bà biết sự lợi dụng của phong trào nên bà bỏ về Huế tiếp tục học.

Năm 1964 bà đi du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Đông Phương La Sorbonne, Paris đến năm 1967 bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, lúc đó bà đi làm phóng sự nhiều nơi sôi động nhất như: Algerie và chiến trường Việt Nam. . . Năm 1972 bà được cử theo dõi và tường thuật cuộc hòa đàm Paris. 1973 Bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1974-1975.

5 tháng 6, 2022

Nhạc sĩ Cung Tiến: Cây đại thụ trút lá lặng lẽ


Những người thân cận với gia đình của nhạc sĩ Cung Tiến đều biết ông đã qua đời ngày 10 Tháng Năm, nhưng đến ngày 4 Tháng Sáu, sau khi hậu sự hoàn tất, gia đình mới đăng cáo phó. Những người thân biết ngày qua đời của nhạc sĩ cũng được dặn dò là xin hãy giữ yên lặng cho đến khi hoàn tất tang lễ.

Khi mất, nhạc sĩ Cung Tiến hưởng thọ 83 tuổi, và lễ hỏa táng thực hiện vào ngày 2 Tháng Sáu, ở Nam California. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm cao quý như bài học mở đường của tân nhạc Việt Nam, đồng thời đóng góp nhiều công sức của mình cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nơi ông giữ chức Tổng Giám đốc Kế hoạch và Dự án, hoạt động như kinh tế gia, giúp cho Bộ tài nguyên và Thiên Nhiên Minesota nhiều năm, sau khi tỵ nạn từ 1975.

Với giới chức cũ của Việt Nam Cộng Hòa, nhạc sĩ Cung Tiến được nhớ đến như là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ Kế hoạch trước năm 1975. Còn với giới văn nghệ, ông được đánh giá không khác gì một thần đồng âm nhạc. Từ khi đi di tản sau 1975, nhạc sĩ Cung Tiến chưa có lần nào về Việt Nam, cũng như được biết ông từ chối mọi lời mời phỏng vấn từ Việt Nam hoặc về nước tham dự biểu diễn.

2 tháng 6, 2022

KHẢ NĂNG TỰ CHỮA LÀNH CỦA CƠ THỂ CON NGƯỜI.

Cơ thể con người sở hữu một khả năng tự chữa lành rất lớn, đáng kinh ngạc và bền bỉ. Bệnh tật thường xảy ra khi chúng ta lạm dụng cơ thể hoặc tước bỏ các yêu cầu cơ bản để giữ cho chúng ta khỏe mạnh trong thời gian dài.

Tế bào và khả năng tái tạo bản thân tuyệt vời của nó

Đơn vị cơ bản nhất của cơ thể con người là tế bào. Tất cả cuộc sống của con người ban đầu bắt đầu như một tế bào đơn lẻ, sau đó phân chia thành nhiều tế bào khác, cho đến khi một đứa trẻ được sinh ra sau chín tháng phân chia tế bào bên trong tử cung của người mẹ.

Mỗi giây chúng ta còn sống, các tế bào trong cơ thể chúng ta đang hoạt động không ngừng để đưa chúng ta trở lại trạng thái cân bằng nội môi hoặc cân bằng tự nhiên. Khi chúng ta sử dụng thuốc hoặc các thao tác vật lý của hệ thống cơ thể để chữa bệnh, chúng ta chỉ thực sự chưa tạo điều kiện cho khả năng chữa lành tự nhiên của cơ thể từ bên trong.

Mỗi tế bào là một đơn vị sống năng động, liên tục theo dõi và điều chỉnh các quá trình của chính nó, cố gắng tự phục hồi theo mã DNA ban đầu mà nó được tạo ra và để duy trì sự cân bằng trong cơ thể. Các tế bào có khả năng tự chữa lành, cũng như tạo ra các tế bào mới thay thế những tế bào đã bị tổn thương hoặc phá hủy vĩnh viễn. Ngay cả khi một số lượng lớn tế bào bị phá hủy - các tế bào xung quanh vẫn tái tạo để tạo ra các tế bào mới, do đó nhanh chóng thay thế các tế bào đã bị phá hủy.

Khi chấn thương chảy máu xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể chúng ta, các mạch máu tại vị trí đó sẽ co lại và làm chậm quá trình chảy máu. Tiếp theo, các tiểu cầu trong máu tiếp xúc với không khí, bắt đầu hình thành cục máu đông tại vị trí bị thương. Các tế bào bạch cầu sau đó tích tụ tại chỗ, phá hủy và tiêu hóa các tế bào chết bằng cách tiết ra các enzym đặc biệt được lưu trữ trong các gói nhỏ trong tế bào gọi là lysosome. Bằng cách đó, các mảnh vụn tế bào chết được loại bỏ và tạo không gian mới cho các tế bào mới chiếm giữ.

Gần như đồng thời, quá trình hình thành tế bào mới bắt đầu. Các tế bào mới này chủ yếu bắt nguồn từ các lớp tế bào mới hơn của một mô cụ thể, trong khi các tế bào cũ hơn được đẩy đến vị trí chấn thương, để dần dần lấp đầy không gian do chấn thương tạo ra. Quá trình phức tạp và đáng chú ý này sẽ tự động dừng lại khi quá trình tự chữa lành hoàn tất.

Quá trình chữa lành này không chỉ dành cho những vết thương. Nó cũng chăm sóc những hao mòn bình thường hàng ngày. Các tế bào bị hư hỏng, bị phá hủy hoặc chết được thay thế với số lượng lớn hàng ngày từ tầm nhìn, miệng, ruột và máu của chúng ta.

23 tháng 5, 2022

THÁNG TƯ NGÀY ẤY BÂY GIỜ: NHỮNG NGƯỜI CON GÁI KHÔNG BAO GIỜ VỀ NỮA


“Ngày 21 tháng 12 năm 1989, xác mười một cô gái Việt Nam tuổi từ 19 đến 23 trôi dạt vào bờ biển Tha Sala, Thái Lan, trên người không một mảnh vải che thân, cổ bị dây thừng trói chùm vào nhau, sau khi bị bọn hải tặc hãm hiếp, bị đẩy xuống biển, bị kéo rê theo tàu, thân thể thoi thóp chập chùng theo sóng nước, cho đến một lúc linh hồn buốt lạnh rời khỏi thân xác đau thương, bọn hải tặc man rợ mới chặt dây, để xác người nhận chìm trong đại dương loang màu máu...”

Đọc đoạn mở đầu như trên trong bài viết “Tha Sala - Đêm chôn vùi tội ác” của Lê Đại Lãng, rồi đọc tiếp toàn bộ câu chuyện, đọc đến đâu tôi cứ lạnh toát người đến đấy, nước mắt cứ chực trào ra. Câu chuyện kể về cái chết bi thảm của những người con gái Việt Nam thế hệ tôi đã đánh thức trong tôi các ký ức về những ngày tháng cũ.

Năm đó, tôi là sinh viên Khoa Anh Văn ở Đại học Tổng Hợp và chơi rất thân với một đám con trai gồm Phước, người ở xóm Nhà ga Hòa Hưng, Phu, người ở Hóc Môn-18 thôn Vườn Trầu, và Thắng ở khu Trường Đua Phú Thọ. Chúng tôi hay bỏ lớp đi uống cà phê, nói đủ chuyện trên trời, nói chuyện về cả những người bạn gái.

Phước hồi đó rất ngưỡng mộ Liên Châu, cùng cấp lớp nhưng khoa Nga, người dong dỏng, nước da sậm màu, mắt tròn xoe trên khuôn mặt tươi sáng, đầu lúc nào cũng ngúc ngoắc lanh lợi như sẵn sàng để nghe ai gọi tên thì quay lại, miệng luôn nở sẵn nụ cười tươi nhân hậu, thấy ai buông lời ỡm ờ thì cũng hài hước và vui vẻ đáp trả.

Phu thì chết mê chết mệt Hoàng Yến, cùng lớp tiếng Anh, người cũng dong dỏng, nước da cũng sậm màu, khuôn mặt cũng tỏa sáng, nhưng tính tình thì nhu mì, nói năng nhỏ nhẹ, quý phái. Mỗi lần Phu được nói chuyện với Hoàng Yến, mặt Phu cứ đỏ lự, bối rối, thẹn thùng, thấy tay chân ngúng ngoẳng như thừa thãi.

Tôi thì quen thân với Kiều Ngân, cũng cùng lớp tiếng Anh như Hoàng Yến, người tròn lẳn, chắc đậm, da ngăm ngăm, tóc dài, dày, gợn sóng và đen nhánh, lúc nào cũng kẹp ra sau để lộ cần cổ cao tròn trĩnh và khuôn mặt rạng rỡ với hàng lông mày sắc nét, thanh tú và nụ cười lúc nào cũng nở hoa trên khóe miệng. Kiều Ngân hàng ngày đến trường bằng xe Lam.

Thế rồi, Hoàng Yến là người đầu tiên đột nhiên biến mất. Những ngày tháng đó, ai đọt nhiên biến mất thì chắc chắn là đã vượt biên. Phu buồn lắm, năm sau cũng vượt biên. Rồi Phước cũng vượt biên. Nhóm bỏ học đi uống cà phê của bọn tôi thế là tan hàng vì Thắng lúc này cũng tối ngày quẩn quanh một cô bạn học cùng Khoa nhưng dưới một cấp lớp.

Một hôm, lúc tan học trưa, tôi đang đứng trước cửa lớp chưa biết làm gì thì Kiều Ngân đến bảo tôi đèo em về nhà. Được người đẹp cho phép chở “bình bông” về nhà, tôi rất hãnh diện. Hôm đó Ngân vui lắm, ngồi vắt vẻo phía trước trên chiếc xe sườn ngang của tôi mà cứ ngoái đầu lại phía sau ríu rít kể cho tôi nghe đủ chuyện.

Lúc chở Ngân về đến đầu ngõ nhà ở xéo phía bên kia chợ Bà Chiểu, Ngân xuống xe, mắt nhìn tôi buồn lắm. Rồi tần ngần, Ngân đặt tay lên tay tôi trên ghi-đông xe, hơi cúi mặt xuống nói nhỏ: “Mai Ngân đi rồi”. Mắt Ngân ứa ra một giọt nước mắt. Tôi bàng hoàng. Tôi đã có cảm giác Ngân thích tôi, nhưng giờ thì tôi chợt nhận ra Ngân đã lặng lẽ dành trọn cho tôi tình yêu đầu đời của người con gái.

Vậy rồi Ngân không đến lớp nữa. Liên tiếp nhiều ngày sau tôi có ý chờ để nếu Ngân có quay trở lại thì tôi sẽ nói với Ngân một lời, nhưng Ngân cũng không đến. Thế là tôi bặt tin Ngân. Sau khi ra trường, Liên Châu đem hết các giáo trình tiếng Nga trong 4 năm học ra đốt bỏ, đốt một cách hả hê. Rồi Liên Châu cũng vượt biên.

22 tháng 5, 2022

Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa


Đại đội chúng tôi còn năm hôm nữa sẽ xuống tàu ra đồn trú ở đảo Hoàng Sa. Đơn vị chúng tôi là đại đội tiếp lực đóng tại Vĩnh Điện thuộc Tiểu đoàn X. Sau những năm dài vào sinh ra tử chiến đấu cam go, nay có dịp xả hơi nên tuy phải đổi ra một đảo hoang vắng mọi người đều có vẻ thoải mái. Ngay từ khi mới nhận được lệnh, chúng tôi liền giở thư báo tin cho người nhà biết và mua sắm các loại vật dụng cùng thực phẩm cần thiết.

Biết rằng Hoàng Sa là một quần đảo hoang vu không có dân cư, để chuẩn bị thức ăn tươi, ngoài số quan nhu vật thực do đơn vị đảm trách, các trung đội họp nhau vạch kết hoạch chung tiền mua hạt giống ra củ, đậu cà, mua gà con, heo giống đem theo nuôi, người ta còn mua cả lưỡi câu, lưới, chỉ, ny lông để bắt cá. Riêng cá nhân mỗi người đều sắm sửa mang theo nào tiêu, ớt, hành, tỏi, dầu, đường, bột mì. Người thì mang theo thuốc lá, cà phê hộp, sữa, sách, truyện, có người mang theo cả chó con, mèo và cả chim sao nữa. Chúng tôi chuẩn bị sống cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết Lỗ Bình Sơn trên hoang đảo.

Vào lúc 5 giờ chiều, con tàu chở đại đội chúng tôi rời bến Đà Nẵng rẽ sóng về hướng đông. Chúng tôi vui nhộn khi xuống tàu nhưng độ vài giờ sau một phần lớn anh em không quen sóng đã nằm dã dượi khắp sàn tàu. Anh hạ sỹ Duệ đã tiên liệu sẵn cho mấy hộp thuốc trừ mửa nautamine nhưng không đủ để phân phát cho tất cả mọi người, chỉ biếu cho trường hợp các bạn say sóng quá nặng. Chiều hôm đó không ai dám ăn cơm no, có nhiều người đành chịu nhịn đói. Hai ngày ảm đạm chỉ thấy trời nước mênh mông chậm chạp trôi qua. Đến sáng ngày thứ ba thì tàu cập bến trước sự vui mừng chờ đợi của anh em binh sỹ đại đội trú đóng lâu nay trên đảo đang mong đợi ngày trở về quê nhà ...

Hoàng Sa là một hòn đảo của biển Đông, giữ một vị trí chiến lược rất quan trọng ở Thái Bình Dương, nằm về phía đông nam của đảo Hải Nam được người Pháp trú đóng năm 1938. Sau đó thì bị quan đội Nhật chiếm cứ và sau này vào năm 1947 thì Trung Hoa cũng muốn dành, lạm nhận là thuộc hải phận đảo Hải Nam.

Đảo Hoàng Sa nơi chúng tôi trú đóng hình hơi thuân thuẫn dài khoảng 2 cây số và rộng độ 1 cây số. Lên đảo chúng tôi đi qua một đoạn đường cát vàng rộng chừng 20m, kế đến là một loại rừng thưa mọc toàn một loại cây lá to bằng bán tay màu xanh lá chuối non mà tôi chưa hề gặp trong đất liền. Thân cây cứng và cao độ vài thước, lá mềm, người ta gọi là cây Trăng. Trong rừng thưa có đường sá ngang dọc lát đá hẳn hoi, dẫn đến trung tâm của đảo là nơi quy tụ những nhà cửa bằng gạch làm nơi đồn trú cho những đơn vị quân sự.

Nhà cửa ở đây đều xây bằng gạch, lợp ngói, khá đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp, có nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng nuôi heo, nuôi gà, có bể đựng nước, có giếng, có chuồng ủ phân trồng cây ... Người ta bảo rằng các cơ sở này do Pháp xây cất ngày trước để dự bị trong kỳ Thế chiến II không cho người nước khác chiếm, đặc biệt là người Nhật. Cách không xa nơi quân đội đóng là đài thiên văn do một nhóm 5 chuyên viên phụ trách với rất nhiều máy móc phức tạp để hằng ngày đo gió, đo nước mưa, tiên đoán thời tiết ... Đây cũng là tổng đài vô tuyến điện mà đơn vị chúng tôi phải nhờ mỗi khi muốn liên lạc với đất liền.

29 tháng 4, 2022

CHUYỆN CŨ… CÓ THỂ NÀO QUÊN…


Nhà văn & MC Nguyễn Ngọc Ngạn

Ðời người, ai cũng có những kỷ niệm, đau thương hay hạnh phúc. Kỷ niệm đôi khi chỉ thoáng qua, mờ nhạt như áng mây bay ngang bầu trời, để lại chút hình ảnh bâng khuâng. Nhưng cũng có khi hết sức sâu đậm, đến nỗi có thể coi là một biến cố, khả dĩ tạo thành khúc rẽ quan trọng cho cuộc đời. Ðó là trường hợp của tôi với câu chuyện xảy ra hơn 20 năm về trước mà giờ này ngồi ghi lại, tôi vẫn thấy hiển hiện như mới hôm qua…

Ngày ấy, miền Nam vừa đổi chủ được 3 năm, tình hình chính trị còn cực kỳ khắt khe. Tôi ở trại cải tạo, cầm tờ giấy tha vào giữa năm 78, về trình diện Sở Giáo Dục Thành Phố cho đúng thủ tục, dù biết trước sẽ không được thu nhận trở lại nghề cũ. Không có nghề nghiệp biên chế, tôi chỉ được tạm trú 3 tháng tại Sàigòn để thu xếp đi vùng kinh tế mới.

Thời gian này, miền Nam đang lên cơn sốt về phong trào vượt biên tìm tự do. Những người ở vào hoàn cảnh của tôi, bị công an khu vực theo dõi thường xuyên thì lại càng nôn nóng kiếm đường bỏ trốn. Những người bạn tù chúng tôi ngày ngày đôn đáo gặp nhau, đề tài chính đem ra bàn bạc chỉ xoay quanh một chuyện duy nhất là vượt biên.

Thời gian trôi quá nhanh, trong nháy mắt đã hết hạn tạm trú, tôi trở thành kẻ sống lậu không hộ khẩu tại thành phố. Giữa lúc lao đao tuyệt vọng, không biết ngày nào bất ngờ bị bắt lại, thì một hôm em trai tôi giới thiệu cho tôi một đầu cầu quý giá: đó là ông Ân, một người đàn ông trí thức, tuổi vừa 50, tính tình hiền hoà và đứng đắn. Ông là nhân viên lâu đời của cơ quan viện trợ Hoa Kỳ trước 75, đồng thời góp phần chuyển âm Anh-Pháp cho hãng phim Cosunam ở Sàigòn. 

Vì làm ăn chung với em tôi từ sau 75, nên ông có lòng tốt rủ em tôi cùng đi với ông trong chuyến vượt biển bán chính thức vốn dành riêng cho người Hoa đang rầm rộ đăng ký lúc đọ Thông cảm hoàn cảnh bấp bênh của tôi, em tôi giới thiệu tôi với ông, để xem ông có giúp gì được tôi chăng? Ði bán chính thức lúc ấy đắt tiền lắm, vì đang là những đợt đầu Có người nộp tới 12 hoặc 14 cây vàng, vì phải qua nhiều trung gian. Còn giá trung bình thì ít ra cũng phải 10 lượng một người. Tôi mới ở tù ra, làm gì có số tiền khổng lồ ấy!

27 tháng 4, 2022

“Đảo Ánh Sáng” và thuyền nhân người Việt


Ngày 20/2/2018 đài truyền hình Pháp (France 2) đã trình chiếu cuốn phim tài liệu dài 65 phút với nhan đề “Île de Lumière” (Đảo Ánh Sáng) do đạo diễn Nicolas Jallot dàn dựng.

Đối với đa số người Việt, khi nói đến “thuyền nhân” có may mắn được các tàu nước ngoài cứu vớt ngoài Biển Đông, người ta thường chỉ biết đến các tàu của Hải quân Mỹ, tàu Cap Anamur của Đức… nhưng ít người nhắc đến chiếc tàu “Île de Lumière” của Pháp.

Tàu Bệnh Viện "Ile de Lumière" 

Thoạt đầu, chiếc tàu cũ “Île de Lumière” được mang danh là “tàu bệnh viện”, nặng 1.500 tấn, có chiều dài 90m và neo tại đảo Poulo Bidong, ngoài khơi Mã Lai. Trên tàu có 100 giường để chữa trị cho 20.000 thuyền nhân trên đảo qua sáng kiến của Bác sĩ Bernard Kouchner.

Kouchner có biệt danh “French Doctor”, vì ông là người sáng lập tổ chức “Médecins Sans Frontières” (Bác sĩ Không Biên Giới) để đưa các y sĩ Pháp đến giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh hay thiên tai trên khắp thế giới. Sau đó, Kouchner còn sáng lập và điều hành tổ chức “Médecins Du Monde” (Y Sĩ Thế Giới), trước khi trở thành Bộ trưởng Ngoại Giao dưới thời Tổng thống Sarkozy.

Bác sĩ Bernard Kouchner

Thuyền trưởng “Île de Lumière” khi đó là François Herbelin, mới 29 tuổi, nhớ lại những  kỷ niệm sâu đậm nhất trên đời ông.

“Tôi rất cảm phục những người Việt… họ rất bình tĩnh, có tổ chức, có tư cách và quyết tâm đi tìm tự do. Khi mới tới đảo, họ kiệt lực, nhưng hồi phục rất nhanh và nghĩ ngay tới tương lai.”

21 tháng 4, 2022

Thiên tài gốc Việt ở New Zealand

Alisa Pham, 11 tuổi

Báo chí Tân Tây Lan đưa tin sensational rằng em bé Alisa Pham, 11 tuổi, được Đại học Công nghệ Auckland (AUT) cấp học bổng theo học cử nhân [1]. Cháu là sinh viên nhỏ tuổi nhứt trong lịch sử >100 năm của AUT. Nói theo báo chí NZ, Alisa là thiên tài, nhưng chắc Prodigy / thần đồng thì hợp hơn. 

Thần đồng Alisa theo học cử nhân về truyền thông và tiếp thị (Bachelor's in digital media and marketing) và định xong chương trình cử nhân năm 13 hay 14 tuổi. Alisa còn đặt cho mình những mục tiêu cao xa: sẽ xuất bản cuốn sách tự truyện bằng 10 ngôn ngữ và sẽ biếu tặng 20,000 cuốn sách tiếng Anh cho trẻ em ở Việt Nam. 

Vicky Ngo

Gia đình của Alisa có vẻ có truyền thống thiên tài. Chị nuôi của Alisa là Vicky Ngo cũng được nhận vào học đại học và cũng tại AUT năm 13 tuổi (2020). Thiên tài Vicky hoàn tất cử nhân tài chánh và toán ứng dụng chỉ 2 năm! Vicky đang theo học tiến sĩ, và chắc sẽ tốt nghiệp năm em ấy 16 hay 17 tuổi -- có lẽ là tiến sĩ trẻ nhứt trên thế giới (?) Thử tưởng tượng mang danh "Doctor" năm 17 tuổi.

Alisa cùng với chị nuôi Vicky và mẹ đến định cư ở Tân Tây Lan năm 2017. Bắt đầu học lớp 4 năm 2018, nhưng sau đó cho học 'nhảy' chương trình cấp 2. Em ấy hoàn tất chương trình trung học chỉ ... 10 tháng. Em ấy ghi danh học luật, nhưng AUT không chịu (có lẽ vì nhỏ quá), nên AUT sắp xếp cho học ngành truyền thông. Em ấy cho biết học hành không phải là vấn đề; vấn đề là cả nhà vẫn còn visa học sinh nên rất khó xin việc làm. (Cái này thì tôi nghĩ Chánh phủ Tân Tây Lan sẽ lo thôi; nếu không thì di dân sang Úc trong chương trình Global Talent và tôi sẽ cố gắng tìm cách giúp).

Hai cháu này đúng là thần đồng thứ thiệt. Alisa chắc sẽ nối gót chị Vicky và theo học PhD trong tương lai. Nếu vậy thì Alisa nên học ở Úc và người viết cái note này sẽ cố gắng tìm cách giúp đỡ vì UTS có khoa báo chí rất nổi tiếng. 

_______ 

https://www.newshub.co.nz/home/new-zealand/2022/03/12-year-old-auckland-student-completes-high-school-in-10-months-now-attends-university.html?fbclid=IwAR2KRR46oudRBDVMI0xnQcMedxLLprHfkKS1vZHTpq2y-EPFyyH7IhQqJqQ 

Nguyễn Tuấn

Xem bài phỏng vấn trên tivi New Zealand:

https://www.1news.co.nz/2022/03/29/11-year-old-alisa-pham-becomes-auts-youngest-ever-student/?fbclid=IwAR0EfHZuqV9uzu2kjVQajuMLMGgwYC_npMVsdvBlP9ofVMBtTAmuyW3xnrM


19 tháng 4, 2022

ĐOẠN KẾT BI THẢM CỦA VỊ CỰU BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC


Đó là Giáo Sư NGUYỄN DUY XUÂN - Tổng trưởng Văn Hóa - Giáo dục - Thanh niên của Chính thể Việt Nam Cộng hòa.

Giáo Sư NGUYỄN DUY XUÂN, sinh năm 1925 tại Ô Môn, Tỉnh Cần Thơ... là cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diplôma (văn bằng thành chung). Ông sang Pháp du học tốt nghiệp cử nhân kinh tế. Ông tiếp tục theo học chương trình sau đại học ở Anh, lấy bằng Thạc sĩ về kinh tế học; tiếp đến sang Mỹ theo học ở đại học Vanderbilt, và lấy học vị Tiến sĩ kinh tế học rồi trở về Việt Nam năm 1963.

Sau khi về nước ông được bổ nhiệm làm tổng ủy trưởng tổng ủy nông nghiệp, tổng trưởng kinh tế và cố vấn kinh tế của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bên cạnh đó, ông còn dạy tại các trường đại học kinh tế và trường quốc gia hành chính. Đầu năm 1970, ông được mời về làm Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ.

Trong thời gian đảm nhận vị trí Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, Giáo sư đã nỗ lực phát triển mọi lãnh vực, đặc biệt với 2 ngành Sư Phạm và Nông Nghiệp. Giáo Sư cũng là người tiên phong trong việc thiết lập hệ thống đào tạo tín chỉ theo mô hình Đại học Hoa Kỳ. Năm 1972, ông cũng đích thân mời nhà nông học trẻ Võ Tòng Xuân khi ấy đang công tác ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế Los Banos Philippines về trường giảng dạy.

Những ngày sau cùng của Chính thể Việt Nam Cộng Hòa , ông đảm nhiệm vị trí Tổng Trưởng (tức Bộ trưởng) Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên trong nội các của Tướng Dương Văn Minh.

Biến cố 30 /4/1975 xảy ra ... dù có nhiều điều kiện để di tản, nhưng Giáo Sư vẫn ở lại Việt Nam, sau khi đưa vợ con di tản... Và sự ở lại của ông có thể là một kết cục bi thảm cho chính cuộc đời của một vị trí thức.

Sau 1975, trong khi Tướng Minh vẫn sinh sống tại Dinh Hoa Lan, sau đó sang định cư tại Pháp... , như thân phận của các Quân dân cán chính khác, Giáo sư Xuân phải trải qua một thời gian cải tạo ở Thủ Đức, rồi bị đưa đi học tập cải tạo ở trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Hà Nam) lúc đó. Năm 1983, GS Võ Tòng Xuân, khi ấy là Đại biểu Quốc hội, có tìm đến trại Ba Sao thăm vị Giáo sư cũ một lần...

3 năm sau, năm 1986 .... do bệnh tật, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân qua đời tại Trại giam, thọ 61 tuổi. Thi hài được chôn ở quả đồi, khu vực Trại Cải tạo Ba Sao - Hà Nam. Chấm dứt 11 năm ròng rã chôn mình trong Trại Cải tạo!

Gần 30 năm sau... ngày 5.4. 2015, phần tiểu chứa tro cốt của Giáo sư Nguyễn Duy Xuân được người con gái, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga, đưa từ nghĩa địa trại cải tạo Ba Sao (Hà Nam) bằng đường tàu lửa vào Saigon. Thể theo di nguyện được ở lại quê hương, tro cốt của vị Bộ trưởng Giáo dục không sang Pháp cùng con gái và gia đình, mà được gửi ở Chùa Thiên Hưng ở đường Vạn Kiếp, Quận Bình Thạnh (TP.HCM).

_____________

Trưa ngày 22 tháng 11 năm 2018, Luật sư Đặng Trọng Dũng đã đến chùa Thiên Hưng, số nhà 71 đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, TP HCM để dâng hương tưởng nhớ Cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Duy Xuân:

Rất xúc động khi được thấy bình tro cốt của Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, Cố bộ trưởng Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Xin cầu nguyện anh linh Giáo sư thanh thản vĩnh hằng và phù hộ cho giáo dục nước nhà bước vào vận mới.

Xin đa tạ tấm lòng của Luật sư Đặng Trọng Dũng, đã thay mặt đứa em xa xôi dâng hương tưởng nhớ Cố Bộ trưởng

Võ Khánh Tuyên

Nguồn: https://www.facebook.com/photo/?fbid=707628833822462&set=gm.734239417604035


16 tháng 3, 2022

Mykhailo Fedorov người điều hành truyền thông Ukraine !

(ảnh: Sergii Kharchenko/NurPhoto via Getty Images)

Cậu "thanh niên" với gương mặt búng ra sữa này là ai? Đó là Mykhailo Fedorov, 31 tuổi, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia của Ukraine. Cậu được bổ nhiệm ghế bộ trưởng năm 2019 ngay sau khi Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống. Lúc đó Fedorov 28 tuổi.

Chiến dịch vận động các tập đoàn truyền thông khổng lồ thế giới để thực hiện màn đánh tổng lực nhằm vào Nga những ngày qua là nhờ gần như một tay Fedorov. Mykhailo Fedorov làm việc hiệu quả đến mức Emerson Brooking, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, người nghiên cứu cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong chiến tranh, cũng phải thốt lên: Khả năng lôi kéo đầy thuyết phục của Mykhailo Fedorov đối với các công ty công nghệ khổng lồ là “phi thường”, vì thông thường, những ông trùm công nghệ chỉ nghe theo chính quyền hoặc bị áp lực của số đông người tiêu dùng. 

8 tháng 3, 2022

Liệu Putin có “dám” sử dụng vũ khí hạt nhân?

1. Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa năm 2020 từ căn cứ trên bộ Plesetsk ở tây bắc nước Nga. Nga là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Nguồn: Thông tấn Báo chí Bộ Quốc phòng Nga / AP 

Tổng thống Nga V. Putin hôm Chủ nhật (27/2/2022) tuyên bố đã “đặt “lực lượng răn đe hạt nhân” của quân đội Nga vào tình trạng báo động, sẵn sàng chiến đấu.” Để biện minh, vị nguyên thủ L.B. Nga giải thích muốn đáp trả “những tuyên bố gây hấn của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO.” Từ khi cuộc chiến tranh nổ ra, tôi đã có vài bài, phân tích có, “chém gió” tếu táo cũng có chủ yếu là những nhận định từ lý thuyết logic tiến hành chiến tranh trong bối cảnh quan hệ quốc tế.

 Đó cũng là lý do mà tôi nhận được nhiều câu hỏi, chính xác là những câu thể hiện sự lo âu, rằng phải chăng Putin có dám sử dụng “hàng nóng” (chỉ vũ khí hạt nhân hoặc những vũ khí gì đó không phải là vũ khí thông thường để tiến hành chiến tranh quy ước) ở chiến trường Ukraine hay không? 

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, ông ta còn đưa ra một lời đe dọa còn ngớ ngẩn hơn: “Bất kể ai cố cản đường chúng tôi hoặc… tạo ra mối đe dọa cho đất nước và người dân của chúng tôi, họ phải biết rằng Nga sẽ đáp trả ngay lập tức, và hậu quả với các người sẽ là chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của mình.” 

Một phần khác của bài phát biểu của Putin dường như rõ ý hơn, Putin nói: “Nước Nga ngày nay vẫn là một trong những quốc gia hạt nhân mạnh nhất.” Để biện minh cho cuộc xâm lược, Putin cũng đưa ra những tuyên bố vô căn cứ rằng Ukraine đang trên con đường xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết: “Không có bằng chứng nào về điều đó cả.” 

Bà Jen Psaki, thư ký báo chí của Nhà Trắng (Hoa Kỳ), đã nhanh chóng trả lời hành động ngày 27/2 của Putin. Bà nói trên ABC’s tuần này: “Chưa có lúc nào Nga bị đe dọa từ NATO.” Nhưng bà cũng thêm: “Chúng tôi có khả năng tự vệ.” 

6 tháng 3, 2022

Nhìn lại Bối cảnh đằng sau Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraina và Liên bang Nga tiếp tục giữ mối quan hệ chặt chẽ. Năm 1994, Ukraina đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình và ký giác thư Budapest về đảm bảo an ninh với điều kiện Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ đưa ra sự đảm bảo chống lại các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraina. Năm năm sau, Nga là một trong những nước ký kết Hiến chương An ninh châu Âu, nơi nước này "tái khẳng định quyền vốn có của mỗi Quốc gia tham gia được tự do lựa chọn hoặc thay đổi các thỏa thuận an ninh của mình, bao gồm cả các hiệp ước liên minh, khi chúng phát triển".

Mặc dù là một quốc gia độc lập được công nhận từ năm 1991, với tư cách là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Ukraina đã được giới lãnh đạo của Nga coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của họ. Năm 2008, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng phản đối việc Ukraina trở thành thành viên của NATO. Nhà phân tích người Romania Iulian Chifu và các đồng tác giả của ông vào năm 2009 đã chỉ ra rằng liên quan đến Ukraina, Nga đã theo đuổi phiên bản cập nhật của học thuyết Brezhnev, trong đó quy định rằng chủ quyền của Ukraina không thể lớn hơn chủ quyền của các quốc gia thành viên của hiệp ước Warsaw trước khi sự sụp đổ của vùng ảnh hưởng của Liên Xô trong cuối những năm 1980 và đầu thập niên 1990. Quan điểm này được xây dựng dựa trên tiền đề rằng các hành động của Nga nhằm xoa dịu phương Tây vào đầu những năm 1990 đáng lẽ phải được phương Tây đáp lại, nếu không có sự mở rộng của NATO dọc theo biên giới của Nga.

21 tháng 2, 2022

XÓM LAN CHI THỜI ĐẸP XƯA…

Tranh minh họa của Họa sĩ Đức Lâm

Xóm Lan Chi, xóm nhỏ với cái tên dễ thương như vậy nằm ở đâu trong thành phố này? Không mấy ai biết đó là khu xóm nằm dọc theo đoạn đường Phan Văn Trị gần khu dân cư chợ Nancy cũ ở Quận 5, áp sát đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ).  

Tình cờ, xóm Lan Chi trở thành nơi cư ngụ của nhiều văn nghệ sĩ thuộc đủ các môn nghệ thuật, thành láng giềng của nhau trong mấy chục năm trước 1975. Khu xóm này, cùng với cư xá Chu Mạnh Trinh ở Phú Nhuận trở thành hai không gian sống quần cư của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn trước đây. 

Nhà thơ Nguyễn Bính vào Nam năm 1943 và cư ngụ ở xóm này. Lúc mới vào, Nguyễn Bính ở nhờ nhà người anh bà con là chủ tiệm bán nón ở Chợ Cũ trên đường Hàm Nghi. Ở được vài ngày thấy bất tiện, Nguyễn Bính theo bạn thân là nhà thơ Hoàng Tấn về chung sống ở xóm Nancy, trong căn nhà gỗ nhỏ mái lợp ngói nằm trong một thửa vườn xinh xắn có trồng hoa và mấy cây mít, xoài mà Hoàng Tấn và vài người bạn hùn nhau thuê. Nguyễn Bính thích căn nhà này lắm nên viết được một số bài thơ ở đây. Ông trìu mến đặt tên không gian sống này là Lan Chi Viên (theo âm tiết Nancy). Từ tên ngôi nhà, giới văn nghệ sĩ dùng gọi tên xóm Nancy thành xóm Lan Chi. 

Là người trong cuộc, nhà thơ Hoàng Tấn trong cuốn "Nguyễn Bính, một vì sao sáng" thuật rõ chi tiết câu chuyện trên. Ông hồi tưởng: “Từ ngày có Nguyễn Bính căn nhà sáng hẳn lên. Các văn nhân thi sĩ thường tới lui đàm luận thời cuộc, nói chuyện văn chương, trao đổi ý kiến nói chuyện thơ, bình cho nhau nghe những bài văn, bài thơ sáng tác. Tới lui thường có: Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều, Khổng Dương, Nam Châu. Vô hình trung cái vườn nhỏ Lan Chi này thành Câu lạc bộ Tao Đàn. Đã có mặt ở đây nữ sĩ Thiện Minh, Ngân Hà, Xuân Miễn, Nguyễn Đức Hinh, nhưng ăn dầm nằm dề nhiều nhất là Hoàng Phố, Trúc Khanh và Thanh Bình. Ngoài ra còn một số bạn bè sinh viên học sinh yêu thơ mến mộ tài năng Nguyễn Bính tới lui thăm hỏi làm quà, kết nghĩa”. 

Nhà thơ Đông Hồ xưa cũng ở xóm này nhưng không rõ trong khoảng thời gian nào. Trước nhà ông có trồng hai cây liễu nên Đông Hồ được gọi là Nhị Liễu tiên sinh.

Tại ngôi nhà nhỏ xóm này, Tết Giáp Thân năm 1944, Nguyễn Bính cho ra đời bài "Xuân vẫn tha hương" mà ông thức trắng đêm để viết. Ông nói với Hoàng Tấn: “Trước đây tôi đã có bài Xuân tha hương rồi. Nay có bài Xuân vẫn tha hương, rồi đây sẽ còn Xuân lại tha hương và biết đâu còn bài Xuân cứ tha hương trước khi bài Xuân cố hương ra đời”. Bài thơ dài và có những câu thơ gây xúc động, như mọi bài thơ của Nguyễn Bính: 

Đêm ba mươi Tết quê người cũng, 

Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương….

Chị ạ, em không người nước Sở,

Nhớ nhà đâu mượn địch Trương Lương.

Đất khách tình dâng hòa mắt lệ,

Ôi nhà! Ôi chị! Ôi quê hương! 

Nhưng “thơ suông rượu nhạt” mãi ở Lan Chi cũng chán, nhất là khi bạn bè ai cũng bận việc kiếm sống nên để Nguyễn Bính nhiều khi ở nhà lủi thủi một mình. Thú vui xê dịch lại dấy lên, ông thường bỏ nhà đi ngao du sơn thủy từ vài ngày đến hàng tuần mới về. Ông quay lại Chợ Cũ, đến trường đua Phú Thọ, sang Gia Định hoặc sang Cầu Kinh (nay là khu cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh) với bạn bè. Trong một cú sốc vì đụng chạm với một nhà giàu xem trọng tiền bạc, Nguyễn Bính than thở: 

Ở lại kinh thành với bút nghiên

Đêm đêm quán trọ thức thi đèn

Làm thơ bán lẻ cho thiên hạ

Thiên hạ đem thơ đọ với tiền!

Ông lại trở về vườn nhỏ Lan Chi cùng bạn Hoàng Tấn. Ở đó, với ba tờ giấy hồng điều dài thậm thượt, Nguyễn Bính lấy bút lông mực Tàu chép lại bài thơ Hà Tiên, người xóm rẫy treo giữa phòng khách. Bài thơ chạy dọc hơn nửa bức vách gỗ đập vào mắt mọi người. Hoàng Tấn kể: “Với màu đỏ nhạt duyên dáng của giấy hồng điều, như một vầng trăng dịu hiền nổi lên trên nền trời thu tháng tám. Bên cạnh lư trầm luôn ngát hương, bài thơ đặt đúng chỗ gây biết bao gợi cảm và làm cho căn phòng ngào ngạt một không khí thơ”. 

Khu chợ Nancy đã có thời thơ mộng như vậy với nhà thơ Nguyễn Bính. Hai tri kỷ “uống rượu làm thơ, coi chuyện làm báo làm bung chán mớ đời này là một giấc bướm, một giấc Nam Kha chưa chín nồi kê”. 

***

31 tháng 1, 2022

CUNG CHÚC TÂN XUÂN NHÂM DẦN (2022)

 NHÂN DIP XUÂN  NHÂM DẦN KÍNH CHÚC THẦY CÔ, ANH & CHI, THÂN CHÚC BAN HỮU MÔT NĂM MỚI

 
-VAN SƯ PHƯỚC LÀNH
-SỨC KHOẺ AN KHANG
-SỞ CẦU NHƯ Ý
-TẤN TÀI TẤN LÔC.



22 tháng 1, 2022

Thích Nhất Hạnh (1926 - 2022)

Thông tin từ Làng Mai cho biết Thiền sư Thích Hạnh mới qua đời lúc 0 giờ ngày 22/1/2022 ở Việt Nam [1]. Ông thọ 95 tuổi. Việt Nam đã mất một người con ưu tú, và Phật giáo thế giới đã mất một trong những danh nhân ưu tú nhứt. Ông hơn là một thiền sư, mà còn là giảng sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động vì hoà bình thế giới.

May be an image of 1 person
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ông được xem là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ 2 ở phương Tây, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông là tác giả của hơn 100 cuốn sách xuất bản từ trước 1975 cho đến nay. Vào hiệu sách nào ở phương Tây đều có 2 tủ sách, một dành cho ông và một dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một số cuốn sách nổi tiếng mà tôi còn giữa như Đường xưa mây trắng Phật trong ta, Chúa trong ta, v.v.

Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sanh ngày 11/10/1926 ở Thừa Thiên, Huế. Thời niên thiếu, ông đã được tiếp xúc với sách vở và tư liệu Phật giáo, nên năm 16 tuổi ông quyết định xuất gia tại chùa Từ Hiếu (Huế) và được hòa thượng Thanh Quý Châu Thật đặt pháp danh là Trừng Quang và pháp hiệu là Nhất Hạnh. Qua nhiều năm học hành và tu tập, ông chánh thức trở thành nhà sư năm 23 tuổi. Ông theo phái tu Đại Thừa.

Thiền sư Nhất Hạnh là một thành viên quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (không phải giáo hội ngày nay mà người ta hay đùa là ‘giáo hội quốc doanh’) trước 1975 ở miền Nam. Tuy nhiên, Phật giáo thời đó có 2 ‘trường phái’ không thuận nhau: trường phái Ấn Quang do Thích Trí Quang và Thích Nhất Hạnh lãnh đạo, và trường phái Việt Nam Quốc Tự do hoà thượng Thích Tâm Châu lãnh đạo. Theo đánh giá của chánh quyền VNCH, phái Ấn Quang thiên về cánh tả và ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, còn phái Việt Nam Quốc Tự thì ôn hoà.

Thiền sư Nhất Hạnh là một trong những thành viên sáng lập Viện Đại học Vạn Hạnh vào năm 1964. (Hai sáng lập viên khác là học giả Hồ Hữu Tường và Đoàn Viết Hoạt, cả hai đều đi tù sau 1975). Vạn Hạnh là một viện đại học tư thục Phật Giáo đầu tiên ở Việt Nam, và dưới sự điều hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ban giảng huấn Viện Đại học Vạn Hạnh bao gồm nhiều học giả nổi tiếng như Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (tức thầy Lê Mạnh Thát) và Thích nữ Trí Hải. Tuy nhiên, sau 1975 thì Viện Đại học Vạn Hạnh bị nhà cầm quyền mới giải thể, và cả hai thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu bị nhà cầm quyền mới kêu án tử hình.

19 tháng 1, 2022

BỐI CẢNH VÀ DIỄN BIẾN HẢI CHIẾN HOÀNG SA 1974


Ngày 11/01/1974, các sĩ quan Nam Việt Nam nhận được báo cáo về những động thái của Trung Quốc trên hai hòn đảo của Nam Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hai ngày sau, Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn phái hai tàu khu trục Lý Thường Kiệt HQ-16 và Trần Khánh Dư HQ-4 tới thám sát.

HQ- 16 tới đảo Hữu Nhật (Robert Island) vào 16/1 và nhận thấy đảo này đã bị “ngư dân” Trung Quốc, từ hai thuyền đang neo tại bãi ven đảo, chiếm đóng. Chỉ huy tàu HQ – 16 lệnh cho những người Trung Quốc rời đảo và bắn thị uy để họ hiểu ý định của ông. Sau đó họ bắn và phá hủy các lá cờ Trung Quốc và một khu vực chế biến cá mà những “người đánh cá” triển khai 6 ngày trước đó. HQ – 4 tới Hoàng Sa ngày 17/1 và phái một đơn vị đặc nhiệm SEAL của Nam Việt Nam lên đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh (Money Island) gần đó để nhổ những cờ Trung Quốc. Ngày 18/1, hai tàu chiến của Nam Việt Nam đuổi một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc, buộc con tàu bị phá hủy nặng nề này phải rời vùng biển. Sau đó các tàu khu trục Trần Bình Trọng HQ-5 và tàu quét mìn Nhật Tảo HQ-10 tới Hoàng Sa.

Sài Gòn nghĩ rằng đã chặn được nỗ lực trong suốt 6 tháng liền của Bắc Kinh nhằm chiếm nửa phía tây của Hoàng Sa. Những “ngư dân” có vũ trang của Trung Quốc trước đó hầu như đã đẩy được các ngư dân Nam Việt Nam ra khỏi vùng biển Hoàng Sa, và ít nhất có hai tàu đánh cá Trung Quốc đã bị phát hiện đang hoạt động tại vùng nước mà Nam Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nhưng biến động gần nhất này của Trung Quốc lại là khởi đầu của một giai đoạn mới trong nỗ lực nhằm chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Lần này, những “ngư dân” Trung Quốc là thành viên của lực lượng Dân quân biển – một lực lượng bán vũ trang của Hải quân Trung Quốc.

Hai chiếc tàu cá gần đảo Hữu Nhật báo cáo về Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Trung Quốc. Ngày 16/1, Bộ Tư lệnh Hạm đội ra lệnh cho hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt đóng tại đảo Hải Nam tháp tùng lực lượng dân quân biển tới hiện trường, về mặt công khai là để bảo vệ ngư dân Trung Quốc, nhưng chủ yếu là để tập trung binh lực. Trung Quốc cũng hạ lệnh triển khai hai tàu quét ngư lôi. Bắc Kinh quyết định giải quyết tranh chấp tại Hoàng Sa bằng vũ lực nếu thời cơ cho phép.