16 tháng 2, 2021

17-2, SAU 42 NĂM, CUỘC CHIẾN VẪN ĐANG TIẾP DIỄN !

(Bộ đội ta phục kích tiêu diệt quân Trung Quốc xâm lược tại thị xã Cao Bằng, tháng 2-1979. Ảnh : Trần Mạnh Thường, lấy từ Thanh Niên)


1- Đọc lại bài thơ của Thanh Thảo về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược 42 năm trước. Đây là bài thơ hay nhất về cuộc chiến này mà mỗi khi đọc toàn thân ta rung động.  

TỔ QUỐC

vệt nắng mỏng trước sân mái gà cục tác

con tôi ngủ trong nôi văng vẳng tiếng còi tàu

bữa cơm gia đình tôi trộn bắp trộn sắn bảy mươi phần trăm

mùa xuân những cơn bão hung hãn bất ngờ ập tới

trầm tĩnh như rừng kia như biển kia

Tổ Quốc tôi đứng lên trước bầy xâm lăng phương bắc

những dãy núi cong cánh cung những nỏ thần khủng khiếp

lại tung hàng loạt mũi tên xuyên ngực quân thù

ải Nam Quan ngọn khói xưa Nguyễn Trãi nuốt nước mắt quay về

mười năm nằm gai nếm mật

hẽm Chi Lăng lầm lì sông Kỳ Cùng bốc cháy

pháo đã giăng từ ngàn vạn điểm cao

quân di chuyển những dòng sông chảy ngược

mây uy nghi Yên Tử thuở nào

còn in dáng Trần Nhân Tông mắt dõi về phương bắc

tính nước cờ ung dung trên cao

sông Kỳ Cùng những tảng đá lên hơi

đùa với mặt trời trong nước

tôi chỉ đến tắm một lần nhưng đó là Tổ Quốc

chảy lặng thầm suốt cuộc đời tôi

những câu lượn câu sli đêm chợ Kỳ Lừa

chén rượu nồng thơm sắc màu thổ cẩm

vó ngựa gõ dòn lâng lâng sương khuya

khẩu súng chống tăng ghì chặt vào vai

anh xạ thủ H’Mông mười tám tuổi

khi lũ giặc đang điên cuồng lao tới

một chấm nhỏ trên bản đồ một chấm nhỏ thiêng liêng

phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất

phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ Quốc

quả đạn rời nòng trong chớp mắt

xe tăng cháy ngang đồi lũ giặc lùi xa

anh lính trẻ mỉm cười lau mồ hôi trên mặt

gương mặt dịu lành như Tổ Quốc chúng ta

THANH THẢO

(tháng 2/1979)

15 tháng 2, 2021

HÙNG CA QUANG TRUNG


 HÙNG CA QUANG TRUNG

 “Đánh cho chúng chích luân bất phản

Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn”

(Quang Trung)

*

Vó ngựa thù…

Vang rền biên ải

Nhói tim người áo vải cờ đào

Tuốt gươm thiêng, lấp lánh mấy tầng sao

Quyết giữ lấy quê hương từng ngọn cỏ

Máu hùng anh cháy ngời như ngọn lửa

Máu ba quân ngùn ngụt chí kiêu hùng

13 tháng 2, 2021

Xưa rồi, “Hiếu” ơi…

Ông bà cha mẹ yêu con là thiên tính, là nghĩa vụ, còn con cái hiếu thuận với ông bà cha mẹ là trách nhiệm, cũng là đạo hiếu đương nhiên. Một người không có lòng hiếu thảo với đấng sinh thành, ắt chẳng thể trao tình yêu của mình cho người khác, lại càng chẳng thể nói tới việc quan tâm tới sự hưng vong của quốc gia, dân tộc. Có chăng chỉ là vỏ bọc cho sự ích kỷ của họ mà thôi.

Tranh vẽ cảnh các loài vật cảm động trước lòng hiếu thảo của Ngu Thuấn mà tới giúp đỡ ông. (Họa sĩ Utagawa Kuniyoshi, Wikipedia, Public Domain)

Người xưa dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trăm điều thiện thì chữ hiếu đứng đầu. Vài nghìn năm qua, phàm những người hiếu thảo với ông bà cha mẹ đều được xã hội tán dương. Nhưng mà thời nay, “Hiếu” khác xưa nhiều lắm… Đại để là, mấy ai chịu bỏ lỡ dịp mà “phô trương” chữ “Hiếu”?

Trong cuốn “Chấn thương tâm lý hiện đại”, nhà phê bình Vương Trí Nhàn kể chuyện người quen của ông ở Sóc Sơn, đèo con gái đi xe máy trên cao tốc Thăng Long – Nội Bài. Xe bị dính đinh, không phanh kịp, khiến cháu gái bị ngã, chấn thương sọ não. Hỏi lại mới biết chuyện xảy ra như cơm bữa, và trong những kẻ làm cái việc rải đinh thì có những người rất nghèo… Cá biệt có người kể lể rằng, làm việc ấy để có tiền mua thuốc cho bà mẹ bị ốm. Tức là “nhân danh” hiếu thảo làm chuyện bất nghĩa. Thử hỏi có người mẹ nào muốn con mình làm chuyện thất đức?

11 tháng 2, 2021

Ý nghĩa tượng trưng của con giáp Sửu (con Trâu) trong phong thủy

Con trâu là con vật hiền lành, chăm chỉ, gắn liền với cuộc sống của người dân ở làng quê và là biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Con Trâu cũng là con vật nằm trong số 12 con giáp với vị trí thứ 2, sau con Chuột. Vậy ý nghĩa của con trâu trong phong thủy như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Con trâu – một biểu tượng của văn hóa Việt Nam

Dân gian ta có câu “Con Trâu là đầu cơ nghiệp”. Chỉ một câu nói trên cũng đã đủ chứng tỏ vị trí và tầm quan trọng của con trâu trong mỗi gia đình cũng như trong nền văn hóa của dân tộc ta.

Con trâu gắn liền với cuộc sống của những người nông dân vùng quê, trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước với hình tượng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Với bản chất hiền lành, chăm chỉ, cần cù, hòa đồng, con trâu đã trở nên phổ biến, gần gũi, thân thuộc với tất cả mọi người, từ già trẻ, lớn bé ở các vùng làng quê.

Hình tượng con Trâu gắn liền với cuộc sống của người dân vùng làng quê

 Hình tượng con trâu đã đi vào trong thơ ca, xuất hiện trong những câu tục ngữ, thành ngữ, những câu ca dao, bài hát đồng dao của các em nhỏ, trở thành nguồn cảm hứng để các tác giả sáng tác nên những bài hát về con trâu như: “tậu trâu cưới vợ, làm nhà…”, “ruộng sâu, trâu nái”, “chín đụn mười trâu”, “Trâu ơi ta bảo trâu này-Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta-Cấy cày vốn nghiệp nông gia-Ta đây trâu đấy ai mà quản công-Bao giờ cây lúa còn bông-Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”, “Ai bảo chăn trâu là khổ – Chăn trâu sướng lắm chứ”.