16 tháng 4, 2021

Nhiệt huyết và nổi đau....

Nhà sách Khai Trí ( Ành: trước năm 1975)

Tôi đến viếng tang lễ của cụ bà và gặp gỡ những người thân của đại gia đình họ Nguyễn. Những tấm ảnh slide show chiếu trên màn hình nhà tang lễ đã ghi lại những kỷ niệm đẹp của gia đình và cụ ông, cụ bà như một nhắc nhở ân cần đến hình bóng của kẻ ra đi.

Tôi được dịp trò chuyện với người con trai thứ của cụ là anh Nguyễn Hùng Tâm và tỏ lòng ngưỡng mộ cụ ông Khai Trí cùng đức độ của cụ khi còn sinh thời. Tiếng vang thơm ngát về lòng yêu thiếu nhi và mối tình gắn bó của cụ với sách vở đã khiến tôi quý trọng con người cụ dù tôi chưa gặp cụ bao giờ.

Dù đang có tang chế anh Hùng Tâm vẫn vui vẻ nghe tôi trò chuyện và hỏi han về những kỷ niệm đẹp còn lưu dấu của song thân anh, hai người đã khuất. Anh kể:

- Đối với cha tôi, những điều tôi trân trọng, lưu giữ trong trí, mến quí và yêu nhất là những giờ phút cuối của cụ. Trong 2 tấm hình chụp ông cụ trên giường, tôi thấy lúc nào quanh ông cũng tràn đầy sách vở. Hình ông cụ ngồi có một cái võng vắt ngang, sách vở cũng đầy giường tủ. Cụ luôn luôn miệt mài cùng sách vở kể cả những phút lâm chung.

- Đối với mẹ tôi, bà là người vợ lúc nào cũng tận tụy với chồng kể cả từ những ngày ban đầu mới thành lập nhà sách Khai Trí. Thuở hàn vi, dẫu không có người làm phụ giúp, bà vẫn hết lòng cùng chồng gánh vác những khó khăn, gian khổ buổi đầu. Những cuốn sách nào có giá trị cha tôi lúc nào cũng đưa cho bà đọc để có cùng một chí hướng với chồng và cùng tạo dựng sự nghiệp.

4 tháng 4, 2021

BÊNH VỰC TỘI ÁC THỦY ĐIỆN VÂN NAM CŨNG LÀ MỘT TỘI ÁC

Biểu đồ mưc nước sông MeKong từ 2016-2021 (ảnh Long Pham)

Một năm sau “Khóc một dòng sông” tôi tin rằng dân Việt sẽ còn tiếp tục khóc cho đến khi không còn nước mắt để khóc nữa! Tình trạng hạn-mặn của ĐBSCL sẽ còn tiếp tục tồi tệ và ngày càng tồi tệ. Hạn mặn năm 2021 và các năm về sau sẽ còn trầm trọng hơn năm hạn kỷ lục 2020.
Không có gì phải bàn nữa, việc tích nước tại 11 đập thủy điện ở Vân Nam là một nguyên nhân quan trọng nhất. Bên cạnh đó phải kể đến các công trình thủy điện, thủy nông, cấp nước trên dòng chính Mekong và dòng nhánh trên đất Lào, Thái, Miên và kể cả 3S của Việt Nam nữa. Ngoài ra những công trình thủy trên đất Việt Nam đã cản trở dòng lũ tự nhiên đi vào DBSCL cũng là một nguyên nhân quan trọng khác.
Cho đến nay Trung Quốc vẫn che giấu sự thật về lượng nước trong các hồ chứa và kế hoạch điều tiết. Chúng ngang nhiên tích nước bất chấp cuộc sống của cư dân hạ nguồn trong khi vẫn phát biểu ngược ngạo lẫn giả-nhân giả-nghĩa. Hành xử của Trung Cộng trên sông Mekong ngày càng giống hành xử của chúng trên biển Đông. Trong một diễn biến ngược lại, trước đây người ta thấy rõ vai trò hiệp sĩ của Hoa Kỳ trên biển Đông thì nay vai trò này được thể hiện trên sông Mekong.
Thực vậy, hai tổ chức của Hoa Kỳ là Eyes On Earth và Stimson Center bằng công nghệ Đo Lường Cảm Biến Hình Ảnh Vi Sóng kết hợp với các trạm đo đạc đã có hàng trăm năm nay dọc sông Mekong và bằng những phân tích xuất sắc họ xác định được những điều mà Trung Cộng cho đến này vẫn che giấu! Họ đã chỉ rõ chính Trung Cộng là một trong các thủ phạm gây hạn mặn cho DBSCL.
Trung Cộng khó mà tranh cãi nổi những bằng chứng thuyết phục này! Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn có người nói đại và nói bậy để bênh vực cho tội ác của thủy điện ở đầu nguồn Mekong trên đất Trung Hoa.
Bênh vực tội ác cũng là một tội ác!
Nguyen Tuan Khoa (2/4/2021)
Nguồn:
https://www.facebook.com/khoa.ngtuan
***
KHÓC MỘT DÒNG SÔNG


Giờ Vạn Vật Học lớp Đệ Lục (1972), khi giảng về sông Cửu Long thầy tôi nói: Đó là con sông hùng vĩ, thượng nguồn ở Tây Tạng rồi chảy qua 5 nước. Sông có 9 nhánh đổ ra biển Đông, giống như 9 con rồng phun nước tại 9 cửa sông. Thầy nói, thực ra, sông Cửu Long chỉ có 8 nhánh! Do số 9 là số may mắn trong văn hóa Phương Đông nên người ta phải cố gán thêm một nhánh cho đủ 9. Đó là nhánh Ba Thắc rất nhỏ, đang bị bồi lấp. Như một định mệnh trớ trêu, gần nửa thế kỷ sau bài giảng đó, nhánh Ba Thắc rồi thêm nhánh Ba Lai đã thành dòng sông chết. Hai con rồng đã về trời! Sông Cửu Long tám nhánh nay chỉ còn bảy. Thất Bát! Con số này như một điềm gỡ cho một vùng châu thổ buồn.

Lịch sử Châu Thổ sông Cửu Long (CTSCL) là một cuộc giành giật giữa sông và biển trong hàng ngàn năm. Lúc biển tiến, cả vùng ngập trong biển; lúc biển thoái, sông mạnh mẽ đẩy lùi biển ra đại dương… Để giờ đây nơi gặp gỡ giữa Cửu Long và biển Đông đã tạo nên một vùng châu thổ trù phú với đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới.

Dòng Mekong hùng vĩ bao đời nay đã cần mẫn tải ngọc phù sa nuôi sống gần 70 triệu người trên toàn lưu vực 800 ngàn cây số vuông. Ở cuối nguồn, hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang đã tạo nên vựa lúa lớn và một nền văn hóa đặc sắc với 17 triệu cư dân. Bỗng chốc tất cả trở nên suy tàn. Hạn mặn 2016 đã lên đến Cần Thơ, vượt mức chịu đựng của dân ĐBSCL. Hạn mặn 2020 còn khốc liệt hơn nhiều. Nếu lấy mức mặn 4 phần ngàn là ngưỡng sống còn của cây lúa thì nước mặn từ biển Đông đã vào sâu hơn 80 Km nhưng nếu lấy mức mặn 0.5 phần ngàn cho nước uống thì mặn đã chạm đến hầu hết các nhà máy nước toàn vùng. Ngày mặn lên tới nhà máy nước Châu Đốc rồi Nam Vang sẽ không còn xa nữa.