22 tháng 12, 2020

Những sự kiện nổi bật thế giới năm 2020


* Covid-19 bùng phát khắp thế giới

Từ những ca viêm phổi lạ ở Vũ Hán vào tháng 11/2019, Covid-19 lan nhanh ra toàn thế giới, đẩy cả nhân loại vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, khi toàn cầu đã ghi nhận hơn 77 triệu ca nhiễm, hơn 1,7 triệu người tử vong và con số chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đại dịch đang tàn phá nặng nề mọi khía cạnh đời sống con người, từ kinh tế, y tế, giáo dục đến những mối quan hệ xã hội, cách mà cộng đồng tương tác với nhau. Để kiềm chế đại dịch lây lan, hàng loạt quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, tạo nên nhiều "thành phố ma", nơi hàng triệu người chấp nhận cuộc sống trong 4 bức tường. Các doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm 4,4% trong năm 2020, theo IMF.

Mỹ và nhiều nước phương Tây căng thẳng với Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19 và yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế, trong khi Bắc Kinh nỗ lực phản bác, trong đó đưa ra khả năng nCoV đến nước này từ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Các nước đã nỗ lực phát triển vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục, thắp lên hy vọng dập tắt dịch bệnh. Một số quốc gia đã tiến hành tiêm chủng diện rộng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nhân loại không bao giờ được lãng quên "cơn ác mộng" Covid-19, bởi những mầm bệnh nguy hiểm đang tiềm ẩn có thể đẩy thế giới vào tình huống tồi tệ hơn.

MỪNG GIÁNG SINH & NĂM MỚI 2021

Chúc các bạn hưởng mùa Giáng sinh ấm áp ở bên những người thân yêu & Năm mới luôn mạnh khỏe, vui vẻ và Hạnh Phúc

10 tháng 12, 2020

LÀ NGƯỜI SÀIGÒN TỪ THUỞ BÀO THAI


Sinh ra, lớn lên và sống gần hết đời ở cái đất Sài Gòn này mới thấy nó chán phèo. Hồi nhỏ thì chơi tạc lon, đánh đáo, giựt cô hồn…Thả diều không được vì ông già Mười, nhà có xe hơi xách baton rượt, sợ vướng dây điện. Tụi tui lấy kẹo cao su gắn dính vô chuông cổng nhà ổng rồi bỏ chạy. Lớn hơn chút nữa thì chơi bầu cua, cát tê, xập xám…

Mỗi tối mẹ sai tôi xách thùng rác ra gốc me ngoài đường đổ. Tối cúp điện, tôi vừa xách thùng rác vừa nghêu ngao: 

“…Đường về hôm nay tối thui, gập ghềnh em không thấy tui, em đụng tui, em nói tui đui…”. 

Tội nghiệp bản “Kiếp nghèo” của Lam Phương, tôi chỉ cám cảnh a dua hát theo chứ đâu biết sửa lời. Trời nóng, để tạm thùng rác ở gốc me, chạy ra phông- tên nước gần đó, năn nỉ mấy chị ma-ri-sến gánh nước thuê, cho em thò cái đầu vô vòi nước một chút. Mát đầu có sức quậy tiếp. 

Xóm nhỏ đôi khi lầy lội. Thỉnh thoảng mấy bà trong xóm cũng cãi nhau ầm ĩ. Hôm sau hai ông chồng lại ngồi khề khà nhậu với nhau, còn mấy bả đon đả tiếp mồi. Cãi nhau là chuyện nhỏ, chuyện hôm qua cho nó qua luôn. Đời sống nghèo ở Sài Gòn là vậy, có gì thơ mộng đâu?

8 tháng 11, 2020

4 câu hỏi khó của vị sư trụ trì cô đọng cả đời người

 

 (Ảnh minh họa qua Pixabay)

Tại một ngôi chùa nọ, các đệ tử luôn xảy ra tranh chấp, tật đố mà không hề biết nghĩ cho nhau, làm vị sư trụ trì rất phiền lòng. Một hôm các đệ tử đang tranh cãi đến mức đánh nhau, họ muốn so tài cao thấp để tự tìm ra người xứng đáng được truyền thụ võ công.

Thấy vậy, vị sư trụ trì liền gọi tất cả các đệ tử lại và nói: “Hôm nay ta sẽ chính thức lựa chọn người được vào Tàng Kinh Các để học kinh thư nâng cao công lực, ai là người hiểu đúng 4 câu này của ta sẽ được chọn.”

Tất cả các đệ tử liền vội vàng tập trung lại quanh vị sư trụ trì để nghe câu hỏi, duy chỉ có chú tiểu hay bị các vị sư huynh bắt nạt vẫn khoan thai đứng quét rác như không biết chuyện gì xảy ra. Vị sư phụ quan sát chúng đệ tử rồi gọi chú tiểu ấy lại cùng nghe. Sau đó ông hỏi: “Câu thứ nhất, xem mình là người khác. Các con có thể nói thử xem các con hiểu thế nào về câu nói này không?”

Trong khi các vị sư huynh đang trầm ngâm suy nghĩ để tìm câu trả lời thì chú tiểu nói: “Câu này có phải nghĩa là khi con buồn khổ, nếu xem mình là người khác, như vậy thì nỗi khổ của con sẽ giảm đi. Khi con quá vui vẻ, xem mình là người khác thì sự kích thích đó sẽ được trung hòa lại. Khi con sân hận, xem mình là người khác thì con sẽ hòa ái hơn.”

5 tháng 11, 2020

Mệ


Buổi sáng 1-11-2020, chuyến xe từ thiện lần mò đến được Ba Lòng, Dakrong, Quảng Trị. Con đường lầy lội, đôi lúc dừng lại bởi những đoạn sạt lún đỏ ngòm. Hai bên là núi và lũng sâu. Đây là một trong những nơi khốn khó nhất với người dân, vì nước lụt vẫn bất thần đến từ thủy điện và mưa, sạt lở đổ xuống từ trên cao, rồi đến bùn nhầy vây chặt các lối vào. Dân kể rằng trong hai tuần của tháng 10, họ chịu đến sáu lần lụt lội, mọi thứ trôi và chết theo nước nên giờ chỉ còn biết khoanh tay chờ cứu trợ đến hết năm, vì bao nhiêu thứ làm ra, dành dụm được từ đầu năm đến nay đã trôi tuột. Thậm chí thóc ngâm nước, ngậm sình khi gom lại được, gà vịt cũng không buồn ngó đến.

3 tháng 11, 2020

LÒNG TRẮC ẨN



PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (ĐBQH đoàn đại biểu Quốc hội An Giang)

Phát biểu tại Quốc hội sáng 3.11, 2020

Trích toàn văn:

Cảm ơn những người bạn dù là ngoài đời như Gs Tuấn, Jang kêu, Công Vinh, Thủy Tiên hay chỉ quen trên FB Huy Nguyen, Lao Ta... đã cho tôi kiến thức và cảm hứng để có bài phát biểu hôm nay ở Hội trường Quốc Hội.

Kính thưa Quốc Hội,

Những ngày qua và có thể là ngay ngày mai chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của những cơn bão tràn vào Việt Nam. Bão thì năm nào cũng có nhưng tại sao bão năm nay lại cứ nặng nề hơn năm trước, mức nước lụt trên tường nhà mỗi đợt bão về lại ngày càng cao hơn.

Đó chính là hậu quả của việc chúng ta đã "tấn công" vào mẹ trái đất, tấn công vào những ngọn núi con sông, cánh rừng như những vòng tay bao bọc cho con người hàng nghìn năm nay. Rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào vậy nên nước mới lúc khô lúc ngập, trời lúc nóng kỷ lục, lúc lại lạnh thấu xương.

Vừa trở về từ miền trung hôm kia, tôi thấu hiểu tình cảm của cả nước hướng về khúc ruột yêu thương, nhưng thảm hỏa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này nếu chúng ta không thay đổi.

Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động hoặc thậm chí còn được cấp giấy phép mới... Nếu vậy sẽ lại còn những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa phải ghi nhận.

Chúng ta phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Việc này thật khó vì thay đổi trên giấy tờ văn bản chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy chẳng dễ tẹo nào.

Đơn cử khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ quý tự nhiên là đẹp hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến thăm cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương hay lim sến táu... Rồi tự huyễn hoặc là gỗ của mình nhập khẩu từ Lào, Miến... không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam.

Philipin là quốc gia chịu bão nhiều nhất Đông Nam Á nên chúng ta có thể học rất nhiều từ phía bạn. Họ giữ rừng, giữ những ngọn núi cao còn hơn cả con ngươi của mắt mình vì họ biết đây chính là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước con người trước sự giận dữ của thiên nhiên.

Siêu bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già của Philipin đã hạ cấp độ nguy hiểm là ví dụ rõ ràng nhất.

Bảo vệ môi trường theo tôi phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có. Với cách giáo dục như hiện nay việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn.

Chúng ta thử hình dung một cháu bé vào lớp 1 với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi bổ sung, sửa chữa hay đính chính.

Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và nói dối.

Những hiện tượng kỳ lạ của xã hội như Khá Bảnh sẽ ngày càng phổ biến vì giá trị cốt lõi không được nhà trường vun đắp từ những năm chập chững bước vào đời.

Mượn câu nói của vị giáo sư nổi tiếng Richard Feynman "Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, số môn đồ, bằng cấp, và danh xưng. Hãy ấn tượng với những tấm lòng tử tế, chánh trực, khiêm cung, và rộng lượng".

Làm sao chúng ta dậy được con cháu mình những điều tưởng rất đơn giản nhưng sẽ là nền móng của sự phát triển đất nước vững chắc trong tương lai.

Đừng để cho những tiền bạc, bằng cấp, danh xưng làm choáng ngợp. Nếu có ấn tượng thì nên dành sự ấn tượng cho những tấm lòng tử tế, khiêm cung, và rộng lượng. Và tôi tin Việt Nam sẽ có thật nhiều những người trẻ tuổi thông minh tài giỏi đầy khát vọng nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh Thủy Tiên.

Đấy cũng là hình ảnh mà tôi gặp thường xuyên ở những nơi khó khăn gian khổ trên khắp đất nước. Tinh thần tương thân, bác ái là bản chất, là truyền thống của dân tộc ta, nếu có trách chỉ nên suy nghĩ đến việc tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ chi công và lòng yêu thương con người sẽ ngày càng nhân rộng.

Thưa Quốc Hội, 

Bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm như là một qui luật của thiên nhiên. Chính vì vậy không thể dùng lòng tốt để khắc phục được những hậu quả của bão lũ từ năm này sang năm khác.

Chúng ta cần có chiến lược LÂU DÀI để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia và có sự đóng góp của nhiều chuyên gia. Từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây và vận hành các thủy điện mới và cũ đến những việc cấp thiết như cập nhật vẽ bản độ sạt lở khắp các tỉnh thành phố, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo bão lũ hữu hiệu quả hơn, hay có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt...

Có vậy người dân mà ở đây là những người nghèo, yếu thế cũng như những ngành chức năng bộ đội, công an, y tế, ... mới tránh được những tổn thất hy sinh vô cùng đau xót.

Xin cảm ơn sư lắng nghe của Quốc Hội


2 tháng 11, 2020

CÁC ÔNG NGHĨ GÌ?

Không ảnh nhà dân sụp đỗ tại Quảng Ngãi sau cơn bảo Molave cuối tháng 10/2020

Năm 2003 tôi đi quay ở hai xã ven biển Phổ Khánh và Phổ Quang, Đức Phổ Quảng ngãi. Dọc theo hàng chục cây số bờ biển là 200 ha rừng dương liễu xanh tốt như một lá chắn cho những xóm làng nhà cấp 4 lô xô bên trong. Bạn cán bộ xã ngắm rừng dương ánh mắt đầy tự hào nói rằng 200ha rừng phòng hộ đó là do chính tay người dân trong xã trồng để chắn gió bão mới chỉ hai năm trước.

4 năm sau cũng lại đi qua vùng đó, rừng dương liễu đã biến mất, thay vào đó là ngổn ngang hồ nuôi tôm, UB tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch vùng ven biển này thành diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Hàng trăm ha rừng bị chặt phá có sự tiếp tay của lãnh đạo các xã để chia đất cho các chủ hồ tôm. Dân hai xã bức xúc, ý kiến cử tri rơi vào im lặng, không ai bị xử lý. Ngày hôm qua, Đức Phổ là một trong những địa phương thiệt hại nặng do bão.

Có lần phải làm việc với một anh trợ lý của một giám đốc sở ở Quảng Ngãi. Ngay lúc đó, vị giám đốc đi tới và hình như trách anh về một việc gì đó, giọng rất nhẹ nhàng và nhanh chóng đi khỏi, nhưng anh tái xám mặt đứng lặng cả phút như mất hồn, đến nỗi tôi tưởng anh sắp bị đột quỵ, định hỏi anh có ổn không. Lần khác phỏng vấn một giám đốc sở, cấp dưới vào phòng chuẩn bị bài nói cho sếp mà cung cách đi đứng xun xoe đến tội nghiệp. Quảng Ngãi nổi tiếng là nơi làm việc khó khăn, cán bộ luôn từ chối gặp báo chí. Nỗi sợ hãi gì, văn hoá gì, hay "triết lý" gì tạo ra tất cả những điều đó, khi Quảng Ngãi đến nay vẫn là một tỉnh nghèo?

Ảnh: Biệt thự của ông Lê Viết Chữ

Trong ảnh là căn biệt thự của ông Lê Viết Chữ, bí thư tỉnh Quảng Ngãi mới mất chức hồi tháng 7, vì 12 công văn hoả tốc trong vòng 45 ngày lấy 4 ngàn ha đất, phần lớn là đất canh tác của nông dân, trong đó có 55 ha đất rừng phòng hộ ven biển Bình Châu đem dâng cho dự án FLC xây biệt thự sân golf resort. Bình Châu hôm qua cũng là xã thiệt hại nặng nề. Nhìn cảnh người dân Quảng Ngãi viết tên mình lên tấm tôn trước bão cho khỏi lạc, rồi trở về ngôi nhà xơ xác tan hoang sau bão, không biết những quan chức như ông Chữ ngồi trong căn biệt thự ấm êm kia các ông nghĩ gì.

Hàng ngàn ha rừng phòng hộ ven biển miền trung đã bị chặt phá để phát triển resort, các dự án vẫn tiếp tục được phê duyệt, tặng cho các tỷ phú đỏ những mặt tiền bãi biển lẽ ra theo luật phải là 100 mét rừng phòng hộ từ mép nước trở vào. 51 ngàn căn nhà bị tốc mái và 52 người bị vùi trong đất lở ngày hôm qua rồi có ý nghĩa gì không, hay chỉ là một cơn bão trên FB?

Nhà báo Đoàn Hồng Lê

19 tháng 10, 2020

THẢM HỌA CỦA THỦY ĐIỆN "CÓC" XÂY DỰNG Ở MIỀN TRUNG

 .

Tác giả: Ô Trần Quốc Thành

Thủy điện cóc là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này các doanh nghiệp rất ham và kéo theo một số lãnh đạo có quyền rất mê!

Nhưng nếu đầu tư ở khu vực miền Trung nhất là Bắc Trung bộ thì đúng là lợi bất cập hại! Vì rằng đây là khu vực có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn lại là nơi tập trung vào nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên! Hơn nữa địa chất ở vùng này phần lớn thuộc nhóm đất dễ sạt lở! 

Việc đầu tư ở đây vừa góp phần phá rừng hợp pháp lại ở nơi đầu nguồn là chính! Hơn nữa, lại góp phần gây ngập lụt và thiếu nước ở hạ du! Vì mùa khô hạ du cần nước thì thủy điện lại tích, mùa lụt hạ du thừa nước thì lại xả vì dung tích thấp không thể tích!

Bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu tốn 1 ha rừng đầu nguồn. Ví dụ dự án Rào Trăng 3 công suất 11 MW chiếm mất 11 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên Huyện Phong Điền và đầu tư hết 290 tỷ VND ( theo báo cáo đăng ký).

So với điện mặt trời thì sao nhỉ?

Để xây dựng nhà máy điện 1 MW điện mặt trời cần khoảng 0,6 ha. Giả sử công suất hữu ích khoảng 50% thì cũng chỉ mất 1,2 ha đất! Như vậy so với thủy điện là tương đương vì thủy điện công suất hữu ích cũng khoảng 70% là quá oách! Mà đất giá trị canh tác nông nghiệp thấp ở vùng miền Trung cũng như Bắc trung bộ đầy! Suất đầu tư của hai hình thức này cũng ngang nhau!

Sao cứ phải nhăm nhe lên rú?! Hay còn có thứ đàng sau dự án là tận dụng gỗ rừng khi tích nước?! Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 11 dự án thủy điện cóc tổng công suất chỉ 105 MW! Rất cần rà lại để loại bỏ không chỉ ở tỉnh này mà tất cả!

Nghệ An, thời gian qua nhờ sự phản biện của các nhà khoa học mà đã loại bỏ tối đa các dự án thủy điện cóc thể hiện sự tiếp thu, cầu thị của lãnh đạo tỉnh!

Hy vọng có sự điều chỉnh kịp thời khi chưa quá muộn!

Trần Quốc Thành (Giám đốc Sở KH-CN Nghệ An )



18 tháng 10, 2020

Thương về miền Trung

Lũ lụt tại Tỉnh Quàng Trị, tháng 10 năm 2020. 
Thiên tai hay nhân tai ?






 

10 tháng 10, 2020

Thăm & Tặng quà Trung Thu gia đình và thiếu nhi Làng Phong Gia Hiệp Di Linh Lâm Đồng (27/9/2020)

Làng Phong Gia Hiệp, xã Gia lành Di Linh hay cơ sở 2 nàm cách Trại Phong (cơ sở 1) khoảng 20 km, được gây dựng trên mảnh đất do sơ Mai thị Mậu mua rẻ từ một bác sĩ người Đức, người được bà chữa khỏi bệnh và trả ơn bà bằng cách vừa bán vừa giúp bà tạo cơ ngơi mới cho các bệnh nhân phong đã lành bệnh. Sơ Mai Thị Mậu là người tự nguyện tiếp nối công việc của đức cha Jean Cassaigne ( sáng lập trại phong Di Linh năm 1927) từ năm 1973 sau khi cha Jean Cassaigne mất.

Mỗi gia đình đến sống ở cơ sở 2 Gia Hiệp, huyện Di Linh là người từng mắc bệnh phong, nay đã khỏi bệnh được cấp nhà, cấp đất để tăng gia sản xuất. Mỗi hộ có từ 2 đến 4 sào đất để trồng cà phê, hoa màu, chăn nuôi…

Tại trại 2 hiện có 66 gia đình, cuộc sống ổn định và ấm cúng. Nhờ lòng bác ái của sơ Mậu và sự tận tâm của các nữ tu thiện nguyện ở làng phong Di Linh mà mọi nhà  có cái ăn cái mặc.

Trong mấy mươi năm qua trên cao nguyên Di Linh, Làng Phong vẫn theo một quỹ đạo riêng đầy tình thương và tràn ngập thứ hạnh phúc của bình dị, giản đơn được lan toả từ lòng nhân đạo của các nữ tu.


6 tháng 10, 2020

Tặng quà Trung Thu thiếu nhi tại “Mái ấm khiếm thị Đà Lạt” (2...

Mái ấm trẻ khiếm thị Đà Lạt “Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức”
Nơi nuôi dạy hơn 20 trẻ em khiếm thị, được thành lập từ lòng bác ái của các sơ, tự lực tài chính và sinh hoạt như nuôi ăn, dạy học.. . Hiện nay sơ Dung đang giám quản Mái ấm và một số sơ phụ trách lo cho các em.

Vì là cơ sở xã hội tư quản nên việc duy trì đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho các em rất khó khăn, nhất là trong mùa dịch ( cúm Covid 19) nên cần sự hổ trợ từ các mạnh thường quân.

Mọi chi tiết về Mái ấm, xin liên lạc:
Nữ tu: Nguyễn thị Đức Dung.
(Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức)
ĐT: 0976 481 292 ( Soeur Dung )
Địa chỉ: 39/3 Hồ Tùng Mậu - P3 TP Dalat
( vào cổng số 2 đường Chu văn An – TP Dalat)


29 tháng 9, 2020

Tặng quà Trung Thu Bênh nhân và thiếu nhi trại Phong Di Linh 1 - Lâm Đồng (25-9-2020)

Trại phong Di Linh nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng. Có tên là Trung tâm điều trị phong Di Linh. Trại Phong được thành lập vào năm 1929 bởi Giám mục người Pháp Cassaigne (1895-1973). Tính đến nay, làng tròn 90 tuổi.

Hiện làng có 86 hộ, khoảng 210 người, chia thành hai khu.

Trại phong Di Linh 1 là khu của người già, không còn sức lao động. Đa số bệnh nhân ở đây đều là người dân tộc K’Ho.


11 tháng 7, 2020

MẶT TRỜI NHỎ GIỮA LÒNG SÀI GÒN


Tọa lạc tại số 18 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.19, Q.Bình Thạnh, tiệm bánh nhỏ Happy Sun nhiều năm qua vẫn tồn tại giản dị, mộc mạc giữa sự nhộn nhịp của thành phố. Bởi lẽ nơi đây không chỉ đặc biệt vì các loại bánh mà còn vì những người thợ làm bánh tài hoa, đầy nghị lực. Những chiếc bánh thơm ngon, đẹp mắt được tạo nên bằng đôi tay của những bạn khiếm thị gửi đến mọi người.

Đến với Happy Sun, Bakery mọi người có thể thưởng thức nhiều loại bánh từ bánh ngọt đến bánh mặn với giá rất vừa túi tiền. Sơ Bích, hiện phụ trách tiệm bánh cho biết các loại bánh trong tiệm đều do Sơ học hỏi và hướng dẫn các bạn nhân viên thực hiện. Ấp ủ khao khát tạo cơ hội việc làm mới cho các bạn khiếm thị, Sơ Bích đã nhờ đến sự giúp đỡ của những bạn sinh viên từng hỗ trợ dạy học với các sơ và đang thành công với kinh doanh bánh ngọt tại Long Thành. Thế nhưng trên thực tế việc này lại không hề dễ dàng. Trong số 7 bạn khiếm thị Sơ từng dạy chỉ có 3 bạn mắt vẫn còn nhìn mờ chứ không mất đi ánh sáng hoàn toàn. Khi hướng dẫn cách làm bánh, các bạn tỏ ra rất thích thú nhưng bản thân Sơ Bích lại cảm thấy việc làm này là rất “phiêu”. Mặc dù các bạn vẫn có thể làm được nhưng chỉ có thể dừng ở mức “làm để biết” chứ không thể dùng để tự nuôi sống được, thật sự đối với mắt nhìn mờ thì cũng đã không kém phần rủi ro và nguy hiểm. Đối với một người thị lực bình thường thì làm ra một chiếc bánh đã khó nhưng đối với những bạn khiếm thị mà Sơ dạy thì đó lại là cả một quá trình gian nan. Đặc biệt, có những ngày khách đến mua bánh quá đông thì thật không dễ dàng gì cho các bạn. Chính vì vậy, Sơ Bích phải chuyển các bạn sang nghề làm đồ thủ công, chỉ giữ lại những bạn mắt nhìn mờ bám trụ với nghề.

8 tháng 7, 2020

Thị xã Lagi Bình Thuận

Thị xã Lagi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 63 km, cách Sài gòn 170 km về phía Tây và cách thành phố Vũng Tàu 93 km về phía Tây Nam. Thị xã La Gi có 28 km chiều dài bờ biển được nhiều người ví như cô thôn nữ vừa thức giấc. Bờ biển dài, uốn cong như cánh eo cô thôn nữ mềm mại, yêu kiều. Mặt biển xanh trong, lăn tăn gợn sóng như mái tóc buông dài. Đến du lịch La Gi những ngày hè nóng bỏng, hóng từng cơn gió biển mát lạnh sẽ khiến bạn quên đi những mệt nhọc thường nhật nơi phố thị náo nhiệt.


2 tháng 6, 2020

Mái ấm nuôi dưỡng hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi

Nhiều năm qua, mái ấm Thiên Ân (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) là nơi che chở cho hàng trăm em nhỏ người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, ít học, hoặc bị cha mẹ bỏ rơi...
Nhờ vòng tay che chở của các sơ ở mái ấm Thiên Ân, các em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật... đều lớn lên trong niềm vui và trở thành người có ích cho xã hội.

Cảm động tấm lòng người sơ

Đặt tại thôn 4, xã Chư Á, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, mái ấm Thiên Ân cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 9km. Mái ấm được sơ Nguyễn Thị Kim Chi thành lập từ năm 2010.
Thuở nhỏ, vì kinh tế gia đình khó khăn, sơ Chi lớn lên trong vòng tay yêu thương của các sơ ở Giáo xứ Thọ Thành (xã Hòa Phú, thành phố Buôn Mê Thuột).
Lớn lên, sơ đi học chuyên ngành Sư phạm Mầm non và học ngành Trồng trọt (Đại học Tây Nguyên) với mục đích mang kiến thức về để giúp những mảnh đời bất hạnh. Hoàn thành khóa học, sơ Chi tiếp tục học một khóa học thành sơ trong vòng 6 tháng.
Năm 2007, sơ Chi về đảm nhiệm công việc tại Tu viện Phao Lô Thiên Ân.


Nhờ sơ Nguyễn Thị Kim Chi mà các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm chăm sóc.
Khi ở Tu viện Phao lô Thiên Ân, sơ Chi có nhiều dịp được đi dạy cho bà con người đồng bào dân tộc thiểu số cách trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Lúc này, sơ Chi chứng kiến những đứa trẻ theo chân cha mẹ đi làm. Không được học chữ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự quan tâm của cha mẹ nên những đứa trẻ nhỏ này bị ốm yếu, suy dinh dưỡng rất nhiều.
“Đứa nào cũng đầu trần, chân đất. Các con theo cha mẹ lên rẫy nên khi cha mẹ đi làm thì các con phải tự lo cho nhau. Chúng thiếu ăn, thiếu mặc và hầu hết đều không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông”, sơ Chi bộc bạch.

Các em ở mái ấm Thiên Ân được trang bị những kĩ năng mềm, có thể tự chăm sóc bản thân.
Nhiều đêm trằn trọc về những đứa trẻ “không tương lai”, sơ đã quyết định thành lập mái ấm Thiên Ân. Lúc này, sơ Chi được người thân giới thiệu một nơi rộng khoảng 1.000 m² tại thôn 4 (xã Chư Á).
Sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương, sơ đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp để xây dựng nhà nuôi dạy trẻ mồ côi và đặt tên là “mái ấm Thiên Ân”.
Đến nay, mái ấm Thiên Ân là mái nhà chung của 180 đứa trẻ với nhiều hoàn cảnh khác nhau. 40 nhân viên là phụ nữ, đàn ông, người già neo đơn. Mái ấm còn là nơi cưu mang những bà mẹ lỡ lầm có bầu, không nơi nương tựa.

18 tháng 5, 2020

Cơ sở bảo trợ xã hội Vinh Sơn 1 mái nhà chung cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn



Nhiều năm qua, cơ sở bảo trợ xã hội Vinh Sơn 1 (thành phố Kon Tum) đã trở thành điểm tựa cho nhiều trẻ mồ côi, không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Từ chỗ nhận nuôi vài em, đến nay sau gần 45 năm, hàng trăm em có hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số… ở khắp các địa phương trong tỉnh Kon Tum đã về chung một mái nhà đầy tình thương yêu.



Điểm tựa cho trẻ

Cơ sở bảo trợ xã hội Vinh Sơn 1 (cơ sở Vinh Sơn 1) hiện đang nuôi dưỡng 200 cháu, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ tật nguyền…ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhỏ nhất là từ vài tháng tuổi. Đây là một trong những ngôi nhà chung lớn nhất cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi trong tỉnh Kon Tum. 200 cháu đang được nuôi dưỡng với nhiều lứa tuổi, có hoàn cảnh, tính cách khác nhau, đòi hỏi sự hy sinh nhiều từ các thầy cô, các sơ tại mái nhà chung. Theo sơ Y Kham, người phụ trách cơ sở Vinh Sơn 1, ban đầu các cháu vào đây không quen lối sống tập thể, nề nếp nên việc dạy bảo, đưa các cháu vào nề nếp rất khó khăn, nhất là lứa tuổi nhỏ.

15 tháng 5, 2020

Chùa Khánh Lâm (Măng Đen - Kon Plong – Kon Tum)


Được khởi công vào ngày 07/03/2012 (tức ngày Rằm tháng Hai năm Nhâm Thìn), sau hơn 5 năm xây dựng, đến thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thiện, nhưng chùa Khánh Lâm đã trở thành điểm lựa chọn đầu tiên của nhiều du khách trong hành trình đến Măng Đen…



7 tháng 4, 2020

Nhà sinh học phân tử: Virus corona hành xử rất lạ, không loại trừ khả năng nhân tạo

Mặc dù virus biến đổi và đây không phải là tin tốt nhất cho chúng ta, tôi muốn nói với tất cả độc giả rằng corona virus hoàn toàn không phải là bản án tử hình. Hầu hết những người bị nhiễm virus này chịu đựng khá bình thường. Nhiều người thậm chí sẽ không biết rằng họ có nó, nếu không xét nghiệm. Dường như với tôi, quan trọng hơn cả là mọi người bình tĩnh nhất có thể, không lo lắng và không tất bật. Làm theo các quy tắc kiểm dịch, đeo khẩu trang để không vô tình lây nhiễm cho người khác và cố gắng sống một cuộc sống bình thường nhất có thể bây giờ. Chúng ta cần phải chờ đợi, không có lựa chọn khác. Duy trì sự lạc quan, óc hài hước, và, tôi hy vọng, vào mùa hè, chúng ta sẽ thoát khỏi dịch này, và nó sẽ chỉ còn lại trong ký ức và sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Tôi ước điều này cho tất cả mọi người.


Sonya Pekova - Ảnh: Radio Svoboda

Sonya Pekova là một nhà di truyền học phân tử và virus học người Séc, đứng đầu phòng thí nghiệm tư nhân Tilia Laboratory, đã chẩn đoán một trong những trường hợp corona virus đầu tiên ở Séc. Hơn thế, cô đã phát hiện ra bệnh ở những người không về từ các “quốc gia có nguy cơ” và không tiếp xúc với người trở về từ đó. Phát hiện này đã buộc chính phủ Séc thay đổi chính sách xét nghiệm và bắt đầu xét nghiệm tại các lab của nhà nước không chỉ những người đến từ các quốc gia có lượng lớn bệnh nhân và những người tiếp xúc gần. Có lẽ vì thế, dịch bệnh ở Cộng hòa Séc hiện đang phát triển chậm hơn so với hầu hết các quốc gia khác.


Vào giữa tháng 3, Sonya Pekova đã phát triển một phương pháp (protocol) xét nghiệm mới, theo cô là chính xác hơn và rẻ hơn, cho SARS-CoV-2 và cung cấp miễn phí cho tất cả các tổ chức y tế quan tâm. Nó đã được Viện Hàn lâm Khoa học Séc và nhiều lab trên thế giới sử dụng.

Chủ nhật 29/3, phóng viên Radio Svoboda đã phỏng vấn Sonya Pekova.

Theo Pekova, không thể loại trừ virus này có nguồn gốc nhân tạo. Về lý do tại sao virus này không giống như các loại corona virus khác, kỹ thuật xét nghiệm của nó khác với các loại khác như thế nào, chúng ta có thể sống như thế nào trong đại dịch, hãy đọc trong bài phỏng vấn của cô với phóng viên Radio Svoboda.

18 tháng 3, 2020

Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Thái Thanh (1934-2020)


Vẫn biết rằng sinh tử là chuyện thường tình, nhưng sự ra đi của danh ca Thái Thanh vẫn làm cho nhiều người cảm thấy đau xót. Tuy nhiên có thể nói rằng bà đã sống được một cuộc đời trọn vẹn và đầy ý nghĩa.


***
Danh ca Thái Thanh được mọi tầng lớp khán giả, các nghệ sĩ và giới nghiên cứu âm nhạc xưng tụng là tên tuổi lớn nhất trong số những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam. Bà được nhà văn Mai Thảo gọi là “Tiếng hát vượt thời gian”, và danh hiệu này đã đi liền với cuộc đời và sự nghiệp của bà. Nhiều người cũng gọi Thái Thanh là “đệ nhất danh ca” của âm nhạc Việt Nam.



Ca sĩ Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 tại Hà Nội trong gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha của bà là ông Phạm Đình Phụng, một người rất giỏi về nhạc cổ truyền. Ông có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng), Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị Băng Thanh.

Ông Phạm Đình Sỹ là cha của ca sĩ Mai Hương, còn Phạm Đình Viêm chính là ca sĩ Hoài Trung trong ban Thăng Long. Ba chị em Thái Hằng, Phạm Đình Chương, Thái Thanh đều có đóng góp rất lớn đối với nền âm nhạc Việt Nam.

Thái Thanh – Phạm Đình Chương và Thái Hằng lúc nhỏ
Năm 1946, khi được 12 tuổi, Thái Thanh cùng gia đình tản cư về vùng kháng chiến Chợ Đại – Thanh Hóa và bắt đầu tham gia ca hát khi mới được 14 tuổi. Theo bà kể lại thì khi đó nhạc sĩ Phạm Duy muốn có cớ để lấy điểm với người đẹp Thái Hằng nên đặt lời Việt cho ca khúc Dòng Sông Xanh để cô bé Thái Thanh hát mới 14 tuổi hát.

Tuy nhiên cơ duyên với âm nhạc của Thái Thanh đến từ trước đó, khi mới 12 tuổi. Lúc đó anh trai bà là Phạm Đình Chương chơi thân với ông Nguyễn Cao Kỳ (sau này trở thành phó tổng thống). Hai người là bạn học, và Nguyễn Cao Kỳ thường đến nhà Phạm Đình Chương để cùng đánh đàn. Một hôm Phạm Đình Chương đã kéo Thái Thanh ra dạy hát để 2 ông luyện đệm đàn.

Với ảnh hưởng từ nhạc cụ dân tộc của cha mình, danh ca Thái Thanh đã tự luyện âm theo lối chầu văn, hát chèo, vì thế tiếng hát của bà có sự luyến láy giống như các làn điệu dân ca vùng Bắc Bộ. Sau khi vào Nam, bà được anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy (vốn là một ca sĩ tân nhạc nổi tiếng thập niên 1940) và anh trai là nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ dẫn thêm, ngoài ra bà tự học từ sách nhạc tiếng Pháp nên tiếng hát đặc biệt của bà là hòa trộn giữa chất opera của phương Tây và chất dân ca dung dị của Việt Nam. Giới phê bình đánh giá âm vực trong lời ca của Thái Thanh độc nhất vô nhị, từ cách luyến láy da diết tình quê cho đến giọng ngân du dương sang trọng.

11 tháng 3, 2020

Ngừa Dịch Cúm

Ngừa Dịch Cúm



Tác động các vùng : 



A/   Đầu Mặt   7 vùng  
1./ Đánh Nóng trước sau 2 loa tai (Liên hệ Thận tăng cường hệ miễn nhiểm)
2./ Chà vuốt từ giữa mí tóc trán ra 2 biên vùng huyệt Đầu Duy Giảm đau          nhức tỉnh thần 
3./ Vuốt từ chân mí tóc giữa trán  xuống 2 đầu  mày  ( hạ sốt)
4./ Xoa xung quanh 2 hốc mắt  (liên hệ Gan bài độc ,giảm đau nhức)
5./ Đánh nóng 2 bên viền má mũi ( tăng cường hô hấp , điều hoà nhịp tim)
6./ Xoa xung quanh Miệng theo chiều từ phải sang trái ( bài tiết ) 
7./ Cào khắp đầu  từ trước ra sau  ,từ trên xuống dưới , từ 2 thái dương            vòng qua tai đến Gáy cổ & xương chũm 

Lưu Ý  : - Vùng Thượng Tinh chống xỗ mũi 
            -  Vùng số 1 chống nghẹt mũi 

B/  Bàn tay  :


- Lưu Ý tác động kỷ gò ngón tay trỏ trong bàn tay (giữa khớp của ngón trỏ            & bàn tay và đường Tâm đạo ) 
- Chống Dị Ứng- Hơ các kẽ tay  (  Thông kinh hoạt lạc ) 

C/  Bàn Chân: 
  - Hơ kỷ khớp ngón chân Cái & Bàn chân 
  - Trị ho - Hơ các kẽ chân  ( Thông kinh hoạt lạc )



Trường hợp BN qúa suy nhược có thể tác động  thêm các vùng huyệt :
    Hơ Dũng Tuyền   Bấm Uỹ Trung
    Hơ  Ế phong  - Phong Trì - Phong phủ - Bá hội - Kiên Tỉnh - Đại Chuỳ
    dọc Cột Sống cổ đến xương cùng & Đại Trường Du -
   -  Khí Hải  - Trung quản - Đản Trung - Chí Dương - Cách Du
    Thăng khí  nối Nhâm Đốc  tăng sức đề kháng

Nguồn: https://vndongunglieuphap.blogspot.com/?fbclid=IwAR3-xSYIAIPFS24jxNOpw-LHOhv7hRYi--lXMfaEdZz21oIP1MfCE2cbZLI

5 tháng 3, 2020

TIN VUI MÙA DỊCH

Vui sống cùng âm nhạc, cũng là cách nâng cao sức khoẻ trong thời đại dịch đang đe doạ cả thế giới. Hơn nữa đây là bài hát cổ động phòng chống dịch Covid-19 có thể có ích cho mọi người đặc biệt là các em học sinh

***

TIN VUI MÙA DỊCH




Xin nói trước, tin vui đây không phải là một loại vaccin chống Coronavirus mới ra lò, mà nó là một bài hát vui nhộn tên Ghen cô Vy, có nội dung hướng dẫn mọi người về cách phòng ngừa dịch bệnh, do các nghệ sĩ trẻ Việt Nam sáng tác và biểu diễn.

Hình như mỗi bài hát đều có số phận riêng của nó, Ghen cô Vy chỉ là một ca khúc cổ động phòng chống Coronavirus của Bộ Y tế Việt Nam, phút chốc trở nên nổi tiếng tầm cở quốc tế, sau khi bất ngờ xuất hiện trên sóng truyền hình Mỹ trong chương trình Last Week Tonight with John Oliver (HBO) vào tối ngày 1-3-2020. Đây là một trong những show có tầm ảnh hưởng lớn ở Mỹ, bản thân MC chương trình John Oliver đã từng nhận 16 giải Emmys danh giá trong suốt sự nghiệp.

John Oliver đã hết lời khen ngợi ca khúc có nội dung ý nghĩa về phòng chống dịch bệnh và "Ca khúc như một bài hát hộp đêm sôi động" có thể khiến bạn nhảy hết mình.

Sau đó, MV của ca khúc Ghen cô Vy được phát với phần phụ đề tiếng Anh "Cùng rửa tay xoa xoa xoa đều. Hạn chế đưa tay lên mắt mũi miệng. Và hạn chế đi ra nơi đông người", John Oliver nhún nhảy thích thú theo điệu nhạc và hét lên "Tuyệt, tuyệt"

Cùng với ca khúc Ghen cô Vy, Vũ điệu rửa tay do vũ công Quang Đăng thực hiện cũng có mặt trong chương trình Late Week Tonight, MC John Oliver là người ngoại quốc đầu tiên nhại theo vũ điệu này và thể hiện nó trên sóng truyền hình.

8 tháng 2, 2020

MẤT TỰ DO LÀ MẤT TẤT CẢ

KHÔNG CÓ TỰ DO ĐỂ NÓI LÊN SỰ THẬT
KHÔNG CÓ TỰ DO ĐỂ CHẾT ĐI


Trái tim của bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Vũ Hán và bị cảnh cáo về việc này, đã ngừng đập vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 6.2. Những nỗ lực cấp cứu đều vô ích. Các bác sỹ đồng nghiệp của anh đã thông báo tin buồn này cho nhiều phóng viên tụ tập ở bệnh viên trung ương Vũ Hán đưa tin về việc điều trị dịch corona.

Từ những cơ quan truyền thông quốc doanh thập thành như Nhân Dân nhật báo, Hoàn Cầu thời báo cho đến những tờ báo chuyên nghiệp bậc nhất ở Trung Quốc như Tài Tân đều đã phát đi tin tức xáo động nhân tâm này.

Như một con đập khổng lồ vỡ tung sau một sự dồn nén cảm xúc cực độ kéo dài vài tuần lễ qua, vô số dòng trạng thái phản ứng ùa ra như thác lũ trên mạng xã hội ở Trung Quốc.

Hàng triệu người trong số đó đang sống trong cảnh như bị giam lỏng trong chính ngôi nhà của mình vì lệnh phong tỏa để phòng chống bệnh dịch mà bác sỹ Lý đã lần đầu tiên cảnh báo cho những đồng nghiệp của mình vào ngày 30.12.2019.

Cơn đau buồn mau chóng trở thành phẫn nộ, trong lúc vinh danh và tưởng nhớ người anh hùng của những người bình thường này, hàng triệu người cũng tự hỏi về những hậu quả từ việc nhà cầm quyền bịt miệng bác sỹ Lý và 7 đồng nghiệp của ông.

Trong một sự đoàn kết hiếm thấy nhiều thập niên qua, gần như mọi thành phần trong xã hội Trung Quốc hòa nhịp thống thiết kêu gào về một thứ: Tự do ngôn luận, điều lẽ ra có thể đã cứu mạng bác sỹ Lý và cứu cho Trung Quốc khỏi những điêu tàn hiển hiện của cơn dịch đang hoành hành.

Trend liên tục xuất hiện như sóng Trường Giang, lớp này bị kiểm duyệt thì lớp khác nổi lên. Hashtag “chúng tôi muốn tự do ngôn luận” vừa mất tăm thì hashtag “chúng tôi ĐÒI HỎI tự do ngôn luận” lập tức được hàng triệu người chia sẻ.

7 tháng 2, 2020

Nhà cầm quyền TQ đả bưng bít thông tin về dịch cúm như thế nào ?



Cuối tháng 12-2019, bác sĩ Lý (Li Wenliang) theo dõi một số bệnh nhân nhiễm virus giống SARS gây bệnh viêm phổi, từ đó ông đã cảnh báo về loại virus mới này trên nhóm WeChat của các cựu sinh viên Vũ Hán.. Ảnh chụp màn hình đoạn cảnh báo của bác sĩ Lý được đưa lên mạng và nhanh chóng lan truyền.

Cảnh sát Vũ Hán đã triệu tập bác sĩ Lý và một số đồng nghiệp. Đồng thời kêu gọi ông Lý dừng lại với cáo buộc ông "tung tin đồn thất thiệt", bắt bác sĩ Lý ký vào văn bản thừa nhận "đưa ra bình luận sai lệch làm xáo trộn trật tự xã hội".

Thay vì kết tội bác sĩ Lý, thì chính quyền lúc đó nên nhanh chóng tìm hiểu, khoanh vùng phát dịch, nghiên cứu tìm cách điều trị, có lẽ không đến nổi phải bối rối như hiện nay. Giới chức thành phố Vũ Hán muốn che giấu thông tin về loại chủng loại virus mới này. Vì vậy, nay ngành y tế TQ không còn khả năng ngăn chận hiệu quả dịch cúm đang lây lan nhanh trên chính nước họ khi mỗi ngày có hàng chục người chết mà hôm nay bác sĩ Li Wenliang chính là nạn nhân.


5 tháng 2, 2020

Tham quan Làng nghề truyền thống của dân tộc Champa - Ninh Thuận (30.1.2020)


Làng dệt Mỹ Nghiệp



Làng dệt Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang 12km về phía Đông Nam, có tên Champa là Ca Klaing.

Làng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm có lịch sử phát triển lâu đời. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đã và đang thu hút nhiều lao động tham gia, tạo ra được những sản phẩm có giá trị được khách hàng trong và ngoài nước ưa thích.

Làng Mỹ Nghiệp là một vùng quê yên bình, nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời, theo truyền thuyết vào thế kỷ 17 vua Ponưra. Bà là một nghệ nhân tạo ra những hoa văn rất đặc sắc trên nền vải, và chính bà đã tạo ra nghề dệt này, bà đã truyền lại cho ông Xa và bà Chaleng. Họ là hai vợ chồng sinh sống ở làng ChaLeng thời xưa và bây giờ chính là làng Mỹ Nghiệp.

Ngày xưa người dân tự trồng bông làm nguyên liệu sản xuất và dùng cây Chùm Bầu, cây Mo, bùn non làm phẩm nhuộm và dùng các khung gỗ thô sơ làm công cụ tạo ra sản phẩm. Năm 1991 cơ sở của nghề dệt đã được hình thành nhưng chưa được phát triển chỉ tiêu thụ tại các tỉnh Lâm Đồng, Daklak.... Những năm gần đây mặt hàng này không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước.

Đến Mỹ Nghiệp được tận mắt chứng kiến những người phụ nữ Chăm như những con tằm nhả tơ vàng cần mẫn dệt nên từng tấm thổ cẩm với đủ các loại hoa văn, màu sắc độc đáo, mới thấy hết được sự quý giá của thổ cẩm Champa Mỹ Nghiệp.

Sản phẩm thổ cẩm truyền thống ở làng Champa Mỹ Nghiệp có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ bởi hoa văn sắc sảo, độc đáo, mà còn là sự phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chủng loại. Bên cạnh những hoa văn cổ thể hiện sự quý phái, sang trọng như Văn thần đèn, Siva, Rồng trời hay Văn cổ, thì ngày nay người làng Mỹ Nghiệp còn biết sáng tạo nên những hoa văn mới lạ như Văn con voi của người Tây Nguyên, hay Văn hoa mai của người Kinh, đồng thời kết hợp các chất liệu mới như sợi tổng hợp, sợi kim tuyến làm Văn cầu vòng đủ các sắc màu của đất trời, thật ấn tượng.

17 tháng 1, 2020

KỶ NIỆM 46 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA (17.1.1974 - 17.1.2020)


Hoàng Sa hải chiến sử


* Kính dâng anh hồn Thủy Thủ đoàn HQ. 10
* Kính tặng Thủy Thủ đoàn HQ. 4, HQ. 5 và HQ. 16.

Là con MẸ VIỆT NAM huyền sử
Nối chí cha xuống biển phương Ðông
Ngăn lũ giặc lăm le quấy phá
Dù gian nan, chí cả một lòng.
MẸ ở lại lên non mòn mỏi
Ðợi ngày đoàn tụ với con yêu
Sóng biển dập vùi thân con trẻ
Tận miền xa chưa hướng nẻo về.
Chí đã định đem thân hồ hải
Việt-quốc-ca vang mãi trong hồn
Chẳng mơ tưởng ngày về họp mặt
Cùng MẸ hiền bỏ biển lên non.
Ðời thủy thủ bạn cùng biển cả
Vượt phong ba bão tố đêm ngày
Nước biển mặn đậm đà da thịt
Mồ hôi nồng nhắc nhở tương lai.
Nhắp ly rượu đầu năm cay đắng
Ðược hung tin giặc cướp HOÀNG SA
Máu sôi sục lòng trai nước VIỆT
Lửa VIỆT NAM nung chí thù nhà.
Lịch sử VIỆT muôn đời nhắc nhở

2 tháng 1, 2020

Kỷ niệm Ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo. (8-12 ÂL)



Hôm nay, ngày của Phật giáo toàn thế giới kỷ niệm Ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo.

Vượt qua và đắc đạo, chuyện xưa kể rằng ngài đã phải đối mặt với sự can nhiễu từ một chúa quỷ tên là Mara, kẻ đã dùng trăm mưu nghìn kế để quấy nhiễu, chặn đứng hành trình đến tuệ giác của người - con người, nhưng Mara không thể nào xoay chuyển được ý chí kiên định của Thích Ca Mâu Ni.

Rồi khi chứng kiến việc Thích Ca Mâu Ni đột phá khỏi sự kiềm tỏa của ham muốn và ràng buộc, Mara trở nên cực kỳ phẫn nộ. Mara gửi vô số ma quỷ đến để tấn công Thích Ca Mâu Ni, nhưng ngài vẫn giữ nguyên trạng thái bất động.

Sau khi bị đánh bại và nhận ra rằng bóng tối sẽ không tài nào can nhiễu được đến định lực phi phàm của Thích Ca Mâu Ni, Mara đã mỉa mai rằng mặc dù ngài đã chiến thắng, nhưng sẽ không có ai chứng kiến được điều này. Thích Ca Mâu Ni đã mỉm cười chạm tay xuống mặt đất, ám chỉ rằng đất sẽ là vật chứng kiến.

Cuộc đời là vậy. Mọi hành động của chúng ta đôi khi rất cô đơn và riêng lẻ, nhưng thật ra luôn có trời biết, đất biết.

Những âm mưu đen tối nhất tưởng rằng có thể qua mắt được hằng hà người, nhưng vẫn được nhìn thấy và ghi nhận đủ mọi góc của ác tâm bởi trời đất.

Mọi hành động thiện chí, thậm chí dù chỉ là ước nguyện, dẫu thầm lặng biết đến chừng nào vẫn có trời biết, đất biết.

Biết việc mình làm không hổ thẹn với trời đất, không hổ thẹn với quê hương dân tộc, không hổ thẹn với người đối diện, đã là một chỉ dấu của viễn chứng đắc đạo.

Ai mặc áo Phật, mượn lời Phật để mê mị chúng sanh, thì hôm nay là cơ hội để thức tỉnh.

Ai kẻ vô thần, sống như ma quỷ, âm mưu thống trị đồng loại, cũng là lúc để soi gương nhận rõ mặt mình.

Kỷ niệm ngày Phật thành đạo, cũng là để nhắc về điều như vậy.

Fb Nguyen Khanh

1 tháng 1, 2020

HAPPY NEW YEAR

Bài hát " HAPPY NEW YEAR" ra đời như thế nào ?


Phải đến năm 1999, ca khúc Happy New Year của nhóm nhạc ABBA mới lần đầu tiên được phát hành ở dạng single nhưng trước đó gần 2 thập niên nó đã trở thành ca khúc được yêu thích khắp thế giới khi nằm trong album kinh điển, Super Trouper.

Đã hơn 3 thập niên kể từ ngày ấy, Happy New Year vẫn là một nụ cười trên môi của hàng triệu người khi đồng hồ bắt đầu điểm khắc giao thừa…

Đúng ra Happy New Year không phải là Happy New Year nếu hai gã đàn ông của ABBA, Björn Ulvaeus và Benny Andersson, giữ ý định ban đầu đặt tên cho một sáng tác mới là: Dad, do not get drunk on Christmas (Ba ơi, đừng xỉn vào đêm Giáng sinh). Đó là tháng 2/1980. Cả hai người này, vào thời điểm đó, đều đang có tâm trạng. Cuộc hôn nhân của họ với 2 thành viên nữ còn lại của ABBA đang có vấn đề. Tệ hơn thế, cuộc hôn nhân giữa Björn Ulvaeus và Agnetha Fältskog (giọng nữ chính) đang đếm từng ngày trước phiên toà ly dị. ABBA lúc đó (đầu những năm 1980) còn là một thực thể thống nhất nhưng rệu rã bên trong.

Nhưng kỳ lạ thay, chính những mầm mống của sự tan rã đã cho ra đời những ca khúc sâu lắng hơn, triết lý hơn, êm dịu hơn hẳn so với những bản “hit” rộn ràng làm mưa làm gió những năm cuối thập niên 1970. The Winner takes it all là một ví dụ rõ nhất (cũng nằm trong album Super Trpuper) và Happy New Year là một ví dụ thứ hai.