21 tháng 2, 2022

XÓM LAN CHI THỜI ĐẸP XƯA…

Tranh minh họa của Họa sĩ Đức Lâm

Xóm Lan Chi, xóm nhỏ với cái tên dễ thương như vậy nằm ở đâu trong thành phố này? Không mấy ai biết đó là khu xóm nằm dọc theo đoạn đường Phan Văn Trị gần khu dân cư chợ Nancy cũ ở Quận 5, áp sát đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ).  

Tình cờ, xóm Lan Chi trở thành nơi cư ngụ của nhiều văn nghệ sĩ thuộc đủ các môn nghệ thuật, thành láng giềng của nhau trong mấy chục năm trước 1975. Khu xóm này, cùng với cư xá Chu Mạnh Trinh ở Phú Nhuận trở thành hai không gian sống quần cư của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn trước đây. 

Nhà thơ Nguyễn Bính vào Nam năm 1943 và cư ngụ ở xóm này. Lúc mới vào, Nguyễn Bính ở nhờ nhà người anh bà con là chủ tiệm bán nón ở Chợ Cũ trên đường Hàm Nghi. Ở được vài ngày thấy bất tiện, Nguyễn Bính theo bạn thân là nhà thơ Hoàng Tấn về chung sống ở xóm Nancy, trong căn nhà gỗ nhỏ mái lợp ngói nằm trong một thửa vườn xinh xắn có trồng hoa và mấy cây mít, xoài mà Hoàng Tấn và vài người bạn hùn nhau thuê. Nguyễn Bính thích căn nhà này lắm nên viết được một số bài thơ ở đây. Ông trìu mến đặt tên không gian sống này là Lan Chi Viên (theo âm tiết Nancy). Từ tên ngôi nhà, giới văn nghệ sĩ dùng gọi tên xóm Nancy thành xóm Lan Chi. 

Là người trong cuộc, nhà thơ Hoàng Tấn trong cuốn "Nguyễn Bính, một vì sao sáng" thuật rõ chi tiết câu chuyện trên. Ông hồi tưởng: “Từ ngày có Nguyễn Bính căn nhà sáng hẳn lên. Các văn nhân thi sĩ thường tới lui đàm luận thời cuộc, nói chuyện văn chương, trao đổi ý kiến nói chuyện thơ, bình cho nhau nghe những bài văn, bài thơ sáng tác. Tới lui thường có: Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều, Khổng Dương, Nam Châu. Vô hình trung cái vườn nhỏ Lan Chi này thành Câu lạc bộ Tao Đàn. Đã có mặt ở đây nữ sĩ Thiện Minh, Ngân Hà, Xuân Miễn, Nguyễn Đức Hinh, nhưng ăn dầm nằm dề nhiều nhất là Hoàng Phố, Trúc Khanh và Thanh Bình. Ngoài ra còn một số bạn bè sinh viên học sinh yêu thơ mến mộ tài năng Nguyễn Bính tới lui thăm hỏi làm quà, kết nghĩa”. 

Nhà thơ Đông Hồ xưa cũng ở xóm này nhưng không rõ trong khoảng thời gian nào. Trước nhà ông có trồng hai cây liễu nên Đông Hồ được gọi là Nhị Liễu tiên sinh.

Tại ngôi nhà nhỏ xóm này, Tết Giáp Thân năm 1944, Nguyễn Bính cho ra đời bài "Xuân vẫn tha hương" mà ông thức trắng đêm để viết. Ông nói với Hoàng Tấn: “Trước đây tôi đã có bài Xuân tha hương rồi. Nay có bài Xuân vẫn tha hương, rồi đây sẽ còn Xuân lại tha hương và biết đâu còn bài Xuân cứ tha hương trước khi bài Xuân cố hương ra đời”. Bài thơ dài và có những câu thơ gây xúc động, như mọi bài thơ của Nguyễn Bính: 

Đêm ba mươi Tết quê người cũng, 

Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương….

Chị ạ, em không người nước Sở,

Nhớ nhà đâu mượn địch Trương Lương.

Đất khách tình dâng hòa mắt lệ,

Ôi nhà! Ôi chị! Ôi quê hương! 

Nhưng “thơ suông rượu nhạt” mãi ở Lan Chi cũng chán, nhất là khi bạn bè ai cũng bận việc kiếm sống nên để Nguyễn Bính nhiều khi ở nhà lủi thủi một mình. Thú vui xê dịch lại dấy lên, ông thường bỏ nhà đi ngao du sơn thủy từ vài ngày đến hàng tuần mới về. Ông quay lại Chợ Cũ, đến trường đua Phú Thọ, sang Gia Định hoặc sang Cầu Kinh (nay là khu cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh) với bạn bè. Trong một cú sốc vì đụng chạm với một nhà giàu xem trọng tiền bạc, Nguyễn Bính than thở: 

Ở lại kinh thành với bút nghiên

Đêm đêm quán trọ thức thi đèn

Làm thơ bán lẻ cho thiên hạ

Thiên hạ đem thơ đọ với tiền!

Ông lại trở về vườn nhỏ Lan Chi cùng bạn Hoàng Tấn. Ở đó, với ba tờ giấy hồng điều dài thậm thượt, Nguyễn Bính lấy bút lông mực Tàu chép lại bài thơ Hà Tiên, người xóm rẫy treo giữa phòng khách. Bài thơ chạy dọc hơn nửa bức vách gỗ đập vào mắt mọi người. Hoàng Tấn kể: “Với màu đỏ nhạt duyên dáng của giấy hồng điều, như một vầng trăng dịu hiền nổi lên trên nền trời thu tháng tám. Bên cạnh lư trầm luôn ngát hương, bài thơ đặt đúng chỗ gây biết bao gợi cảm và làm cho căn phòng ngào ngạt một không khí thơ”. 

Khu chợ Nancy đã có thời thơ mộng như vậy với nhà thơ Nguyễn Bính. Hai tri kỷ “uống rượu làm thơ, coi chuyện làm báo làm bung chán mớ đời này là một giấc bướm, một giấc Nam Kha chưa chín nồi kê”. 

***