19 tháng 4, 2009

VÀI NÉT CHÍNH VỀ TRƯỜNG THKT CAO THẮNG-SÀIGÒN


Tiểu sử Ông CAO THẮNG 
Danh tướng mà trường được vinh dự mang tên






Cao Thắng (1864-1893) là một danh tướng của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng ở Hương Khê, Hà Tĩnh, Việt Nam, vào giai đoạn Việt Nam là thuộc địa của Pháp.
Cao Thắng sinh ra và lớn lên ở làng Lê Đông, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, có tài võ nghệ.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Cao Thắng chiêu mộ lực lượng cùng em ruột là Cao Đạt đem 60 người đến hợp tác với Phan Đình Phùng đánh Pháp và được phong chức Quản cơ.
Năm 1887 khi Phan Đình Phùng ra Bắc liên lạc với các lực lượng kháng Pháp, Cao Thắng được giao quyền chỉ huy nghĩa quân. Trong một trận đánh thắng đội quân của ông đã thu được 17 khẩu súng và 60 viên đạn. Ông cùng với Lê Phần, Lê Quyên tháo súng ra nghiên cứu để chế tạo súng cho nghĩa quân. Ông tổ chức mở xưởng đúc vũ khí theo kiểu châu Âu ở chiến khu Vũ Quang và sản xuất được 500 khẩu súng theo mẫu 1874 của Pháp. Ngoài chế tạo vũ khí, ông còn xây dựng được một đội quân có tính chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm.
Tháng 9 năm 1889, Phan Đình Phùng trở về căn cứ, cử Cao Thắng làm tổng chỉ huy nghĩa quân và thu được nhiều thắng lợi trong những năm 1890 - 1891.
Năm 1893, trong trận đánh Đồn Nu (Thanh Xuân - Thanh Chương - Nghệ An), ông bị trúng đạn và hy sinh lúc mới 29 tuổi.
Cái chết của Cao Thắng là tổn thất lớn cho quân khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Sau khi ông mất, quân Phan Đình Phùng chỉ thắng thêm được 1 trận Vụ Quang năm 1894 và không lâu sau khi Phan Đình Phùng mất (1895), cuộc khởi nghĩa bị trấn áp hẳn.




Lịch trình hình thành trường ( 1906-1975)

NĂM 1906 (20-02-1906): Trường Kỹ Thuật Cao Thắng buổi đầu có tên là trường Cơ Khí Á Châu, là một trong những trường dạy nghề đầu tiên ở Nam Bộ, được chính quyền Pháp lập ra ngày 20-2-1906 với mục đích đào tạo chuyên viên kỹ thuật sơ cấp hải quân và một số ngành kỹ thuật khác đáp ứng nhu cầu của bộ máy thuộc địa. Trường Cơ Khí Á Châu được khởi công xây cất với một gian nhà lợp thiếc tại góc đường De lattre de Tassigry và đại lộ Hàm Nghi hiện nay. Trong căn nhà lợp thiếc, chỉ có vẻn vẹn một xưởng cơ khí nhỏ, phía Đông nhà trường là kho xưởng hoả xa chạy đường Sài Gòn-Chợ Lớn. Lúc bấy giờ, chợ mới Sài gòn còn là một vũng sình lầy, đại lộ Nguyễn Huệ còn là một con kênh và xóm đường Huỳnh Thúc Kháng hãy còn là một khu rừng sậy.



NĂM 1907: Lúc đầu nhà trường chưa được trang bị đầy đủ nên phần thực hành phải nhờ đến cơ xưởng của trường Thực Nghiệp, tại đường Hồng Thập Tự bây giờ.

NĂM 1908: Giảng đường phía đại lộ De lattre de Tassigry được xây cất thêm: ở trên làm ký túc xá, ở dưới làm lớp học và kho vật liệu, máy móc. Chương trình học gồm có nhiều môn trong kỹ nghệ, nên dân chúng gọi trường Cơ Khí Á Châu là trường Bá Nghệ.

NĂM 1909: Một xưởng cơ khí sườn sắt lợp thiếc được xây cất, hiện nay hãy còn nguyên vẹn và dùng làm xưởng nguội, tiện, máy dụng cụ, cùng kho vật liệu tại góc đường De lattre de Tassigry và đại lộ Hàm Nghi.

NĂM 1911: Nhà trường có thêm 2 lớp học, hiện nay là tầng dưới dãy nhà chạy dài từ phía trước văn phòng đến phòng đọc sách học sinh bây giờ.


Giờ học kỹ nghệ họa


NĂM 1913: Nhà trường xây cất thêm tầng dưới dãy nhà bên trái cổng vào để làm văn phòng hiệu trưởng và văn phòng thư ký.

NĂM 1914: Đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ. Công việc xây cất và trang bị càng tiếp tục không ngừng. Suốt trong thời kỳ chiến tranh ấy, trường Cơ Khí Á Châu sản xuất rất nhiều tạc đạn 75 ly cho quân đội, cùng tuyển mộ và đào tạo một số đông thợ chuyên môn để sang Pháp tùng chinh.

NĂM 1916: Xây thêm tầng trên dãy nhà từ bồn kiểng đến phòng đọc sách học sinh để làm ký túc xá.

NĂM 1917: Dãy nhà trên được nối thêm cho đến xưởng máy. Tầng trên làm phòng ngủ, tầng dưới làm phòng ăn cho học sinh nội trú.

NĂM 1918: Phía trên văn phòng Hiệu trưởng được cất thêm lầu để làm phòng ngủ và phòng y tế cho học sinh.

NĂM 1919: Một biệt thự đội được xây dựng tại góc đường Pasteur và Huỳnh Thúc Kháng để làm nhà ở cho ông tổng giám thị và trưởng xưởng công xa.

NĂM 1922: khu xưởng Hoả xa được dời đi nơi khác. Trường Cơ Khí Á Châu nới rộng vị trí phía Đông đến đường Pasteur hiện giờ.

NĂM 1924: Nhà trường xây cất thêm dãy lầu có đồng hồ để làm nhà ở cho các giáo chức trên lâu, và nhà để công xa tầng trệt.



NĂM 1926: Một dãy cơ xưởng được dựng lên tiếp theo, để làm chỗ sửa công xa, xưởng máy, xưởng điện, xưởng gò và rèn. Như thế một dãy 5 xưởng hình thành như ta thấy ngày nay.

NĂM 1927: Một dãy nhà 16 căn được xây dựng tại đường Pasteur để làm cư xá cho nhân viên nhà trường.

NĂM 1931: Một giảng đường lớn được dựng lên, nối liền văn phòng hiện giờ với dãy nhà đã có từ năm 1916.



NĂM 1936: Một nhà lầu ở phía giữa, tức là ngay liền sau giảng đường nối liền với văn phòng được xây cất với mục đích làm ký túc xá và lớp học cho học sinh Pháp hay lai Phấp.

NĂM 1939: Thế giới đại chiến thứ 2 nổ bùng.Nhà trường tiếp tục hoạt động, nhưng không xây cất thêm.Ngày 24 thang 10 năm 1939 ,Ông Rosel, Hiệu trưởng sáng lập trường Cơ Khí Á Châu từ trần lúc tại chức và được ông Albert Simon thay thế, ông Albert Simon là một Đại uý Cơ Khí Hải quân. Để tri Ân người quá cố đã có công tạo lập ra trường Cơ Khí Á Châu, trường này được chính phủ cho mang thêm danh hiệu, “trường Rosel” (Ecole des mecaniciens-Ecole Rosel)

Năm 1940: Do đề nghị của ông Hiệu trưởng Albert Simon, trường Rosel đổi lại thành “Trường Kỹ Thuật Chuyên Môn” (Ecole Technique Spéciale).

Năm 1941: Ngày 26-12-1941,Trường Kỹ Thuật Chuyên Môn bị quân đội Nhật chiếm đóng cấp tốc và phải tạm dời về Hải quân Công xưởng gọi là Sở Ba Son. Nhà trường chiếm một khu nhà lợp lá gần vàm sông Thị Nghè và bắt đầu hoạt động lại từ 20 –01-1942.Cũng trong năm ấy, ông Albert Simon bị động viên đi Hải Phòng và được ông Yves Germain thay thế. Ông Yves Germain cũng là một Đại uý cơ khí Hải quân.

Năm 1944: Dưới sự oanh tạc ráo riết của phi cơ Mỹ, nhà trường phải dọn vào tu viện. Séminaire tại đường Cường Để ngày 10-06-1944 đến 07-02-1945, trong các gian nhà của tu viện.

Năm 1945: Ngày 07-02-1945, quân đội Nhật đến chiếm đóng luôn tu viện, nhà trường bị giải tán cho đến ngay đại biến và tổng tản cư.

Năm 1946: Sau khi quân Nhật đầu hàng đồng minh và rút lui khỏi Đông Dương, quân Pháp trở lại chiếm cứ Việt Nam và thành lập chính phủ Nam Kỳ. Trường Kỹ Thuật Chuyên Môn lại trở về vị trí cũ, đường Huỳnh Thúc Kháng. ông Yves Germain trở lại làm Hiệu trưởng, lo tu bổ lại các lớp học và cơ xưởng.



Năm 1947: Nhà trường bắt đầu hoạt động lại như trước. ông Yves Germain về Pháp và ông Gérard Tabouillot, kỹ sư công nghệ đến thay. Nhà trường đổi tên mới là trường Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Năm 1949: Ông Tabouillot về Pháp nghỉ phép và được ông Abrall thay thế trong 6 tháng. Ông Abrall từ trần lúc tại chức.

Năm 1950: Vị Hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên đến nhận chức là ông Nguyễn Cao Khoan, kỹ sư điện trường Grenoble, nhưng ông vẫn làm kỹ sư sở Hoả xa mà chỉ kiêm nhiệm Hiệu trưởng thôi.

Năm 1952: Ông Đỗ Văn Trà, Kỹ sư của Bộ công chính đến kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng thay ông Nguyễn Cao Khoan.

Năm 1953: Nhà trường mở thêm một chi nhánh gồm 5 lớp đệ thất đặt tại Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ -số 48 Phan Đình Phùng hiện giờ.

Năm 1954: Nhà trường bắt đầu mở thêm lớp đệ tam (đệ nhị cấp)

Năm 1956: Ngày 29 tháng 06 năm 1956, trường được đổi tên thành trường trung học kỹ thuật đệ nhị cấp Cao Thắng, có đủ các lớp đệ nhất cấp và đệ nhị cấp để dạy thi tú tài kỹ thuật toàn phần. Chi nhánh Phan Đình Phùng được dời luôn về trường trường trung học kỹ thuật đệ nhị cấp Cao Thắng.

Năm 1957: Ông Nguyễn Đăng Hoàng thanh tra kỹ thuật đến kiêm nhiệm Hiệu trưởng thay thế ông Đỗ Văn Trà từ ngày 16-09-1957 đến ngày 16-01-1958.

Năm 1958: Ngày 17–01-1958, ông Phạm Xuân Độ, thanh tra tiểu học, tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm Đông Dương, Cựu giám đốc học chính Bắc Việt và Cao nguyên đến nhận chức Hiệu trưởng chính thức đầu tiên của trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng. Nhà trường ngày càng khuếch trương thêm, dãy nhà nhân viên ở đường Pasteur được sửa chữa lại thành 6 lớp học và 4 phòng nhỏ.

Năm 1959: Nhà trường sửa soạn xây cất lại giảng đường phía lộ De lattre de Tassigry và nới rộng các cơ xưởng để tiếp nhận viện trợ tây Đức.

Năm 1960: Người Tây Đức đến dạy nghề tại trường cùng máy móc thiết bị, hệ thống tổ chức cùng cán bộ giảng dạy riêng của họ. Giảng đường A nói trên được xây dựng lại trong giai đoạn này.

Năm 1961: Người Tây Đức chuyển về trường kỹ thuật Đức Việt, tức trường Công Nghiệp Thủ Đức ngày nay, đem theo máy móc thiết bị(trừ một số máy công cụ và trang thiết bị cho xưởng cơ khí và xưởng kỹ nghệ sắt để tặng lại nhà trường như còn thấy hiện nay). Cũng trong năm này, ông Cao Thành Danh, kỹ sư, đến nhận chức Hiệu trưởng thay ông Độ.

Năm 1965: Ông Lê Đình Viện, master of Education đến nhận chức Hiệu trưởng.

Năm 1967 – 30/4/1975: Ông Nguyễn Hồng Lam,Kỹ sư công nghệ đến nhận chức hiệu trưởng cho đến ngày 30-04-1975.

TÊN TRƯỜNG - HIỆU TRƯỞNG QUA CÁC GIAI ĐOẠN



(tư liệu được trích từ nguồn Wikipedia và các trang bạn)



Hôm nay để khai trương trang này xin gởi đến các anh chị đọan video clip về Lễ Tri Ân Thầy Cô và cựu viên chức đã từng giảng dạy hoặc làm việc tại trường THKT Cao Thắng (trước năm 1975), được tổ chức nhân dịp đầu Xuân Kỷ Sửu 2009.
Video Google:

LỄ TRI ÂN THẦY CÔ NĂM 2009







website stat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét