23 tháng 5, 2022

THÁNG TƯ NGÀY ẤY BÂY GIỜ: NHỮNG NGƯỜI CON GÁI KHÔNG BAO GIỜ VỀ NỮA


“Ngày 21 tháng 12 năm 1989, xác mười một cô gái Việt Nam tuổi từ 19 đến 23 trôi dạt vào bờ biển Tha Sala, Thái Lan, trên người không một mảnh vải che thân, cổ bị dây thừng trói chùm vào nhau, sau khi bị bọn hải tặc hãm hiếp, bị đẩy xuống biển, bị kéo rê theo tàu, thân thể thoi thóp chập chùng theo sóng nước, cho đến một lúc linh hồn buốt lạnh rời khỏi thân xác đau thương, bọn hải tặc man rợ mới chặt dây, để xác người nhận chìm trong đại dương loang màu máu...”

Đọc đoạn mở đầu như trên trong bài viết “Tha Sala - Đêm chôn vùi tội ác” của Lê Đại Lãng, rồi đọc tiếp toàn bộ câu chuyện, đọc đến đâu tôi cứ lạnh toát người đến đấy, nước mắt cứ chực trào ra. Câu chuyện kể về cái chết bi thảm của những người con gái Việt Nam thế hệ tôi đã đánh thức trong tôi các ký ức về những ngày tháng cũ.

Năm đó, tôi là sinh viên Khoa Anh Văn ở Đại học Tổng Hợp và chơi rất thân với một đám con trai gồm Phước, người ở xóm Nhà ga Hòa Hưng, Phu, người ở Hóc Môn-18 thôn Vườn Trầu, và Thắng ở khu Trường Đua Phú Thọ. Chúng tôi hay bỏ lớp đi uống cà phê, nói đủ chuyện trên trời, nói chuyện về cả những người bạn gái.

Phước hồi đó rất ngưỡng mộ Liên Châu, cùng cấp lớp nhưng khoa Nga, người dong dỏng, nước da sậm màu, mắt tròn xoe trên khuôn mặt tươi sáng, đầu lúc nào cũng ngúc ngoắc lanh lợi như sẵn sàng để nghe ai gọi tên thì quay lại, miệng luôn nở sẵn nụ cười tươi nhân hậu, thấy ai buông lời ỡm ờ thì cũng hài hước và vui vẻ đáp trả.

Phu thì chết mê chết mệt Hoàng Yến, cùng lớp tiếng Anh, người cũng dong dỏng, nước da cũng sậm màu, khuôn mặt cũng tỏa sáng, nhưng tính tình thì nhu mì, nói năng nhỏ nhẹ, quý phái. Mỗi lần Phu được nói chuyện với Hoàng Yến, mặt Phu cứ đỏ lự, bối rối, thẹn thùng, thấy tay chân ngúng ngoẳng như thừa thãi.

Tôi thì quen thân với Kiều Ngân, cũng cùng lớp tiếng Anh như Hoàng Yến, người tròn lẳn, chắc đậm, da ngăm ngăm, tóc dài, dày, gợn sóng và đen nhánh, lúc nào cũng kẹp ra sau để lộ cần cổ cao tròn trĩnh và khuôn mặt rạng rỡ với hàng lông mày sắc nét, thanh tú và nụ cười lúc nào cũng nở hoa trên khóe miệng. Kiều Ngân hàng ngày đến trường bằng xe Lam.

Thế rồi, Hoàng Yến là người đầu tiên đột nhiên biến mất. Những ngày tháng đó, ai đọt nhiên biến mất thì chắc chắn là đã vượt biên. Phu buồn lắm, năm sau cũng vượt biên. Rồi Phước cũng vượt biên. Nhóm bỏ học đi uống cà phê của bọn tôi thế là tan hàng vì Thắng lúc này cũng tối ngày quẩn quanh một cô bạn học cùng Khoa nhưng dưới một cấp lớp.

Một hôm, lúc tan học trưa, tôi đang đứng trước cửa lớp chưa biết làm gì thì Kiều Ngân đến bảo tôi đèo em về nhà. Được người đẹp cho phép chở “bình bông” về nhà, tôi rất hãnh diện. Hôm đó Ngân vui lắm, ngồi vắt vẻo phía trước trên chiếc xe sườn ngang của tôi mà cứ ngoái đầu lại phía sau ríu rít kể cho tôi nghe đủ chuyện.

Lúc chở Ngân về đến đầu ngõ nhà ở xéo phía bên kia chợ Bà Chiểu, Ngân xuống xe, mắt nhìn tôi buồn lắm. Rồi tần ngần, Ngân đặt tay lên tay tôi trên ghi-đông xe, hơi cúi mặt xuống nói nhỏ: “Mai Ngân đi rồi”. Mắt Ngân ứa ra một giọt nước mắt. Tôi bàng hoàng. Tôi đã có cảm giác Ngân thích tôi, nhưng giờ thì tôi chợt nhận ra Ngân đã lặng lẽ dành trọn cho tôi tình yêu đầu đời của người con gái.

Vậy rồi Ngân không đến lớp nữa. Liên tiếp nhiều ngày sau tôi có ý chờ để nếu Ngân có quay trở lại thì tôi sẽ nói với Ngân một lời, nhưng Ngân cũng không đến. Thế là tôi bặt tin Ngân. Sau khi ra trường, Liên Châu đem hết các giáo trình tiếng Nga trong 4 năm học ra đốt bỏ, đốt một cách hả hê. Rồi Liên Châu cũng vượt biên.

22 tháng 5, 2022

Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa


Đại đội chúng tôi còn năm hôm nữa sẽ xuống tàu ra đồn trú ở đảo Hoàng Sa. Đơn vị chúng tôi là đại đội tiếp lực đóng tại Vĩnh Điện thuộc Tiểu đoàn X. Sau những năm dài vào sinh ra tử chiến đấu cam go, nay có dịp xả hơi nên tuy phải đổi ra một đảo hoang vắng mọi người đều có vẻ thoải mái. Ngay từ khi mới nhận được lệnh, chúng tôi liền giở thư báo tin cho người nhà biết và mua sắm các loại vật dụng cùng thực phẩm cần thiết.

Biết rằng Hoàng Sa là một quần đảo hoang vu không có dân cư, để chuẩn bị thức ăn tươi, ngoài số quan nhu vật thực do đơn vị đảm trách, các trung đội họp nhau vạch kết hoạch chung tiền mua hạt giống ra củ, đậu cà, mua gà con, heo giống đem theo nuôi, người ta còn mua cả lưỡi câu, lưới, chỉ, ny lông để bắt cá. Riêng cá nhân mỗi người đều sắm sửa mang theo nào tiêu, ớt, hành, tỏi, dầu, đường, bột mì. Người thì mang theo thuốc lá, cà phê hộp, sữa, sách, truyện, có người mang theo cả chó con, mèo và cả chim sao nữa. Chúng tôi chuẩn bị sống cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết Lỗ Bình Sơn trên hoang đảo.

Vào lúc 5 giờ chiều, con tàu chở đại đội chúng tôi rời bến Đà Nẵng rẽ sóng về hướng đông. Chúng tôi vui nhộn khi xuống tàu nhưng độ vài giờ sau một phần lớn anh em không quen sóng đã nằm dã dượi khắp sàn tàu. Anh hạ sỹ Duệ đã tiên liệu sẵn cho mấy hộp thuốc trừ mửa nautamine nhưng không đủ để phân phát cho tất cả mọi người, chỉ biếu cho trường hợp các bạn say sóng quá nặng. Chiều hôm đó không ai dám ăn cơm no, có nhiều người đành chịu nhịn đói. Hai ngày ảm đạm chỉ thấy trời nước mênh mông chậm chạp trôi qua. Đến sáng ngày thứ ba thì tàu cập bến trước sự vui mừng chờ đợi của anh em binh sỹ đại đội trú đóng lâu nay trên đảo đang mong đợi ngày trở về quê nhà ...

Hoàng Sa là một hòn đảo của biển Đông, giữ một vị trí chiến lược rất quan trọng ở Thái Bình Dương, nằm về phía đông nam của đảo Hải Nam được người Pháp trú đóng năm 1938. Sau đó thì bị quan đội Nhật chiếm cứ và sau này vào năm 1947 thì Trung Hoa cũng muốn dành, lạm nhận là thuộc hải phận đảo Hải Nam.

Đảo Hoàng Sa nơi chúng tôi trú đóng hình hơi thuân thuẫn dài khoảng 2 cây số và rộng độ 1 cây số. Lên đảo chúng tôi đi qua một đoạn đường cát vàng rộng chừng 20m, kế đến là một loại rừng thưa mọc toàn một loại cây lá to bằng bán tay màu xanh lá chuối non mà tôi chưa hề gặp trong đất liền. Thân cây cứng và cao độ vài thước, lá mềm, người ta gọi là cây Trăng. Trong rừng thưa có đường sá ngang dọc lát đá hẳn hoi, dẫn đến trung tâm của đảo là nơi quy tụ những nhà cửa bằng gạch làm nơi đồn trú cho những đơn vị quân sự.

Nhà cửa ở đây đều xây bằng gạch, lợp ngói, khá đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp, có nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng nuôi heo, nuôi gà, có bể đựng nước, có giếng, có chuồng ủ phân trồng cây ... Người ta bảo rằng các cơ sở này do Pháp xây cất ngày trước để dự bị trong kỳ Thế chiến II không cho người nước khác chiếm, đặc biệt là người Nhật. Cách không xa nơi quân đội đóng là đài thiên văn do một nhóm 5 chuyên viên phụ trách với rất nhiều máy móc phức tạp để hằng ngày đo gió, đo nước mưa, tiên đoán thời tiết ... Đây cũng là tổng đài vô tuyến điện mà đơn vị chúng tôi phải nhờ mỗi khi muốn liên lạc với đất liền.