![]() |
Tan Le và sản phẩm Emotiv EPOC |
Năm 1998, lần đầu tiên tại Úc, một nữ sinh viên gốc Việt 18 tuổi đã đạt danh hiệu “The Young Australian of the Year”, giải thưởng thường niên dành cho một cá nhân ưu tú dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất trong xã hội.
Cô gái ấy tên là Lê Thị Thái Tần (Tan Le), vị Chủ tịch trẻ nhất của Trung tâm Dịch vụ Nhân lực Việt - Úc. Ở tuổi 15, Tần đã lãnh đạo nhiều nhóm thiện nguyện giúp đỡ hàng trăm dân nhập cư tìm việc và ổn định cuộc sống trên đất Úc.
Dù bận rộn với cộng đồng, nhưng cô vẫn hoàn thành xuất sắc chương trình trung học ngay từ tuổi 16, vào thẳng Đại học Monash, giành học bổng toàn phần của KPMG để học 2 ngành Luật và Thương mại.
Đến tuổi đôi mươi, sự nghiệp của Tần đã vững vàng khi cô là một luật sư của hãng luật hàng đầu thế giới FreeHills, vừa đảm nhận nhiều chức vụ trong Chính phủ Úc và liên tục được mời làm đại sứ của nhiều chuyến đi ngoại giao.
Song, kỳ lạ là 12 năm sau, cả thế giới lại dồn sự chú ý cả vào Tần như ngôi sao khởi nghiệp sáng nhất tại Thung lũng Sillicon, Mỹ.
Từ năm 2003, cô đồng sáng lập Emotiv System cùng Ðỗ Hoài Nam, với ý tưởng dùng ý nghĩ và cảm xúc để điều khiển thiết bị điện tử. Đến năm 2010, ý tưởng đó thành hiện thực với chiếc mũ đọc sóng não EPOC của Emotiv System gây sốt toàn cầu, thu về hơn 10 triệu USD.