Ngôn ngữ được sử dụng trên Flickr là tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Bahasa (Indonesia)… và đặc biệt có cả tiếng Việt nên tương đối dễ dàng đối với những người không rành về ngoại ngữ.
Logo Flickr qua sáng tác của Silver Artist
Website Flickr được Ludicorp thành lập vào tháng 2/2004. Đây là một công ty ở Vancouver, British Columbia, Canada. Thống kê chính thức cho biết, tính đến tháng 8/2007 kho hình ảnh của Flickr đã đạt mức 1 tỷ hình và đến tháng 11/2008 con số này lên đến 3 tỷ.
Tính trung bình vào đầu năm 2012, mỗi ngày có đến 1,8 triệu tập tin hình ảnh (photo files) được tải lên Flickr. Người ta còn thống kê, vào những thời điểm có số người truy cập đông, cứ mỗi giây có khoảng 28 hình ảnh được tải lên.
Công ty Yahoo! đã mua lại Ludicorp và Flickr vào tháng 3/2005. Trong suốt tuần lễ đầu tiên, toàn bộ nội dung đã được chuyển từ máy chủ ở Canada sang máy chủ ở Hoa Kỳ. Như vậy tất cả các dữ liệu đã được chuyển sang theo luật liên bang của Mỹ.
Vào ngày 16/5/2006, Flickr đã cập nhật từ phiên bản Beta sang Gamma với sự thay đổi về thiết kế và cấu trúc. Theo trang “các câu hỏi thường gặp” (FAQ), thuật ngữ “Gamma” hiếm khi dùng trong quy trình phát triển phần mềm. Theo nghĩa châm biếm, Gamma là loại dịch vụ lúc nào cũng được kiểm tra bởi người sủ dụng, và nó sẽ không bao giờ ngừng phát triển.
Logo phiên bản Flickr Gamma
Theo thiết kế ban đầu, logo Flickr gồm 2 màu xanh và đỏ, đây cũng là hai màu được biểu thị bằng hai chấm xanh đỏ giao nhau mỗi khi trang web được khởi động. Vào ngày 29/12/2006 giới hạn tải lên cho mỗi tài khoản Flicker miễn phí đã được tăng từ 20MB lên 100MB một tháng. Riêng tài khoản “Flickr Pro” cho phép tải lên với mức 2GB dành cho những thành viên có đóng phí.
Gần đây nhất, mỗi tài khoản Flickr “miễn phí” có thể tải tới 1 Terabyte ảnh. Nếu thấy đã đạt đến giới hạn tải lên, bạn có thể xóa và tải lên nội dung mới hoặc mở tài khoản Doublr có đóng phí. Tài khoản này cung cấp dung lượng lên đến 2 Terabyte.
Flickr sau đó cũng đã tăng giới hạn cho mỗi người sử dụng được duy trì 3.000 địa chỉ liên lạc (contact address) và 75 thẻ thông tin (tag) cho mỗi hình. Những tài khoản trước đó có trên 3.000 contacts sẽ không thể thêm được nữa, trừ khi loại bỏ bớt. Vào tháng 6/2007 Flickr đổi dòng khẩu hiệu trên logo, “Flickr Loves You” thay vì “Flickr Gamma” như trước đây.
Sáng tác khẩu hiệu Flickr của Jeremy Blanchard
Sets trong kho hình ảnh
Organizr là một ứng dụng web để sắp xếp hình ảnh thông qua giao diện Flickr. Organizr cho phép người dùng chỉnh sửa thẻ, mô tả, và tạo nhóm, đồng thời cũng có thể xác định địa điểm đã chụp bằng cách dùng bản đồ thế giới qua liên kết với Yahoo! Maps.
Flickr có thể lưu trữ hình ảnh ở mức độ riêng tư (private) hoặc công cộng (public). Người dùng khi tải hình lên sẽ xác định ai có thể xem được hình đó qua việc gắn “cờ” (flag) để biểu thị “công cộng” hoặc “riêng tư”. Hình riêng tư chỉ hiện hữu đối với người tải lên, nhưng chúng cũng có thể được đánh dấu để bạn bè hoặc gia đình cũng xem được.
Giao diện chính của một trang Flickr
http://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/
Tôi bắt đầu tham gia Flickr từ tháng 7/2007 và hiện có khoảng hơn 4.500 hình ảnh và video lưu trữ tại đây. Điều khiến Flickr trở thành kho lưu trữ hình ảnh được mọi người ưa thích là chế độ miễn phí, chỉ một vài thao tác theo yêu cầu “register” là bạn có một tài khoản để sử dụng. Tuy nhiên, nếu muốn có tài khoản “Pro” với dung lượng không hạn chế, bạn phải đóng một khoản phí $24 một năm.
Flickr cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng. Cách để mở rộng mối quan hệ trong cộng đồng Flickr là tạo một danh sách “contacts”, nói một cách khác là kết nối với bạn bè, trao đổi “comments”.
Contact có thể là một cá nhân hoặc tổ chức. Các tổ chức này cũng mở tài khoản trên Flickr, chẳng hạn như Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (http://www.flickr.com/photos/39955793@N07/), Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội (http://www.flickr.com/photos/achanoi/), Viện Smithsonian (http://www.flickr.com/photos/smithsonian/), Bảo tàng Brooklyn (http://www.flickr.com/photos/brooklyn_museum/),Bảo tàng National Geographic (http://www.flickr.com/photos/natgeomuseum/)...
Điểm đặc biệt là Flickr sẽ thông báo bằng email mỗi khi contact của bạn tải hình lên mạng, nhờ vậy mối quan hệ giữa các contacts được duy trì thường xuyên. Mỗi khi ảnh có bình luận, được chọn “ưa thích” (favorite) hay bất kỳ một hoạt động mới nào có liên quan đến hình đều được Flickr thông báo qua email. Có thể nói, phần comment phía dưới mỗi bức hình khiến mối giao lưu giữ các thành viên trở nên gắn bó và sinh động hơn trên Flickr.
Trao đổi bình luận về một tấm hình
Trong số gần 300 contacts của tôi có anh Mạnh Hải là một nhân vật hiện nay khá nổi tiếng trên Flickr với kho hình hiện lên đến hơn 32.000 bức ảnh đã sưu tầm. Hình ảnh trên trang “manhhai” chuyên về quá khứ, trước năm 1975. Đây là một trong những kho tư liệu hình ảnh có thể nói là phong phú nhất đối với những ai quan tâm đến lịch sử cận đại của Việt Nam, từ thời Pháp thuộc cho đến nền Đệ nhị Cộng hòa.
Đặc biệt đối những người viết blog thuộc loại “hồi ức” như tôi luôn phải tham khảo trang Flickr của Mạnh Hải để tìm hình ảnh cho bài viết. Đó cũng là ưu thế của Flickr trong việc cung cấp hình ảnh tham khảo trong việc viết lách.
Trang Flickr “manhhai”
Mạnh Hải là một kiến trúc sư nay đã về hưu nên anh dành hầu hết thì giờ cho việc sưu tầm hình xưa. Chúng tôi là “contacts” của nhau từ năm 2007 và tôi đã có lần comment trên trang Flickr “manhhai”: “Trang web của anh giờ đã nổi tiếng trên cộng đồng mạng, nhất là đối với những người thích xem lại hình ảnh xưa…”.
Trả lời comment của tôi, Mạnh Hải đã nhắc lại chuyện cũ: “Manhhai vẫn nhớ ngày nào anh Chính hướng dẫn manhhai cách upload ảnh lên Flickr, vậy mà nay cũng đã bốn hay năm năm rồi, thời gian qua đi thật nhanh…”.
Flickr tạo điều kiện cho những người có cùng sở thích được giao lưu với nhau qua các nhóm riêng. Chẳng hạn như nhóm Getty Images Contributors có hơn 87.000 thành viên là những người quan tâm đến bản quyền hình ảnh giữa Getty Images và các cộng tác viên; Lonely Planet Publications: Photobook dành cho những người thích sưu tầm hình ảnh khi đi du lịch hoặc Việt Nam Đất Nước & Con Người với hơn 1.000 thành viên và gần 35.000 tấm hình giới thiệu về Việt Nam.
Đối với những người thích các hình ảnh “tươi mát” cũng có thể gia nhập các nhóm có những tên rất hấp dẫn như Hairy Triangles (trên 6.000 thành viên với gần 5.000 hình ảnh) hoặc Nice Juicy Pussys with Face Showing có đến hơn 7.000 người tham gia với số hình ảnh nhiều bằng số thành viên.
Bộ lọc an toàn (SafeSearch filter) của Flickr có tác dụng tránh để những hình ảnh sexy xuất hiện một cách lộ liễu nên tô đen mỗi ảnh với lời giải thích là hình ảnh “không an toàn” nhưng nếu người xem thích vẫn có thể bấm vào nội dung “Yes please, show me the photo” hoặc bấm vào “Take me home” để thoát. Theo tôi, đây là một hình thức “kiểm duyệt nửa vời” vì một khi đã cố tình lạc vào những trang này, người xem sẽ bấm Yes please…
Flickr còn sử dụng chức năng này để thay đổi mức độ truy cập đến những nội dung “không an toàn” đối với một số nước, bao gồm Hàn Quốc, Hồng Kông và Đức. Vào mùa hè năm 2007 đã có một đợt phản đối việc sử dụng SafeSearch Filter của các thành viên Flickr người Đức.
Một hình thức kiểm duyệt những hình “tươi mát”
Bạn có thể tự tạo các nhóm (group) của riêng mình
In Memories of Pre-1975 Vietnam Pics: nhóm quan tâm đến hình ảnh Việt Nam trước 1975, đặc biệt là những người đã từng tham chiến tại đây. Hiện nhóm này có gần 500 thành viên, đa số là các cựu binh Hoa Kỳ, Úc Châu, họ đóng góp những tấm hình xưa chụp trong thời gian phục vụ tại Việt Nam, số hình ảnh vượt mức 9.100 tấm.
Trong nhóm cũng có phần discussions và thật thú vị khi đọc phần tự giới thiệu của các thành viên với các bạn cùng nhóm. Nếu có thì giờ, tôi nghĩ các bạn nên xem qua phần này vì có đến gần 30 thành viên tự giới thiệu tại http://www.flickr.com/groups/905914@N22/discuss/72157608370965157/;
In Memories of Pre-1975 Vietnam Pics
Vietnam on Wheels: hình ảnh về các phương tiện giao thông trên bánh xe tại Việt Nam với gần 600 thành viên. Đây là một nhóm đòi hỏi nhiều thì giờ cho người điều hành vì một số thành viên có lẽ bị hạn chế về ngoại ngữ nên không hiểu tôn chỉ của nhóm là xe cộ. Họ gửi những bức ảnh phong cảnh rất đẹp nhưng trong vai trò người điều hành tôi bắt buộc phải loại bỏ những tấm hình “lạc đề” này.
Vietnam on Wheels
Trong phần thống kê (Stats for: Your account) Flickr cung cấp những số liệu thống kê về tài khoản của người sử dụng. Thống kê được cập nhật hàng ngày cũng như toàn thời gian, bao gồm số lượt người xem, hình ảnh được xem nhiều nhất, nguồn truy cập cũng như phần phân tích một cách khá chi tiết về các nội dung. Ở phần này, kho hình của tôi đã vượt mức 1 triệu lượt xem. Đây là một con số khá ấn tượng đối với người cầm máy thuộc loại “tài tử” như tôi.
Trang thống kê trên Flickr
Flickr đã được nhiều người dùng web xem là trang lưu trữ hình chính của họ, đặc biệt là thành viên của các cộng đồng weblog. Thêm vào đó, Flickr phổ biến với người dùng Linux và Macintosh, những người thường bị khóa khỏi các trang chia sẻ hình vì nó yêu cầu phải cài đặt Windows hoặc Internet Explorer thì mới hoạt động được.
Tuy nhiên, với tài khoản Flickr miễn phí, người dùng chỉ xem được 200 ảnh gần nhất mà họ đã tải lên. Những hình cũ hơn không bị xóa, và vẫn có thể xem được qua URL (ví dụ liên kết từ trang web khác); tuy nhiên, họ sẽ không còn có thể tiếp cận vào thẻ hình hoặc sửa chữa nó từ tài khoản Flickr được nữa. Mặt khác, tài khoản miễn phí không hoạt động trong 90 ngày liên tục sẽ tự động bị xóa. Đó cũng là điểm yếu của Fickr.
Khi bạn chuyển sang sử dụng máy ảnh kỹ thuật số, hiện tượng phổ biến nhất là rất dễ bị choáng ngợp với hàng loạt ảnh chụp gần như miễn phí. Trước đây, album là phương tiện chủ yếu mọi người hay dùng để cất giữ ảnh. Tuy nhiên, một khi trong tay có đến hàng chục quyển album người ta mới thấy việc lưu trữ ảnh trở thành phiền toái.
Album chỉ làm việc tích cực ở cái thời mà người chụp ảnh xong còn phải mang từng cuộn phim đi tráng rửa. Nói một cách khác, thời kỹ thuật số đã đưa những quyển album vào dĩ vãng và thay vào đó là những kho chứa hình ảnh trên máy tính ngày nay như Flickr.
Flickr là một cộng đồng toàn cầu bao gồm rất nhiều đối tượng khác nhau, tất cả các thành viên đều có quyền cảm thấy thoải mái và có thể không suy nghĩ giống bạn, không tin những gì mà bạn tin hoặc không thấy những gì bạn thấy.
Một trong những quy tắc ứng xử trên Flickr là việc tôn trọng bản quyền của người khác. Điều này có nghĩa là bạn không được đánh cắp ảnh hoặc video của người khác rồi đăng lên như ảnh của bạn. Nếu sử dụng các hình ảnh đó phải ghi rõ nguồn, đây là một hình thức tôn trọng bản quyền tác giả.
Nếu bạn cảm thấy do dự khi cho trẻ em, cha mẹ hoặc chú bác xem ảnh hay video của mình, bạn cần thiết lập bộ lọc nội dung phù hợp. Flickr cũng không phải là nơi để bạn quấy rối, lạm dụng, mạo danh hoặc đe dọa người khác. Nếu nhận được khiếu nại hợp lệ về cách cư xử này, Flickr sẽ cảnh cáo hoặc xóa tài khoản của bạn.
Nếu bạn cảm thấy mình không thể tuân thủ những nguyên tắc cộng đồng nêu trên, có thể Flickr không phải là nơi dành cho bạn. Các nguyên tắc này được đặt ra chỉ để bảo đảm rằng tất cả mọi người trong cộng đồng Flickr có được những trải nghiệm thoải mái qua những bức hình.
Napoleon Bonaparte đã từng nói “A picture is worth a thousand words”, một tấm hình có giá trị bằng ngàn lời nói. Đối với tôi, bức hình còn là một kỷ niệm, vui cũng như buồn, mà mỗi khi nhìn vào đó sẽ gợi lại một khoảnh khắc đã qua. Không có nhiếp ảnh, cuộc đời của mỗi người sẽ mất đi những giây phút để hoài niệm quá khứ.
Nguyễn Ngọc Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét