“Ngày 21 tháng 12 năm 1989, xác mười một cô gái Việt Nam tuổi từ 19 đến 23 trôi dạt vào bờ biển Tha Sala, Thái Lan, trên người không một mảnh vải che thân, cổ bị dây thừng trói chùm vào nhau, sau khi bị bọn hải tặc hãm hiếp, bị đẩy xuống biển, bị kéo rê theo tàu, thân thể thoi thóp chập chùng theo sóng nước, cho đến một lúc linh hồn buốt lạnh rời khỏi thân xác đau thương, bọn hải tặc man rợ mới chặt dây, để xác người nhận chìm trong đại dương loang màu máu...”
Đọc đoạn mở đầu như trên trong bài viết “Tha Sala - Đêm chôn vùi tội ác” của Lê Đại Lãng, rồi đọc tiếp toàn bộ câu chuyện, đọc đến đâu tôi cứ lạnh toát người đến đấy, nước mắt cứ chực trào ra. Câu chuyện kể về cái chết bi thảm của những người con gái Việt Nam thế hệ tôi đã đánh thức trong tôi các ký ức về những ngày tháng cũ.
Năm đó, tôi là sinh viên Khoa Anh Văn ở Đại học Tổng Hợp và chơi rất thân với một đám con trai gồm Phước, người ở xóm Nhà ga Hòa Hưng, Phu, người ở Hóc Môn-18 thôn Vườn Trầu, và Thắng ở khu Trường Đua Phú Thọ. Chúng tôi hay bỏ lớp đi uống cà phê, nói đủ chuyện trên trời, nói chuyện về cả những người bạn gái.
Phước hồi đó rất ngưỡng mộ Liên Châu, cùng cấp lớp nhưng khoa Nga, người dong dỏng, nước da sậm màu, mắt tròn xoe trên khuôn mặt tươi sáng, đầu lúc nào cũng ngúc ngoắc lanh lợi như sẵn sàng để nghe ai gọi tên thì quay lại, miệng luôn nở sẵn nụ cười tươi nhân hậu, thấy ai buông lời ỡm ờ thì cũng hài hước và vui vẻ đáp trả.
Phu thì chết mê chết mệt Hoàng Yến, cùng lớp tiếng Anh, người cũng dong dỏng, nước da cũng sậm màu, khuôn mặt cũng tỏa sáng, nhưng tính tình thì nhu mì, nói năng nhỏ nhẹ, quý phái. Mỗi lần Phu được nói chuyện với Hoàng Yến, mặt Phu cứ đỏ lự, bối rối, thẹn thùng, thấy tay chân ngúng ngoẳng như thừa thãi.
Tôi thì quen thân với Kiều Ngân, cũng cùng lớp tiếng Anh như Hoàng Yến, người tròn lẳn, chắc đậm, da ngăm ngăm, tóc dài, dày, gợn sóng và đen nhánh, lúc nào cũng kẹp ra sau để lộ cần cổ cao tròn trĩnh và khuôn mặt rạng rỡ với hàng lông mày sắc nét, thanh tú và nụ cười lúc nào cũng nở hoa trên khóe miệng. Kiều Ngân hàng ngày đến trường bằng xe Lam.
Thế rồi, Hoàng Yến là người đầu tiên đột nhiên biến mất. Những ngày tháng đó, ai đọt nhiên biến mất thì chắc chắn là đã vượt biên. Phu buồn lắm, năm sau cũng vượt biên. Rồi Phước cũng vượt biên. Nhóm bỏ học đi uống cà phê của bọn tôi thế là tan hàng vì Thắng lúc này cũng tối ngày quẩn quanh một cô bạn học cùng Khoa nhưng dưới một cấp lớp.
Một hôm, lúc tan học trưa, tôi đang đứng trước cửa lớp chưa biết làm gì thì Kiều Ngân đến bảo tôi đèo em về nhà. Được người đẹp cho phép chở “bình bông” về nhà, tôi rất hãnh diện. Hôm đó Ngân vui lắm, ngồi vắt vẻo phía trước trên chiếc xe sườn ngang của tôi mà cứ ngoái đầu lại phía sau ríu rít kể cho tôi nghe đủ chuyện.
Lúc chở Ngân về đến đầu ngõ nhà ở xéo phía bên kia chợ Bà Chiểu, Ngân xuống xe, mắt nhìn tôi buồn lắm. Rồi tần ngần, Ngân đặt tay lên tay tôi trên ghi-đông xe, hơi cúi mặt xuống nói nhỏ: “Mai Ngân đi rồi”. Mắt Ngân ứa ra một giọt nước mắt. Tôi bàng hoàng. Tôi đã có cảm giác Ngân thích tôi, nhưng giờ thì tôi chợt nhận ra Ngân đã lặng lẽ dành trọn cho tôi tình yêu đầu đời của người con gái.
Vậy rồi Ngân không đến lớp nữa. Liên tiếp nhiều ngày sau tôi có ý chờ để nếu Ngân có quay trở lại thì tôi sẽ nói với Ngân một lời, nhưng Ngân cũng không đến. Thế là tôi bặt tin Ngân. Sau khi ra trường, Liên Châu đem hết các giáo trình tiếng Nga trong 4 năm học ra đốt bỏ, đốt một cách hả hê. Rồi Liên Châu cũng vượt biên.
Nhiều năm sau, từ Canada Phước có viết thư về cho tôi. Nhiều năm sau nữa Phu cũng từ Đức về lại Việt Nam ghé nhà rủ tôi và Thắng đi uống cà phê như ngày nào chúng tôi còn là sinh viên. Cách đây hai năm tôi được tin bàng hoàng: Thân xác của Liên Châu đã vùi trong lòng biển. Hoàng Yến, người tôi rất mến, và Kiều Ngân, người tôi biết mình đã yêu, cũng bặt tin.
Hôm nay là ngày 30 tháng 4, ngày mà hai miền Nam Bắc thống nhất, nhưng lại là ngày gợi lại trong tôi sự xót xa đau đớn của nỗi niềm chia cắt. Chính vì thế mà khi đọc được bài “Tha Sala - Đêm chôn vùi tội ác” của Lê Đại Lãng, tôi lạnh toát người, nước mắt cứ chực trào ra khi chợt nhớ về ngày tháng cũ, về Liên Châu, về Hoàng Yến, về Kiều Ngân.
Liên Châu thì đã vĩnh viên không còn nữa, và hôm nay là lần đầu tiên tôi viết ra những dòng này để nói với em một lần dù chắc em cũng không thể nghe được nữa, rằng ngày đó Phước đã yêu em lắm. Riêng Hoàng Yến và Kiều Ngân, tôi vẫn ao ước các em vẫn còn đâu đó trong cuộc đời này, để một ngày chúng ta có thể gặp lại, và để nói với nhau rằng có một thời chúng ta đã được yêu.
Sau đây là toàn bộ câu chuyện “Tha Sala - Đêm chôn vùi tội ác” của Lê Đại Lãng, câu chuyện mà khi đọc tôi nhiều lần không kìm được nước mắt. Tôi xin lọc ghi lại đây để mọi người cùng đọc để tưởng nhớ những người con gái xấu số và để, nói như Lê Đại Lãng, như một “nén hương, nói vào hư không bài văn tế không thành tiếng”.
THA SALA – ĐÊM CHÔN VÙI TỘI ÁC
“Ngày 21 tháng 12 năm 1989, xác mười một cô gái Việt Nam tuổi từ 19 đến 23 trôi dạt vào bờ biển Tha Sala, Thái Lan, trên người không một mảnh vải che thân, cổ bị dây thừng trói chùm vào nhau, sau khi bị bọn hải tặc hãm hiếp, bị đẩy xuống biển, bị kéo rê theo tàu, thân thể thoi thóp chập chùng theo sóng nước, cho đến một lúc linh hồn buốt lạnh rời khỏi thân xác đau thương, bọn hải tặc man rợ mới chặt dây, để xác người nhận chìm trong đại dương loang màu máu...”
Tôi đã viết một bài tưởng niệm mở đầu như trên để người bạn thân Trung Chính đọc trên đài phát thanh SBS. Giọng đọc dù rất lão luyện nhưng lúc lúc lại nghẹn ngào của Chính đã gửi đi toàn nước Úc một thông điệp buồn đúng trong chương trình phát thanh đặc biệt vào giờ khắc giao thừa năm 1990.
Hôm nay tôi đang ngồi trên bờ biển Tha Sala để viết những dòng này. Bao nhiêu năm dài đã trôi qua…
Trên bờ biển, dưới một tán cây dương liễu lớn, có dáng một chiếc thuyền dài gần mười thước đã rã mục, chỉ còn trơ ba lớp ván đáy thuyền. Người ta kê mấy lớp ván thuyền này trên các cột thấp, phía trên lợp mái tranh, hai đầu mũi thuyền có hai cái am nhỏ, một cái hướng vào bờ, một cái hướng ra biển.
Tôi đến đúng vào lúc một bà lão người Thái đang cùng hai cậu nhỏ bưng đồ cúng gồm trái cây và xôi trắng phía trong bờ đi ra. Bà cụ sắp đồ cúng lên hai cái am, kê một cái bàn vuông nhỏ ngay phía mũi thuyền hướng biển, đặt mâm ngũ quả lên, thắp hương vái rồi đi vào.
Tôi không biết bà cúng ai vì bà không nói được, có lẽ mấy lớp ván thuyền để trong chòi tranh là di tích một thuyền cá nào đó trôi vào bờ. Có lẽ đã có người chết trên thuyền nên người địa phương mới chưng thờ miếng ván một cách trang trọng như thế. Đột nhiên, tôi thấy rùng mình.
Bờ Tha Sala ở phía nam Thái Lan, thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat, không phải là chốn nghỉ dưỡng. Người Thái chê bờ biển này vì có nhiều thuyền đánh cá, bờ cát sạch nhưng đáy biển là lớp bùn dày. Người nước ngoài qua đảo Ko Samui không xa lắm. Hai chục cái nhà sàn không một người khách nào khác đến thuê ở qua đêm. Một làng chài nghèo nàn bên một bờ biển rất buồn.
Tôi ra dấu xin bà cụ một ít nhang. Cụ sai một đứa nhỏ chạy vào trong cầm ra ba nén. Tôi ngồi sau nén hương, hướng ra biển. Những tàng dừa biển mọc sát đất xào xạc trong gió. Lá bàng vàng võ rơi rụng trên những vỏ sò đá cuội trắng… Mười một cô gái chết thảm nơi đây thuộc thế hệ chúng tôi. Họ sinh ra trong thời chiến, chết trong thời hậu chiến trên biển người và đất lạ.
***
Buổi trưa, mắt nửa nhắm nửa mở, tôi ngồi trên ghế dựa nhìn ra biển vắng. Căn nhà sàn tôi ở nằm sát mép nước, tận trong cùng của khuôn viên, chỉ cách cái chòi thờ mấy miếng ván thuyền độ 20 thước. Chờ gần chiều, khi biển chỉ còn một màu vàng đỏ, tôi đi lần xuống nước, tính chụp hình lấy toàn cảnh từ biển trông vào bờ, nhưng khi ngẩng đầu lên thì giật nảy mình.
Ngay nóc chòi thờ chiếc ván thuyền, có di ảnh mờ mờ của một cô gái. Có lẽ do nắng gió từ biển khơi lâu ngày nên hình hài trên ảnh đã mờ, nhưng trông kỹ vẫn thấy đúng là ảnh một cô gái. Cả thân hình cô được bao phủ bởi một thân cây già, các tán cây mọc sau cô xòe những lá cây như hoa trắng trùm lên mái tóc dài thả xuống hai vai, cô quỳ hai gối trên một chiếc thuyền buồm đang vượt đại dương, miệng mỉm cười, đôi mắt đen to nhìn thẳng ra biển.
Tôi rùng mình trong thoáng giây. Tôi đã quan sát hai cái am nhỏ hồi sáng. Không có tượng Phật. Thì ra họ thờ cô gái này.
Tôi chụp nhanh một tấm hình thì đúng lúc trời lắc rắc mưa, mây từ đâu kéo đến đen cả bầu trời. Rồi những hạt mưa to trút xuống cả biển khơi, rơi đồm độp trên mái lá, mái tôn và bãi cát. Một tia chớp sáng lóe bầu trời. Gió nổi mạnh trong khi ngoài biển xa bầu trời vẫn vàng ươm ánh chiều tím mịn.
Tôi chạy vội vào một căn nhà bán thức ăn. Một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi mang ra cho tôi một chai bia rồi tiện thể ngồi xuống bên cạnh. Tôi hỏi ông tại sao có cái chòi thờ chiếc chuyền đã rã mục, lại có hai cái am, có phải thờ cô gái có di ảnh hướng ra biển không.
Ông ta là con trai độc nhất của bà cụ hồi sáng. Ông trầm ngâm, nói tới đâu tôi lạnh mình tới đấy.
Ông kể rằng cách đây mười bảy năm, gia đình từ đảo Samui qua đây lập nghiệp. Khi đào cát để lập chòi thì thấy xác một chiếc thuyền vùi sâu trong cát. Cả nhà khi đào thấy chiếc thuyền cũng không chú ý, chỉ để trơ ra đấy. Thế rồi một hôm, có một vị sư kêu mẹ ông đến, bảo rằng hãy thờ chiếc thuyền ấy.
Vị sư nói ông nằm mộng thấy một cô gái hình vóc như thế như thế, đến nhờ ông nói lại với gia đình là những người đi trên thuyền, trong đó có cô, đã chết thảm, nên xin được thờ phụng. Vị sư kêu người vẽ lại chân dung cô gái như ông thấy, rồi bảo bà cụ hãy thờ cô gái này, nơi chỗ đã đào thấy xác thuyền.
Bà cụ là người mộ đạo nên làm theo. Cả mười bảy năm nay, mỗi ngày bà cụ đều cúng hai mâm như thế.
Tôi xúc động nói với người đàn ông, dù gia đình ông không chắc người chết trên thuyền kia là ai, nhưng tôi chắc là những thuyền nhân Việt Nam.
Người đàn ông lặng thinh, ngẫm nghĩ. Rồi ông vào trong nhà mời bà cụ ra. Bà bảo khi bà lập chỗ thờ thuyền cùng di ảnh cô gái, người trong làng cá này đều bảo bà điên. Nhưng bà không màng, bà bảo bà tin có Phật, nhất là vị sư không bao giờ đặt chuyện như thế.
Trời đã sụp tối, tiếng sóng biển rì rào. Tôi về lại căn nhà sàn của mình, phải đi ngang qua chiếc chòi thờ thuyền. Bất chợt, dù cả đời không sợ ma, tôi vẫn thấy lạnh xương sống. Xung quanh không một bóng người, tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng chó tru trong đêm rờn rợn.
Nhưng rồi tôi cũng đứng lại hồi lâu trước di ảnh cô gái trong bóng tối nhá nhem. Có lẽ một tiếng gọi nào đấy đã đưa chân tôi lưu lạc chốn này để thấy lại một thảm cảnh hiển bày. Tha Sala, em ơi, đêm nay sóng cuồng điên ngoài biển, miếng ván thuyền rã mục trên bờ vắng...
Tôi vào nhà lấy cái máy casette đem ra để cạnh chòi thờ, mở lại giọng đọc của Chính. Trong đêm vắng, giọng của người bạn tôi như tiếng kinh cầu chiêu niệm những oan hồn lẩn khuất đâu đây. Tiếng của anh chậm buồn như sóng biển ngoài kia đang thổn thức...
Tha Sala, tôi thắp nén hương này, nói vào hư không bài văn tế không thành tiếng...
LÊ ĐẠI LÃNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét