18 tháng 4, 2018

Thời tôi học Cao Thắng


Ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”  trong xã hội Âu Mỹ cách sống đầy đủ tiện nghi, ít có cụ phải làm lụng nữa. Khi đến tuối này thì đời đã sống qua, con cháu đi làm và đi học, muốn đi làm thêm cũng gặp nhiều khó khăn vì tuổi tác vã lại tre già măng mọc. Thời gian chồng chất, những kỷ niệm khó quên thời trẻ trí nhớ lẫn lộn, thiếu chi tiết. Cho nên nhớ gì ghi đó để cḥo khỏi quên với thời gian Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh. Tôi giữ nguyên các từ kỹ thuật ngày ấy.

Ngày ấy, sau khi học hết lớp nhất ở trường tiếu học Bàn cờ và thi  tiếu học xong, tôi nộp đơn thi vào lớp đệ thất trường Pétrus Ký. Nhưng thi rớt vì hỏng toán.

Sau một năm học ở trường tư thục Kiến thiết, tôi lại thi vào trường công để giảm phí tổn việc học vì nhà nghèo đông con và ba tôi là công chức về hưu. Mẹ tôi phải tần tảo buôn bán để nuôi gia đình.
 
Tôi muốn thi vào Pétrus Ký là trường có danh tiếng như các trường Chu Văn An, Võ Trường Toản, Gia Long, Trưng Vương... Nhưng ba tôi có bạn thân là bác Cư, có con là anh Vỹ đang học ở  trường Kỹ thuật Cao Thắng khuyên nên cho tôi thi vào trường này vì số thí sinh ít hơn và  trường cấp học bổng cho học sinh nghèo. Hơn nữa anh Vỹ sẽ  dạy tôi về kỹ nghệ họa. Anh Vỹ sau làm trung tá không quân.

Tôi đậu hạng 13 trên khoảng 250 trúng tuyển. Thời ấy, trường nầy được coi như là trường học nghề, đào tạo dân thợ, không như các trường trung học phổ thông khác, học xong tú tài và thi vào đại học ra dân thầy như luật sư, bác sĩ,giáo sư…

2 tháng 4, 2018

Những kết hợp bất thường trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngữ pháp




Đã gần 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về với “cát bụi”. Bao năm qua, ở mọi miền trên đất nước Việt Nam, người ta vẫn xao xuyến khi nhắc đến tên ông, say sưa hát những nhạc phẩm của ông và mê mải viết về ông từ nhiều góc nhìn của văn học, văn hóa, ngôn ngữ, triết học, âm nhạc, đời sống, tôn giáo… Hình như ở bất kì lĩnh vực nào, người ta cũng có thể dễ dàng lấy ông làm đề tài nghiên cứu. Theo dòng chảy mãnh liệt đó, chúng tôi thử liều lĩnh “đọc” những ca khúc của ông dưới góc độ ngữ pháp, trước hết, để thỏa mãn những khao khát của chính mình, sau nữa hi vọng góp một tiếng nói làm sáng rõ hơn những tuyệt phẩm mà ông – kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận – đã để lại cho nhân thế.
Người ta đương nhiên thừa nhận Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, bởi ông đang sở hữu một kho tàng âm nhạc khổng lồ – hơn 500 ca khúc. Người ta còn gọi ông là một nhà thơ, bởi ca khúc của ông thấm đẫm chất thơ và đầy vần điệu. Người ta cũng phải công nhận ông là một triết gia bởi ca từ của ông mang đầy màu sắc triết lý về cõi đời, về nhân thế… Còn chúng tôi, chúng tôi cho rằng ông là một phù thủy về ngôn ngữ. Những độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ của ông không ai bắt chước được, không ai làm giả được (Lê Hữu). Nó khiến người ta ngỡ ngàng, hạnh phúc; rồi trăn trở, âu lo; rồi thảnh thơi, siêu thoát…