9 tháng 8, 2009

Tai họa mà các con đập của Trung Quốc gây ra cho hạ nguồn sông Mekong

Đập Tiểu Loan của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mêkông có thể tác hại nặng nề đến Việt Nam và các nước hạ nguồn

Tai họa mà các con đập của Trung Quốc ở bên trên dòng sông Mêkông gây ra cho các quốc gia phía dưới đã từng được gợi lên, nhưng lần này hiểm họa được cho là sẽ nghiêm trọng hẳn lên vì Bắc Kinh chuẩn bị cho vận hành một con đập thứ tư, lớn hơn rất nhiều so với các con đập Mạn Loan, Cảnh Hồng và Đại Chiếu Sơn đã đi vào hoạt động.


Đập Tiểu Loan. Nguồn: Mekongriver.org

Trong tháng 07/2009 vừa qua, nhiều bài viết khác nhau đã liên tiếp được công bố nhằm đánh động công luận về các tác hại của các con đập nói chung và đặc biệt là loạt đập nước mà Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn sông Mêkông, đối với môi trường và đời sống các cư dân ở vùng hạ lưu là Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.

Đáng chú ý hơn cả là bài “Đập tại Trung Quốc biến Mêkông thành dòng sông bất hòa’’ của nhà nghiên cứu Michael Richardson, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, đăng trên trang web YaleGlobal của Trường đại học Yale (Hoa Kỳ) ngày 16/07/2009, và bài “Đập thủy điện đe dọa hàng triệu sinh linh bên dòng Mêkông’’ của Cơ quan phân tích thông tin nhân đạo IRIN thuộc Văn phòng điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên hiệp quốc, công bố ngày 22/07.

Tai họa mà các con đập của Trung Quốc ở bên trên dòng sông Mêkông gây ra cho các quốc gia phía dưới đã từng được nhiều quan sát viên gợi lên, nhưng lần này hiểm họa được cho là sẽ nghiêm trọng hẳn lên vì Chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị cho vận hành một con đập thứ tư chắn ngang sông Mêkông, to lớn hơn rất nhiều so với các con đập Mạn Loan, Cảnh Hồng và Đại Chiếu Sơn đã đi vào hoạt động.

Đó là đập Tiểu Loan (phiên âm tiếng Anh là Xiaowan), cao 292 thước, tức là gần bằng tháp Eiffel Paris, công suất dự trù 4.200 Mêgawatt, hơn gấp ba lần công suất của ba đập nước đang vận hành. Điều đáng lo ngại hơn cả là dung lượng cực lớn của hồ chứa nước của con đập Tiểu Loan, lên đến 15 tỷ thước khối, tức là gấp năm lần tổng dung lượng của ba con đập đã hoàn thành trước cộng lại.

Cơn khát năng lượng của Trung Quốc đã thúc đẩy nước này hoàn tất công trình xây đập Tiểu Loan sớm hơn một năm. Đập này đã bắt đầu lấy nước vào hồ chứa và chuẩn bị cho chạy tổ máy phát điện đầu tiên vào tháng 9/2009!

Song song với Tiểu Loan, một con đập khác cũng đang được Bắc Kinh ráo riết thi công là đập Nọa Trác Độ (Nuozhadu), còn to lớn hơn, với hồ chứa hút tới gần 23 tỷ mét khối nước, gần gấp đôi hồ Tiểu Loan. Theo kế hoạch, con đập đó sẽ hoàn tất vào năm 2014!

Nguy cơ nước sông Mêkông bị các đập thủy điện Trung Quốc ở đầu dòng hút hết là một trong những vấn đề từng được các nhà nghiên cứu nêu bật từ mấy năm nay, với những hậu quả khôn lường đối với các nước thiếu may mắn nằm ở dưới hạ lưu trong đó có Việt Nam.

Vào tháng Năm vừa qua, một công trình nghiên cứu hỗn hợp giữa Cơ quan Bảo vệ Môi trường Liên hiệp quốc UNEP và Viện Công nghệ học Châu Á AIT đã công khai cảnh cáo rằng kế hoạch xây dựng 8 con đập trên thượng nguồn sông Mêkông có thể trở thành một “mối đe dọa đáng kể” cho dòng sông và nguồn tài nguyên thiên nhiên đến từ con sông, nêu bật nguy cơ đối với Việt Nam và Cam Bốt.

Đối với Việt Nam, việc lưu lượng nước sông Mêkông bị giảm do bị đập nước Trung Quốc hút từ trên thượng nguồn sẽ làm gia tăng hiểm họa vùng đồng bằng sông Cửu Long bị nước biễn tràn vào, và đất đai bị hóa phèn, không trồng trọt được. Cộng thêm với nguy cơ mực nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu, những diện tích canh tác rộng lớn có thể sẽ bị ngập lụt, buộc hàng triệu con người phải di tản. Đồng Bằng sông Cửu Long vốn là vựa thóc của cả nước, các thiệt hại sẽ cực kỳ nghiêm trọng.

Đối với Cam Bốt, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Mực nước sông Mêkông bị giảm sẽ đe dọa đến Biển Hồ, vựa cá của toàn vùng, khiến cho kế sinh nhai của hàng triệu ngư dân bên dòng Mêkông bị tổn hại.

Lẽ dĩ nhiên là phía Trung Quốc đã nhất loạt bênh vực cho các con đập của họ, cho rằng các công trình này sẽ ảnh hưởng tích cực đến môi trường khu vực. Các hồ chứa sẽ giúp điều hòa mực nước sông Mêkông, giảm được lượng nước chảy vào mùa mưa, giúp các nước phía dưới không bị lụt, giúp cho bờ sông không bị xói mòn. Còn trong mùa khô, nước xả ra từ các đập thủy điện sẽ giúp các quốc gia hạ nguồn không bị khô hạn.

Vấn đề trên lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tế thì theo giới bảo vệ môi trường trong khu vực, chỉ mới có ba con đập nhỏ đi vào hoạt động mà thôi mà tác động tiêu cực đối với các nước ở phía dưới đã xuất hiện, chẳng hạn như nguồn cá đã giảm sút hẳn trong lúc hiện tượng bờ sông bị sạt lở vì xói mòn đã phát sinh từ Miến Điện qua miền Bắc Thái Lan và miền Bắc Lào.

Vấn đề đặt ra hiện nay là những lời báo động chủ yếu đến từ xã hội công dân, từ các tổ chức phi chính phủ, trong lúc chính quyền các nước hạ nguồn sông Mêkông tránh trực diện đối đầu với Trung Quốc trên vấn đề này. Ủy Ban Sông Mekong, một định chế liên chính phủ tập hợp 4 nước hạ nguồn sông Mêkông tuy rất quan tâm đến hồ sơ, nhưng lại không có uy thế gì đối với Trung Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Micheal Richardson, cho đến nay, Trung Quốc chỉ đồng ý làm “đối tác đối thoại” của Ủy Ban sông Mêkông mà tránh không gia nhập định chế này hay tuân thủ những quy định hướng dẫn quản lý tài nguyên thiên của Ủy Ban. Theo Richardson, quy chế thành viên sẽ khiến cho kế hoạch xây đập của Trung Quốc trên thượng nguồn dòng Mêkông bị các nước Đông Nam Á ở hạ nguồn giám sát kỹ lưỡng hơn, qua đó gây sức ép buộc Bắc Kinh quan tâm đến quyền lợi của họ.

Trọng Nghĩa
Nguồn: http://www.bauxitevietnam.info/c/5251.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét