30 tháng 9, 2009

Đi tìm lời giải cho cuộc sống.

Huỳnh Anh sinh ra trong gia đình nghèo năm 1978, chưa tròn hai tuồi chị trải qua cơn sốt không kịp cứu chữa nên bị liệt hai chân. Với vô vàn khó khăn suốt quãng đời thơ ấu như để “ khẳng định chính mình” năm học lớp 12 không tiền học thêm chị vẫn thi đỗ ba trường đại học ( Kinh Tế, Khoa Học, Tin Học Ngoại Ngữ. Chị theo học trường Đại học Tin Học & Ngoại Ngữ Thành Phố, tốt nghiệp chuyên ngành Công Nghệ Thông Tin loại khá). Huỳnh Anh bộc bạch trên chương trình “Những ước mơ Xanh” chỉ học thêm bằng hai quyển sách Hóa Lý được tặng.


chị Huỳnh Anh


Khi được hỏi: “ Chị có cảm thấy buồn cho hoàn cảnh của mình không ?”

Chị trả lời: “ Không, đó là quà tặng cuộc sống, nếu là hạnh phúc ta giử lấy nó, nếu là khó khăn tìm cách vượt qua…”.

Thật bất ngờ, một phụ nữ khuyết tật thân hình mảnh mai lại có một nghị lực phi thường trong cách nghĩ về cuộc sống và Huỳnh Anh thực hiện cách nghĩ đó như thế nào.

Một buổi chiều, trên đường đi làm về, Huỳnh Anh vô tình nhìn thấy một phụ nữ có vẻ hơi khó khăn khi di chuyển. Ngay lúc đó, chị đã chủ động bắt chuyện cùng người phụ nữ khuyết tật tên Xinh ấy và còn theo về tận tiệm may của cô trên đường Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình.

Ở đó, chị đã say sưa nhìn ngắm những bộ đồ trẻ em bằng len thật đẹp vì nét đặc sắc, tinh xảo của sản phẩm. Nhưng rồi chị không khỏi ngạc nhiên khi hỏi về giá cả, vì nó thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Đã thế, những sản phẩm cực kỳ tinh xảo ấy lại chưa hề có nhãn hiệu riêng. Cô Xinh nói, cô chưa bao giờ quan tâm đến vấn đề bản quyền hay độc quyền sản phẩm gì cả, chỉ biết tâm huyết với từng sản phẩm mình làm và luôn mong có ngày những sản phẩm này được nhiều người biết đến, được đem quảng bá rộng rãi. Cô tự tin: “Không ai có thể bắt chước được những sản phẩm này. Đã có một số người mua về, tháo ra nhưng tự ráp lại không được”.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng cô Xinh làm Huỳnh Anh băn khoăn, trăn trở. Chị nghĩ: “Cô Xinh chỉ là một trong số nhiều người khuyết tật có tài, có khả năng sáng tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt, kỳ công không hề thua kém những sản phẩm do người bình thường làm ra nhưng giá lại thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, họ lại không có điều kiện để trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở hội chợ hay quảng bá qua quảng cáo ”.

Dường như sự đồng cảm cho những người đồng cảnh ngộ đã trở thành động lực đưa chị đến với ý tưởng: Lập một trang web giới thiệu sản phẩm do người khuyết tật làm ra. Chị nghĩ, đó sẽ là cầu nối giữa người tiêu dùng với người khuyết tật nhằm cổ vũ, động viên và khích lệ người khuyết tật ngày càng có nhiều sáng tạo trong việc tạo nên sản phẩm. Và cũng là một sân chơi để những người khuyết tật có điều kiện phát triển.

Chị Huỳnh Anh kể: “Tôi đã từng lướt web, thấy có một số trang cung cấp thông tin về sản phẩm của người khuyết tật, nhưng lại rất sơ sài, chỉ đăng hình ảnh sản phẩm, giá cả, nên khi người đọc lướt web, không thể có được thông tin về tác giả của sản phẩm, do đó cũng không thể cảm nhận được tâm tư, tình cảm của người khuyết tật trong quá trình hình thành sản phẩm ấy. Tôi muốn thông qua trang web này, người khuyết tật có thể bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình đã gắn kết vào sản phẩm như thế nào để hình thành nên ý nghĩa của sản phẩm. Đây cũng là môi trường để họ tự bộc lộ và khẳng định mình”.

Đem suy nghĩ và ý tưởng của mình chia sẻ cùng chồng, anh Lưu Phục Mậu ( bại não), chị đã được anh tán thành ngay và hết lòng ủng hộ. Nhờ đó, chị thấy tự tin và quyết tâm hơn cho việc thực hiện ý tưởng. Anh đã “cố vấn” cho chị về “đường đi nước bước”. Đưa thông tin gì, hướng mở trang web thế nào để người đọc web dễ sử dụng, cách thiết kế giao diện, dùng màu… Bên cạnh đó chị còn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp trong việc lập giao diện và hình thành logo cho trang web với ý nghĩa: Bàn tay nâng đỡ cánh chim bay lên.

Trong căn phòng trọ chật hẹp ở một chung cư thuộc P.14, Q.5, TP.HCM, cặp vợ chồng trẻ Lưu Phục Mậu - Huỳnh Anh trải qua nhiều đêm thức trắng để làm website giúp người khuyết tật giới thiệu miễn phí, chào bán những sản phẩm do họ làm ra.



Thế là, từ tháng 9.2007, hai vợ chồng bắt tay thiết kế trang web. Điều này có nghĩa là, ngoài việc chăm sóc đứa con nhỏ với đủ thứ việc không tên và đưa đón vợ đi làm như mọi ngày, Mậu còn phải dành thời gian để đầu tư xây dựng trang web. Và điều này cũng có nghĩa, sau một ngày làm việc, Huỳnh Anh chấp nhận không về nhà ngay mà tất bật cùng chồng đi giải thích, mời gọi những chủ cơ sở là người khuyết tật tham gia trang web. Mặc dù Mậu có bằng kỹ thuật viên tin học, còn Huỳnh Anh tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, trường Đại Học Ngoại ngữ Tin học TP, nhưng đôi bạn này cũng trải qua nhiều phen bối rối khi làm website. Nhiều đêm, hai người chong mắt bên trang web chưa ra "hình thù" gì, cho đến tận sáng hôm sau, chồng lại đèo vợ đến chỗ làm. Mọi chi phí cho việc làm website này đều trích từ đồng lương làm kế toán khá khiêm tốn của Huỳnh Anh. Ròng rã 5 tháng trời, website www.sanphamcuanguoikhuyettat.com đã được trình làng.

Anh chị đã thống nhất, phần chính của trang web giới thiệu hình ảnh sản phẩm, mô tả sản phẩm đồng thời lồng cả tình cảm của tác giả. Qua đó sẽ giới thiệu môi trường, quá trình hình thành sản phẩm. Anh chị hy vọng sẽ tạo sự thoải mái cho người khuyết tật khi tham gia trang web, họ có thể tự hào với những sản phẩm của mình. “Nó giống như một cuốn tự bạch về công việc của những người khuyết tật và là nhịp cầu nối kết các mạnh thường quân với người khuyết tật”, chị nói.

Chọn ngày mùng 4 Tết Mậu Tý ( 10-2-2008 ) khai trương trang web. Chị nói : “Gần ngày khai trương đêm nào cũng phải thức khuya nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi. Cứ nghĩ đến ngày “up” trang web lên, tôi thấy mình... khoẻ ra. Tôi mong nhận được sự góp ý của bạn bè đọc web để trang web này có được thành công hơn nữa và thắp sáng thêm cho ước mơ của những người khuyết tật…”.


Website Sản phẩm của người khuyết tật


Sau gần hai năm hoạt động, hiện nay trang web đang phát triển thêm hướng “ Nối vòng tay thắp sáng niềm tin với các bạn khuyết tật ”. Huỳnh Anh tâm sự: "Những gì ta có được hôm nay, đó chính là quà tặng của cuộc sống! Chúng tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc mà cuộc đời đã mang đến cho chúng tôi với những người đồng cảnh ngộ, cũng như tự khẳng định bản thân…"

Phải chăng đôi vợ chồng trẻ khuyết tật Lưu Phục Mậu & Huỳnh Anh đã tìm được “ lời giải ” cho ước mơ và hy vọng trong cuộc sống.


Gia đình Lưu Phục Mậu - Huỳnh Anh


Lời kết: Như người bình thường, người khuyết tật cũng có ước mơ, cũng có hy vọng, thậm chí mảnh liệt. Ước mơ và hy vọng của họ rất đáng được trân trọng, chia sẻ và nâng đở từ bàn tay của cộng đồng.

HVN ( tư liệu hình ảnh trích tổng hợp từ các báo online)
Website SPCNKT: www.sanphamcuanguoikhuyettat.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét