12 tháng 9, 2013

Lòng ái quốc

Edmondo De Amicis (1846-1908) qua nét cọ của Paolo Galetto
Đầu bài thi của con sáng nay là: "Tại sao anh yêu xứ sở của anh?". Con đã cảm động về chuyện Chú Lính đánh trống hôm trước, cha chắc chắn con đã làm bài một cách dễ dàng.

Tại sao anh yêu xứ sở của anh? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc con biết bao nhiêu là câu trả lời hay sao? Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy, vì nguồn máu trong mạch tôi đều là của người, vì khu đất thánh kia đã chôn vùi tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng, vì cái đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn sống chung với tôi, cảnh đẹp của tạo hóa bao bọc chung quanh tôi... Tóm lại, tất cả những sự vật mà tôi trông thấy, tất cả những cái gì mà tôi yêu, tôi quý, nhất nhất đều thuộc về xứ sở của tôi cả.


Bây giờ còn bé, con chưa thể hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi con du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng tựa bao lơn tàu, con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy trào lệ cảm ở lòng con dâng lên, và miệng con vuột ra những tiếng kêu mừng rỡ.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài, chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục, tự nhiên con sẽ đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt.

Con sẽ thấy tình yêu nước mạnh mẽ và cao cả hơn nữa, nếu một ngày kia, quân địch vô cớ dày xéo vào quê hương ta, lúc ấy con sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu dũng cảm, nào mẹ tiễn con hẹn lúc khải hoàn.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy những đoàn quân vất vả trở về, nhưng với những khúc ca chiến thắng.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy lá quốc kỳ của ta bị bắn tơi tả, đi đầu một toán người nghĩa dũng, ai nấy đều trưng ra cái trán buộc băng hay cái tay bị bó, trong đám đông dân chúng hoan hỉ, người ta ném hoa mừng và hô vang những lời chúc tụng.

Enricô con ơi! Bây giờ con đã hiểu thế nào là lòng ái quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Vì một ngày kia, ta trông thấy con về trận được an toàn, nhưng được tin con lẩn lút để tránh cái chết, thì cha đây, cha không còn đón con bằng những tiếng cười vui vẻ như ngày xưa mỗi lúc đón con đi học về nữa, bấy giờ cha sẽ đón con bằng những tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thể thương con được nữa và sẽ đâm vào tim mà thác cho rồi...

Bản dịch của Hà Mai Anh
Trích từ tập truyện "Tâm Hồn Cao Thượng".


Emond De Amicis

Tóm lượt tiểu sử và tác phẩm

De Amicis sinh 1846 tại Oneglia, thành phố biển Imperia của xứ Liguria, Italia. Ông vào trường quân đội ở Modena và trở thành sĩ quan trong quân đội của Vương quốc Italia mới.

Ông chiến đấu trong trận Custoza trong cuộc chiến giành độc lập lần thứ 3 trong hàng ngũ quân đội Italia chống lại đế quốc Áo. Nước nhà độc lập, ông rời bỏ quân ngũ. Sau khi rời quân ngũ ông viết về các trải nghiệm chiến trường trong quyển La vita militare("Đời quân ngũ", 1868) tại Florence, đăng lần đầu trong tạp chí của Bộ quốc phòng Italia. Năm 1870 ông làm cho tạp chí La Nazione ở Roma, những trải nghiệm làm báo là cơ sở cho ông viết những tác phẩm du kí sau này mhư: Spagna (1873), Olanda (1874), Ricordi di Londra (1874), Marocco (1876), Costantinopoli (1878), Ricordi di Parigi (1879),Madome Akoroba (1883)

Các tác phẩm của De Amicis mang dấu ấn chủ nghĩa quốc gia yêu nước sâu sắc, về sau lại trộn lẫn với xu hướng dân chủ xã hội. Năm 1896 ông gia nhập Đảng Xã hội Italia. Các tác phẩm về sau bao gồm: Sull'oceano (1889) viết về hoàn cành cực khổ của nguời Ý hải ngoại, Il romanzo di un maestro (1890), Amore e ginnastica (1892), Maestrina degli operai (1895), La carrozza di tutti (1899), L'idioma gentile (1905), and Nuovi ritratti letterari e artistici (1908.

Đặc biệt tác phẩm Les grands coeurs (Tâm hồn cao thượng) xuất bản ngày 17 tháng 10 năm 1886 là ngày tựu trường ở Italia. Ngay lập tức tác đạt được thành công vang đội, chỉ sau vài tuần đã có đến 40 phiên bản tiếng Ý, cũng như được dịch ra các thứ tiếng khác. Tác phẩm này chính là tác phẩm đưa De Amicis ra phạm vi toàn thế giới, khiến nhà văn vốn không chuyên viết cho thiếu nhi nổi tiếng trong làng các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Một phần tác phẩm là sự phản ánh giai đoạn thiếu nhi của 2 người con trai ông.

Những năm cuối đời là những ngày khó khăn của De Amicis, cái chết của người mẹ gây nên cú sốc trong ông cộng với tình trang cãi vã liên miên với vợ (hậu quả dẫn đến việc người con thứ 2 tự tử vì đau khổ). Thời kì này ông sống biệt lập với bên ngoài cho đến khi mất năm 1908 tại Bordighera.

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét