13 tháng 3, 2015

Tại sao người Việt Nam ít nói “cảm ơn”?


Báo Tuổi Trẻ có một bài thú vị về chuyện “cám ơn”. Bài này làm tôi liên tưởng đến những giao tiếp của mình ở trong nước. Như các bạn có thể đoán được, tôi nhận nhiều thư hỏi han hay xin giúp đỡ. Có rất nhiều thư không bao giờ xưng tên gì cả! Còn những câu hỏi, chữ viết thì ... khỏi nói, chỉ biết dơ tay lên trời. Toàn là thư từ địa chỉ công cộng, nên chẳng biết người đó có thật sự hiện hữu hay không. Khi tôi trả lời xong, thì coi như người đó biến mất, không bao giờ có một thư nói là đã nhận được thư (chứ chưa đòi hỏi phải “cám ơn”). Thoạt đầu, tôi tưởng chắc chỉ vài ba trường hợp, nhưng tôi sai: hình như hiện tượng này mang tính hệ thống, cứ như là một văn hóa vậy. Văn hóa không cám ơn. Mà, thú thật, tôi cũng chẳng quan tâm, vì khi mình làm gì, cái tôi cần không phải là một lời cám ơn (dù lời nói đó cũng làm cho mình ấm lòng) mà chỉ muốn làm hết việc của mình mà thôi.



Nhưng đó là tôi, một người Việt Nam, còn người Tây thì sao? Tôi chỉ sợ cái văn hóa đó mà ứng dụng cho người Tây phương thì họ sẽ nghĩ không tốt về người Việt Nam. Nếu thay vai tôi cho một ông Tây nào đó, tôi biết ông Tây đó sẽ nghĩ người Việt Nam rất vô ơn, rất mất lịch sự, thiếu văn minh trong giao tiếp xã hội. Thật ra thì người Việt Nam chúng ta không vô ơn đâu, nhưng chỉ vì không quen với cách nói “cám ơn” mà thôi.

Ngày tôi mới sang đây, tôi thấy hai chữ “thank you” và “sorry” giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today”, thì câu trả lời đại khái phải là “I am fine, thank you.” Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.

Trong các hội nghị khoa học, chúng tôi thậm chí còn nhắc nhở nghiên cứu sinh đến quầy của các công ti kĩ nghệ nói một tiếng cám ơn người ta, vì nếu không có tài trợ của họ thì chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn rất quan trọng. Ấy thế mà tôi thấy trong nhiều báo cáo khoa học từ Việt Nam, tác giả chẳng cám ơn ai!

Tương tự, chữ sorry (xin lỗi) cũng là chữ đầu môi. Đi đường, nếu bị ai đụng nhẹ một cái, họ liền quay lại nói “xin lỗi”. (Còn ở nước ta, có lẽ do mật độ dân số cao, nên chuyện đụng chạm là bình thường, chẳng cần xin lỗi). Nói ra một câu gì rồi mình tự thấy vô duyên thì câu sau sẽ là “tôi xin lỗi”. Thậm chí, nhiều khi họ đấm người ta một cú như trời giáng mà cũng quay sang nói với nạn nhân mình là “xin lỗi nhé”! Có khi tôi nghĩ sao người Tây phương khách sáo quá.

Hồi xưa, lúc còn ở trong nước tôi hay nghe người ta nói người Tây phương lịch sự nhưng họ vô đạo đức lắm. Nhưng khi ra ngoài này, tôi nghĩ quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người Tây phương, mà cụ thể là người Anh, Mĩ (tôi không biết mấy dân tộc bên Đông Âu ra sao nên không dám nói). Họ chẳng những rất lịch sự mà còn rất đạo đức. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta. Trẻ con từ lúc còn rất nhỏ được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”. Tôi thấy đây cũng là điểm mà mình cần phải học người Tây phương.

Nguyễn Văn Tuấn
Bài trên báo Tuổi Trẻ: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=285795&ChannelID=118
Nguồn: tuan's blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét