Có thể nói, đấy là một trong vài nhạc phẩm Việt Nam đầu tiên, cất cánh, bay lên và ra khỏi không gian hạn hẹp của đất nước. Nhạc phẩm hòa tấu này, thỉnh thoảng, người ta vẫn còn được nghe lại. Tuy nhiên, có thể không nhiều người lắm, biết được lai lịch hay cái sinh phần hoặc định mệnh khốc liệt, nếu có thể nói được như vậy, về nhạc phẩm Nắng Chiều.
Sinh thời, nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, một người bạn rất thân với Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, hơn một lần kể rằng, nhạc phẩm Nắng Chiều là ca khúc đầu tay của Lê Trọng Nguyễn.
Gọi là ca khúc đầu tay bởi vì, họ Lê viết nhạc từ những năm giữa thập niên 40, nhưng ông chỉ viết những nhạc phẩm không lời. Lê Trọng Nguyễn không hề viết ca khúc, hiểu theo nghĩa một nhạc phẩm có lời hát đi kèm. Hay lời hát là chính mà giòng nhạc chỉ giữ nhiệm vụ đẩy, đưa lời hát lên cao mà thôi.
Chung quanh ca khúc "Nắng Chiều" có một giai thoại được nhiều người biết và kể lại rằng: Giữa thập niên 1950, khi Lê Trọng Nguyễn gặp một thiếu nữ Nhật Bản, làm việc cho tòa lãnh sự Nhật Bản ở Saigòn, hai người yêu nhau, Lê Trọng Nguyễn mới viết ca khúc Nắng Chiều. Ghi lại kỷ niệm cuộc tình của hai người. Cuối thập niên 50s, hết nhiệm kỳ, người con gái xứ Mặt Trời Mọc này, mang nhạc phẩm Nắng Chiều về nước, chuyển sang lời Nhật, cho trình bày trên đài phát thanh Nhật Bản...
Tuy nhiên, khi có dịp trực tiếp hỏi ông về giai thoại trên thì, Lê Trọng Nguyễn lại cho nó một "nguồn gốc" khác. Phần nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bạn rất thân của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn từ thời kháng chiến, vẫn cho rằng, có chuyện đó. "Nhưng không biết lý do sâu xa nào, khiến nó...phủ nhận," họ Phạm nhấn mạnh.
Dù cho sự thực nằm ở phía nào thì thực tế, chỉ một sớm một chiều nhạc phẩm Nắng Chiều đã nổi tiếng khắp xứ Phù Tang. Đấy là lần đầu tiên dân Nhật biết tới nền tân nhạc Việt.
Đầu thập niên 60, Shoshi Koe vận động với bộ ngoại giao Nhật, xin trở lại làm việc tại Saigòn.
Năm 1961, Shoshi được toại nguyện. Cuộc tình giữa một nhạc sĩ Việt Nam và một cô gái Nhật được nối tiếp. Ở thời điểm 1963, Lê Trọng Nguyễn sáng tác thêm hai ca khúc. Đó là các bài Sao Đêm và Chiều Bên Giáo Đường. Cả hai ca khúc vừa kể của ông, đều được những người làm nhạc và yêu nhạc ở Saigòn, đón nhận như những hạt ngọc quý của tân nhạc Việt Nam thời gian ấy, vì tính nghệ thuật cao của chúng.
Vẫn theo dư luận thì cuộc tình của dị biệt chủng tộc kia chỉ kéo dài thêm được 3 năm, thình lình bị đứt đoạn. Cuối năm 1963, Shoshi bị chính phủ Nhật gọi về nước.
Trước khi chia tay người yêu, Shoshi nói, cô sẽ vận động để trở lại Việt Nam hoặc đưa Lê trọng Nguyễn qua Nhật Bản, để chính thức thành hôn. Nếu không làm được điều ấy, cô sẽ chấm dứt đời sống của mình.
Một năm sau, năm 1964, các báo ở Tokyo, đồng loạt đăng tải về cái chết của Shoshi, đồng thời chuyện tình giữa cô và một nhạc sĩ Việt Nam được nhắc tới...
Một lần nữa, ca khúc Nắng Chiều lại thắp lên những ngọn lửa rát bỏng đau đớn, chia lìa trong tâm hồn dân Nhật. Và, giới làm nhạc Hoa kỳ chú ý tới ca khúc Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn, cũng khởi từ cái kết thúc bi thảm của cuộc tình dị chủng đó(?).
Được biết nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sinh ngày mồng 1 tháng 5, 1927 tại Quảng Nam. Ông sống với mối tình khốc liệt của ông tới năm 1985, khi đã 58 tuổi, ông mới lập gia đình.
Vượt biên và định cư tại Hoa kỳ năm 1983, Lê Trọng Nguyễn cùng vợ và 3 người con hiện cư ngụ tại thành phố Glendale, thuộc quận hạt Los Angeles County. Kể từ ca khúc Chiều Bên Giáo Đường là ca khúc sau cùng, Lê Trọng Nguyễn không viết thêm một ca khúc nào khác. Ngay loại nhạc không lời họ Lê cũng không còn viết nữa, kể từ ngày rời bỏ quê hương, theo tiết lộ của nhà văn Mai Thảo.
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn từ trần ngày 9 tháng 1 năm 2004 tại thành phố Rosemead, miền nam California.
Du Tử Lê
***
Một số nhạc phẩm tiêu biểu của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn
Nắng chiều
Sao đêm
Chiều bên giáo đường
Bến giang đầu (Nắng chiều 2)
Lá rơi bên thềm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét