Ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, cái lạnh nhè nhẹ và không khí trong lành của đại ngàn nguyên sơ, Măng Đen được ví như một “Đà Lạt” của Kon Tum, mang lại cảm giác sảng khoái, thư thái vô cùng. Con đường tới thác là lối đi giữa rừng nguyên sinh, cây xanh tỏa mát quanh năm.
Xuyên qua rừng, xuống 186 bậc thang đá gập ghềnh. Độ dốc và sự không đồng đều của các bậc thang đòi hỏi người đi phải thận trọng, bám chắc dãy lan can gỗ lần từ từ xuống chân thác. Con đường này chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn nhưng vẻ đẹp dịu dàng của “nàng tiên giữa đại ngàn” sẽ không phụ sự kỳ vọng của bạn. Ẩn mình giữa rừng nguyên sinh bạt ngàn, từ xa đã nghe thấy tiếng thác đổ ào ào. Đẹp nhất là những tháng Tây Nguyên vào mùa mưa, nước trong những khe nhỏ chảy róc rách về suối, nước đổ nhiều hơn càng vang vọng âm thanh của núi rừng. Đứng tại cây cầu vắt ngang hồ nước, ngước lên nhìn dòng thác cao tới 40 m đang tung bọt trắng xóa, không ai không ấn tượng và thấy mình nhỏ bé trước không gian cao rộng, hoang sơ, hùng vĩ chung quanh.
Khu du lịch Thác Pa Sỹ có tổng diện tích 25 ha, mới chính thức được đưa vào khai thác khoảng năm 2014. So với các thác khác ở Tây Nguyên, Pa Sỹ đã được đưa vào phục vụ du lịch muộn hơn, nên cơ sở hạ tầng tại thác Pa Sỹ vẫn còn đơn sơ, nhưng “ít dấu ấn nhân tạo” lại làm cho bạn cảm thấy hấp dẩn vì được đắm mình với thiên nhiên
Ngay dưới chân thác Pa Sỹ có những nhà chòi nhỏ cho du khách nghỉ ngơi, ngắm thác và thưởng thức những đặc sản của núi rừng Tây Nguyên. Đó có thể là một miếng cơm lam thơm lừng, nóng hổi, một đĩa thịt gà nướng đặt cạnh bát muối tiêu cay xè, vài trái cây rừng hơi chua chua bổ sung cho vị ấm nồng của rượu cần. Hay ngồi nhâm nhi một ly café đậm đà đúng chất Tây Nguyên trong cái se lạnh của sớm mai, ngắm những ngôi nhà rông và nhà sàn thấp thoáng xa xa. Để rồi " Về thành nhớ cánh chim bay,...xuống non nhớ suối hoa rừng..."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét