Làng dệt Mỹ Nghiệp
Làng dệt Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang 12km về phía Đông Nam, có tên Champa là Ca Klaing.
Làng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm có lịch sử phát triển lâu đời. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đã và đang thu hút nhiều lao động tham gia, tạo ra được những sản phẩm có giá trị được khách hàng trong và ngoài nước ưa thích.
Làng Mỹ Nghiệp là một vùng quê yên bình, nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời, theo truyền thuyết vào thế kỷ 17 vua Ponưra. Bà là một nghệ nhân tạo ra những hoa văn rất đặc sắc trên nền vải, và chính bà đã tạo ra nghề dệt này, bà đã truyền lại cho ông Xa và bà Chaleng. Họ là hai vợ chồng sinh sống ở làng ChaLeng thời xưa và bây giờ chính là làng Mỹ Nghiệp.
Ngày xưa người dân tự trồng bông làm nguyên liệu sản xuất và dùng cây Chùm Bầu, cây Mo, bùn non làm phẩm nhuộm và dùng các khung gỗ thô sơ làm công cụ tạo ra sản phẩm. Năm 1991 cơ sở của nghề dệt đã được hình thành nhưng chưa được phát triển chỉ tiêu thụ tại các tỉnh Lâm Đồng, Daklak.... Những năm gần đây mặt hàng này không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước.
Đến Mỹ Nghiệp được tận mắt chứng kiến những người phụ nữ Chăm như những con tằm nhả tơ vàng cần mẫn dệt nên từng tấm thổ cẩm với đủ các loại hoa văn, màu sắc độc đáo, mới thấy hết được sự quý giá của thổ cẩm Champa Mỹ Nghiệp.
Sản phẩm thổ cẩm truyền thống ở làng Champa Mỹ Nghiệp có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ bởi hoa văn sắc sảo, độc đáo, mà còn là sự phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chủng loại. Bên cạnh những hoa văn cổ thể hiện sự quý phái, sang trọng như Văn thần đèn, Siva, Rồng trời hay Văn cổ, thì ngày nay người làng Mỹ Nghiệp còn biết sáng tạo nên những hoa văn mới lạ như Văn con voi của người Tây Nguyên, hay Văn hoa mai của người Kinh, đồng thời kết hợp các chất liệu mới như sợi tổng hợp, sợi kim tuyến làm Văn cầu vòng đủ các sắc màu của đất trời, thật ấn tượng.
***
Làng gốm Bàu Trúc
Nằm cách thành phố Phan Rang gần 10km về phía nam, ngay trên đường quốc lộ 1A, làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Bàu Trúc là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm “ấm bàn tay con người” nhất với đặc trưng riêng mang đậm nét văn hóa Champa không lẫn với gốm nơi khác.
Nhà trưng bày gốm Bàu Trúc nằm ngay giữa trung tâm làng, là điểm đến lý tưởng đối với du khách thập phương để ngắm nhìn người phụ nữ Chăm tỉ mỉ, nhịp nhàng thổi hồn vào từng thớ đất thành những sản phẩm gốm độc đáo, với nhiều chủng loại khác nhau.
Để làm ra sản phẩm gốm Bàu Trúc, người ta dùng loại đất có độ dẻo cao thường được lấy từ các lớp đất nằm sâu ở triền sông Quao. Sau đó, đất được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó nhồi với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ hai đất sét một cát.
Những người phụ nữ Champa với bàn tay gầy đen, lấm lem đất, vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất sét thành những sản phẩm độc đáo.
Gốm Bàu Trúc sau khi đã nung. Gốm không nung bằng lò, mà chất thành từng đống, ủ rơm rạ nung thủ công, sau đó bằng cách kết hợp pha màu, ém khói khi nung, các nghệ nhân tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm gốm như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu…
Một chuyến du hành đến miền gió cát Nam Trung Bộ, dạo chơi, tìm hiểu, quan sát nghệ thuật chế tác, làm gốm của đồng bào dân tộc Champa như làng gốm Bàu Trúc sẽ rất thú vị và bổ ích cho kiến thức lịch sử văn hoá của bạn về đại gia đình dân tộc Champa Việt Nam.
Nguồn internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét