8 tháng 7, 2020

Thị xã Lagi Bình Thuận

Thị xã Lagi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 63 km, cách Sài gòn 170 km về phía Tây và cách thành phố Vũng Tàu 93 km về phía Tây Nam. Thị xã La Gi có 28 km chiều dài bờ biển được nhiều người ví như cô thôn nữ vừa thức giấc. Bờ biển dài, uốn cong như cánh eo cô thôn nữ mềm mại, yêu kiều. Mặt biển xanh trong, lăn tăn gợn sóng như mái tóc buông dài. Đến du lịch La Gi những ngày hè nóng bỏng, hóng từng cơn gió biển mát lạnh sẽ khiến bạn quên đi những mệt nhọc thường nhật nơi phố thị náo nhiệt.



Lịch sử hình thành La Gi

Bên bờ con sông Dinh có dịch trạm Thuận Phước ở làng Phước Lộc nằm trong hệ thống dịch trạm dưới triều Nguyễn trung hưng. Địa giới La Gi thời ấy bao trùm phần đất thị trấn La Gi và một số vùng lân cận của Tân Thiện, Tân An, Tân Lý bây giờ… Khi thành lập huyện tại đây có 2 làng Phước Lộc và Hàm Tân, trụ sở huyện đặt trên làng Hàm Tân nên trở thành tên huyện và cũng từ đó không còn trực thuộc tổng Đức Thắng phủ Hàm Thuận nữa.

Quá trình hình thành dân cư ở La Gi mang tính đặc thù của một vùng đất tụ nghĩa. Với tiềm năng thiên nhiên phong phú, địa thế hẻo lánh, La Gi là nơi thu hút nhiều người dân miền Trung phiêu tán, tha phương cầu thực và không ít những người bất mãn chống đối nhà cầm quyền phong kiến địa phương về đây nương náu, khai phá, định cư lập nghiệp.

Thuở đầu triều Nguyễn trung hưng, những xóm làng lần lượt mọc lên ở các cửa sông Tam Tân, La Gi có đặt các dịch trạm như trạm Thuận Phước ở Phước Lộc, trạm Thuận Trình ở Tam Tân và trạm Thuận Lâm ở Khe Cả. Một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số như Cơ Ho, Raglai, Châu Ro… từ phía Đông Di Linh di cư xuống vùng Suối Kiết, Bà Giêng, Sông Phan. Trước đó, đã có một nhóm người Chăm lánh nạn chiến tranh dạt về phía Nam, lập làng định cư ở Hiệp Nghĩa, Phò Trì.

Năm 1867, khi 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, nhiều đồng bào Nam bộ “tị địa” ra Bình Thuận đã dừng chân sinh sống tại La Gi.

Năm 1877, doanh điền sứ Nguyễn Thông đã thân chinh về vùng đất hoang dã phía nam của tỉnh Bình Thuận rồi trình bức “nghĩ thĩnh thượng du khẩn sự nghi sớ” (Sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng thượng du) có nhắc đến: “… thuyền đi lúc rạng đông từ cửa trấn La Gi nếu thuận gió xuôi buồm thì đến cửa biển Phan Thiết phủ Hàm Thuận vào giờ ngọ hoặc giờ mùi. Xin chọn đất ở xóm Hàm Tân dựng tạm một kho đồn điền khai khẩn, tính toán số gạo muối tiền thóc cần thiết rồi đem thuyền chở nộp cho tỉnh, thì chở đến kho tạm ở Hàm Tân rồi dùng thuyền đến đó chở đi cũng tiện”.

Từ đó, với sức khai phá và tính cần cù, những người tứ xứ nói trên đã biến vùng đất màu mỡ này thành các làng mạc sầm uất.

Có thể coi địa danh La Gi và Hàm Tân đã song hành suốt chiều dài lịch sử hình thành một vùng đất giàu sự tích cho đến hôm nay.

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét