15 tháng 10, 2009

Lê Cung võ sĩ Việt Nam có thành tích xuất sắc trên võ đài quốc tế


Lê Cung với y phục bình dị, gương mặt chất phác và giọng nói từ tốn, người ta khó nghĩ rằng anh là một trong những đấu thủ xuất sắc nhất trên thế giới về môn võ kết hợp các loại quyền cước mà người Mỹ gọi là Mixed Martial Arts (MMA), hay Kickboxing, và người Việt thường gọi là võ tự do. Trong khoảng 20 năm qua, võ sĩ người Việt này đã đạt được thành tích mà ít có võ sĩ nào sánh kịp với 20 trận thắng liên tiếp, trong đó có 15 trận anh hạ đo ván đối thủ, và 3 lần đoạt giải vô địch quốc tế.


Cũng như đa số những người Việt di tản khác ở miền Nam trong tháng 4 nảm 1975, vài ngày trước khi Saigon thất thủ, bé Lê Cung, lúc bấy giờ mới có 3 tuổi, đã cùng mẹ rời khỏi Việt Nam bằng trực thăng trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng vào những ngày cuối tại Sàigòn. Anh và người mẹ đã phải sống vất vả trong nhiều tháng tại một trại tị nạn ở Philippine cho đến khi có được sự bảo trợ tại Mỹ để đến định cư tại thành phố San Jose vào tháng 9 năm 1976.

Là một người Việt Nam nhỏ bé, Lê Cung đã trở thành mục tiêu cho những đứa trẻ khác chọc ghẹo, hiếp đáp, và có khi còn bị đánh đập. Theo lời anh Lê Cung thì đó là một trong những lý do mà mẹ anh đã cho anh đi học võ để tự vệ, tuy nhiên anh không dám tin rằng mình có thể trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp.

Lê Cung kể:
-Lê Cung bắt đầu luyện tập võ lúc 10 tuổi nhưng không thể tiếp tục thường xuyên được vì phải đi học và mẹ của Lê Cung không có thì giờ để chở đến võ đường để luyện tập, song Lê Cung bắt đầu luyện tập trở lại vào cuối năm 1992. Lê Cung không biết là mình sẽ trở nên nổi tiếng mà Lê Cung chỉ thích luyện võ và đi đấu. Đến năm 1994 khi Lê Cung thắng mấy giải vô địch tại Mỹ thì Lê Cung mới nghĩ là mình sẽ có thể trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp.

Kỹ thuật của Lê Cung không ngừng được nâng cao. Anh luyện cú đá kéo nhuần nhuyễn đến mức thành một đòn vật, đòn đặc trưng của anh: Anh quất 1 chân vào bụng đối thủ khiến hắn tức thở, đồng thời chân kia quét ngang chân hắn, vật đối phương xuống đất. Đòn này rất hiệu quả trong thi đấu. Năm 1999, Lê Cung đấu với Naushauguerile, huyền thoại Tán thủ của Trung Quốc, biệt danh Vua Mông Cổ. Lê Cung thắng đối phương bằng chính đòn đá kéo này. Tuy nhiên, sau khi dùng đòn này đá vỡ xương gò má của 2 đối thủ, Cung quyết định không dùng nó để đá vào đầu đối phương nữa.



Ngày nay Lê Cung đã trở thành một trong những người nổi tiếng nhất về môn võ tự do. Hình ảnh của anh đã xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí võ thuật có uy tín trên thế giới, cũng như trong một số chương trình truyền hình tại Hoa Kỳ.

Lê Cung kể lại sự kết hợp các môn võ khác nhau trong 1 trận đấu cách đây gần 10 năm:
-Khi Lê Cung đi đấu trong một trận được gọi là Shidocon, với 3 võ thuật khác nhau kết hợp lại thành một là Karate mà không có găng tay, hiệp hai là đấu giống muitai, hiệp số 3 là lấy găng tay ra và mang một găng tay nhỏ hơn, có đấm đá, có vật với bóp cổ, bẻ tay. Trong trận đấu năm 1998, Lê Cung thắng 3 hiệp trong 1 ngày, mỗi hiệp là Lê Cung thắng knock out.

Gần đây nhất, Lê Cung đã xuất hiện trong một chương trình truyền hình được trình chiếu nhiều kỳ có tên là Journey of a Champion (Hành Trình của một Nhà Vô Địch), trong đó có 3 phần, mô tả cuộc đời của Lê Cung từ lúc khởi đầu cho đến khi đối diện với những thử thách, rồi đến những chiến thắng, và con đường trước mặt mà anh sẽ đi tới.

Ngoài ra Lê Cung cũng còn là đề tài trong một cuốn phim tài liệu mô tả cuộc đời của anh với tựa đề 'Cung Le, The Making of a Champion' (Lê Cung Người Trở Thành Một Nhà Vô Địch) được bắt đầu bằng những ngay thơ ấu của Cung Lê từ Việt Nam cho đến khi trở thành một đấu thủ hàng đầu trong toán đô vật tại Trường Trung Học West Valley ở Hoa Kỳ, và sau đó là những chiến thắng liên tiếp trong nhiều trận tranh tài rất khó khăn, quyết liệt, và đôi khi đẫm máu, để giành được thắng lợi cuối cùng, trong đó có một trận đấu rất cam go trong năm 2006.

Lê Cung:
-Lê Cung nghĩ rằng đó là trận mà Lê Cung đấu trong năm 2006, khi Cung bị trúng một đầu gối vào mũi, Lê Cung bị gãy mũi, Lê Cung thấy mũi mình bị gẫy mà cái xương mũi lòi ra mũi, lúc đó Lê Cung chảy máu nhiều từ ở ngoài và bên trong, Lê Cung phải nuốt máu nhưng chỉ 2 phút sau Lê Cung đã hạ đối thủ bằng knock out.

Mặc dù đã trở thành một đấu thủ nổi danh trên võ đài quốc tế nhưng anh Lê Cung vẫn không quên thân phận và nguồn gốc của mình:

Lê Cung tâm sự:
-Lê Cung đã đấu với các đấu thủ từ Nga, Tàu, Nhật, Mỹ, Mễ, Lê Cung đã đấu với nhiều đấu thủ khác nhau. Lê Cung thi đấu không phải vì tiền mà là vì với tư cách là một Martial Artist. Lúc Lê Cung luyện tập thì Lê Cung thích đấu với các đấu thủ khác để xem mình có luyện tập đầy đủ và đúng hay không ? Khi đấu thì Lê Cung nghĩ rằng mình không phải đấu cho riêng Lê Cung mà còn cho cộng đồng Việt Nam. Lê Cung đã giành được khá nhiều sự ủng hộ của các cộng đồng bạn, tuy nhiên cộng đồng người Việt vẫn là nguồn hứng khởi chính trên con đường sự nghiệp. Lê Cung biết rằng số người ủng hộ Lê Cung là từ Mỹ, Mễ cho đến người Mỹ gốc Phi Châu, tuy nhiên số người ủng hộ Lê Cung nhiều nhất và thương Lê Cung nhiều nhất vẫn là cộng đồng Việt Nam. Khi đấu thì Lê Cung nghĩ rất nhiều đến những người và cộng đồng ủng hộ Lê Cung .


Với 3 lần đoạt giải vô địch thế giới và hàng chục chiến thắng về môn võ tự do, nhiều người Việt tin rằng Lê Cung không những chỉ là niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt trên đất Mỹ mà còn trở thành một nguồn hứng khởi cho hàng triệu thanh thiếu niên nam nữ ham chuộng võ thuật tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ.

Hiện nay ngôi sao võ thuật gốc Việt này đóng thành công vai một anh hùng Việt Nam tên Mạnh, cùng với các tài tử nổi tiếng của Hollywood là Dennis Quaid, và Ben Foster trong phim Pandorum. Bộ phim khoa học giả tưởng- kinh dị do Christian Alvart làm đạo diễn, với chi phí sản xuất lên đến 40 triệu đôla này bắt đầu được công chiếu tại Mỹ vào cuối tháng 9 vừa qua, và tại Anh từ đầu tháng 10.

Cầu chúc Lê Cung thành công như Bruce Lee (Lý Tiểu Long),Jet Li (Lý Liên Kiệt) hay Jackie Chan (Thành Long) để đi đâu, người Việt mình cũng tự hào là một dân tộc anh hùng trong chiến trận cũng như trên võ đài quốc tế.

HVN (Bài ảnh tổng hợp từ internet)

Võ Sĩ Lê Cung Hạ Đo Ván Võ Sĩ Trung Hoa
Video clip:



Bài bình luận của Chu Tất Tiến về trận đấu (tháng 7 năm 2007)

Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim, tung hoành ngang dọc, phóng lên ngọn cây cao tít, múa kiếm trên những cành tre ẻo lả, và đánh "chưởng" vù vù. Giới trẻ ham võ nghệ cũng mê mải với chưởng pháp của người Tầu, và hăng say luyện tập võ nghệ cũng vì ảnh hưởng phim võ thuật Đài Loan hay Trung Hoa Lục Địa.
Mọi người mê say phim chưởng nên quên mất rằng, những kiếm sĩ, võ sĩ ấy, ngày xưa sang Việt Nam bị đánh tơi bời hoa lá, trận nào trận ấy kinh hoàng, đến Thái Tử Thoát Hoan, từng chỉ huy một đạo quân vô địch thiên hạ mà phải chui trong ống đồng, chạy thục mạng về nước. Có người muốn bênh vực võ sĩ Tầu nên nói là tại quân Nhà Thanh, quân Tống, quân Nguyên, Mông Cổ bị trúng gió An Nam nên thua trận, chứ không phải vì võ sĩ ta giởi cung kiếm.

Họ đã quên những trận Liễu Thăng bị chém rơi đầu ở ải Chi Lăng, Mộc Thạch bị tướng sĩ An Nam rượt chạy đến chết, rồi các trận công phá thành, sau khi binh sĩ tràn lên, thì tướng tá đánh nhầu, ai giỏi người ấy thắng. Những anh hùng Yết Kiêu, Dã Tượng là những hung thần sông, rạch mà kẻ địch cứ nghe tên là hoảng hốt. Phạm Ngũ Lão, người bị dáo đâm vào đùi mà ngồi tỉnh bơ, cũng là một tên tuổi kinh hãi cho giặc Tầu.

Những danh tướng đời Trần như Trần Quốc Toản, Trần Nguyên Hãn, đời Quang Trung như Đô Đốc Bùi Thị Xuân, hai tay hai kiếm đánh Nam dẹp Bắc như chỗ không người. Ngay cả Hai bà Trưng, Bà Triệu, từ hồi Âu Châu còn ăn lông ở lỗ, đã xung phong, giết không biết bao nhiêu danh tướng của Tầu. Các trận như thế, thì không có phim chưởng nào chiếu lại. Làm cho nhiều người An Nam ta lúc nào cũng mặc cảm: "Võ Ta thua Võ Tầu!"

Bây giờ, thực tế lại chứng minh người Việt ta đánh võ hay hơn Tầu, qua sự kiện Võ Sĩ Lê Cung ở San Jose lại một lần nữa dành ngôi vị vô địch Thế giới về "Kick Boxing" hay "Mixed Martial Arts", nghĩa là phối hợp vừa đánh "bốc" với "đá" và "vật", dùng tất cả mọi chiêu, miễn sao thắng được thì thôi (không được cắn, móc mắt và không được đánh vào sau cổ và xương sống).. Loại đánh này mới gay cấn, dữ dằn hơn "bốc" vì "bốc" chỉ có đấm, không có đá; lại ác liệt hơn "Kick Boxing" cổ điển vì thêm "vật" và "đè."

Lê Cung sinh năm 1972, đến nay mới có 35 tuổi nhưng đã giành được 17 trận thắng quốc tế, không thua trận nào, trong đó có 12 trận đã hạ địch thủ "KO" nghĩa là "knock out" làm địch thủ lăn xuống, không dậy được. Anh đã 3 lần Vô Địch Thế Giới về hạng Trung, không kể những lần Vô địch hạng Nhẹ.

Trận gần đây nhất và độc đáo nhất là anh đại diện đội Hoa Kỳ đấu với đội Trung Hoa, đại diện là Võ Sĩ Na Sun, người nhiều lần thắng giải vô địch ở nơi khác.

Trong trận đấu với Na Sun, những người mê phim chưởng đã đinh ninh Lê Cung sẽ thua vì làm sao mà võ sĩ Việt hạ được võ sĩ Tầu! Thắng các đối thủ quốc gia khác thì dễ, chứ thắng Tầu là cả một vấn đề, nhất là Na Sun lại cao hơn Lê Cung rất nhiều.

Ngay hiệp đầu tiên, chỉ trong vòng một phút, sau khi đánh dứ với nhau vài đòn, đá qua đá lại, thử bắp thịt xem ai rắn chắc hơn ai, Lê Cung đã bất ngờ ôm lấy hông địch thủ, rùn người xuống, vất ngược địch thủ bay qua đầu mình, Na Sun ngã dập ra sau lưng của Lê Cung, choáng váng. (Đòn này trông hơi giống đòn Ura Nage của Nhu đạo.) Sau khi Na Sun lập cập đứng dậy, mới giao đòn, lại bị Lê Cung đè gập chân quỵ xuống góc đài. Chừng 30 giây sau khi gượng dậy, Lê Cung áp dụng một đòn hơi giống như Utsuri Goshi của Nhu Đạo, hai tay ôm bụng đối phương, vật ngã ngang sang một bên. Đợi cho Na Sun đứng dậy, lấy hơi xong, đá dứ vài cú, đấm dứ vài lần, Lê Cung lại dùng lừa thế, nhập nội, áp dụng đòn đầu tiên (Ura Nage) quật Na Sun lộn vòng qua đầu mình lần nữa. Qua 3 lần quật được một địch thủ cao lớn hơn mình, có lẽ Lê Cung thấy không cần đứng tấn vững như trước nên khoảng nửa phút sau, anh bất ngờ bị Na Sun đẩy mất đà, loạng choạng ngã vào góc đài. Lúc đó, cũng vừa hết hiệp một.

Sang hiệp hai, Na Sun có vẻ đã gờm Lê Cung nên chỉ có đá ngang được vài cái, còn lại là thủ thế ở góc đài, hoặc ôm Lê Cung để nhờ trọng tài gỡ ra. Lê Cung chỉ chờ có thế là xông tới, lần đầu tiên vật Na Sun ngã ngay tại góc, lần thứ hai vật anh ta vất vào giây. Na Su đã tỏ vẻ lúng túng thấy rõ, cố tình ôm lấy vai Lê Cung để tránh đòn, thì lại bị Lê Cung xoay lưng vào bụng địch thủ, áp dụng đòn chân, tương tự như Uchi Mata, đánh chân mình vào bắp chân trong địch thủ cho bung chân lên. May cho Na Sun, là một võ sĩ danh tiếng, nên dù cho bị bung chân phải lên, cũng cố đứng vững bằng chân trái. Dầu sao, đòn đánh vào chân này cũng làm cho Na Sun mất bình tĩnh, anh ta chỉ dám đứng ngay tại góc, giơ chân ra trước huơ huơ, cản không cho Lê Cung tiến vào. Vì không nhập nội được nữa, Lê Cung bực bội giơ hai tay lên trời, khiếu nại với trọng tài. Ông này ra hiệu cho Na Sun rời khỏi góc đài để tiếp cận với Lê Cung. Vừa mới bước ra, Na Sun bị Lê Cung đá cú vòng cầu, ngã ngay trở lại vào góc. Mới đứng dậy được, và trả đòn tay chừng một hai cú, lại bị Lê Cung dọng đầu gối trái vào mặt, Na Sun không còn tự chủ được nữa, phải lùi vào góc đài thủ thế nữa.

Hiệp thứ ba, mới 30 giây đầu, Lê Cung đã ôm bụng đối phương quật ngã sang một bên. Na Sun chưa tỉnh hồn, bị Lê Cung bồi thêm một cú đá vất bàn chân lên cổ, đau điếng. Từ đó, võ sĩ Trung Hoa này, có lẽ thấy mình không phải là địch thủ của anh võ sĩ Việt Nam nữa, nên càng lúc càng giơ thân ra chịu đòn. Khi bị Lê Cung ném ngược ra sau đầu lần thứ ba, Na Sun tỏ ra mất thăng bằng, đi đứng lạng quạng, bị Lê Cung tặng thêm vài cú đấm cả trăm "pao" vào mặt, anh ta phải xin nghỉ, đứng vào góc đài, quay lưng lại đối thủ, hai tay cầm lấy hai sợi giây chăng bao quanh võ đài, cúi đầu xuống thở một lúc. Với tinh thần võ sĩ đạo, Lê Cung đứng chờ cho Na Sun thở dốc xong, thì mới tiến tới. Để chấm dứt cuộc đấu giữa Mèo và Chuột, Lê Cung bất ngờ bay lên, hai chân phóng thẳng tới, kẹp ngang đối thủ, chân phải phía sau, chân trái phía trước như cái kéo, quật đối thủ ngã ra sau giống như đòn Kani Hashami của Nhu Đạo. Lúc này Na Sun chỉ còn chịu trận, không thủ được nữa, cố đứng dậy để Lê Cung bay lên kẹp tiếp lần thứ hai, rồi đầu hàng.

Khi được trọng tài thông báo ý định chấm dứt cuộc đấu với phần thắng về Lê Cung, anh đã nhẩy ngược lên, hai tay giơ lên trời, phấn khích, nhưng không quên vội quỳ xuống, làm dấu Thánh Giá, cám ơn Chúa, sau đó, thì hai người săn sóc viên cũng nhẩy vào và cùng quỳ cúi đầu với Lê Cung, người thắng trận trong khiêm cung, lúc nào cũng biết tạ ơn Thượng Đế.

Xem qua nhiều trận đấu của Lê Cung, người xem nhận xét thấy Lê Cung đã phối hợp nhiều khía cạnh độc đáo của võ thuật để hạ địch thủ. Ngón đòn chân của Lê Cung với thế đạp vào bụng, hay đá vòng cầu vào cổ địch thủ làm cho đối phương khiếp hãi. Có trận anh chỉ dùng có một cú đá vòng cầu này làm cho đối thủ từ từ gục xuống như thân chuối bị đốn. Không cổ người nào chịu nổi sức mạnh và sự chính xác của bàn chân này. Ngón đòn chân thứ hai là kẹp ngang hông địch thủ như chiếc kéo, hai chân xéo nhau, một chân kẹp trước, một chân kẹp sau, rồi bẻ theo chiều thuận bình thường của đôi chân, là đối thủ ngã bật ngửa ra sau, cái lưng muốn gẫy đôi, giống như đòn Kani Hashami của Nhu đạo. Đòn chân thứ ba anh hay dùng là đá móc chân địch thủ, mục đích làm cho bắp chuối kẻ địch bị đau, đứng không vững. Đối thủ nào yếu bàn tọa, thì lập tức ngã nhào về phía trước, có thể lãnh luôn một cú đầu gối vào mặt. Một đòn nữa là quay lưng mình lại áp vào bụng địch thủ, dùng chân phải đánh vào bắp chân trong địch thủ cho địch thủ bốc lên cao.

Đòn tay của Lê Cung cũng như một cái búa dáng vào mặt địch thủ hai ba cái là địch thủ không còn biết mình đang đứng hay ngồi nữa. Nếu xem Lê Cung tập luyện, mới biết những bắp thịt tay của anh như búa sắt cả trăm "pao". Nhưng thế mà anh hay dùng để hạ đo ván đối phương là đòn vật, vật đối phương lộn qua đầu mình về phía sau (như Ura Nage của Nhu Đạo) hoặc ôm bụng đối phương vật ngã ngang sang một bên, (Utsuri Goshi), giật chân địch thủ hỏng lên (Sukui Nage)…

Anh không quên Tổ Quốc, nơi anh sinh ra và lớn lên. Anh đã làm cho những người Việt Nam hãnh diện…Bao tiếng hô "Việt Nam! Việt Nam!" đã làm cho không khí võ đài sôi động. Nhiều báo chí Mỹ đã viết hàng tựa về anh như "Viet-American Wins Again!", hay "Viet-American Champion!" Cả chục tờ báo võ thuật quốc tế in hình anh ngay trang đầu. Hàng chữ "Cung Le" đem lại vinh dự lớn cho Việt Nam.

Tham khảo thêm:
http://www.cungle.com
http://www.svcn.com
http://www.asiepassion.com/martiaux

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét