22 tháng 4, 2010

Trung Quốc: Những bước đi nhằm khẳng định "chủ quyền" tại Hoàng Sa

VIT - Với trữ lượng dầu mỏ lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú lại nằm ở vị trí giao thương quan trọng khiến Biển Đông trở thành “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền và kinh tế. Nhằm từng bước hợp lý hóa chủ quyền lãnh hải tự vẽ ra, kể từ đầu tháng 3 năm 2010 Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền tại khu vực này, đặc biệt là tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Bản đồ biển Đông đường lưỡi bò do TQ đề xuất


Tạo cơ sở pháp lý với các chiêu bài “mị dân”.

Nhằm “hợp thức hóa” quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành của mình, Trung Quốc trong thời gian qua đã không ít lần dùng tới các chiêu bài mị dân, tung hỏa mù đối với dư luận trong nước và quốc tế.

Có lẽ hành động đầy “ngang ngược” gần đây nhất mà chúng ta thấy đó chính là việc nước này công bố bản đồ lãnh hải hay còn gọi là Đường ranh giới lưỡi bò. Từ trước đến nay tất cả các bằng chứng khảo cổ học của Trung Quốc không hề có bất kỳ một ghi nhận nào khi cho rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Song với việc tạo ra các “chứng cứ” có phần giả tạo, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra đường cơ sở trên biển của mình bất chấp sự phản đối gay gắt từ nhiều nước có cùng lợi ích trong khu vực. Theo đó đường ranh giới này bao gồm 11 đoạn vẽ bao gộp các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Trung Sa với điểm giới hạn phía nam là vĩ tuyến 40, bãi cạn Tăng Mầu (Malaysia).

Tiếp theo đó, ngày 26 tháng 12 năm 2009, Quốc Vụ Viện nước này đã ban hành chính thức Luật bảo vệ biển và hải đảo. Đây được coi là văn bản pháp lý đầu tiên của Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại một số hòn đảo còn đang gây tranh chấp với các nước như: Nhật Bản, Việt Nam… Đồng thời trong dự thảo luật này cũng đề cập đến việc tăng cường khai thác kinh tế, du lịch, nghề cá, dầu khí, khí đốt tại Hoàng Sa của Việt Nam.

Đến ngày 29 tháng 3 năm 2010, cùng với Đài Loan, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp tác chủ quyền biển và bảo vệ môi trường. Đây là một nước cờ nham hiểm nhằm thống nhất kế hoạch khai thác và bảo vệ môi trường kinh tế biển giữa hai bờ eo biển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đẩy mạnh các hoạt động khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hội nghị lần này còn bàn sâu hơn các vấn đề liên đến chủ quyền của quần đảo này, do Đài Loan cũng có “một phần” chủ quyền trong đó đối với đảo Ba Bình. Đồng thời hai bên cũng nhất trí cao về một số điều luật cơ bản, theo đó dự kiến sẽ tổ chức một diễn đàn khoa học biển lần thứ 7 vào ngày 8 tháng 8 tới tại Hàng Châu.

Các hành động cụ thể nhằm khẳng định “chủ quyền” trên Hoàng Sa.

Có thể nói, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, mở các hội nghị qua đó nhằm khẳng định chủ quyền trái phép của mình tại Hoàng Sa, trong thời gian qua Trung Quốc còn tiến hành một loạt các hoạt động không được sự cho phép của Việt Nam tại vùng biển này.

Đầu tiên là việc Trung Quốc cho một số tàu ngư chính, hộ ngư đến Hoàng Sa tác nghiệp. Trong đó nhiều lần hai tàu ngư chính hiện đại là 311 và 302 đến Hoàng Sa tác nghiệp. Sự có mặt của các tàu ngư chính được trang bị vũ trang này đã gây không ít khó khăn cho ngư dân của chúng ta khi tiến hành đánh bắt thủy hải sản tại đây.

Tiếp đó ngày 27 tháng 11 năm 2009 tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu 866 cũng đến vùng biển này của Việt Nam tiến hành khám chữa bệnh cho binh lính và nhân dân của Trung Quốc đóng tại đây.

Đến đầu năm này, Trung Quốc đã cho phép chính quyền tỉnh Hải Nam tiến hành các hoạt động khai thác khảo cổ học tại khu vực Hoàng Sa. Theo đó thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 15.04.2010 và sẽ kéo dài trong 2 tháng. Mặc dù hiện nay chưa biết kết quả khảo sát như thế nào, nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu các “bằng chứng khảo cổ” đó nếu được tìm thấy thì có bao nhiêu phần trăm trong số đó là sự thật? và liệu rằng sẽ có các bằng chứng ngụy tạo cho một âm mưu nham hiểm hay không? Bởi không cần phải nói thì ai cũng biết từ trước đến nay Trung Quốc luôn được coi là một “thiên đường” của hàng giả và hàng nhái.

Ngoài ra, một công ty du lịch (Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch Tam Á) của Trung Quốc còn thường xuyên tổ chức tuor cho khách ra thăm quan tại đây với giá vô cùng “ưu đãi” định kỳ hàng tháng.

Như vậy có thể thấy rằng, thông qua các hình thức tuyên truyền, khảo cổ…nhằm tạo ra một cơ sở pháp lý mang tính lịch sử quan trọng và tiến hành các hành động khai thác trên thực tế, Trung Quốc ngày càng chứng tỏ “chủ quyền” trái phép đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cần phải ứng xử theo đúng như công ước về luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và tuyên bố chung các vấn đề trên biển với các nước Asean được ký năm 2002.

Cao Phong ( Tổng Hợp)
Nguồn: vitinfo

website stat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét