17 tháng 7, 2018

Trở lại Vinh Sơn – Kon Tum

Trở lại Vinh Sơn sau gần một năm từ chuyến thăm bất ngờ tháng 6 năm trước. Dịp này lịch trình đã được chuẩn bị nên tôi hy vọng có đủ thời gian để tận mắt chứng kiến sinh hoạt hàng ngày của các em.


Tôi và anh chị em đoàn thiện nguyện FEF sau khi làm lễ khánh thành trường tiểu học tại Phú Yên. Ăn trưa và nghỉ ngơi tại huyện Sông Hinh. Khoảng 14 giờ chúng tôi lên xe vượt qua hơn 300 km đường đèo, đến TP Kon Tum, lúc này trời đã về chiều. Nhưng ngày mai chúng tôi sẻ có mặt rất sớm, từ sáng để tìm hiểu cặn kẻ về nơi đây. Nơi mà nổi tiếng với món ăn “đọt mì” truyền thống được phổ biến trên internet..

Trại Mồ Côi Vinh Sơn 4, thuộc huyện Kon Rẫy, cách TP Kon Tum khoảng 20 km. Hiện do 4 nữ tu thuộc Hội Dòng Ảnh Làm Phép Lạ cùng vài thiện nguyện viên điều  hành. Vì thế các Ya (soeur theo cách gọi của người dân tộc theo đạo công giáo tại Tây Nguyện) phải tổ chức cho các em tự quản và chăm sóc cho nhau. Vị nữ tu 58 tuổi, Sơ Augustine Y Lieng, người thiểu số Xêđăng đã thành lập Trại Mồ Côi nầy vào năm 1999, sau khi nằm mơ thấy Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Đa số các trẻ mồ côi tại đây là các sắc tộc:  Xê đăng, Bana, Jơ rai, Ê đê…  Tuy nhiên các trẻ được nuôi ở đây không chỉ có những em mồ côi đúng nghĩa mà còn một số em ở những hoàn cảnh ngặt nghèo khác. Đời sống khó khăn nhưng ngược lại mỗi gia đình người dân tộc lại rất đông con, từ 5 đến 10 đứa con. Vì nuôi không nổi, đành phải cắt ruột mà gởi con cho các vị nữ tu nuôi dưỡng.

Đặc biệt có em Matthew Long được 3 ngày tuổi, mẹ Long đã chết trong khi sinh con. Và theo hủ tục rất tàn khốc của người thiểu số, Long sẽ bị chôn sống theo mẹ (*). May mắn thay các soeur đã cứu được mạng sống của em; đem về Trại mồ côi Vinh Sơn 4 nuôi dưỡng. Không riêng Vinh Sơn 4 mà các nhà Vinh Sơn khác cũng có nhiều trường hợp " thập tử nhất sinh" tương tự như Matthew Long.


Cũng phải mất hơn nữa tiếng lòng vòng mới đến được Vinh Sơn. Nếu không nhanh trí chúng tôi có thể đi lạc vào Tu mơ ron, Đak Tô…những địa danh xa lạ mà một bài hát của cố tác giả Trần Thiện Thanh có lần nhắc đến. Bởi vì sau một năm bàng hiệu “ Cô nhi viện…” khoảng (4x1) mét đã không còn thay vào đó là tấm biển nhỏ chỉ bằng bảng số nhà, nên khi xe chở đoàn lướt qua tôi cũng chẳng tài nào xác định được vị trí. Nhờ hỏi thăm người dân quanh đây chúng tôi mới đến đúng chổ.

Bảng CNV Vinh Sơn 4- Tháng 6.2017

Bảng CNV Vinh Sơn 4- Tháng 6.2018

Nắng đã lên cao, đón chúng tôi là một số độ hơn 30 em còn rất nhỏ, dễ mến. Các anh chị trong đoàn không cần chuẩn bị gì,  bước xuống xe là lao vào tham gia ngay cùng các em. Những bài ca sinh hoạt được xướng, hoạ hoà lẫn vào không khí sôi nổi vang lên trong buổi trưa hè mà không ai cảm thấy mệt mỏi cả! Thậm chí các em còn dạy chúng tôi một vài bài ca của dân tộc các em. “ Pơ nế kơ pa ya” thứ tiếng Xê đăn, Bana…mà lần đầu tôi nghe đến. Từ xa nhìn các thành viên trong đoàn và các em tay nắm tay, vừa hát vừa quay vòng, hồn nhiên vui vẻ. Hình ảnh thật chan hoà, thân thiết mà trong thâm tâm các em cũng thầm cảm nhận được một chút hơi ấm gia đình mà đã lâu không có được.

Đoàn FEF và các em vui hát trên sân.



Có lẽ lo chuẩn bị bữa cơm trưa cho các em nên bây giờ soeur mới ra tiếp chúng tôi. Soeur rất ngạc nhiên vì không ngờ ngoài tôi còn có cả đoàn thiện nguyện FEF đang cùng vui chơi, ca hát với các em trên sân. Bởi vì tôi muốn dành sự bất ngờ nên không báo trước với soeur việc này. Chào hỏi, giới thiệu đoàn xong, tôi lo phần việc của mình. Thoáng chốc bốn cái máy xay được lắp đặt thêm phụ kiện đã hoàn tất. Buổi trao tặng ba máy đến tận tay đại diện các trại cô nhi còn lại, diễn ra thật đơn giản. Dịp này cô Phương Anh đại diện hội thiện nguyện FEF kết hợp trao tặng 200 phần quà nhu yếu phẩm đến 6 cô nhi viện Vinh Sơn tại địa bàn tỉnh Kon Tum. Anh em trong hội cùng các em lớn tại trại chuyền tay nhau phân chia ra cho đủ cả 6 cô nhi viện. Tuy số quà không nhiều so với gần 1000 em các trại nhưng mang ý nghĩa chia sẻ nổi cảm thông sâu sắc với những mảnh đời bất hạnh mà lại quá xa thành phố.






Bây giờ mặt trời đứng bóng, chúng tôi xuống nhà ăn. Ở đây nhà tôi đang hướng dẫn các em phụ trách bếp xử dụng máy xay, chế biến sữa đậu nành cũng như đậu hủ để bổ sung thêm dưỡng chất cho bữa ăn tại trại. Xem ra các em cũng thấy hào hứng với những thực phẩm mà tự mình làm ra. Lúc này các em nhỏ đã vào cả phòng ăn. Các em lớn hơn không thấy, chúng tôi thắc mắc soeur bảo những em lớn khoẻ đều đi làm rẫy, làm thuê để tăng thu nhập cho cô nhi viện, chiều tối các em mới về.

Cạnh bếp là phòng ăn, một gian phòng rộng chừng (15X4) 60 m2, bao quanh là lớp tường xây cao hơn một mét, phần trên gắn lưới thép, mái lợp tole, nền tráng xi măng. Trông phải rất thoáng vì một mặt hướng ra con suối đẩu rừng. Nhưng vì tường không sơn nên âm u không được thoáng đãng như một nhà ăn phải có. Bốn dãy bàn dài được đặt đều trên sàn, các em ngồi hết vào đó. Mỗi nhóm có em lớn chịu trách nhiệm lo cho các em nhỏ. Hôm nay bữa cơm trưa của các em gồm cá khô với tô canh ăn chung trong nhóm, mà tôi không biết canh gì, chỉ thấy nước lõng bõng và hơi đùn đục. Qua hỏi thăm một vài em tôi mới biết hôm nay so với hôm khác là bữa ăn đặc biệt nên thức ăn mới "ngon" đến như vậy ! Chắc một phần có tác động từ phái đoàn của chúng tôi chăng ?



Tận mắt chứng kiến cảnh này ai chẳng chạnh lòng khi đang trong tuổi ăn, tuổi phát triển các em phải chịu cảnh kham khổ như thế ! Chả trách việc học của các em không thể nào sánh nổi với các bạn người kinh đồng trang lứa, chứ chưa nói đến còn nhiều lý do khác nữa. Thú thật tôi cũng có dịp đến thăm vài cô nhi viện ở Sài gòn hay xa hơn như Long Thành... Cái khó khăn, nghèo ăn, nghèo mặc nơi nào cũng có nhưng ở miềm rừng núi Tây nguyên như Kon Tum thì hoàn cảnh tương tự lại càng nghiêm trọng hơn nhiều. Dịp đến đây lần trước, dù thời gian nán lại không nhiều nhưng tôi cảm nhận được phần nào sự khó khăn của các em. Điều đó đã thôi thúc tôi trở lại hôm nay để giúp đỡ các em thêm lần nữa.




Hai thùng bánh ngọt mà hội ủng hộ đươc chia ra phát cho các em sau khi đã xong bữa cơm và tự rửa chén cho chính mình. Món tráng miệng hấp dẫn hiếm khi các em được ăn. Tuy nhiên nhiều em cương quyết không nhận thêm phần sau khi đã có. Tôi thầm thán phục sự giáo dục cộng đồng của các soeur. Đúng như câu “ nghèo cho sạch rách cho thơm” mà trong xã hội hiện nay phần đông đã quên đi rồi!


Chờ các em nghỉ trưa, soeur mời đoàn dùng cơm. Lúc này soeur mới rảnh rỗi trải lòng mà tâm sự. Nghe qua, trong đoàn ai cũng cảm thấy xót xa. Ngoài việc lo ăn cho gần 200 em hàng ngày,  còn nặng trĩu trong lòng nổi lo khi không biết tìm đâu ra chi phí cho hơn 100 em chuẩn bị vào năm học mới. Đủ mọi loại tiền mà cha mẹ nào cũng hiểu, phải nộp để con được tới trường vào mỗi đầu năm học. Soeur nói, với một số tiền lớn như thế quả là nan giải, chỉ có thể nhờ ơn trên trợ giúp !!!




May sao, lần này cũng do duyên để tôi giới thiệu cô PA đại diện hội từ thiện FEF đến nơi đây. Sau cả buổi sinh hoạt tại trại chắc cô có đủ cơ sở để kêu gọi công đồng, các nhà hảo tâm hổ trợ viện, khi trở lại Hoa Kỳ. Rất nhanh “nổi niềm” của buổi tiếp xúc cùng soeur được cô ghi nhận và cụ thể hoá thành từng hạng mục, để hội đề xuất giúp đỡ cô nhi viện trước mắt:

-Hổ trợ kinh phí mua gạo hàng tháng đến hết năm 2018
-Giúp chi phí cho các em nhập học
-Tặng máy tính và máy in
-Tặng 4 con bò gây giống.

Chưa dừng lại, gia đình anh chị Ánh Mai trong đoàn hồ hởi, hứa gởi tặng 3 cây đàn organ, để các em có điều kiện học thêm và giải trí. Sau này tôi mới biết vụ đàn, soeur đã nhiều lần đánh tiếng khi có đoàn từ thiện đến thăm nhưng lần này mới toại nguyện. Đúng là chuyến đi mà riêng tôi cảm thấy rất trọn vẹn.

Ba đàn organ do GĐ anh chị Ánh Mai gởi tặng Vinh Sơn 4
Không kìm được cảm xúc, những giọt nước mắt quá cảm động của soeur đã rơi vì trong phút chốc những điều cầu nguyện đã thành sư thật. Một vài thành viên nữ và cả cô Phương Anh cũng rơm rớm nước mắt đồng cảm với soeur trong những giây phút tuyệt vời này. Rồi ngày mai các em sẻ được ăn no, sẻ đươc đến trường tiếp tục trang bị kiến thức với hy vọng vào tương lai tươi sáng. Những số phận dễ bị lãng quên nơi đây sẻ tự tin bước vào đời bằng đôi chân trần mà bệ phóng là tình yêu thương soeur dành trọn cho các em. Cảm ơn Hội từ thiện FEF, các anh chị, cô Phương Anh đã tiếp sức cho soeur, chăm lo các em hôm nay và cả ngày mai nữa.



Thời gian qua mau, cũng đến lúc tạm biệt. Soeur và các em chia tay đoàn với nhiều lưu luyến. Như mọi khi vẫn bằng những bài hát quen thuộc. Những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên hoà cùng tiếng hát, ngay khi có những ngày đói ăn, đói mặc để lại trong lòng tôi một kỷ niệm khó quên nơi đây với niềm vui nho nhỏ.

Cô Nhi Viện Vinh Sơn 6 - Kon Rẫy - Kon Tum

 Câu chuyện về 6 viện cô nhi Vinh Sơn tại Kon Tum là một câu chuyện dài. Ngày hôm nay phép lạ giúp các em Vinh Sơn 4 vượt qua khó khăn trước mắt nhưng rồi mai kia ra sao…Khó có câu trả lời thoả đáng. Vấn đề đặt ra là làm sao để các em trưởng thành có thể tự mang lại cuộc sống cho chính mình và có thể chung tay cùng Mẹ lo cho các em, cần có lời giải.

Hiếu Nguyễn
Kỷ niệm Vinh Sơn – Kon Tum
(19.6.2018)

Video : https://youtu.be/qyQ10pSlHTg

*****
Ghi chú:
(*) : Một số cộng đồng dân tộc ít người dọc Trường Sơn còn rơi rớt những hủ tục đáng sợ như “Dor tom amí”, “Joă ană”. Tục Dor tom amí-chôn con theo mẹ trên Tây Nguyên khá phổ biến ở các dân tộc Jơrai, Xêđăng, Bana,  Êđê...Khi đứa con còn bú sữa mà người mẹ chết vì bất cứ lý do gì, đồng bào thường chôn sống đứa bé theo mẹ của nó.

Tục Joă ană- đạp cho chết còn nghiệt ngã tàn khốc hơn. Con gái Jơ rai vào tuổi dậy thì được tự do yêu đương, ngủ chung với người tình. Nếu người bố nghi ngờ đứa bé đầu tiên sinh hạ trong quan hệ vợ chồng không phải con mình, anh ta có quyền buộc vợ hoặc bà đỡ phải giết hài nhi... Người vợ đáng thương biết sinh linh trong bụng mình sắp bị chồng Joă ană bèn trốn làng chạy đến tu viện cầu xin cứu vớt. Những thân phận dor tom amí, Joă ană đầu tiên về với dòng " Ảnh Phép Lạ"  từ năm 1947. Các các xơ đã dang rộng vòng tay nhân ái, nhường cơm sẻ áo, chẳng nề hà cực nhọc sớm khuya cưu mang bao phận đời bất hạnh.

2 nhận xét:

  1. Cho mình xin sđt của các vị tu sĩ tại Vinh Sơn bạn nhé

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Văn Bình, quê Bình Định. sđt 0384819733

    Trả lờiXóa