31 tháng 3, 2010

Đập thủy điện trên sông Mekong đe dọa an ninh lương thực

Nghề cá không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng cho ngư dân địa phương mà còn có ý nghĩa sống còn trong việc đảm bảo an ninh lương thực khu vực.

Nghề cá Mekong nuôi sống Đông Nam Á
Sông Mekong cung cấp ngành công nghiệp cá nội địa lớn nhất thế giới. Theo Ủy ban sông Mekong, xấp xỉ 2,6 triệu tấn cá hoang dã và những nguồn tài nguyên thủy sinh khác được thu hoạch mỗi năm, đạt giá trị ít nhất 2 tỉ USD. Nếu tính về ngành công nghiệp thứ cấp, như chế biến và tiêu thụ cá, tổng giá trị kinh tế của nghề cá Mekong vào khoảng 5,6 - 9,4 tỉ USD/năm - đóng góp đáng kế vào kinh tế khu vực.
Nghề cá không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng cho ngư dân địa phương (với rất nhiều người thuộc diện nghèo nhất của khu vực) mà còn có ý nghĩa sống còn trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Thu nhập của hàng triệu ngư dân sống dọc theo dòng chảy của sông Mekong và các nhánh sông chính sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi việc đánh bắt cá sụt giảm. Khoảng 70% cá đánh bắt thương mại của sông Mekong là loài di cư khoảng cách xa. Việc xây dựng hệ thống đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong sẽ ngăn chặn con đường di cư này. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các ảnh hưởng này khó có thể dùng công nghệ để giảm bớt.


Ảnh Newsmekong

Công nghệ “tạo hành lang” di cư cho cá hiện nay không thể đáp ứng được lượng di cư khổng lồ - có thể đạt tới 3 triệu con/giờ vào thời kỳ đỉnh điểm. Và, tính đa dạng trong các cách thức di cư là đặc tính của hàng trăm loài cá Mekong.
Ảnh hưởng từ các đập thuỷ điện trên sông Mekong sẽ là cái giá rất lớn với sức khoẻ, dinh dưỡng và an ninh lương thực của con người. Hơn một nửa tiêu thụ đạm động vật của 60 triệu người hạ lưu Mekong đến từ công nghiệp cá của sông.
Nghề cá sông Mekong không chỉ nuôi dưỡng các cộng đồng người sống dọc theo con sông, mà cung cấp thực phẩm cho cả người dân ở những thành phố, thị trấn lớn. Việc sụt giảm trong số lượng đánh bắt cá sẽ giảm bớt lượng cá cung cấp cho thị trường, dẫn tới tình trạng khan hiếm và giá cả tăng cao, và cuối cùng là mức tiêu thụ cá xuống thấp.
Các gia đình nghèo hơn sẽ đặc biệt khó khăn. Thay thế nguồn đạm từ cá hiện tại bằng các nguồn protein khác sẽ đắt đỏ hơn nhiều và đó là một thách thức trong tiêu dùng gia đình.
Khi nguồn đạm từ cá là trung tâm dinh dưỡng cho con người tại khu vực Mekong thì việc giảm sụt lượng đánh bắt sẽ làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng, vốn luôn là vấn đề lớn tại một số vùng trong khu vực. Do vây, sức khoẻ con người sẽ bị giảm sút, tình trạng ốm đau bệnh tật trở nên phổ biến hơn, khả năng học tập tiếp thu kiến thức giảm, khả năng sản xuất hộ gia đình giảm, nghèo nàn trở nên trầm trọng hơn.
Cuối cùng, vì những ảnh hưởng tiềm tàng với an ninh lương thực, dinh dưỡng và sức khoẻ con người, xây dựng các đập thuỷ điện trên dòng Mekong có thể đẩy lùi nỗ lực của chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc xoá đói giảm nghèo, đạt những mục tiêu Thiên niên kỷ.

Trả giá
Ngoài những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nghề cá và an ninh lương thực khu vực, còn có rất nhiều tác động khác được báo trước nếu hệ thống đập thuỷ điện tiếp tục xây dựng trên sông.
Theo ước tính chính thức, tổng cộng các đập sẽ tạo ra khoảng 600km hồ chứa nước dọc sông Mekong, đòi hỏi việc tái định cư cho 88.000 người. Có một thực tế buồn ở khu vực Mekong là, cuộc sống của những người phải thay đổi chỗ ở vì các dự án thuỷ điện trở nên tồi tệ hơn sau tái định cư.
Tính đa dạng hoá môi trường sinh thái dưới nước của Mekong chỉ đứng thứ hai sau Amazon, sẽ bị đe doạ. Một số loài cá di cư bị ảnh hưởng bởi hệ thống đập là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài ăn thịt. Những loài này là trung tâm của sự ổn định và khả năng sinh sản của toàn bộ hệ thống sinh thái sông Mekong. Tổn thất của chúng cũng là hậu quả không thể lường trước được với hệ sinh thái.
Đập thuỷ điện cũng sẽ đẩy một số loài cá đang ở mức nguy hiểm như cá heo Irrawaddy và cá da trơn khổng lồ Mekong tới bờ vực tuyệt chủng, mất đi hệ sinh thái dồi dào này sẽ là một thảm hoạ mang tính toàn cầu.
Đập thủy điện cũng phá vỡ tính thuỷ học đồng thời ngăn chặn sự chuyên chở trầm tích giàu dinh dưỡng của sông. Những trầm tích này là phân bón tự nhiên bồi đắp hai bờ sông, những cánh đồng lúa bát ngát phì nhiêu trải dài khắp tiểu vùng, bồi đắp đất trồng và giảm thiểu sử dụng phân bón nhân tạo đắt tiền.
Trung Quốc có kế hoạch xây dựng tám đập thuỷ điện ở thượng nguồn Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương)... Tới thời điểm này, ba dự án đã hoàn thành. Dự án thứ tư, cũng là một trong những công trình thuỷ điện lớn nhất đại lục từ trước tới nay - đập Tiểu Loan - bắt đầu đưa nước vào hồ chứa, và có ít nhất hai dự án khác đang trong quá trình xây dựng.


Đập Tiểu Loan




Đập Mạn Loan

Những dự án này sẽ thay đổi căn bản chu kỳ khô hạn - lũ lụt tự nhiên của sông Mekong, ngăn chặn vận chuyển trầm tích, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sinh kế của hàng triệu người dân vùng hạ nguồn tại Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Những tác động tới mực nước và nghề cá đã được ghi chép lại tại khu vực biên giới Thái Lan - Lào. Bất chấp như vậy, tiến trình xây dựng đập thuỷ điện vẫn diễn ra mà không hề có sự tham vấn của bất kỳ quốc gia vùng hạ nguồn nào nào, cũng như không có một đánh giá hoàn chỉnh về tác động của đập tới con sông và con người sống dọc theo sông.

Đập nước phá tan những giá trị văn hóa
Nhịp điệu bất tận của chu kỳ nước lớn, nước ròng Mekong nghìn đời nay đã nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho mọi người dân trong khu vực.
Con sông đem lại những nền tảng của cuộc sống cho cả người dân nông thôn hay thành thị, nó nuôi dưỡng những giá trị văn hoá, chuẩn mực truyền thống, truyền cảm hứng vào âm nhạc, điệu múa, ca khúc, ẩm thực, nghề thủ công và đời sống tâm linh, tạo nên bức tranh đời sống đa sắc màu của cả một vùng.
Dọc theo con sông, những lễ hội truyền thống, văn hoá đã ăn sâu vào tiềm thức người dân tiểu vùng. Ví dụ như Campuchia có “lễ hội nước” nổi tiếng vào tháng 11, khi sông vào mùa cạn.
Sông cũng là nguồn cảm hứng của văn hoá dân gian, của những truyền thuyết bao đời như Lễ hội Thần rắn thu hút hàng nghìn người tham gia tại Lào và Thái Lan nói về vị thần huyền bí từ sông.
Nếu ngôi nhà sông huyền thoại của thần rắn trở thành những cái hồ lặng sóng vì đập thuỷ điện, thì tâm linh người dân sẽ đi về đâu?
Văn hoá đa dạng và giàu bản sắc của khu vực cũng tạo ra thị trường hấp dẫn cho du lịch sinh thái, nhưng đập thuỷ điện đã đe doạ những điểm nóng du lịch ấy. Thúc đẩy du lịch là chính sách chung của tất cả chính phủ dọc khu vực Mekong. Tại Siphandone, phía nam Lào, cá heo Irrawaddy và thác Khone Phapheng trở thành điểm du lịch quốc gia, nhưng cũng trở nên mong manh với đập Don Sahong.
Còn ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan, đập Ban Koum đã đe doạ nhấn chìm “moonscape of the Mekong”, một quang cảnh tự nhiên kỳ bí được tạo nên từ hơn 3.000 lỗ chạm khắc vào đá bởi chính dòng sông Mẹ.

Giải pháp năng lượng
May mắn thay, cuộc cách mạng năng lượng hiện tại trên toàn cầu đã minh chứng rằng, có rất nhiều chọn lựa mới để đáp ứng nhu cầu điện. Việc phá sông làm đập trở thành thứ công nghệ lỗi thời.
Phnom Penh đã thông qua chính sách năng lượng quốc gia, khuyến khích đầu tư và công nhệ năng lượng mới. Các chính phủ Mekong có thể sẽ bước qua kỷ nguyên những năm 1950 của những con đập lớn và bắt đầu hướng tới sự phát triển ổn định, xây dựng nền kinh tế hiện đại mà không ảnh hưởng tới lợi ích của các sông mang lại.
Suốt hai thập niên qua, quan ngại về những kế hoạch xây dựng đập nước lớn khắp vùng Mekong ngày một gia tăng. Ngày 14/3/2009, Liên minh Cứu Mekong đã bắt đầu một chiến dịch mới bảo vệ sông Mekong.
Đây là một mạng lưới gồm các nhóm hoạt động xã hội, các nhà học giả, báo chí, hiệp hội ngư dân, ngôn dân, những người dân bình thường từ các nước Mekong và cộng đồng quốc tế… sẽ làm việc cùng nhau để bảo vệ sông Mẹ, tài nguyên của sông và sinh kế của người dân.
Kể từ khi bắt đầu, Liên minh cứu Mekong đã thu thập được hơn 16.000 chữ ký của những người dân các nước Mekong và khắp thế giới, thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị khu vực “giải phóng” dòng chảy của sông và theo đuổi chọn lực cung cấp điện ít tổn thất hơn.


Ghi chú:
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 ki lô mét, diện tích lưu vực 795.000 ki lô mét vuông, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 mét khối/giây và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ mét khối tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của sáu quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Tám công trình thủy điện chính trên sông Mekong nằm trong lảnh thổ Trung Quốc đã và đang xây dựng gồm:


Bản đồ vị trí các đập thủy điện trên sông Mekong


- Đập thủy điện Cống Quả Kiều cao 105 mét, theo kế hoạch trữ nước vào tháng 6-2011.
- Đập thủy điện Tiểu Loan (Xiaowan) cao 292 mét, công suất 4.200 MW,đã đưa vào hoạt động tháng 10-2009. Đây là đập lớn thứ hai sau đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử.
- Đập Mãn Loan (Man Wan) cao 132 mét, dung tích 920 triệu mét khối, công suất 1.500 MW hoàn thành 1993.
- Đập Đại Triều Sơn (Dachaoshan) cao 118 mét, dung tích 940 triệu mét khối, công suất 1.350 MW hoàn thành cuối năm 2003.
- Đập Cảnh Hồng (Jinghong) cao 108 mét, công suất 1.500 MW hoàn thành 2009.
Ngoài ra, còn ba đập khác nằm ở đoạn hạ lưu sông Mekong (Trung Quốc gọi là “Lan Cang”) đang trong quá trình xây dựng là:
- Đập Nọa Trát Độ (Nouzhadu),
- Đập Cảm Lâm
- Đập Mãnh Tống.

Tổng hợp từ Internet
Đọc thêm: Nông dân Việt Nam phập phồng trước số phận sông Mẹ

website stat

28 tháng 3, 2010

Gmail thêm tính năng cảnh báo bị tấn công

(TNO) Google vừa bổ sung một tính năng mới khi tự động đưa ra các cảnh báo đến với người dùng dịch vụ Gmail, nếu nó cảm thấy tài khoản email của người dùng có thể đang bị tấn công hoặc có dấu hiệu nguy hiểm.
Theo Gmail Blog, hãng sẽ sử dụng nhiều hình thức để xác định được liệu người dùng có thể đang bị tấn công hay không, bằng việc xác định địa điểm của địa chỉ IP trong từng lần truy cập vào tài khoản Gmail ở những thời gian khác nhau.

Ví dụ, hệ thống Gmail sẽ tự động đưa ra các cảnh báo nếu nó thấy chỉ trong vòng vài giờ ngắn ngủi mà địa chỉ Gmail lại được đăng nhập ở những quốc gia khác nhau. Điều này nói lên khả năng tài khoản email của người dùng có thể đang bị tấn công, giả dạng chủ email để phát tán thư rác hoặc đang thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến.

Gmail sẽ tự động bật dòng cảnh báo nếu thấy có dấu hiệu đáng nghi - Ảnh: Gmail Blog


Bằng cách nhấn vào tùy chọn "Details" trong dòng cảnh báo, người dùng có thể theo dõi chi tiết được địa điểm và thời gian đã sử dụng tài khoản Gmail. Nếu cảm thấy có dấu hiệu khả nghi, tốt nhất là bạn nên thay đổi mật khẩu sử dụng dịch vụ.

Bật "Details" theo dõi chi tiết các lần đăng nhập gần đây

Hiện tại, tính năng cảnh báo bị tấn công này đã được Gmail triển khai sử dụng.

Thành Luân
nguồn: Thanh Niên online

website stat

16 tháng 3, 2010

Trung Quốc tăng cường tàu hộ vệ tên lửa trực chiến tại Trường Sa

VIT - Trong thời gian vừa qua Trung Quốc đã có hàng loạt các hoạt động cho thấy dã tâm chiếm cứ Biển Đông của Việt Nam. Các biểu hiện gần đây như phía Trung Quốc cho xây dựng nhà máy hóa dầu gần Vịnh Bắc Bộ hay như việc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí hiện đại ra Biển Đông…. Đây đều là các hoạt động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Nhằm gia tăng áp lực trên biển của mình, mới đây theo báo điện tử Ifeng ngày 11 tháng 3 cho biết, hôm 3 tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã cử tàu hộ vệ tên lửa 560 đến Trường Sa làm nhiệm vụ trực chiến tại đây. Được biết, ngoài toàn bộ số sỹ quan trên tàu ra thì lần ra Trường Sa làm nhiệm vụ lần này còn có hơn 100 nhân viên và chiến sỹ khác.

Hộ tống hạm trang bị tên lửa 560

Tàu hộ vệ tên lửa 560 được biên chế thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Đây là tàu thuộc thế hệ tàu tương đối hiện đại hiện nay của hải quân Trung Quốc. Tàu hộ vệ tên lửa 560 thuộc lớp Giang vệ. Trọng lượng 1425 tấn, với khả năng tải 1661,5 tấn. Tổng chiều dài của tàu là 103,2m, rộng 10,8m, với độ mớm nước 3,19m. Tàu hộ vệ tên lửa 560 được trang bị 2 động cơ 12PA68TC, mỗi động cơ có công suất 8000 mã lực. Tàu có thể di chuyển trên biển với tốc độ 28 hải lý/h, cự ly hành trình dài nhất có thể lên tới 7200km. Tàu này được biên chế 190 người, bao gồm cả sỹ quan và các nhân viên.

Hệ thống vũ khí.
Tàu hộ vệ này là lớp Giang Vệ được trang nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại với 2 tên lửa chống hạm loại SY-1, tầm bắn 90km; 2 pháo phòng không 100mm, tầm bắn 16km, độ cao vươn tới 9,5km, tốc độ bắn 15 phát/phút; 4 pháo cao xạ tự động 37mm; 2 tên lửa chống ngầm 250mm với 5 ống phóng, tầm bắn 1200m. Ngoài ra phía đuôi tàu được trang bị có 4 hệ thống pháo 64 ly và 2 ngư lôi. Hệ thống ra đa bao gồm: 1 ra đa cảnh báo trên không từ xa. 1 ra đa chống tên lửa đạn đạo.

Việc Trung Quốc tăng cường tàu chiến tại Trường Sa là một hành động vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Mặc dù phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối song Trung Quốc luôn cố tình làm ngơ. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại gia hai nước mà còn có thể gây ra một “cuộc chiến” khu vực nhằm tranh giành lợi ích tại vùng biển này.

Cao Phong (theo Ifeng)

12 tháng 3, 2010

Hội Địa lý quốc gia Mỹ phát hành bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa

Thông tin về việc National Geographic Society phát hành bản đồ xuyên tạc sự thật được các bạn đọc Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long gửi tới Thanh Niên vào ngày 11.3.2010. Nhóm cũng đã viết thư phản đối gửi lên Ban biên tập của National Geographic Society.
11/03/2010 23:52


Trên website về bản đồ thế giới của mình, tổ chức tiếng tăm của Mỹ ghi chú sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc.
National Geographic Society (Hội Địa lý quốc gia) có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ lâu nay được coi là một trong những tổ chức khoa học và giáo dục phi lợi nhuận lớn nhất thế giới. Hội này có nhiều tổ chức trực thuộc như kênh truyền hình National Geographic Channel rất nổi tiếng hoặc National Geographic Maps chuyên về bản đồ.


Một trong những bản đồ xuyên tạc của National Geographic Society - Ảnh: Chụp lại từ Natgeomaps.com

Dù là một tổ chức lớn và uy tín như thế, nhưng mới đây, National Geographic Society -cụ thể là tổ chức National Geographic Maps trực thuộc - đã có hành động khinh suất, coi thường lịch sử và công pháp quốc tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền của VN.
Trong bộ Bản đồ thế giới được phát hành trên website của tổ chức này tại địa chỉ http://www.natgeomaps.com/worldmaps.html, ở một số bản đồ, National Geographic Society ghi chú tại vị trí quần đảo Hoàng Sa là Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo), theo cách định danh của người Trung Quốc, kèm chú thích “China” (Trung Quốc) ngay phía dưới. Ở một số bản đồ khác cũng nằm trong bộ trên, National Geographic Society ghi Paracel Is. tại vị trí quần đảo Hoàng Sa với chú thích bên dưới là “China”.
Quần đảo Hoàng Sa, được biết đến với tên tiếng Anh là Paracel Islands, nằm ở biển Đông là một phần không thể tách rời của VN. VN có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của mình đối với quần đảo này. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm quần đảo vào năm 1974 là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN và bất chấp luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc kiểm soát quần đảo này sau khi chiếm được là một hành động cần bị lên án.
Các học giả và tổ chức quốc tế uy tín hầu hết đều biết những sự thật lịch sử nói trên, nên khi đề cập tới Hoàng Sa họ luôn giữ một thái độ khách quan khoa học. Tiếc rằng National Geographic Society, cũng là một tổ chức rất lớn, lại không tôn trọng tính khách quan khoa học trong bộ bản đồ nói trên. Bằng việc ghi chú quần đảo Hoàng Sa (hay Paracel Islands trong tiếng Anh) là Xisha Qundao và chú thích “Trung Quốc” bên dưới, tổ chức Mỹ này đã dành sự thiên vị của mình cho Trung Quốc, bất chấp các chứng cứ lịch sử, pháp lý. National Geographic Society vô hình trung đã ủng hộ việc một nước sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm lãnh thổ của nước khác một cách bất hợp pháp.
Hiện National Geographic Society đang bán bộ bản đồ sai sự thật trên qua mạng với nhiều hình thức và ngôn ngữ khác nhau. Họ cũng phát hành trong ấn phẩm hằng tháng của mình. Điều này có nghĩa sự xuyên tạc của National Geographic Society đối với quần đảo Hoàng Sa của VN sẽ đến với nhiều người đọc khắp thế giới. Những người không am hiểu lịch sử của quần đảo này cũng như bị cái bóng dáng đồ sộ của National Geographic Society đánh lừa sẽ dễ dàng tin rằng Paracel Islands (quần đảo Hoàng Sa) là của Trung Quốc, một điều hoàn toàn sai sự thật.
Một lần nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc National Geographic Society phát hành bộ bản đồ nói trên là hành vi xuyên tạc lịch sử, bất chấp công lý, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ VN. Lẽ ra, với uy tín của mình, với tư cách là một tổ chức khoa học - giáo dục lớn, họ cần phải cẩn trọng và khách quan khi cho phát hành những bộ bản đồ như thế.
Vào hôm qua, Thanh Niên đã liên hệ với Ban biên tập của National Geographic Maps để phản ánh vấn đề trên cũng như đề nghị một sự giải thích rõ ràng cho hành động khinh suất của họ. Chúng tôi chờ sự trả lời của National Geographic maps và sẽ thông tin đến bạn đọc.
Đỗ Hùng
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201011/20100311235159.aspx

8 tháng 3, 2010

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3/2010

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ ngày 8 tháng ba. Xin mời bạn hãy cùng nghe bản sử ca về những người phụ nữ tiêu biểu anh hùng của nước Việt, bất khuất trước quân xâm lược phương Bắc.


SỬ CA Về HAI BÀ TRƯNG


SỬ CA Về BÀ TRIỆU

7 tháng 3, 2010

TRĂNG NGHẸN

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi này ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.

Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.

Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

Hoài Tường Phong

4 tháng 3, 2010

Mê Kông suy kiệt


Các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông đang khiến ĐBSCL phì nhiêu, sông rạch chằng chịt đối mặt với khô hạn. Những tác hại đến sinh thái, môi trường, đời sống... của người dân ĐBSCL đang dần hiển hiện.


Mùa khô hạn tàn khốc
Trong tuần qua, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,1m, trong khi xâm nhập mặn sâu vào khoảng 30-40 km.
Tại thị xã Vị Thanh (Hậu Giang), nước mặn đã xâm nhập sâu vào các xã Tân Tiến, Hỏa Tiến và Hỏa Lựu. Độ mặn đo được ngày 26.2 từ 3,1 - 5 phần ngàn, dự báo trong những ngày tới gặp triều cường nước mặn xâm nhập sâu hơn vào nội ô thị xã Vị Thanh và nồng độ có thể lên tới từ 6 - 8 phần ngàn.
Tại Tiền Giang, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền trên 35 km buộc cơ quan chức năng phải đóng sớm cống Vàm Giồng ngăn mặn. Ngành nông nghiệp tỉnh này đang lo ngại nước mặn sẽ đe dọa trên 6.000 ha lúa đông xuân thuộc dự án ngọt hóa Gò Công. Tại Bến Tre, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền trên 23 km. Xâm mặn kéo theo tình trạng thiếu nước ngọt ở các xã ven biển như Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận (huyện Bình Đại). Ông Ngô Văn Thử, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết, sau Tết hơn 10.400 nhân khẩu trong xã phải đi đổi hay mua nước ngọt với giá 2.000 đồng/40 lít về sử dụng. Dự báo từ nay đến tháng 5.2010, nước ngọt càng thiếu trầm trọng trong mùa hanh khô kéo dài.
Tại Cần Thơ, xâm mặn đã lấn sâu vào huyện Vĩnh Thạnh. Tại An Giang, nhiều kênh nội đồng gần như trơ đáy; người dân vùng núi Tri Tôn, Tịnh Biên phải đi mua nước sạch với giá 2.000 đồng/30 lít. Ông Trần Văn Mì, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tri Tôn cho biết huyện đang triển khai dự án nạo vét 14 tuyến kênh nội đồng, 5 công trình cấp nước với tổng kinh phí trên 4,2 tỉ đồng nhằm cung cấp nước sạch, nước tưới tiêu ruộng đồng.

Mê Kông đang bị “sát thương”
Sông Mê Kông chảy qua ĐBSCL với chiều dài khoảng 225 km, cung cấp nước và tôm cá dồi dào. Ước tính bình quân 1 ha đất trồng lúa phải tốn hơn 20.000m3 nước/vụ; bình quân mỗi
năm ĐBSCL xuống giống 3,8 triệu ha tức cần hơn 76 tỉ m3 nước. Riêng thủy sản, mỗi năm người dân hạ lưu sông Mê Kông khai thác khoảng 2,6 triệu tấn cá trị giá khoảng 2 tỉ USD. Đối với dân nghèo và nhà nông, sông Mê Kông là nguồn sống trời cho… Thế nhưng, nguồn sống ấy đang bị “sát thương” bởi hàng loạt đập thủy điện xây trên thượng nguồn sông.


Khô hạn đang đe dọa ĐBSCL - Ảnh: T.Dũng

Tại diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mê Kông” diễn ra ngày 3.2 ở TP Cần Thơ, các nhà khoa học đã tỏ ra lo ngại: Mê Kông là dòng sông lớn trên thế giới, tôm cá phong phú tạo sinh kế trực tiếp cho hơn 60 triệu người ở khu vực hạ lưu sông, thế nhưng dòng sông đang chết dần bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có các đập thủy điện.
Giới khoa học nhận định lưu lượng dòng chảy sông Mê Kông giảm chỉ còn 2/3 so với những thập kỷ trước do bị các đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn lại. Lượng nước sông Mê Kông giảm sút kéo theo hàng loạt tác hại khôn lường như thiếu nước vào mùa khô và nguy cơ xâm mặn đe dọa từng ngày. Tiến sĩ Chu Thái Hoành, cán bộ Viện Nghiên cứu tài nguyên nước quốc tế (IWMI) nhận định các đập thủy điện sẽ giữ đến 16% trong tổng lưu lượng nước 475 tỉ m3/năm, ảnh hưởng 50% tổng lượng nước sông Mê Kông.


Bản đồ lưu vực sông Mê Kông (Nguồn: Ủy ban sông Mê Kông VN)

Theo thống kê của Liên minh bảo vệ sông Mê Kông, có 16 đập thủy điện đã và đang xây dựng cùng hàng trăm dự án chằng chịt trên các nhánh chính và rẽ làm thay đổi dòng chảy, ngăn chặn các loài cá di cư đẻ trứng, giảm lượng phù sa hằng năm. Chỉ tính riêng tại khu vực ĐBSCL, bình quân mỗi năm vào mùa lũ sông Mê Kông cung cấp 100 - 200triệu tấn phù sa.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước, cho rằng nguồn phù sa giảm sút nên người trồng lúa ở VN phải tăng chi phí cho phân bón và giá lúa sẽ tăng lên. Còn tiến sĩ Carl Middleton (Tổ chức Sông ngòi quốc tế Mỹ) ước tính việc xây dựng các đập trên sông Mê Kông sẽ làm mất đi 700.000 - 1,6 triệu tấn thủy sản/năm. Các nhà khoa học đúc kết tổng thiệt hại về thủy sản, nông sản có thể lớn hơn tổng lợi nhuận mà các nước thu được do việc xây đập thủy điện.
Theo tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An - Đại học Cần Thơ, việc xây các đập thủy điện đã kéo theo nhiều tác động như lũ về muộn hơn nhưng kết thúc sớm hơn. Tiến sĩ Ni cho rằng ngày xưa lũ lên từ từ, tôm cá theo nước lũ đẻ trứng sinh sôi nhưng nay lũ rút nhanh phá vỡ quy luật khiến tôm cá sinh sản theo không kịp con nước, phù sa theo đó cũng bị thất thoát trôi ra biển, trôi vào kênh rạch không vào ruộng đồng. Tiến sĩ Ni cho rằng việc các đập thủy điện thượng nguồn trữ nước không cho biết lúc nào xả nước lúc nào không càng gây khó khăn trong mùa khô hạn.

Hạ lưu nguy khốn
Các nước vùng hạ lưu đang lo lắng về những tác động tiêu cực xảy ra khi dòng chảy dưới này hoàn toàn phụ thuộc vào quy trình vận hành của các đập thủy điện trên thượng lưu sông Mê Kông.
Với mục đích phát điện, các hồ chứa sẽ cố gắng tích nước sớm ngay từ đầu mùa mưa. Nếu gặp năm lũ lớn, khi đỉnh lũ về gặp hồ đã đầy nước, không còn khả năng cắt lũ, có thể gây lũ lớn hơn cho hạ lưu. Còn vào những năm lũ vừa và nhỏ, phía hạ lưu - đặc biệt là ĐBSCL - sẽ có những ảnh hưởng nhất định trong cả mùa lũ và mùa kiệt.
Hằng năm, lượng phù sa sông Mê Kông xuống hạ lưu khoảng 150-170 triệu tấn (trong đó từ Trung Quốc chiếm 50%). Các đập thủy điện sẽ làm giảm lượng phù sa xuống hạ lưu và vùng ĐBSCL. Sản lượng thủy sản hằng năm của sông Mê Kông khoảng 400.000 tấn sẽ sụt giảm mạnh.
Các đập thủy điện còn ảnh hưởng tới giao thông thủy, du lịch, sự di cư của một số loài cá cũng như hệ sinh thái rất đa dạng của lưu vực, chưa kể những tác động đến chất lượng nước, sự bồi lắng, xói lở…
Biển Hồ (Campuchia) đóng vai trò rất quan trọng đối với sự điều tiết dòng chảy xuống châu thổ sông Mê Kông. Nếu lũ xuống hạ lưu giảm, Biển Hồ không tích đầy nước vào mùa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự điều tiết dòng chảy kiệt xuống hạ lưu.
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho rằng, ĐBSCL rất cần đến những trận lũ trung bình, ở mức khoảng 4,2m tại Tân Châu (An Giang). Tuy nhiên, từ năm 2003 cho tới giờ, lũ ở ĐBSCL chỉ ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. Một nhà khoa học tại TP.HCM nhận định: ĐBSCL không mong muốn những trận lũ lớn như các năm 1961, 1978, 1991, 2000… cũng như không mong đợi những trận lũ nhỏ như những năm 1998, 2005, 2008 vừa qua.
Vì vậy, nếu như các đập thủy điện ở thượng lưu làm giảm đỉnh lũ lớn để có thể ít nhiều mang lại lợi ích cho ĐBSCL, thì việc biến những trận lũ trung bình thành lũ nhỏ, biến lũ nhỏ thành không có lũ sẽ gây hại còn nhiều hơn so với lũ lớn.


Trung Quốc đã làm gì sông Mê Kông?

Từ năm 1986 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 8 đập thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ trên sông Mê Kông.

Theo Michael Richardson - tác giả bài viết Đập thủy lợi của Trung Quốc biến sông Mê Kông thành dòng sông đầy tranh cãi (Dams in China Turn the Mekong Into a River of Discord) đăng trên tạp chí Yale Global ngày 16.7.2009, Trung Quốc xây dựng đập thủy lợi đầu tiên trên sông Mê Kông vào năm 1986. Lúc này các nước Đông Nam Á không có nhiều phản ứng.
Nhưng tới ngày nay, ảnh hưởng của hệ thống đập thủy lợi của Trung Quốc đối với khu vực ngày càng khiến nhiều nước phải lo lắng. Cũng theo tác giả này, Trung Quốc đã lợi dụng quy mô to lớn của công trình phát điện do họ xây dựng trên sông Mê Kông làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của con sông này. Đã có nhiều cảnh báo về điều đó, đặc biệt đối với bốn nước ở khu vực sông Mê Kông là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào.


Một đập nước của Trung Quốc trên sông Mê Kông - Ảnh: Sina.com

Báo cáo tháng 5.2009 của Học viện Kỹ thuật châu Á (Asian Institute of Technology) cũng cảnh báo rằng việc Trung Quốc xây 8 đập thủy lợi, thủy điện tại sông Mê Kông có thể tạo nên những hiểm họa to lớn đối với dòng chảy của sông và tài nguyên tự nhiên. Cũng trong tháng 6.2009, một lá thư đòi Trung Quốc chấm dứt việc xây đập thủy lợi trên sông Mê Kông đã được gửi tới tay Thủ tướng Thái Lan. Lá thư có 11.000 chữ ký của phần lớn nông dân, ngư dân sinh sống ở thượng lưu và hạ lưu sông Mê Kông. Lào, Campuchia, Thái Lan đã bắt đầu đối phó bằng cách thúc đẩy các kế hoạch xây dựng đập thủy lợi thuộc phạm vi nước mình.

Theo hãng AP (Mỹ) ngày 12.12.2009, Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 8 đập thủy điện ở khu vực sông Mê Kông. Mê Kông là một trong những con sông lớn trên thế giới, cũng là nguồn cung cấp nước chủ yếu của khu vực. Ở Trung Quốc, Mê Kông được gọi là sông Lan Thương. Con đập thủy lợi mà Trung Quốc vừa xây dựng tại đây cao 292m - cao nhất thế giới, có khả năng tích trữ nước bằng tất cả các khu thủy vực của Đông Nam Á hợp lại.

Ủy ban sông Mê Kông (MRC) được thành lập từ năm 1996 bởi Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Lào cùng phối hợp quản lý khu vực sông Mê Kông ở Đông Nam Á. MRC cho rằng các nước ở khu vực sông Mê Kông có lý do để lo ngại việc xây dựng đập thủy lợi của Trung Quốc. Chẳng hạn vào mùa mưa, đập thủy lợi của Trung Quốc sẽ tháo ra rất nhiều nước, có thể gây lũ lụt. Nhưng vào mùa khô hạn, các nước Đông Nam Á lại lo ngại thiếu nước. Tới nay, Trung Quốc vẫn chưa phải là thành viên của MRC.
Nguyễn Lệ Chi


Mực nước xuống thấp kỷ lục

Ủy ban sông Mê Kông (MRC) vừa cho hay mực nước ở thượng lưu sông Mê Kông đang xuống thấp kỷ lục và điều này đe dọa nguồn nước và sự sống của hàng chục triệu người.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Jeremy Bird thuộc MRC nói miền bắc Thái Lan, bắc Lào và nam Trung Quốc đều bị ảnh hưởng. “Dòng chảy đang ở mức thấp hơn những gì chúng tôi ghi nhận được trong vòng 20 năm qua”, ông Bird nói. Vấn đề này tạo ra một mối đe dọa cho nguồn nước, giao thông đường thủy và tưới tiêu trên một khu vực rộng lớn dọc Mê Kông, con sông nuôi sống hàng chục triệu người. Ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông, 60 triệu người sống phụ thuộc vào con sông này với việc đánh bắt hải sản, trồng trọt, giao thông và các hoạt động kinh tế khác.


Dự báo mực nước tại Luang Prabang (Lào) sẽ xuống thấp hơn nữa trong tháng tới - Ảnh: MRC

Một thông cáo báo chí khác của MRC phát hôm 26.2 nói rằng mực nước của dòng chảy chính của sông Mê Kông đo được tại Chiang Saen, Chiang Khan, Luang Prabang, Vientiane, và Nong Khai (tất cả đều ở phía bắc Lào và Thái Lan) đều thấp hơn mực nước đo được trong mùa nước cạn hồi năm 1993, chỉ đứng sau mực nước thấp kỷ lục trong đợt hạn hán năm 1992. Thông cáo báo chí này nói thêm rằng mực nước của con sông này ở tây nam Trung Quốc cũng đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua với dòng chảy chỉ bằng một nửa so với mức bình thường vào tháng 2.

Khoảng 21 tàu chở hàng đang bị mắc cạn trong khi các tour du lịch đường sông giữa Luang Prabang (Lào) và Huay Xai (gần biên giới với Thái Lan) bị hủy bỏ. Về việc mực nước sông Mê Kông tụt giảm, MRC nói khó có thể nói rằng nguyên nhân có phải là do khí hậu ấm lên hay không.
Trong khí đó, theo một bài báo của Bangkok Post, các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Liên minh Hãy cứu sông Mê Kông, thì tin rằng mực nước thấp bất thường trên sông Mê Kông là do các đập của Trung Quốc. “Thật khó để chúng tôi khẳng định một cách tuyệt đối rằng không có sự liên quan giữa mực nước thấp và những con đập đó”, ông Bird nói. Theo ông, sẽ là không bình thường nếu như các con đập này chứa đầy nước trong suốt mùa khô.

Tờ The Nation thì cho hay Thái Lan sẽ gửi thư yêu cầu MRC đàm phán với Trung Quốc để xả thêm nước từ các con đập của họ trên sông Mê Kông. MRC nói họ chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ Thái Lan. Và nếu có, MRC sẽ tiến hành thảo luận với Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc và Myanmar là các đối tác đối thoại với MRC, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Việt Phương (VP Bangkok)

Mai Vọng - Thanh Dũng
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201009/20100227235707.aspx