“Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48'25” Bắc và 111o26'48” Ðông, cách mũi Ðại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.” TTXVN nói.
Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam hôm Thứ Sáu cho hay như vậy về hành động Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam về thềm lục địa, gây thiệt hại tài sản cho một công ty Việt Nam.
Nguồn tin thuật lại cuộc họp báo ở Hà Nội của ông Ðỗ Văn Hậu, phó tổng giám đốc Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam, nói vụ việc xảy ra vào lúc 5 giờ 5 phút sáng ngày Thứ Năm 26 tháng 5. Khi tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 đang hoạt động ở lô 148 thuộc khu vực biển phía Ðông tỉnh Phú Yên 120 hải lý, hoàn toàn nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì bị 3 tàu ‘hải giám’ Trung Quốc mang số hiệu 17, 72 và 84 phóng nhanh tới cắt cáp thăm dò.
Các tàu hải giám này còn ngang ngược tuyên bố tàu Bình Minh 02 “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”.
Bản tin TTXVN nói rằng “Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26 tháng 5 và thu lại các thiết bị đã bị hỏng để sửa chữa”.
Bình luận về hành động của Trung Quốc, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng của đại học George Mason University ở Hoa Thịnh Ðốn nói trong cuộc phỏng vấn của báo Người Việt chiều Thứ Sáu rằng “Hiện tượng này cho thấy Trung Quốc ngày càng tăng áp lực với Việt Nam. Trước giờ họ vẫn cấm đánh cá, bắt ngư dân Việt Nam, nhưng giờ lại tăng áp lực lên một mức nữa là phá luôn cả tàu của công ty Việt Nam.”
Ông Hùng nói tiếp rằng “Tôi nghiệm thấy hễ cứ Trung Quốc đấu dịu được với Hoa Kỳ thì sau đó lại tát tai Việt Nam. Tháng 1, 1979 khi có chuyến viếng thăm của các viên chức Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, lãnh tụ Trung Quốc nói có lẽ phải dạy cho Việt Nam một bài học và thấy Hoa Kỳ lúc đó không tỏ phản ứng gì, sau đó Trung Quốc đánh Việt Nam vào tháng 2.
Lần này, sau khi đấu dịu với Mỹ và nói Hải quân Trung Quốc còn lâu mới theo kịp Mỹ, Trung Quốc bèn tăng áp lực với Việt Nam. Chính sách của Trung Quốc là đang chia để trị. Trung Quốc tách riêng Phi Luật Tân ra khỏi khối ASEAN và muốn tách riêng Mỹ ra khỏi Việt Nam...”
Bản tin đài phát thanh Việt Nam (VOV) gọi hành động của 3 tàu tuần Trung Quốc là “hành động táo tợn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc đối với các hoạt động thăm dò dầu khí nằm rất sâu trong vùng lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này cũng đã vi phạm nghiêm trọng Công Ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc”.
Câu hỏi được đặt ra là “các tàu bảo vệ” được hiểu là tàu võ trang của hải quân CSVN sao không có hành động gì khi tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, bị đe dọa ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước mình theo luật biển LHQ? Vậy thì “các tàu bảo vệ” đến đó để làm gì?
TTXVN nói rằng sáng ngày Thứ Sáu, đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội “trao công hàm phản đối hành động nói trên của Trung Quốc” đồng thời “đòi bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”.
Trung Quốc ngang ngược nộp ở Ủy Ban Thềm Lục Ðịa và Luật Biển của LHQ bản đồ hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% biển Ðông, lấn sâu vào thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Việt Nam đã bác bỏ các đòi hỏi của phi lý của Bắc Kinh.
Ngày 3 tháng 6 tới đây, một diễn đàn về an ninh khu vực sẽ được tổ chức ở Singapore mà tin tức cho hay có cả sự lên tiếng của Lương Quang Liệt, bộ trưởng quốc phòng
Trung Quốc. Trên diễn đàn này hồi năm ngoái, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố Hoa Kỳ chống lại tất cả các hành động đe dọa các công ty hoạt động trên biển.
Các công ty dầu khí Anh Quốc và Hoa Kỳ đã phải từ bỏ hợp đồng dò tìm ký với Việt Nam sau khi bị Bắc Kinh đe dọa.
Talisman, công ty dầu khí lớn hàng thứ 3 của Canada gần đây loan báo năm nay sẽ khoan thăm dò tại các lô 133 và 134 ký với Việt Nam nhưng các lô này cũng bị Trung Quốc gọi là lô WAB-21 ở bên trong vùng “Lưỡi Bò”. Theo hãng tin Bloomberg thuật lời James Edmiston, giám đốc điều hành công ty dầu khí ở Houston Hoa Kỳ là Harvest Natural Resources Inc., rằng Trung Quốc “đã biểu lộ họ rất quan tâm đối với chuyện này và họ có thể can thiệp cách này hay cách khác”.
Tháng 10 năm ngoái, tàu kéo dây cáp dò tìm dầu khí của công ty Úc, Neon Energy, đã do 4 tàu hải quân Việt Nam hộ tống.
Công ty Exxon Mobil loan báo hồi tháng 3 vừa qua là khoan tìm dầu khí trong tháng 4 tại lô 119 (thềm lục địa ngoài khơi Ðà Nẵng, Quảng Ngãi) ký với Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam. Không thấy có tin tức gì loan báo hoạt động của Exxon-Mobil ở đây có gặp trở ngại gì không và công tác đã hoàn tất chưa.
Năm 2008, Exxon-Mobil đã phải từ bỏ dò tìm dầu khí ở các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn. Trước đó, năm 2007, công ty Anh quốc BP cũng bỏ chạy khỏi một lô khác ở Nam Côn Sơn. Cả hai công ty BP và ExxonMobil đã bị áp lực của Trung Quốc.
Nguồn: Người Việt online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét