Hầu hết trong số gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ 11/9, khi 4 chiếc máy bay chở khách bị cướp rồi lao vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở bang Pennsylvania, đã chết trong đơn độc, không có người thân nào ở bên cạnh.
Tuy nhiên, nhờ có sóng radio từ các máy liên lạc trên máy bay, những chiếc điện thoại di động, điện thoại tại các văn phòng ở tháp đôi WTC, hay thậm chí ngay cả điện thoại trả tiền trên những chiếc phi cơ bị cướp, những số phận bi đát ấy vẫn còn có cơ hội để gửi thông điệp cuối cùng tới thế giới bên ngoài.
Melissa Doi, một nữ quản lý 32 tuổi của IQ Financial Systems và làm việc trên tầng 83 tại Tháp Nam của WTC, đã nói chuyện được với các đội cứu trợ khẩn cấp trong ít nhất 4 phút. Giọng nói run rẩy đầy khiếp sợ của Doi đối lập với giọng trả lời ít cảm xúc và rành mạch như đã được lập trình sẵn của nhân viên trực tổng đài. Người ta có thể thấy sự lo sợ đến nghẹt thở của cô khi nghe lại đoạn đối thoại.
"Tôi sắp chết, phải không?", Doi nấc nghẹn. Nhân viên trực tổng đài đáp lại bằng những từ "không" liên tiếp. "Tôi sẽ chết", Doi lại nói. "Thưa bà, xin bà hãy cầu nguyện", người trực tổng đài cố gắng trấn an người phụ nữ 32 tuổi. "Lạy Chúa", Doi thốt lên. Đoạn đối thoại kết thúc không lâu sau đó, khi Doi khóc nấc lên trong sự hoảng sợ tột cùng: "Cứu!"
Trong số những cuộc gọi cầu cứu không đem lại kết quả, có một cuộc điện thoại từ máy di động của nhà tư vấn bảo hiểm Kevin Cosgrove, ngay khi văn phòng của ông ở tầng thứ 99 tại Tháp Nam bắt đầu rung chuyển.
"Ôi trời ơi..... !", Cosgrove, phó chủ tịch của công ty môi giới Aon Corp, hét lên lúc 09h58 sáng ngày 11/9/2001. Sau đó, giọng nói của ông dần biến mất, giữa những tiếng gãy đổ khi cả toà tháp đang dần sụp xuống. Đường dây sau đó bị ngắt.
Những hành khách và thành viên phi hành đoàn trên 4 chiếc máy bay chở khách cũng có những nỗ lực cuối cùng để cố gắng níu kéo sự sống.
Nữ tiếp viên hàng không dũng cảm Betty Ong, trên chuyến bay số hiệu 11 của hãng American Airlines từ Boston, đã gọi cho điều hành mặt đất, bình tĩnh mô tả việc hai đồng nghiệp bị đâm như thế nào, và thông báo "buồng lái không trả lời điện thoại".
"Tôi nghĩ chúng tôi đang bị không tặc tấn công", Ong nói lúc 8h19. Chưa đầy nửa giờ sau, Ong và những người còn lại trên chiếc máy bay biến mất trong quả cầu lửa ở Tháp Bắc của WTC.
Alice Hoagland, mẹ của hành khách Mark Bingham trên chuyến bay số hiệu 93 của hãng United Airlines, đã cố gắng gọi cho con trai của bà sau khi xem được những tin tức gây sốc về những vụ tấn công nhằm vào tháp đôi WTC. Thế nhưng, Bingham không trả lời. Chẳng còn cách nào khác, Hoagland nói với giọng đầy bình tĩnh của một người mẹ: "Hãy cố gắng giành lại quyền kiểm soát chiếc máy bay... Tìm thêm vài người và làm tất cả những gì có thể để giành lại nó." Bà nói thêm "Con yêu của mẹ".
Bingham được tin là người dẫn đầu một nhóm các hành khách chống lại những kẻ không tặc, dẫn tới việc chiếc máy bay lao xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania. Đây là một kết cục ít tồi tệ hơn rất nhiều so với việc chiếc phi cơ đâm vào một mục tiêu khác tại thủ đô Washington.
Ngồi trên chuyến bay mang số hiệu 175 của hãng United Airlines, chỉ vài phút trước khi nó lao vào Tháp Nam của WTC, Brian Sweeney cũng để lại một thông điệp cho vợ của mình là cô Julie.
Sau khi tiếng máy trả lời tự động vang lên "Tin nhắn một!", những từ ngữ cuối cùng của Sweeney được truyền tải một các giản dị nhưng đầy xúc động. "Nghe này, anh đang ở trên một chiếc máy bay vừa bị không tặc cướp quyền kiểm soát", Sweeney nói. "Anh chỉ muốn em biết rằng anh yêu em vô cùng. Anh muốn em sống tốt và hạnh phúc. Cả bố mẹ của anh và mọi người khác cũng thế. Anh yêu em biết bao."
Phần lớn các gia đình của những nạn nhân đã không thể có cơ hội để nói từ biệt với người thân yêu của họ. Trong phần lớn các ca tử nạn tại WTC, nhiều gia đình thậm chí không thể nhận diện được phần thi thể còn lại của người thân.
Nhưng việc có thể trao đổi vài câu với người thân trước khi thảm họa xảy đến dù là một may mắn nhỏ nhoi, nhưng cũng khiến những người ở lại chịu đựng nỗi đau theo một cách khác.
Everly Eckert nhớ lại cô đã hạnh phúc như thế nào khi nhận được một cuộc gọi của chồng, Sean Rooney, vào khoảng 9h30 trong cái ngày định mệnh ấy. Khi đó, cô nghĩ rằng vị hôn phu của mình đã thoát khỏi văn phòng của anh trên tòa tháp đôi.
"Nhưng anh ấy nói với tôi rằng đang ở tầng thứ 105, và ngay lúc đó tôi hiểu ra rằng Sean sẽ không bao giờ có thể về nhà được nữa", Eckert nghẹn ngào kể lại trên tạp chí New York. "Sau những phút dài nói chuyện, anh ấy thì thầm "Anh yêu em rất nhiều. Rồi tôi bỗng nhiên nghe thấy một tiếng nổ lớn."
Khi ấy, chồng của Eckert vẫn còn sống, nhưng cả hai cùng biết rằng tiếng động đó phát ra vì nguyên nhân nào. Tòa tháp đang bắt đầu sụp xuống. "Tôi đã liên tục gọi tên anh ấy trong điện thoại. Sau đó, tôi ngồi xuống sàn và ôm chặt điện thoại vào lòng."
Phan Lê (VnExpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét