4 tháng 12, 2011

Bài học từ Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ đang có một tham vọng rất lớn là làm sao có thể đem mạng lưới internet nối kết tới những người dân nghèo khổ nhất tại đất nước này. Chính phủ Ấn tin tưởng internet là một trong những khí cụ căn bản nhất trong tương lai, sẽ giúp người dân xứ này học hỏi được một số kỹ năng nghề nghiệp để từ đó đưa họ thoát khỏi cảnh nghèo như hiện nay, cái cảnh nghèo đã bám lấy họ từ đời này qua đời khác mà không sao bứt ra được.

Ảnh: Prem Kalra và máy tính bảng Aakash

Ở một quốc gia mà 75 phần trăm dân số mỗi ngày không kiếm được quá 2 Mỹ kim, thì tham vọng đó quả thật là một thử thách rất lớn khó có thể đạt được. Nhưng không vì thế mà họ không thử. Vì vậy, khoảng một năm trước, Bộ Nhân lực và Phát triển (Ministry of Human Resources and Development) của Ấn Độ đã đưa ra một đề nghị rất rõ ràng chi tiết cho ông Prem Kalra, giám đốc của một viện kỹ thuật mới được thành lập là Indian Institute of Technology, một viện kỹ thuật tương tự như M.I.T. của Hoa Kỳ, làm sao có thể thiết kế và chế tạo ra một chiếc máy điện toán tựa như chiếc iPad nhưng đơn giản hơn, có khả năng nối được internet mà không cần đến dây cable, và giá thành phải thật rẻ để một gia đình thuộc loại nghèo nhất của Ấn Độ, nếu sống tằn tiện chắt bóp dành dụm mỗi tháng khoảng 2 đô rưỡi trong một năm, có thể có khả năng để mua nếu được chính phủ giúp đỡ phần còn lại. Nói rõ hơn là họ có thể bằng cách nào chế tạo ra được chiếc máy tính bảng (tablet computer) đơn giản để người sử dụng có thể vào mạng internet theo học những lớp học dạy Anh văn hay Toán mà không cần tới lớp, hay theo dõi thị trường hàng hóa lên xuống ra sao, mà giá bán phải dưới 50 đô-la tính luôn tiền lời của công ty sản xuất.

Prem Kalra không cần nhiều thời gian suy nghĩ đã chấp nhận đề nghị cũng như thử thách đó. Ông thành lập nhóm nghiên cứu được hướng dẫn bởi hai giáo sư thuộc ngành kỹ sư điện mà một trong hai vị giáo sư đó sinh trưởng từ một ngôi làng nhỏ cho tới nay vẫn chưa có điện.

Nếu ở Ấn chỉ có những máy tính bảng được chế tạo tại những nước Tây phương với một giá thành cao - trung bình khoảng 350 đô, thì chẳng có mấy người Ấn có khả năng mua được. Và như thế thì phần lớn người dân Ấn Độ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội rờ tới được cái máy tính đó chứ đừng nói tới chuyện nối mạng internet. Do đó, trong suốt một năm trời nỗ lực làm việc, mục tiêu chính của nhóm nghiên cứu là làm sao có thể cắt giảm giá thành xuống mức tối đa. Họ tận dụng tất cả những nguồn kỹ thuật trên khắp thế giới: mua những bộ phận rời với giá thật rẻ từ Trung Quốc và Nam Hàn, sử dụng nhu liệu miễn phí (open-source) và hợp tác cũng như học hỏi những kỹ thuật thiết kế/ sản xuất/ lắp ráp từ một số công ty Tây phương và Ấn Độ.

Thế rồi một tháng trước đây, nhóm nghiên cứu của Kalra đã cho trình làng chiếc máy tính bảng mang tên Aakash, tiếng Ấn có nghĩa là bầu trời. Chiếc máy tính bảng nhỏ xinh xắn với hệ điều hành (operating system) Android 2.2 và màn hình cảm ứng (touch screen) 7-inch, pin chạy máy được trong 3 giờ mà không cần cắm điện và có khả năng tải được video lên YouTube, những tài liệu ở dạng PDF và nhu liệu giáo dục. Nghĩa là chiếc máy tính bảng này có khả năng hoạt động như những máy tính bảng khác của Tây phương. Vì thế, khi vừa tung ra ngày đầu tiên đã bán sạch 100,000 chiếc và không đủ cung cấp. Các học sinh sinh viên sẽ được chính phủ giúp để có thể nối mạng internet miễn phí.

Việc chế tạo ra chiếc máy tính bảng Aakash là tia hy vọng mà Ấn Độ có thể mang đến cho khoảng 220 triệu học sinh có thêm những dụng cụ kỹ thuật cần thiết để tiếp cận với nền giáo dục và thoát khỏi cảnh nghèo. Nó có thể là một trong những bước tiến làm thay đổi lịch sử.

Trở lại câu chuyện của Prem Kalra, với cương vị là giám đốc của viện kỹ thuật I.I.T., ông không cho phép các công ty lớn bén mảng vào trường để tuyển mộ sinh viên làm việc cho họ. Ông muốn các sinh viên của ông đừng đi kiếm việc làm mà hãy tự sáng tạo ra công việc cho họ. Ông muốn họ hãy tự sáng lập ra những công ty và trở thành giám đốc của chính họ. Đó là cách duy nhất để Ấn Độ có thể bắt kịp Trung Quốc và những quốc gia Tây phương khác.

Ấn Độ không thể chờ cho thế giới giải quyết giùm họ những vấn đề khó khăn mà phải tự mình giải quyết, tự phát minh chính họ. Bây giờ thì họ đã có được một số khí cụ cần thiết để làm điều đó và câu chuyện về bài học Ấn Độ bắt đầu thú vị.

Và đó là những gì đang xảy ra tại Ấn Độ hiện nay. Người ta nói rằng tại quốc gia này cứ đi vài dặm là lại thấy một tháp tiếp sóng của hệ thống điện thoại di động. Có rất nhiều tòa cao ốc mới được xây lên mà nếu nhìn kỹ những tấm bảng hiệu treo ở phía trước thì đó là những trường đào tạo các ngành kỹ sư, công nghệ sinh học, kinh doanh, điện toán v.v...

Ảnh: Trình làng Aakash

Tất cả những trường đào tạo này, cộng thêm 600 triệu chiếc điện thoại di động, thêm 1,2 tỷ người mà trong số đó một nửa là những thanh niên dưới 25 tuổi, là niềm hy vọng của Ấn Độ bởi chỉ có kỹ thuật tân tiến và chất xám mới có thể mang đến cho Ấn Độ và số dân đông đúc đó một cuộc sống thật sự tốt đẹp hơn.

Rất nhiều người trẻ tuổi Ấn Độ, có tài, nhiệt huyết và tháo vát đang là những giám đốc của những công ty mà họ mới tự thành lập như: Vijay Pratap Singh Aditya của công ty Ekgaon chuyên viết những lập trình nhu liệu (sofware program) nhắm vào lớp nông dân hiện đang chiếm một nửa dân số Ấn. Người nông dân nghèo chỉ cần một máy điện thoại di động rẻ tiền là có thể mở lập trình đó ra và có thể biết lúc nào là tốt nhất để trồng loại hoa màu nào, cách pha trộn phân bón và thuốc trừ sâu rầy thế nào cho thích hợp, khi nào thì rắc phân và mỗi ngày phải tưới bao nhiêu nước. Đại khái là những điều căn bản nhất của nghề nông nhưng nếu làm đúng sẽ giúp người nông dân gia tăng mức sản xuất. Hiện công ty đã có 12,000 khách hàng, trả lệ phí mỗi năm là 5 Mỹ kim và mục tiêu là trong 5 năm công ty sẽ đạt được con số 15 triệu khách hàng.

Hay, K. Chandrasekhar, Giám đốc công ty Forus Health, vừa chế ra một thiết bị nhẹ, tiện lợi, dễ sử dụng, có độ chính xác cao để khám mắt cho những người dân ở vùng xa xôi, hẻo lánh thiếu điều kiện y tế. Thiết bị này có thể khám để tìm ra những triệu chứng bệnh như về võng mạc, mắt kéo màng, tăng nhãn áp, giác mạc v.v... là những bệnh gây ra tới 90 phần trăm trường hợp bị mù tại Ấn Độ mà nếu biết sớm kịp thời và chữa trị thì có thể tránh được. Thiết bị này sau khi khám xong sẽ in ra một bản kết quả khám nghiệm và sẽ cho biết là mắt bình thường hay cần phải đi gặp bác sĩ. Hiện nay, tại Ấn Độ có tổng cộng 12 triệu người mù, chiếm 1/4 số người mù trên thế giới, mà 80 phần trăm những người mù ở Ấn Độ là do không có điều kiện khám mắt.

Hoặc, Nandan Milekani, cựu Giám đốc công ty Infosys Technologies, bỏ nghề để hợp tác với chính phủ trong một nỗ lực mang đến cho mỗi người dân Ấn số căn cước (ID number) - đây là bước đầu rất quan trọng trong một quốc gia mà phần lớn người dân không có bằng lái xe, sổ thông hành hay ngay cả tờ giấy khai sinh.

Trong hai năm vừa qua, đã có khoảng 100 triệu dân Ấn ghi danh để nhận số căn cước. Một khi mọi người có số căn cước rồi, lúc ấy chính phủ sẽ dễ dàng mang đến cho người dân những dịch vụ trợ giúp người nghèo qua những chương trình mà ngân khoản mỗi năm lên đến 60 tỷ Mỹ kim. Mà những dịch vụ trợ giúp này sẽ đi thẳng vào trương mục ngân hàng của người dân chứ không đi qua trung gian để bị cắt xén do nạn tham nhũng.

Nhìn những gì đang xảy ra tại Ấn Độ với một chính phủ, song song với nỗ lực bài trừ tham nhũng, đang ra sức đầu tư vào tương lai bằng cách khuyến khích, kêu gọi những người trẻ có tài và nhiệt huyết giúp xây dựng đất nước, đồng thời cũng đã tích cực đưa ra những chương trình xã hội để giúp đỡ người nghèo. Với một đất nước mà người người hết lòng như thế thì ta có thể nói rằng đất nước đó chỉ có tiến lên chứ không thụt lùi.

Nhìn người mà nghĩ đến ta, đây cũng là bài học cho Việt Nam. Muốn trở thành rồng, cọp Á châu thì cần phải có những hành động và kế hoạch cụ thể chứ không chỉ lời nói suông hay dựa vào những con số trong báo cáo thành tích.

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét