13 tháng 3, 2012

Bạn



Mình càng học nhiều bao nhiêu, kiến thức càng nới rộng bao quát đến chừng nào thì lại thấy càng ngu chừng nấy vì trí khôn của con người chỉ là hạt cát so với tầm vóc mênh mông của vũ trụ. Thỉnh thoảng khi vào những trang web ở Việt Nam đọc, tôi cũng có cảm tưởng như vậy: càng đọc đến đâu, tôi càng cảm thấy nhức đầu cần uống thuốc an thần vì không hiểu. Đôi lúc phải ráng nặn óc cố hiểu. Đây là hai câu trong hai bản tin tôi copy lại từ hai trang web ở Việt Nam hôm nay:

“Để giải quyết tình trạng thiếu bãi đỗ, Phó chủ tịch Huỳnh Văn A đã chỉ đạo ngành giao thông phối hợp với các quận rà soát, sắp xếp các bãi đỗ xe đảm bảo không ùn tắc giao thông”.

Là người Bắc, thế mà khi nghe chữ “bãi đỗ” là bãi đậu xe, tôi cũng thấy lạ. “Ùn tắc” tuy rằng chưa bao giờ nghe nhưng với trí óc siêu việt, siêu thông minh của tôi, tôi đoán ngay nó là chữ “ứ đọng”. Còn “rà soát” thì thú thật tôi không hiểu. Không hiểu nhưng tôi thích chữ này vì nghe như là “rà sóat” -sờ soạng- …bồ, nhưng tôi nghĩ chắc chắn 100% không phải là nghĩa đó trong câu này.

“Tiếp nhận sự việc, Ban giám đốc Công an đã chỉ đạo Phòng CSGT khám nghiệm hiện trường, yêu cầu người liên quan giải trình. Quá trình điều tra xác định, phòng Công an thông báo việc cô Trần Thúy Nga tố cáo ông Nguyễn Thịnh đánh chết em mình là không có cơ sở”.

Tôi thú nhận là chỉ đọc có câu thứ nhất thôi mà tôi đã tốn quá nhiều thì giờ suy nghĩ cái nghĩa của nó, nghĩ lâu đến nỗi lăn đùng ra chết, xe cứu thương đến hiện trường để khám nghiệm tử thi. Còn câu thứ hai thì tôi nghe quá lạ tai. Trước 1975 mình nói “không có bằng chứng” , người Mỹ cũng nói thế, “without evidence”, bây giờ thì mình nói không có “cơ sở”.

Tiếng Việt thay đổi loạn xạ chưa đủ, bây giờ dân Việt Nam lại nhập cảng tiếng Mỹ, cơn “sốc” (shock), gái teen, tuổi teen , siêu sao (super model). Bắt chước cái hay thì không nói gì, đằng này chữ “shock”, tiếng Việt mình có chữ tương tự “kinh ngạc”, teen -tuổi dậy thì, mình cũng có, tại sao lại không dùng? Model thì super cái nỗi gì? Ở Mỹ tôi cứ nghe người ta nói super model mà không biết mấy cô này super chỗ nào? Vì quá đẹp? Chắn hẳn là không vì phụ nữ Âu Mỹ thiếu gì người xinh đẹp. Mấy bà vợ láng giềng của tôi ai cũng đẹp không thua gì model, có ai gọi họ là super model, super wife đâu? Hay là vì có khả năng kiếm nhiều tiền? Điều này cũng không đúng vì giới làm tiền nhiều vô lý nhất ở Hoa Kỳ là lực sĩ chơi football, baseball, bóng rổ…

Người Mỹ thỉnh thoảng họ nói trời ơi đất hỡi, khuếch đại tô mầu Eastmancolor, mình chẳng biết hay hay dở, cứ nhắm mắt bắt chước mà cứ nghĩ là hay. Rồi từ supermodel, “siêu sao”, bây giờ cái gì cũng siêu hết: siêu xe, siêu vi tính… Tôi mới đọc tin tức về một “đám cưới siêu khủng”. Đọc xong mà mình chỉ muốn siêu …điên!

Ở Việt Nam bây giờ có một chữ dùng khắp nơi, tôi nghe chói tai ghê gớm: “bạn”. Tôi hy vọng nó không phải là chữ dùng của người miền Bắc lan tràn vào miền Nam vì người Bắc khách sáo (kể cả tôi) nói cái gì thì không thể nào tin ngay được. Họ kêu mình là “bạn” nhưng trong bụng xem mình là kẻ thù không biết chừng. Tôi muốn nghĩ đẹp về người miền Bắc của tôi nên tôi đoán chữ “bạn” dùng rất thông dụng ở Việt Nam bây giờ là dịch từ chữ “you” của tiếng Anh. Ai ở ngoại quốc về SàiGòn gặp lại bạn học ngày xưa mình không quen biết nhiều, họ gọi mình là “bạn”: “Bạn khỏe không?” “Ở bên Mỹ chừng nào bạn về hưu?” “Gia đình bạn ở tiểu bang nào bên Mỹ?”

Trước 1975 , tôi không nhớ mình dùng chữ “bạn” để gọi bất cứ một người nào. Trái lại, nếu biết nhau thân thì mình gọi nhau “tao, mày”: “Ngày mai nếu đứa nào không bận thì mày rủ hết đi ăn phở cho vui”. Thân, lịch sự một tí, hay bạn bè trai gái nói chuyện thì gọi nhau bằng tên “Phượng bây giờ ra sao?” “Tài Ngọc bây giờ có mười con”. Nếu không quen biết nhau thì gọi bằng “anh” hay “chị”: “Hân hạnh gặp anh/chị. Nghe nói lúc này tham nhũng nên anh/chị giầu lắm?”. Chẳng bao giờ mình dùng “bạn” để gọi nhau.

Chướng tai nhất là những người lớn tuổi gọi những cô cậu nhỏ tuổi là bạn. Vào YouTube xem Vietnam’s Got Talent sẽ thấy: giám khảo già cú đế, đáng tuổi cha thí sinh chỉ mới 15 tuổi, thế mà giám khảo phát biểu: “Giọng hát của bạn chưa vững lắm, hẹn năm sau nhé”. “Bạn thật có nhiều triển vọng. Chúc bạn thành công”. Thí sinh 15, 16 tuổi, mình 40, 50 tuổi thì làm sao mà là bạn được? Một là mình gọi nó là em, hai là gọi nó là cháu để đâu ra đấy, phản ảnh một xã hội có phép tắc. Còn muốn khách sáo lịch sự thì không cần biết nó mấy tuổi, gọi nó là “anh” hay “chị”, như người Bắc thường xưng hô. Lúc tôi còn bé, khi gặp bạn tôi, đứa nào bố tôi cũng gọi là anh: “Anh vào nhà ngồi chơi đợi em”. Thằng nhỏ người Nam mười tuổi thấy ông già 60 tuổi gọi mình là anh, lòng nhủ thầm là ông già này điên nên nó có thể sợ xón đái ra quần, thế nhưng đó là cái điểm lịch sự của văn hóa Bắc trước 1975: luôn luôn xem trọng người mình tiếp xúc.

Ngày xưa mới đến Mỹ, khi nghe và phải dùng chỉ có mỗi một chữ “you” để gọi nhau, tôi rất khó chịu. Ở trong sở gọi ông chủ là “you” làm tôi có cảm tưởng mình hỗn hào nên tôi phải thêm vào chữ “Sir” để tỏ lòng kính trọng ông ta là chủ của mình. Bây giờ tuy đã quen tai, tôi vẫn không thích chữ “you”. Đối với tôi, con gọi mình là “you” vẫn không có sự kính cẩn của con cái gọi bố mẹ. Chính tôi bây giờ, tuổi đã xế chiều, khi nói chuyện với người nào dùng từ ngữ “I” và “you”, đôi lúc lòng tôi cảm thấy không kính trọng người đó vì tiềm thức của tôi đôi lúc nghĩ rằng cái “I” của tôi sau bao nhiêu năm đã đạt đến một vị trí nào đó trong xã hội, và do đó xem thường cái “you” của họ chưa qua được đoạn đường đời dài như tôi. Nói chuyện dùng chữ “I” và “you” nhất định tạo cho mình một trạng thái kênh kiệu xem thường người khác.

Trái lại, tiếng Việt chúng ta rất hay ở lối dùng danh xưng. Chữ dùng phân biệt rõ rệt để lúc nào nó cũng nhắc nhở chúng ta kính trọng người mình tiếp xúc, cho dù mình có lớn tuổi đến đâu, có giầu có đến đâu, có thành công đến đâu đi nữa. Khi mình xưng là em, là con, là cháu, và gọi người khác là anh, chị, cô, chú, bác, ông, bà..., nó nhắc nhở chúng ta lúc nào cũng nên khiêm nhường. Chữ mình hay như thế thì tại sao không dùng, mà lại dùng chữ “bạn”? Gặp người lạ mình không quen biết, hay biết mà không thân, gọi họ là “anh” hay “chị” thì có phải là lịch sự và bày tỏ sự khiêm nhường của mình, hơn là gọi người ta là “bạn”? Cái nào hay của văn hóa ngoại quốc mình nên hấp thụ, nhưng gọi nhau là “you”, gọi nhau là “bạn”, thì nhất định không phải là điều tốt đẹp cho văn hóa Việt Nam.
...

NTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét