31 tháng 7, 2012

Chuyến thăm Thầy Phan Văn Mão

Đoàn trực chỉ hướng về Bà Rịa. Vào mùa hè trời thường nắng gắt. Thế mà hôm nay trên đường mát dịu, nên vẻ mặt các thành viên đều không chút mệt mõi, chỉ háu hứt mong đến nhà thầy sớm. Chuyện phiếm lại được tiếp tục như lúc khởi hành …như muốn quên đi thời gian khi phải vượt qua thêm một đoạn đường dài nữa!

Đến 11 giờ 30 xe chở đoàn qua cổng chào để vào thị trấn Bà Rịa. Bây giờ là lúc anh Bình phải chịu trách nhiệm hướng dẫn đến nhà thầy. Dù cố liếc qua, liếc lại, hối thúc tôi dừng lại hỏi thăm nhưng cũng chẳng định hướng được nơi muốn đến. Trên tay địa chỉ nhà thầy Mão, số 493 Võ Thị Sáu có ghi sẳn cũng thừa. Vì theo anh Bình, đã đến nhà thầy vài năm trước mà hiện nay thì đường xá xẻ ngang, dọc như ô cờ. Nhà mới mọc lên san sát nên không dễ để xác định. Thế rồi sau vài chục phút cố gắng hỏi thăm người dân địa phương từng chặng, từng chặng đoàn đến đúng nhà thầy.

Từ ngày có quyết định nâng thị trấn Bà Rịa thành trung tâm hành chính của liên tỉnh Vũng Tàu – Bà Rịa, nhiều tuyến đường mới mở, tuyến cũ được chỉnh trang trông rất khang trang. Nhà thầy Mão cũng nằm trên con đường như thế, chỉ khác khu trung tâm bởi mật độ xây dựng nhà mới nơi đây không nhiều! Tư gia của thầy là một ngôi biệt thự kiểu Mỹ thập niên 1960-1970. Lấp ló sau tán lá xanh trước sân nhà, mái nhà hình "bánh ú" lợp ngói đỏ nhô lên, tường tô đá rửa trắng, điểm đen tựa như kiểu dinh Độc Lập. Khoảng sân chung quanh cũng um tùm không kém nhà thầy Nhâm, lại có phần còn hoang sơ hơn. Nhìn qua có thể đoán chủ nhân đã không còn hứng thú với việc vườn cảnh nữa. Nên cổng chính bằng sắt sơn đen, khóa chặt, dây leo đã bắt đầu chồm lên quấn quanh song cửa.

Theo hướng dẫn của người nhà, các thầy và chúng tôi phải vòng qua con hẻm nhỏ cạnh bên để vào, bằng cổng phụ phía sau. Bước vào đã thấy thầy Mão đứng chờ . Hai cánh tay gầy guộc của thầy phải chống cả vào thành giếng để đở tấm thân khom khom cũng không lấy gì là khỏe mạnh lắm! Mặc dù ẩn dưới lớp áo màu trắng sọc thẳng nếp. Tuyệt nhiên, thầy không cho người nhà đở. Phần nào thể hiện rỏ tính cách “ tự lực” của người Thầy đã 99 tuổi mà mấy ai có được, khi lúc về chiều.


H1(từ trái qua phải):anh Tỷ, Nam, thầy Hùng, Bình, thầy Mão, Lan, thầy Nhâm , Hiếu

Đầu tiên thầy mời tất cả đoàn vào phòng khách phía trong. Môt hành lang độ 3x4 mét, nối nhà phụ phía sau và nhà chính phía trước. Hai bên trống, nhìn đối diện sân, nên thoáng mát. Chắc có lẽ cả ngày thầy ở nơi đây. Trên khoảng vách lưng lửng bằng vải trắng che nắng treo kín các tấm bằng mà thầy được vinh danh trong ngành kỹ thuật.

Sau khi theo lệnh thầy tất cả an vị, lúc này thầy mới bằng lòng cho anh Đỗ Thọ Bình phát biểu mục đích của buổi viếng thăm, trước đó thầy ngắt lời anh mấy lần khi cả đoàn còn đang lao xao, chưa đủ ghế để ngồi…


H2(từ trái qua phải):thầy Hùng, Bình, thầy Mão

Thầy Đỗ Mạnh Hùng nhắc lại chút kỷ niệm khi làm việc cùng thầy với trách nhiệm phụ tá. Cứ thế nhiều chuyện xưa của thầy lúc làm thanh tra cũng được thầy vui vẻ kể. Mà chuyện nhập lộn điểm cho một thí sinh làm thầy rất hứng thú nhắc đi, nhắc lại. Câu chuyện như sau. Trong một lần làm chánh chủ khảo, sau khi chấm điểm xong.
Thầy xướng :
- Hai mốt
Nhân viên phụ trách nhập điểm lại ghi
-Hai mươi bốn
Vô tình thí sinh đó đậu. Đến khi thanh tra đối chiếu với bài thi, thì thầy bị hiểu là có ý xấu, chút nữa đã vào tù (nguyên văn lời thầy). Từ ngày đó, thầy chỉ nói “tư’ chứ không bao giờ nói “bốn”…


H3(từ trái qua phải):Thầy Mão cho xem tấn bia, Lan, thầy Nhâm

Nhưng điều làm cả đoàn bất ngờ nhất là, khi thầy cho xem tấm bia mộ bằng thạch anh trắng đã khắc đầy đủ họ tên và cả hình ảnh thầy, với một vẻ bình tỉnh lạ!!!. Qua lời thầy nói về “còn hay mất”, đến cô Lan phải thốt lên : “ Thầy ơi!.. sao thầy nói chi.. Nghe buồn quá vậy!”. Tôi chợt hiểu trong thâm tâm thầy chấp nhận sự ra đi như là định luật, bất biến. Phải chăng thầy đã lỉnh hội được ý nghĩa sâu xa giáo lý của nhà Phật. Tuy nhiên, tôi vẫn mong thầy sẻ vượt qua cột mốc 100 thật dễ dàng, vì tâm thầy rất thanh thản không e ngại việc sinh hay tử. Chỉ có sinh hoạt hàng ngày là không tránh khỏi vất vả như mọi cụ cao tuổi khác. Hiện nay hai tai và hai mắt của thầy gần như không còn nghe hay nhìn rỏ nữa. Nên khi trò chuyện cần phải “hét” sát vào tai thì thầy mới nghe được chút ít, còn hình ảnh thì lờ mờ không nhận ra ai. Duy chỉ tiếng nói thì còn sang sảng như các lần phát biểu cảm tưởng, khi thầy vào Sàigòn dư lể tri ân đầu năm cùng chúng tôi.


H4(từ trái qua phải):anh Bình phải “hét” vào tai thầy Mão mới nghe


H5(từ trái qua phải):anh Tỷ, Nam, thầy Hùng


H6(từ trái qua phải):Lan và thầy Nhâm


H7(từ trái qua phải):anh Bình kính biếu thầy món quà nhỏ


H8(từ trái qua phải):cô Lan trao thầy món quà của chs tại San Jose

Nhân buổi trưa thầy cố nài đoàn ở lại ăn cơm chung nhưng vì đã hẹn trước với bạn Hiệp (chs 71-76) ở Phước Thuận- Xuyên Mộc. Vã lại cần để thầy nghỉ sớm, nên tất cả cùng chúc sức khỏe và trước đó không quên gởi đến thầy chút quà kỷ niệm của anh em trong nước, do anh Bình đại diện, cũng như của các bạn chs Cao Thắng San-Jose (Hoa Kỳ) nhờ cô Lan trao giúp.


H9(từ trái qua phải):
Hàng ngồi: thầy Hùng, thầy Mão, thầy Nhâm
Hàng đứng: chú Sơn (hội người cao tuổi), Bình, anh Tỷ, Nam, Hiếu, Thoại Vân, Lan
chụp ảnh lưu niệm với các Thầy trước khi ra về


Lên xe ra đi, các thành viên đều bùi ngùi, thương cho người thầy mà không biết mai đây ra sao ? Dẫu rằng ai cũng hiểu "đời chỉ là cỏi tạm".

Ghé lại nhà thầy chưa đầy một tiếng, đoàn lại lên đường xuôi về Xuyên Mộc cách Bà Rịa hơn 30 km. Địa danh mà trước tháng 4-1975 được liệt vào vùng mất an ninh, ít ai biết đến.

Xem bài tường thuật:
1./Thăm Thầy Nguyễn Văn Nhâm
3./Thăm nhà bạn Hiệp
***
Video clip: "Thăm Thầy Phan Văn Mão"



Nguyễn văn Hiếu

4 nhận xét:

  1. Hi ... anh Hiếu Nguyễn ơi ...
    Hay lắm bài viết của anh thật là hoàn chỉnh nha ... từng chi tiết thời gian không gian địa danh rỏ ràng ... hi ... hi ... Nói chung có logic hỉ ... Đúng là các bậc đàn anh nha ... xin thọ giáo nhé ... hi ... hi ...

    Trả lờiXóa
  2. Anh Hiếu thân mến,

    Duy rất thích bài viết của anh về Thầy Phan Văn Mão. Khi Duy vào Cao Thắng năm 1972 thì Thầy Mão đã nghỉ hưu rồi. Càng đọc văn của anh, thấy anh có khiếu viết văn. Vậy xin anh nên viết thường xuyên về những loạt bài như “thăm thầy xưa, thăm bạn cũ.” Những đề tài này sẽ được các thầy cô & học sinh CT trước năm 1975 thích đọc lắm. Nhân đây Duy cũng xin phép anh được viết bài giới thiệu 2 loạt bài phóng sự của anh trên trang blog của Duy và gởi đến cho bạn bè CT ở Hải Ngoại được đọc. Chắc anh cũng bằng lòng thôi phải không:

    Khen anh văn viết rất hay
    Tường trình chi tiết thăm thầy trường xưa
    Chuyến đi buổi sáng dù mưa
    Nhưng đoàn quyết chí đến trưa thăm thầy

    Dù tôi chưa học quý thầy
    Nghe anh mô tả thấy đầy niềm vui
    Thầy trò gặp gỡ bùi ngùi
    Ôn bao kỷ niệm chôn vùi ngày xưa

    Thầy trò gặp gỡ tâm tình
    Cám ơn anh đã tường trình chuyến đi
    Xin anh tiếp tục viết ghi
    Để cho bè bạn “được đi” thăm thầy…
    Ngô Đình Duy (31 July 2012)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Duy thân!
      Cảm ơn Duy về các lời khen tặng, giới thiệu và cả bài thơ viết về tôi.
      Thật tình mà nói bài viết cũng chỉ là kết quả của nhiều anh chị em chs góp công, góp sức thực hiện cho được chuyến đi này nói riêng hay các buổi họp đầu năm nói chung. Từ đó tôi mới có đề tài để trang trãi trên trang giấy như Duy đã thấy trong loạt bài vừa qua.
      Do đó những điều dành tặng, theo tôi là của tập thể anh em Cao Thắng có tâm với thầy cũ, bạn xưa thì xứng đáng hơn. Duy chắc có đọc bài của cô Kim Hoa trong trang ktctuc. Mặc dù bận việc gia đình nhưng cũng dành khá nhiều thởi gian để tường thuật lại về chuyến đi, theo lời kể của hai cô bạn. Có thể bài của Hoa chưa chi tiết vì nhiều lý do nhưng lòng yêu kính thầy cô thì không thể phủ nhận và rất đáng trân trọng.
      Tôi tin với sự chung tay góp sức dù ít hay nhiều của tất cả anh chị em chs, đại gia đình Cao Thắng sẻ ngày càng phát huy được đạo lý tốt đẹp và truyền thống của dân tộc mà xem ra nó đang nhạt dần
      Duy thân!
      Không dám hứa trước với bạn, nhưng nếu có thời gian sẻ viết tiếp về các buổi sinh hoạt sau này.
      Vài hàng hồi âm đến Duy. Mong có dịp trao đồi thêm. Cuối thư chúc Duy và các anh chị em chs CT San Jose sức khỏe và hạnh phúc.
      Thân.
      NVH

      Xóa
  3. Hi ... hi ... Cám ơn anh Hiếu nha ... thổi luồng gió mát cho cô nàng bay bổng nhẹ nhàng lả lướt ... hi ... hi ... Sao thơ văn anh hay quá vậy ... Cứ thế này mà tiến nha anh ... Lời văn chơn thật nghĩa tình đồng môn ... Chúc anh nhiều sức khỏe để viết văn hay nha ... hay như comment trên này vậy đó ... hi ... hi ...
    Một ngày vui vẻ trẻ trung anh nhỉ .....

    Trả lờiXóa