Tin từ Trung Quốc cho biết phiên xử bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai, về tội giết doanh nhân người Anh, ông Neil Heywood, tại thành phố Hợp Phì vào Thứ Năm, ngày 9/8, đã kết thúc. Phiên tòa chỉ kéo dài bảy tiếng đồng hồ, nhanh hơn sự dự đoán của mọi người. Có lẽ lý do chính là vì bà Cốc Khai Lai đã nhận tội ngay và tuyên bố “sẵn sàng chịu hình phạt”.
Bà Cốc Khai Lai kể, ngày 14 tháng 8, 2011, bà mời Neil Heywood, một người bạn và cũng là một đối tác làm ăn lâu năm với gia đình bà từ Bắc Kinh đến Trùng Khánh để nói chuyện. Họ gặp nhau ở khách sạn Lucky Holiday. Vừa nói chuyện bà vừa mời Heywood uống rượu. Một lúc sau, Heywood say, ói thốc tháo và than khát nước. Cốc Khai Lai gọi Trương Hiểu Quân, trợ lý của bà, lúc ấy đang đứng ngoài cửa, vào. Quân mang theo bình thuốc độc cyanide. Hai người đổ cyanide vào miệng Heywood. Loại thuốc độc ấy đã được Trương Hiểu Quân chuẩn bị từ trước. Sau khi Hewood chết, cả Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân đều bỏ đi. Một số cảnh sát, dưới sự chỉ đạo của Cốc Khai Lai, xét nghiệm tử thi và đi đến kết luận là Heywood chết vì bệnh nhồi máu cơ tim sau khi đã uống quá nhiều rượu. Hoàn toàn không có độc tố nào trong người. Sau đó, xác của ông được mang đi hỏa táng một cách vội vã.
Cốc Khai Lai giải thích lý do giết người của mình: Sau một thời gian dài làm ăn chung với nhau, quan hệ giữa bà và Heywood càng lúc càng căng thẳng, cuối cùng, biến thành thù nghịch. Heywood gửi email cho Bạc Qua Qua, con trai của bà, đòi Qua phải trả cho ông ấy 13 triệu bảng Anh (20.4 triệu Mỹ kim) tiền thưởng sau một vụ đầu tư địa ốc lên đến 130 triệu bảng Anh. Trong email, Heywood còn đe dọa: Bạc Qua Qua sẽ trả một giá rất đắt nếu không chịu trả số tiền ấy. Theo Cốc Khai Lai, vì lo sợ Bạc Qua Qua bị Heywood hãm hại nên bà ra tay trước.
Các cơ quan truyền thông Trung Quốc không tiết lộ thêm chi tiết về các vụ làm ăn chung giữa Cốc Khai Lai và Heywood cũng như không hề đi sâu vào các vụ án kinh tế mà lâu nay đã có nhiều người tố cáo liên quan đến Cốc Khai Lai. Điều đó, thật ra, rất dễ hiểu: Tất cả những chuyện làm ăn và sự giàu có của Cốc Khai Lai đều gắn liền với chồng của bà, Bạc Hy Lai, nguyên là Bí thư thành ủy Trùng Khánh và là một trong các ủy biên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, nghĩa là gắn liền với bộ máy quyền lực của đảng. Bạc Hy Lai đã bị cách chức và có thể một lúc nào đó sẽ bị mang ra tòa. Nhưng những tư lợi mà ông và gia đình ông có được, nếu bị vạch trần, sẽ làm hoen ố hình ảnh của cả giới lãnh đạo Trung Quốc nói chung. Bởi tất cả đều giống nhau ở hai điểm: lợi dụng quyền lực và tham nhũng.
Trong bài “Lý do thực sự khiến Cốc Khai Lai giết doanh nhân người Anh Neil Heywood” đăng trên tờ The Epoch Times, Wang Yiru nêu lên ý kiến, theo một số nguồn tin: Đó là vì Heywood đã biết quá nhiều và có vẻ như sẽ nói ra những điều mà ông ấy biết. Chính điều đó khiến Cốc Khai Lai sợ. Chứ không phải vì những email hăm dọa của Heywood, điều không ai có thể kiểm chứng được, sau khi Heywood đã chết.
Heywood biết những điều gì?
Dĩ nhiên không ai có thể khẳng định được hết. Duy có một điều Wang Yiru khẳng định: ngoài những chuyện làm ăn buôn bán thông thường, Heywood còn tham gia với gia đình Cốc Khai Lai một “thương vụ” đặc biệt: buôn bán nội tạng và tử thi.
Heywood quen thân và làm việc cho Bạc Hy Lai khi Lai làm thị trưởng thành phố Đại Liên, sau đó, tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh, và sau đó nữa, ông theo Lai về Trùng Khánh, nơi Lai được bổ làm Bí thư thành ủy. Ở cả ba nơi, Bạc Hy Lai đều thẳng tay đàn áp những người theo giáo phái Pháp Luân Công. Cách đàn áp những người theo Pháp Luân Công của Trung Quốc trở thành một tai tiếng khắp thế giới: công an không những bỏ tù họ mà còn tra tấn và giết chết họ; không những vậy, còn lấy nội tạng của họ đem đi bán cho các bệnh nhân cần thay một bộ phận nào đó trong người. Giá bán các bộ phận ấy rất cao. Ví dụ, một trái tim được quảng cáo với giá 180,000 Mỹ kim, một mẩu giác mạc trong mắt nhỏ xíu với giá 3000 Mỹ kim.
Theo David Kilgour và David Matas, trong cuốn Bloody Harvest, trong năm năm, từ 2000 đến 2005, ở Trung Quốc có cả thảy 41,500 vụ thay thế các bộ phận trong cơ thể; phần lớn các bộ phận ấy đều lấy từ cơ thể các tội nhân Pháp Luân Công. Điều cần nhấn mạnh là, theo các cuộc điều tra độc lập của tổ chức nhân quyền trên thế giới, tỉnh Liêu Ninh, nơi Bạc Hy Lai làm tỉnh trưởng, bị xếp vào hàng thứ tư trong tổng số 33 tỉnh và thành phố có số lượng giết tín đồ Pháp Luận Công cao nhất. Theo báo The Epoch Times, chính Heywood cũng đã từng tham gia vào các vụ buôn bán các bộ phận người sống ấy của gia đình Bạc Hy Lai.
Không những chỉ bán các cơ quan nội tạng, Heywood còn tham gia vào các dịch vụ buôn bán thân thể người chết. Thành phố Đại Liên, nơi Bạc Hy Lai làm thị trưởng, vào năm 2000, đã mở hai xí nghiệp bảo quản tử thi để triển lãm. Theo tường thuật của báo chí, năm 2003, Trung Quốc là quốc gia xuất cảng tử thi nhiều nhất thế giới, và một trong hai xí nghiệp bảo quản thi hài tại Đại Liên là xí nghiệp lớn nhất trên thế giới trong lãnh vực đó. Xin lưu ý là số tiền các xí nghiệp ấy cho các các viện bảo tàng trên khắp thế giới thuê thi hài để triển lãm rất cao, lên đến hàng tỉ đô la mỗi năm.
Theo báo The Epoch Times, Cốc Khai Lai là đầu não đứng đằng sau tất cả các thương vụ liên quan đến thi hài và các bộ phận trong cơ thể con người ấy. Heywood chính là một trong những tay chân thân tín nhất của bà. Heywood biết tất cả các dịch vụ làm ăn ghê tởm ấy. Chỉ cần Heywood tiết lộ một chi tiết nhỏ trong dịch vụ ấy, sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai sẽ hoàn toàn sụp đổ. Cho nên Cốc Khai Lai phải ra tay.
Giết Neil Heywood để bịt miệng một nhân chứng. Và để che giấu một tội ác. (1)
Chú thích:
1. The Epoch Times, trụ sở chính tại New York, là một tờ báo đa ngữ, được xuất bản tại khoảng trên 30 quốc gia trên thế giới, bao gồm 10 ngôn ngữ trên giấy in và 17 ngôn ngữ trên hình thức báo mạng. Tờ báo nổi tiếng và cũng bị nhiều tai tiếng vì hai lập trường: chống Trung Quốc và bênh vực Pháp Luân Công. Rất khó xác định được bản tin Heywood tham gia vào các dịch vụ buôn bán tử thi và các cơ quan nội tạng trong cơ thể các nạn nhân Pháp Luân Công là sự thực hay chỉ là tuyên truyền.
Nguyễn Hưng Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét