26 tháng 9, 2014

Tướng cướp, người tù thế kỷ, quốc vương, nhà văn Sơn Vương


Sơn Vương - Trương Văn Thoại (1909-1987)
Sơn Vương tên thật là: Trương Văn Thoại sinh năm 1909, tại làng Bình Nghị, tỉnh Gò Công, nay thuộc xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, là con trai thứ năm của ông Trương Đình Cung Anh, một điền chủ có học, lại thêm nghề bốc thuốc chữa bệnh, và có lòng hào hiệp, thường hay giúp đỡ giới nghèo cùng đinh. Khi vừa học hết chương trình Cours Supérieur lớp 5 hiện nay, thì Trương Văn Thoại chuyển sang luyện võ và học chữ Hán.

Năm 1925, Trương Văn Thoại bỏ làng, theo một lão sư mai danh ẩn tích học võ và học đạo tại các ngọn núi Thị Vải, núi ông Trịnh, núi Mây Tào vùng Long Hải, Bà Rịa.


Năm 1931, khi sư phụ viên tịch, Trương Văn Thoại về Sàigòn. Theo nhà báo Ngọa Long cho biết Trương Văn Thoại đến văn phòng Đông Pháp thời báo tình nguyện ở lại làm việc, bất cứ việc gì dù có lương hay không, miễn là được tham gia với Đông Pháp Thời báo để "thức tỉnh đồng bào". Sau đó, Trương Văn Thoại gặp Nguyễn An Ninh, chủ bút tờ La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) kiêm thủ lĩnh đảng Thanh niên cao vọng, người mà ông cảm phục từ lâu. Trương Văn Thoại trở thành một cộng sự đắc lực của Nguyễn An Ninh và tờ La Cloche Fêlée. Thời kỳ này Trương Văn Thoại bắt đầu sử dụng bút danh Sơn Vương, chữ Sơn 山 và chữ Vương 王 được chiết tự từ chữ Thoại 瑞. Các bài báo của ông mang đầy màu sắc bình dân và nỗi cảm thông sâu sắc tầng lớp nghèo khó.

Trong những năm 1932-1933, Sơn Vương rất nổi danh nhờ những tiểu thuyết đăng tải trên báo.

Theo Sơn Vương tự bạch trong hồi ký Máu hoà nước mắt, khi viết văn, viết sách, ông luôn nhắm vào năm mục tiêu sau:
1. Cốt truyện lấy đề tài thường xảy ra trong tầng lớp bình dân.
2. Giải trí và giáo dục, răn đời, làm ác gặp ác, làm lành gặp lành.
3. Đả phá chính sách thực dân, gợi lòng yêu nước.
4. Tả chân bình dị, bênh vực kẻ cô thế, bài xích quan liêu, phong kiến.
5. Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.

Ngoài ra ông ông còn viết tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình, nhưng những tướng cướp nghĩa hiệp cướp của nhà giàu chia cho người nghèo không cưỡi ngựa đánh gươm mà là những công tử hào hoa lái xe hơi như bay, bắn súng lục bằng cả hai tay....

Điều đặc biệt là nguyên mẫu của những tướng cướp nghĩa hiệp ấy lại là chính tác giả. Trong những năm 1931-1933, một mình Sơn Vương gây ra hàng chục vụ cướp mà đối tượng là những phú hộ, địa chủ mang tiếng gian ác ở các vùng Đồng Nai, Sàigòn, Long An.

Giữa năm 1933, Sơn Vương gặp gỡ và kết nghĩa anh em với Nguyễn Phương Thảo, người sau này trở thành trung tướng Nguyễn Bình - Tư lệnh các lực lương quân sự Nam Bộ.

Đầu tháng 7 năm 1933, để giúp vốn cho người anh em kết nghĩa, Sơn Vương tổ chức cướp tiền của René Gaillard, Phó giám đốc Hãng cao su Mimot ở Campuchia - giáp với tỉnh Tây Ninh - đồng thời là Quản trị viên công ty Caffort đường Catinat, Sàigòn. Số tiền cướp được là 50.000 đồng Đông Dương, một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ. Vụ cướp bị lộ, Sơn Vương bị bắt vào ngày 16 tháng 8 năm 1933. Sau đó, Sơn Vương bị Toà tiểu hình kết án 5 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo, chấm dứt các vụ cướp trong cuộc đời ngang dọc.

Đến Côn đảo, Sơn Vương được những người tù thường phạm nể phục vì ông có học, giỏi tiếng Pháp... Cuối năm 1933, trong một cuộc thi viết chữ đẹp toàn đảo, Sơn Vương đoạt giải nhất nên được giám thị Nguyễn Văn Liễn, thường gọi là Vệ Liễn, rút về làm thư ký giúp việc tại Ty Ngân khố của tỉnh đảo Côn Lôn nay là Côn Sơn, và dạy học cho bé Nguyễn Thị Kim Hoa 9 tuổi, con gái Vệ Liễn. Tháng 7 năm 1936, Sơn Vương được trả về đất liền, tiếp tục thụ hình tại Hà Tiên. Trong tù Sơn Vương tổ chức đập phá khám và la ó để phản đối vụ một giám đốc người Pháp tra khảo anh bồi đến chết vì nghi ăn cắp 200 đồng. Do đó, Sơn Vương bị đày ra đảo Phú Quốc, đến tháng 2 năm 1938 thì được thả.

Ngày 16 tháng 08 năm 1938 Sơn Vương lại bị tống vào tù vì tội du đãng, bị đưa đi giam giữ tại Căng Pursat, Campuchia. Tại đây Sơn Vương cưa còng và trốn qua Thái Lan, rồi bị bắt khi tìm cách về Sàigòn. Lần này ông bị kết án 10 năm tù vì tội vượt ngục và các vụ cướp:

- Vụ ông Kiệt ở Phú Nhuận: là một chủ nợ cho vay nặng lãi và cộng sự của Pháp.
- Vụ Lý Tư: một người trong đám giang hồ ở Chợ Lớn có liên quan đến Sáu Ngọ là vua cờ bạc ở Sàigòn - Chợ Lớn.
- Vụ Cọp lửa từ bi hỗn danh của viên đội tại Phòng điều tra bót Polô ở Chợ Lớn.

Đầu năm 1942, Sơn Vương bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Ngày 6-2-1945, Nhật đổ bộ lên Côn Đảo.

Ngày 9-3-1945 quân Nhật bắt giữ Tyssery, Giám đốc Nhà tù Côn Đảo. Sau đó tiến hành "lễ trao trả độc lập", biến quần đảo Côn Lôn tiếng Pháp gọi là Poulo Condore, thành "Quốc gia tự do Nông dân huynh đệ quần đảo Côn Lôn (Etat libre agricole et fraternel d'Archipel de Poulo Condore)rồi trao quyền chúa đảo cho Lê Văn Trà, nguyên thư ký của Tyssery. Lê Văn Trà ra tờ báo Tiếng nói tự do và giao cho Sơn Vương làm chủ bút.

Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Lê Văn Trà nộp con dấu của nhà tù cho chính quyền cách mạng, thời đó gọi là Việt Minh.

Ngày 11-12-1945, dưới sự chứng kiến của phái đoàn Ủy ban hành chính Nam Bộ, một cuộc bầu cử dân chủ trên đảo được tiến hành. Sơn Vương Trương Văn Thoại trở thành Chủ tịch Ủy ban hành chính Côn Đảo.
Ở cương vị này Sơn Vương tỏ ra là một vị chủ tịch năng nổ và có khả năng lãnh đạo, kịp thời và chính xác khi xác định những việc cần làm cấp bách, giao đúng người đúng việc, góp phần ổn định cuộc sống và giữ gìn an ninh trật tự trên đảo. Ông tổ chức lại sản xuất, đề ra một số biện pháp khuyến khích lao động như chia một phần thành quả cho người làm ra sản phẩm, cải thiện tình hình vệ sinh. Sơn Vương cũng cho cải táng hài cốt của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh mất vào ngày 14-8-1943, cũng như các tù nhân khác, thi hài Nguyễn An Ninh chỉ được cho vào cái bao bàng. Giai đoạn này, uy tín của Sơn Vương khá cao.

Ngay sau khi khi phái đoàn Ủy ban Hành chánh Nam bộ trở về đất liền, Sơn Vương tuyên bố quần đảo Côn Lôn chính thức trở thành "Quốc gia Trung lập Dân chúng quần đảo An Ninh" (Etat neutre des Insulaires de L'Archipel d'An Ninh) và tự xưng là Quốc vương.

Sau đó, Sơn Vương lập mưu ép Nguyễn Thị Hoa, cô học trò nhỏ ngày nào làm vợ. Ngày 28-2-1946, đám cưới của Sơn Vương - Lệ Hoa được tổ chức linh đình, mọi người tha hồ ăn uống và nhảy múa.

Ngày 8-4-1946, Pháp tái chiếm Côn Đảo, Sơn Vương và toàn bộ tù thường phạm còn lại, gồm 400 người bị tống giam. Để trả thù việc bị Sơn Vương trừng phạt vì nhũng nhiễu dân lành, cảnh sát trưởng Nguyễn Thành Út vu cáo ông đang giữ tấm bản đồ kho báu của vua Gia Long giấu lại trên đảo, khi chạy trốn quân Tây Sơn năm 1783. Sơn Vương bị chúa đảo Gimbert và tên cò Pellier tra tấn hết sức dã man để khai ra nơi giấu tấm bản đồ.

Năm 1947, Sơn Vương bị đưa về Sài Gòn, ra tòa, với hai tội danh là cưỡng hôn Lệ Hoa và chủ mưu giết ông già Quýt, người tố cáo Sơn Vương dùng quyền ép hôn Lệ Hoa và lãng phí công quỹ... Sơn Vương bị kêu án tù chung thân khổ sai và bị đưa ra lại Côn Đảo để thi hành án.

Ngày 8-8-1953, Sơn Vương giết Nguyễn Thành Út, kẻ đã vu oan giá họa cho ông trong vụ "kho báu". Với tội này, Sơn Vương nhận thêm một án chung thân khổ sai. Theo quy định hồi bấy giờ án chung thân được tính là 32 năm. Tổng cộng, Sơn Vương đã 4 lần nhận án gồm 1 án 5 năm, 1 án 10 năm và 2 án chung thân. Tổng cộng, ông phải nhận mức án là 79 năm tù.

Đây là những chuỗi ngày dài lê thê gần như vô tận, khiến Sơn Vương:

Trông về cố quận phương trời thẳm
Cười lệ khôn ngăn; khóc nghẹn lời"
(Sơn Vương, Máu hòa nước mắt)

Đến năm 1968, Ủy ban cải thiện chế độ lao tù lên án chế độ lao tù, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mới hủy bản án 79 năm của ông chỉ còn lại 35 năm tù giam.

Ngày 18-11-1968, Sơn Vương được phóng thích, sau 34 năm ngồi tù. Trở lại đời thường, Sơn Vương cho đăng thiên phóng sự "Sơn Vương - Người tù thế kỷ" trên một số báo, gây xôn xao dư luận một thời gian.

Sau đó, Sơn Vương lặng lẽ lui về sống ẩn dật ở một ngôi nhà nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo ở Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, mưu sinh bằng nghề bốc thuốc Nam gia truyền.

Năm 1980, ông về lại cố hương ở Gò Công, để sống những ngày cuối đời của một nhà văn, tướng cướp, người tù thế kỷ, Quốc Vương quần đảo An Ninh.

Năm 1987, ông mất tại quê nhà, thọ 78 tuổi.

Tác phẩm:

- Bạc trắng lòng đen (1930)
- Lỗi hẹn quên thề (1930)
- Ngọc lầm với đá (1930)
- May nhờ rủi chịu (1930)
- Làm ơn mắc oán (1930)
- Kẻ thù dân tộc (1930)
- Thà được làm chó hơn được làm người (1930)
- Làm nhơn được vợ (1930)
- Phản bạn vì tình (1930)
- Chén cơm lạt của người thất nghiệp (1930)
- Sâu bọ nổi lên làm người (1930)
- Ai bạc tình (1931)
- Ép dầu ép mỡ (1931)
- Lỗi về tôi (1931)
- Lạy Phật cầu duyên (1931)
- Lỗ một lầm hai (1931)
- Nợ duyên gì (1931)
- Ai kén chồng (1931)
- Ăn năn đã muộn (1931)
- Anh bạc tình (1931)
- Sơn Vương - Người tù thế kỷ (phóng sự, nhật báo Tin Sáng, 1969)
- Máu hòa nước mắt I (hồi ký)
- Máu hòa nước mắt II (hồi ký)

Trích văn:

Máu hòa nước mắt
(….) Một điều tôi có thể hãnh diện và tự an ủi lấy tôi là hai lần bị bắt về tội cướp, người ta tra tấn tôi đủ thứ cực hình để sát hạch tôi: Ăn cướp lấy tiền để làm gì và trao cho những ai? Thì trước sau tôi vẫn một mực khai rằng: Chơi đĩ và thua cờ bạc mà hết; chớ không hề khai một lời nào có thể can danh phạm nghĩa đến các bậc đàn anh, vì hành động mạo hiểm đó đều do tôi tự động, chớ không ai xúi bảo; nghĩa là các nhà cách mạng đàn anh không hề hay biết những món tiền tôi đưa ra là tiền ăn cướp.

Nhà chức trách Pháp hồi ấy không tin, họ khảo tôi là tôi cứ ráng chịu đòn. Vì tôi tự xét: các anh ấy mà được tự do hay còn sống là xã hội được nhờ. Trái lại tôi bất quá là một kẻ vô danh tiểu tốt, có chết đi cũng không liên quan gì đến việc đời hay việc nước.Vậy tôi đi ăn cướp lấy tiền là để chơi đĩ và thua cờ bạc; mặc dù tôi không bao giờ bước đến ngưỡng cửa lầu xanh, cũng như không cầm được bộ bài Cào hay bộ bài Tứ sắc mà chia cho các tay con để chung tiền hay hốt bạc…”

Trích thơ:

Tám mươi năm
Tám mươi năm nằm gai nếm mật 
Nhục nào hơn nước mất nhà tan? 
Đoái nhìn trăm họ lầm than, 
Máu sôi vì lũ tham tàn thực dân! 
Đạo đức giả, ai cần bảo hộ? 
Tự nghĩ mình chẳng hổ mình sao? 
Cũng thì nhân loại cùng nhau 
Đoạt quyền cướp nước dạ nào cho ưng? 
Một thế kỉ đè lưng cỡi cổ, 
Vét tài nguyên tiền của về Tây. 
Văn minh khai hóa thế này, 
Muôn dân nô lệ đọa đày lắm phen. 
Bày chi cảnh hai bên khác biệt! 
Sống gông cùm thà chết còn hơn. 
Đứng lên ta quyết tuốt gươm 
Theo gương người trước rửa hờn nước xưa

Khuấy máu giặc nhuộm cờ Độc Lập 
Tán xương thù xây đắp Tự Do 
Nhà nhà Hạnh Phúc ấm no, 
Khải hoàn chỉnh bị cơ đồ Việt Nam.

Nhà văn Bằng Giang (1922-2000) nhận định về Sơn Vương:
Ở Pháp, Henri Charrière, bị tù oan trong 11 năm, kể chuyện tù và những lần vượt ngục trong quyển Papillon (1970) ăn khách một thời ở Pháp cũng như ở Sài Gòn trước đây có lẽ vì chuyện kể hấp dẫn. Về mặt này cuốn hồi ký Máu hòa nước mắt cũng có thừa, nhưng nó còn ghi lại một số hình ảnh rõ nét vài vụ việc cụ thể có giá trị lịch sử.

Huỳnh Ái Tông

Tài liệu tham khảo:
- Sơn Vương Web: vi.wikipedia.org
Nguồn: http://huynhaitong.blogspot.com/2014/09/tuong-cuop-nguoi-tu-ky-quoc-vuong-nha.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét