Photo DaiNgo |
Khi thời khắc tiến vào mùa cuối cùng, của một năm hay của một đời người, không chỉ bởi mùa Đông mà người ta thấy lạnh. Một lúc nào đó, bạn có chợt cảm thấy hơi lạnh không chỉ lướt qua lần áo khoác, bởi mùa Đông nhiệt đới còn len lỏi vào tâm can, khi trải qua miên man những mùa hò hẹn, chợt một đêm, bạn vô tình thầm hát cho chính mình, như ủi an, như ân cần tự hỏi “Đêm nay ai đưa em về, mình em trên hè phố vắng…”
Hãy xếp lại những chói chang colour-block từ độ đầu Xuân, gấp lại vạt áo mỏng mùa Hè, cất đi tấm khăn sương khói chỉ đủ ấm cuối Thu. Tất cả đều không đủ để ấp ôm vỗ về khi Mùa Cuối Cùng len lén đến.
Tại sao không lần ngược về câu hát cũ, giữa những hẹn hò liên tiếp của tháng, của mùa, để tìm lại người đàn ông từng của một thời nào đó, đã ân cần gieo tiếng xót xa “đêm mai, ai đưa em về?”
Cho cuộc hẹn hò đầu Đông, diva của f. sẽ không rùng mình khép chặt vạt trench coat hãi sợ cuộc lạnh lùng. Nàng đi tìm người đàn ông đã từng có lần hân hoan chào đón nỗi buồn, từ rất nhiều mùa Đông về trước “bonjour, tristesse!”
Buồn ơi, chào mi!
Người đàn ông mùa Đông ấy vẫn không ngừng nghỉ. Bước qua danh tiếng của một nhạc sĩ, ông trở về làm người nhạc công, say sưa và tuẫn tiết. Hãy đến không gian của người nhạc công tuổi xế chiều ấy để lắng nghe không chỉ ngôn từ.
Bạn sẽ chọn chiếc bàn gần sân khấu, lơ đễnh lật cuốn menu tím rịm được chu đáo đặt khẽ bên cạnh. Bạn sẽ hơi giật mình đấy, diva sành sõi ạ, bởi thực đơn được bắt đầu với những món nghe khá lạ tai: Cánh Hoa Xưa, và Đừng Để Mắt Em Lệ Thắm Long Lanh!
Bạn nhận ra trong tay mình khi này là cuốn Tình Khúc Nguyễn Ánh 9 được ưu ái ký tặng, rồi ngỡ ngàng ngước mắt nhìn lên “anh phục vụ” mặc suit đen vẫn kiên nhẫn đứng chờ, bạn sẽ nhận lại được nụ cười hóm hỉnh trên khuôn diện hòa lành của tượng đài tân nhạc Việt Nguyễn Ánh 9.
Hãy mời ông một chiếc ghế sát bên chứ không phải nơi đối diện, vì người nhạc sĩ có một giọng nói rủ rỉ ấm áp đến độ bạn sẽ không muốn bỏ qua, khi mà trong cái se se của mùa Đông nhiệt đới, ông kể cho bạn nghe về sự cô đơn, và nỗi khắc khoải của những bài hát buồn vô tận.
Nỗi cô đơn không có tuổi tác. Một cậu trai có thể trách hờn duyên số, giật giọng từ chối “Không! Tôi không còn yêu em nữa!” như một bàn tay đưa ra xô người con gái, như một tiếng sập cửa, như một cú nguẩy dỗi hờn. Em xem đó, như đứa trẻ nít, ta lấy của nó một cây kẹo, nó sẽ khóc để đòi lại cho bằng được mới nghe, rồi khi cây kẹo được chìa ra trở lại, có thể đã quá trễ, đứa nhỏ sẽ quẫy mình tức giận. Đàn ông, lớn bé chi đó, cũng đều là trẻ nít mà thôi.
Thế thôi mà cô đơn.
Càng có tuổi, nỗi cô đơn lắng vào trong, rồi những cậu trai lớn thành những người đàn ông, và những người đàn ông càng đắp thêm năm tháng lên tuổi đời. Họ học cách không quá bất ngờ với nỗi cô đơn, họ học cách thỏa hiệp rồi chung sống hòa bình với nó. Rồi đến một lúc, họ thở phào khi tìm lại nỗi cô đơn đến trong đời, hân hoan như chào đón một người bạn cũ, một thứ đã thân thuộc, và họ an toàn trong đó. Trong nỗi cô đơn riêng tư và êm ái ấy, họ đàn, họ hát, họ khóc kiểu đàn ông, và giải tỏa năng lượng cảm xúc. Những người đàn ông nghệ sĩ, họ trở nên ưu ái nỗi cô đơn riêng tây là vậy, thậm chí họ kiếm tìm, ngay trong cảnh đuề huề viên mãn. Cứ để yên cho họ loay hoay trong cái ổ cô độc ấy, họ là nghệ sĩ mà, họ lành hiền, và không gây tổn thương phương hại đến ai, như những chú dế, họ chỉ gáy lên tiếng vĩ cô độc của mình.
Tinh cầu này đông người lắm, một cộng đồng cô đơn đông đúc.
Họ không nắm giữ được nhau, trượt qua nhau, nên tìm chạm đến nhau bằng âm thanh, bằng ngôn ngữ, hay bất cứ món quà nghệ thuật nào được Tạo Hóa trao tặng cho.
Tại sao lại chỉ chia sẻ nỗi buồn khi mà đó không phải là tất cả của cuộc sống?
Bởi phàm bữa tiệc thịnh soạn khi được thiết đãi, đâu chắc đã thi vị bằng một củ khoai chia sẻ trong đắng cay. Một gói thuốc đắt tiền hào phóng cho nhau, đâu thể nhớ lâu bằng điếu thuốc duy nhất chuyền tay bạn hữu.
Cuộc đời là quả táo, bên xanh bên đỏ, sao không chọn phần tươi ngon mà thưởng thức, mà lại đắm đuối vào một nửa chát chua?
Vì sao Chúa trời phải mang trên mình thập giá?
Ôi không, Chúa trời mang thập giá bởi chúng sinh muôn loại, còn bạn thì đã miệt mài những hò hẹn showbiz đủ để hiểu bản chất nghệ thuật chân chính là hành vi vị thân. Đối với những người đàn ông thích buồn và biết khóc ấy, cũng chẳng nên quá bận lòng với phần chua chát mà ta cắn phải hay tự chọn cho mình, bởi khi vị đời được đẩy đến cực đoan dẫu chua hay ngọt, ấy là khoái cảm của việc sờ chạm đến thâm sâu cảm xúc đời người
Những kẻ tội nghiệp. Trong giai điệu bản nhạc buồn bã nhất những nốt cao hân hoan chào đón nỗi buồn “xin chào mi, khi người yêu đã bỏ ta đi…”
Hồi đó tôi còn trẻ lắm, cuốn Bon Jour Tristesse của Francoise Sagan đang rất thịnh. Kì lạ một nỗi, dẫu chưa kinh qua một nỗi buồn thật sự, mà đã cảm tác thành một thứ khoái cảm buồn bã “Buồn Ơi Chào Mi”. Dường như nghiệp mệnh từ khi ấy, đã dẫn dắt tôi tìm đến sự ủi an của nỗi buồn – một thứ an ủi tội nghiệp nhưng rất thật “nếu trên đường đời ta lẻ loi một mình, thì trên con đường tình ta có mi, buồn ơi!”
Khác với nhạc phẩm “Không!”, khi vế phủ định cuồng nộ của kẻ bị phụ tình lắng đuối với những note cuối cùng thống thiết “em ơi!”, thì “Buồn Ơi Chào Mi” lại kết thúc với đỉnh cao thăng hoa khoan khoái “ta có mi, buồn ơi!” Có phải từ trong tiềm thức, nhạc sĩ cự tuyệt ái tình viên mãn để đến ẩn trú trong nỗi cô đơn thường trực và an toàn?
Em có bao giờ biết cảm giác giải thoát khi được bật ra tiếng khóc? Tại sao lại tránh sợ và buộc lỗi cho nỗi buồn và những tiếng khóc? Tại sao không làm bạn với nỗi buồn và sự cô đơn để không còn hãi sợ nó? Tại sao không hoan hỉ đón lấy nỗi buồn cũng như niềm vui, khi đó là nỗi buồn cứu rỗi, khi những giọt nước mắt xoa dịu nhu cầu được khóc?
Con người ta cần khóc lắm chứ. Họ tới rạp cine, xem tiểu thuyết diễm tình và khóc cả ở những đám cưới. Chẳng phải cuộc đời này bắt đầu bằng tiếng khóc đó sao?
Khóc được – ấy là một ân phước.
Vậy chăng làm đau một nhạc sĩ, ấy là tặng anh ta một món quà?
Một món quà quý. Thường thì nỗi đau và những món quà quý đều được giữ gìn rất lâu.
Những mảnh vỡ quý giá và Nàng Thơ không đi chợ
Phần lớn những nhạc khúc buồn, những bản tình ca, những “tiếng khóc”, tôi khóc giùm người ta, tôi yêu ké những mối tình được sẻ chia và khóc nỗi lòng của họ bằng tiếng khóc duy nhất mà tôi biết – Âm Nhạc. Còn ra, bóng hồng bóng tía nàng thơ trong nhạc tôi, trước sau cũng chỉ hình ảnh một người đàn bà ấy. Là Nàng Thơ của một nhạc sĩ, nàng phải là người đàn bà mà gã đàn ông bên trong người nhạc sĩ sẽ mãi không có được. Nàng phải hư hư thực thực, và nàng nên ở đủ xa để không kịp bị cuộc thường nhật vợ chồng làm rõ vết chân chim vào buổi sáng thức dậy bên nhau. Nàng là Nàng Thơ, nàng đâu thể tuềnh toàng xống áo, nàng cũng chẳng thể đi chợ đau đáu chuyện cơm rau, và ắt hẳn nàng cũng không nắm rõ chuyện củi cao gạo kém ra sao ngoài đời. Nàng mong manh là vậy, nên người nhạc sĩ sẽ chọn cho nàng sự bảo bọc an toàn bằng khoảng cách và thời gian. Nàng mong manh là vậy, sao nàng giáp mặt được cả những điều xấu xí đời thường mà cuộc chồng vợ sẽ thố lộ suồng sã với nhau?
Nhạc sĩ yêu cuộc tình hay người tình?
Tôi yêu cuộc tình, bởi nó nên thơ quá đỗi. Cái thời thiếu niên tinh khôi như mới, cả nỗi buồn và sự mất mát cũng mang cái đẹp đầu đời. Nói rằng tôi yêu người tình cho đến tận ngày nay cũng vừa đúng vừa sai. Bởi tôi nhớ như in giọng nói, tôi nhớ cách nàng luôn ân cần hướng về tôi, tôi nhớ tà khăn nàng quấn, nhớ cả cặp bông tai nàng chọn đeo làm đẹp mắt tôi. Nhưng nào đâu phải tôi yêu bà ấy đủ để mang cuộc đời ra bù đắp một cuộc tình dang dở cho nhau.
Tôi nuôi dưỡng hình ảnh đó, cuộc tình đó, rồi tôi nâng niu trân quý đặt vào một góc thiêng liêng trong tim, để không điều gì, kể cả thời gian, chạm được đến mà thay đổi điều đẹp đẽ chí tôn ấy trong lòng, ngay cả chính nàng.
Nếu một khi bị tước đoạt đi bóng vía cuối cùng để mặc lòng tơ tưởng, để thả rông thói lãng mạn vô hại của mình, ấy sẽ là khi “tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi, chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ tiếng hát lạc loài…”
Nếu không vì nghiệp chướng mà Romeo và Juliette gánh chịu, liệu họ có hạnh phúc về sau?
Tôi cho là không đâu em à.
Họ, những nàng thơ, và những chàng Romeo, họ trẻ trung, đa cảm và dại dột quá đỗi, họ khó lòng kinh qua cho tròn vẹn với những cuộc hôn nhân.
Nghe chừng như hôn nhân là một môi trường đào luyện con người?
Đúng hơn là môi trường tốt nhất.
Đó có phải là một môi trường khắc nghiệt?
Quá khắc nghiệt!
Chẳng phải người ta vẫn thường muốn trưởng thành, tự hoàn thiện bản thân trước khi bước vào hôn nhân?
Thường là vậy, và họ sẽ nhận ra rằng họ đã sai! Hôn nhân là dấu chấm hết của ái tình, và đào luyện con người trở thành những kẻ trưởng thành trong cô đơn.
Có vẻ như môi trường đào luyện ấy không hề mang màu sắc thú vị hay lãng mạn cho một dating diva còn say sưa những hò hẹn miên man. Rồi bạn tự hỏi, vậy sao người ta lại vẫn đến với nhau và thành vợ chồng?
Vì phần số tạo nên điều đó. Vì họ cần dừng chân và thả neo. Vì người ta cần tìm đến bên một người tri kỷ tốt để cùng tựa vai và làm nên những đứa trẻ.
Than ôi, luận điệu của hôn nhân chức năng quá cằn cỗi, thực tế đến nhẫn tâm nếu tất cả những gì bạn quan tâm về hôn nhân là những mẫu mới nhất của Vera Wang! Và người đàn ông bé nhỏ mang khuôn diện hòa lành ấy lại một lần nữa, với giọng trầm trầm mực thước, đặt ra trước bạn một thực tế khó coi: Nếu không vì tình tri kỷ, sự gần gũi ấm áp ủi an, và vì những đứa trẻ, hôn nhân sẽ chỉ còn là một dấu chấm buồn cuối cùng của rất nhiều điều lãng mạn mà không mở ra điều gì cả!
Vậy ra người đàn bà của nhạc sĩ, để bước vào âm nhạc của ông, nàng sẽ phải đứng lên và bước ra khỏi cuộc đời ông?
Làm chi nữa, bởi đã có một người đàn bà bỏ ra đi, lâu lắm cả vài chục năm rồi em ạ!
Hoàng Tử Bé và buổi xế chiều khoác khăn shawl màu tím
Đương nhiên là bạn muốn được kể về Nàng Thơ trứ danh nọ, người đàn bà đã ra đi để vĩnh viễn ở lại ám ảnh mọi giai điệu, ca từ của một Nguyễn Ánh 9 tài danh
Và câu chuyện bắt đầu…
Từ rất nhiều mùa Đông trước, như bao vạn cuộc tình trên đời, một cậu trai nào đó, bởi chọn theo nghề ca xướng mà vuột tay đánh mất cuộc tình được coi là đầu đời. Chàng bỏ nhà ra đi làm chàng nhạc công chơi dương cầm: “Từ lần đầu nhìn thấy cây đàn dương cầm, tôi 17 tuổi, lập tức bị mê hoặc trước tạo vật hoàn thiện đến vậy. Từ cung bậc cho đến cấu trúc đẹp hoàn mỹ. Tôi vẩn vơ thán phục người nào chế ra cây đàn hoàn hảo đến vậy, như một khí cụ tuyệt mỹ và đắc dụng như một phương tiện, như một món quà mà tôi về sau bỏ cả đời để tự tau luyện đặng sử dụng thuần thục nhất, nói nỗi lòng mình bằng thứ xúc cảm vô ngôn.”
Từ nỗi đam mê bất chợt ấy, lịch sử tân nhạc Việt Nam có một Nguyễn Ánh 9 với những ca khúc đi vào huyền thoại, từ “Không!”, cho đến Đêm Nay Ai Đưa Em Về, Mùa Thu Cánh Nâu, Cô Đơn,…
Tôi xưa giờ yêu màu tím. Cái màu của kỷ niệm và của chân trời. Em có bao giờ thấy màu tím của chân trời chiều chưa? Nó mong manh khó nắm bắt lắm, rồi thoắt đã thấy chuyển sắc, khi hồng khi xanh. Phải ngồi thật lâu, lâu lắm, để nắm bắt được một khoảnh hắc thăm thẳm trân quý ấy.
Như một hoài niệm ái tình vậy, chờ cả đời khắc khoải mới chợt nhận ra rằng nó vừa thoảng qua đời ta. Thế thôi, rồi tơ tưởng tiếc hùi hụi cả đời.
Bạn thoáng nghĩ đến Le Petit Prince – vị hoàng tử trên tinh cầu cô độc và những buổi hoàng hôn hồi hồi điệp điệp vào một ngày quá đỗi buồn. Cho đến bây giờ, độc giả của Antoine de Saint Exupery vẫn ngưới mặt nhìn trời và hân hoan tin rằng Hoàng Tử Bé đã tìm về bên bông hoa của cậu.
Bởi điều này vẫn có thể xảy ra.
Rồi có những khi, cái mong manh chọn bước ra ngoài vùng dĩ vãng huyễn hoặc để chào mời cuộc gắn kết muộn mằn. Người đàn bà ngày xưa ấy, đã một lần trở lại tìm ông, hàng chục năm sau đó.
Nàng ngày xưa chỉ là một người con gái bình thường lắm, dại miệng mà so đo, nàng đâu đẹp bằng vợ tôi. Ấy mà cái ngày Nàng quay trở lại, nàng chọn mặc một tà áo tím, đôi bông tai và chiếc khăn shawl mỏng quấn quanh vai cũng màu tím nhạt. Nhưng rồi tôi để bà ấy lại ra đi một lần nữa… Tôi trót gắn bó quá rồi, với nỗi khắc khoải mất mát xa xôi, ắt sẽ lạ lẫm lắm, hồ nghi ngờ vực lắm, và lúng túng muôn phần trong một sự viên mãn tròn đầy. Tôi để bà ấy ra đi, để bà ấy được mãi là Nàng.
Những Nàng Thơ, họ không thể làm vợ?
Có chứ, nhưng của người đàn ông khác. Nàng sẽ đi chợ và chăm sóc cho một ngôi nhà khác, mặc tình. Còn vợ cũng không thể làm Nàng Thơ. Vợ là người bạn đời, người bạn của suốt cuộc đời. Vợ sinh ra những đứa trẻ, nàng sẽ dồn phủ lên đó tất cả tình yêu của mình, và khi ấy, đứa trẻ nít bên trong người đàn ông sẽ chịu phận ra rìa. Đó là khi họ lại vùi mình vào góc cô đơn nho nhỏ ấy, ta thán và sáng tác những bài ca về tình ái vĩnh hằng.
Em biết đấy thôi, đàn ông, họ là những trẻ nít to bự sống lâu năm. Vợ, họ nên là người đàn bà của cuộc đời.
Họ yêu và chịu gán đời mình với một người nghệ sĩ, ắt phải là người đàn bà có tâm hồn và vị tha vô lượng, điều đó sẽ giúp họ vượt trên tầm nhi nữ thường tình.
Nhân nhắc chuyện lại nhớ ông Đoàn Chuẩn. Âm nhạc của ông cũng tương tư tôn thờ duy nhất một hình ảnh Nàng Thơ, mà hẳn là không phải bà nhà. Bà biết, và thản nhiên sống cùng, xem như là hồn ma bóng quế ai cũng mang theo mình. Ông nhạc sĩ nọ quả may mắn cưới được người vợ hiểu biết, nên cũng vì vậy mà Nàng Thơ, dẫu ngoài đời thật ra là một ca sĩ, vẫn vĩnh viễn là hồn ma bóng quế, là khói là hương để mượn vía mà tụng ca. Người vợ nọ không than phiền hờn lẫy, bởi bà hiểu rằng người nhạc sĩ yêu Cái Đẹp, chớ có phải đâu ông yêu người đẹp. Những nhạc sĩ, ở đây tôi chỉ nói đến phái lãng mạn chuyên chính, họ tưng tiu bóng vía Nàng Thơ lắm, nên không thể cậy nghệ sĩ tính mà phóng túng vô luân. Họ tội nghiệp, họ chỉ xin giữ lại cho riêng mình một góc riêng mẫn cảm mà người bạn đời am hiểu sẽ tôn trọng mà không khuấy động đến. Ấy là cái Tôi còn lại cuối cùng cần giữ cho riêng mỗi người, ngay cả khi đương trong cuộc vợ chồng. Phần còn lại, người đàn ông vẫn sẵn lòng hiến trọn để đáng làm bạn với nhau trong suốt cuộc đời.
Nàng vũ nữ thiết hài và bản tình ca duy nhất
Ông gặp người đàn bà của mình khi nàng đang vào độ rạng ngời hương sắc – một vũ công cabaret 20 tuổi. Rồi họ chọn gắn ghép hai cuộc đời lại với nhau.
Hồi đó tôi 25 tuổi khi cưới bà. Tôi tìm đến bà vì bà cũng là một nghệ sĩ, một người bạn tốt để dựa đời vào nhau. Rồi cũng có chút phản kháng đắng cay, khi tôi quyết không thương cô nào gia đình thượng lưu hay trí thức, để cho họ thấy chúng tôi xướng ca mà không vô loài, rằng chúng tôi, những người nghệ sĩ đến với nhau vì cảm thông thấu hiểu, sẽ ở được với nhau trọn vẹn cuộc phu phụ chứ không như người đời chê bôi. Trong quyết định đến với nhau của tôi, có chút bốc đồng và phản kháng, ít nhiều dư chấn cuộc tình đầu không may. Trong đó, có cả sự tìm kiếm hướng về một tri kỷ, hơn là một người tình.
…Tôi về cưới vợ thế là xong,
Vợ tôi không đẹp bằng em mấy,
Cũng đủ cho tôi thỏa ấm lòng…
Bạn ngân nga cùng người nhạc sĩ những vần thơ đã cũ, chợt thấy nhói lòng cám cảnh cho cả hai người đàn bà trong đời một người đàn ông.
Chúa tạo người đàn bà ra đặng trừng phạt đàn ông. Đàn ông tham lắm, càng tham càng nhiều sự trừng phạt. Họ muốn có người tình, họ đòi thêm tri kỷ, rồi họ muốn rằng đó là hai người khác nhau.
Phải chăng ý thức được thuộc tính tham lam ấy khiến người đàn ông an tâm hơn với với sự tham lam của mình mà mặc tình dung túng?
Ấy không, chớ nói như vậy! Ý thức được, phải coi đó là tội lỗi. Một khi coi là tội lỗi thì mới lãnh nhận được “sự trừng phạt”. Thế rồi ta giác ngộ, yêu thương, bù đắp, chớ đâu phải để buông tuồng dung túng bản thân cho đến ngày chính sự trừng phạt cũng bỏ rơi ta, vì kẻ vô độ đã không còn xứng đáng với bản thân sự trừng phạt.
Mỗi năm, vào sinh nhật vợ mình, tôi luôn mua tặng vợ một món quà, dù lớn hay nhỏ, cũng một món quà. Rồi có một năm, tôi không có tiền, không có một chút gì giá trị để làm quà tặng vợ. Thôi thì tôi chỉ có âm nhạc, lại nhủ lòng bao năm kề cận, bao năm bà ấy đắng cay lắng nghe những lời tương tư dành cho hình bóng khác, tôi muốn viết tặng bà ấy một ca khúc, đầu tiên, duy nhất, và thật thiêng liêng.
Tôi nói lên tất cả những gì tôi đã làm, những suy nghĩ, tình cảm tri ân tôi dành cho người bạn đời. Tôi ví mình như con thuyền ngu khờ mải mê theo dòng ra biển bỏ bến, đến khi tơi tả sóng gió biển đời, tôi cám ơn ngày về còn thấy bến vẫn chờ đợi bao dung. Tôi thấy mình nhỏ bé và mỏi mệt lắm, tôi ở lại nương nhờ vào bến. Tôi kết thúc bản tình ca đầu tiên và duy nhất ấy bằng một câu, xót mình, thương người: “Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay?”
Bản thu duy nhất tôi cậy nhờ một ca sĩ, và do con trai hòa âm. Một bản thu giản dị nhẹ nhàng thôi. Vợ tôi nghe xong bảo tôi rằng đó là món quà bà thích nhất.
Em giữ đừng phổ biến bản nhạc này, bởi lần duy nhất tôi dành tặng Âm nhạc cho bà ấy, vợ tôi nghe xong chỉ nói “Đối với em, bấy nhiêu đây là đủ rồi!”. Hãy cứ để cho một lần dù ít ỏi, tôi dành cho vợ tôi một điều duy nhất.
Kẻ tội đồ và lời trách cứ bằng ca từ viết lại
Có hồi tôi tưởng rằng mình nên giải nghệ rồi đổ bệnh vì nghỉ quanh ở nhà. Tôi chợt nhận ra mình thiếu thốn cực kì, mất thăng bằng, và cho đến tận lúc này, tôi mới nghiệm ra rằng vợ tôi đã yêu thương tôi nhiều đến độ nào. Bà về với tôi năm 20 tuổi thanh xuân, đương là vũ công cabaret đầu tiên ở Sài gòn. Suốt mấy chục năm bên tôi, bà chưa bao giờ thố lộ rằng bà ấy khắc khoải nhớ thương sân khấu biết chừng nào. Có đôi lần tôi mời bà theo tôi đi làm, coi tôi diễn đờn, bà ấy chối từ với lí do “lẽ nào mình ngồi chơi khi chồng mình làm việc”. Sau này tôi nghĩ, có lẽ bà chỉ muốn tránh thương nhớ ánh đèn sân khấu về đêm.
Ông có yêu thương bà nhà không?
Có chứ!
Như một người tình?
…
Người đàn ông im lặng rất lâu, tưởng như ông không nghe thấy câu hỏi, hay bởi người hỏi đã tỏ ra quá chừng thô bạo.
Nhưng rồi ông nói, thật sự nói.
Đời tôi mang tội với hai người đàn bà: người tình cũ và người vợ. Tôi nói ra đây không cầu mong vị thứ, chỉ mong nói cho trọn lòng mình vậy thôi. Dẫu gì các bà ấy cũng đã tha thứ cho tôi cả cuộc đời tôi, đời họ rồi.
Hạnh phúc nó đơn sơ và gần gũi lắm, nhưng người ta chỉ nhận chân ra được qua những vòng vèo bầm dập của cuộc đời.
Khi người ta trẻ, người ta kì vọng vẽ vời nhiều thứ lên dung mạo hạnh phúc lắm. Phải chăng việc nhận chân ra hạnh phúc giản dị kề bên chỉ có khi người ta mỏi mệt săn tìm để chuyển sang cam nhận?
Người đàn ông hiền hòa nở một nụ cười bao dung: Lão luyện quá! Một phần nào thôi, dù là một phần khá lớn. Thôi thì thương tôi, hiểu cho tôi. Duyên phần là vậy, nó đến, và mình biết nó không giống như điều mình khắc khoải kiếm tìm, nhưng khi mệt mỏi và yếu đuối, con người ta thường làm được những việc không ngờ.
Dường như điều ông khắc khoải tìm kiếm không phải là một mối tình lãng mạn đã qua, mà đúng hơn ông khắc khoải kiếm tìm nỗi đau mà cuộc tình mang lại?
Nói vậy cũng đúng, hoặc giả em có thể hiểu rằng “hạnh phúc nào mà không tả tơi?” Thâm sâu trong niềm phước hạnh, ấy chẳng phải là nỗi đau và ngược lại? Chẳng phải bay bổng lên trên những ca từ của nỗi đau là một giai điệu thăng hoa hân hoan bay bổng tưởng chừng tréo ngoe? Tôi nghĩ có chăng đấy cũng là việc tuân theo cái lý lẽ đăng đối âm dương của vạn vật trên đời.
Có phải tại ngôi sao lấp lánh nhờ nó ở xa cho kẻ sĩ tương tư?
Có thể lắm, tôi thương tưởng cái long lanh kí ức, nào đâu phải tôi yêu một hành tinh.
Có lần, trong bản Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm, tôi kết bằng câu “Lặng lẽ một tiếng đàn trong đêm, một nỗi buồn không tên, một tình yêu tôi đã quên.” Vợ tôi trách rằng tôi viết vậy là dối lòng, ma ngụy mà tầm thường lắm, rồi bà sửa ca từ lại cho tôi thành “một nỗi buồn không tên, một Tình Yêu đâu dễ quên”…
Bạn buột miệng “Bà ấy ắt phải rất yêu ông”
Người đàn ông bé nhỏ lặng người nhìn ra ngoài cửa sổ, nắng chiều muộn mằn hắt lên hiu hắt những nét trầm ngâm – như một khoảnh khắc mong manh của màu tím chân trời. Không gian se thắt lại khi ông run run cất tiếng, nhẹ như một hơi thở dài “Tôi có lỗi, có lỗi nhiều lắm…”
Người nhạc công-nhạc sĩ huyền thoại ấy giã từ cuộc hẹn hò đầu Đông bằng một lời cám ơn và một cái bắt tay bằng những ngón dương cầm nhẹ thênh, ấm áp.
Ông ra về, mong manh không tiếng như khi ông đến.
Bước ra khỏi bộ quần áo vị quan tòa tình ái, chỉ còn lại người đàn bà, f. diva nhìn theo cái dáng nhỏ bé hao mòn của người đàn ông lớn tuổi, và thấy thật buồn, buồn đến vị tha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét