3 tháng 8, 2016

Vĩnh biệt nhà văn Dương Nghiễm Mậu


Nhà văn Dương Nghiễm Mậu (1936-2016) - ảnh của Lý Đợi
Dương Nghiễm Mậu: 

Tên thật Phí Ích Nghiễm, sinh tại làng Mậu Hòa, Ðan Phượng, phủ Hoài Ðức, Hà Ðông.
Di cư vào Nam năm 1954.
Nhà văn, phóng viên quân đội VNCH, họa sỹ sơn mài sau 1975.
Tác phẩm: Cũng Ðành (1963), Ðêm, Ðôi Mắt Trên Trời, Sợi Tóc Tìm Thấy, Nhan Sắc, Kinh Cầu Nguyện, Ðịa Ngục Có Thật, Ngã Ðạn, Quê Người, Trong Hoang Vu, Tên Bất Lực… và truyện dài: Gia Tài Người Mẹ, Ðêm Tóc Rối, Tuổi Nước Ðộc, Phấn Ðấu, Gào Thét, Ngày Lạ Mặt, Con Sâu, Sống Ðã Chết.
Đôi dòng kính viếng anh Dương Nghiễm Mậu.

Ngày trước, đôi ba lần tôi đến nhà thăm anh Dương Nghiễm Mậu, lần gần nhất, tôi đi với anh Trịnh Cung. Lần nào thăm anh Mậu, tôi cũng có ý ít nói để được lắng nghe hai vị đàn anh.

Câu chuyện giữa một nhà văn lớn và một họa sĩ nổi danh từ thế hệ đáng kính trọng đều mở cho tôi thấy không gian-bất tử của nền văn học nghệ thuật- ý thức miền Nam Việt Nam dưới chính thể VNCH.
Trong ngôi nhà cư xá của gia đình anh Mậu, phòng khách bày trí giản dị.

Tôi ưng ngồi vừa nghe chuyện vừa ngắm vài bức tranh sơn mài của anh. Thật ra anh cho biết mấy bức sơn mài nhỏ đó chỉ là tranh anh làm để bán ở chợ tranh.

Sau biến cố 1975, sau mãn hạn tù cải tạo, qua hàng thập niên dưới chế độ cộng sản, nghề mưu sinh của anh là làm tranh sơn mài. Anh thích người dưng gọi mình là ông thợ sơn mài.

Lần đầu tôi đến nhà anh, nhìn tấm tranh sơn mài chân dung Đức Chúa Jesus treo trên tường, gần với bàn tiếp khách, tôi ngồi ngó hoài, ngó để tránh thất lễ vì tôi luôn muốn nhìn anh để được cuốn hút vào đôi mắt rất sáng và rất sắc của anh.

Tôi không có câu chuyện gì để kể về anh, chưa tặng anh tập thơ nào cũng như anh chưa từng muốn để lại trong tôi vài câu chuyện văn và nghiệp văn chương của anh. Những gì tôi biết về anh đều qua việc đọc các tác phẩm đã in của anh.

Tôi không muốn đi quá vị trí của một độc giả thế hệ văn nghệ sau biến cố 1975; tôi muốn gìn giữ trạng thái cảm xúc trước một nhà văn lớn đáng kính trọng, rồi thu mình lại giữ ranh giới giữa độc giả và nhà văn.

Có lần đến thăm anh khi anh vừa qua khỏi cơn đột quỵ nhẹ. Tôi nghe anh Trịnh Cung hỏi. “Sao toa không viết hồi ký?” Anh cười; đó là lần đầu tôi thấy từ đôi mắt thấu thị của nhà văn ánh nhìn thanh thản. Anh nói: “ Lâu nay moa là thợ tranh, hồi ký cái gì!”

Lần nào ghé thăm anh, tiễn tôi ra về, anh đều nói:
“Cậu thỉnh thoảng ghé tôi chơi, có gì mới đem cho tôi đọc.”

Hôm nay, tôi ngồi đục mưa trong quán cà phê, nhận tin nhắn cho biết anh mất đêm qua. Sài Gòn mấy ngày nay mưa mù trời, mù người. Bỗng nhiên hình ảnh của anh hiển hiện khiến tôi nhớ bài hài cú của thiền sư Ba-Sô.

“Lữ khách!
Xin gọi tôi là thế
Cơn mưa thu này.”

Trần Tiến Dũng (Sài Gòn, 3/8/ 2016)
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/08/160803_vinh_biet_duong_nghiem_mau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét