18 tháng 4, 2018

Thời tôi học Cao Thắng


Ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”  trong xã hội Âu Mỹ cách sống đầy đủ tiện nghi, ít có cụ phải làm lụng nữa. Khi đến tuối này thì đời đã sống qua, con cháu đi làm và đi học, muốn đi làm thêm cũng gặp nhiều khó khăn vì tuổi tác vã lại tre già măng mọc. Thời gian chồng chất, những kỷ niệm khó quên thời trẻ trí nhớ lẫn lộn, thiếu chi tiết. Cho nên nhớ gì ghi đó để cḥo khỏi quên với thời gian Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh. Tôi giữ nguyên các từ kỹ thuật ngày ấy.

Ngày ấy, sau khi học hết lớp nhất ở trường tiếu học Bàn cờ và thi  tiếu học xong, tôi nộp đơn thi vào lớp đệ thất trường Pétrus Ký. Nhưng thi rớt vì hỏng toán.

Sau một năm học ở trường tư thục Kiến thiết, tôi lại thi vào trường công để giảm phí tổn việc học vì nhà nghèo đông con và ba tôi là công chức về hưu. Mẹ tôi phải tần tảo buôn bán để nuôi gia đình.
 
Tôi muốn thi vào Pétrus Ký là trường có danh tiếng như các trường Chu Văn An, Võ Trường Toản, Gia Long, Trưng Vương... Nhưng ba tôi có bạn thân là bác Cư, có con là anh Vỹ đang học ở  trường Kỹ thuật Cao Thắng khuyên nên cho tôi thi vào trường này vì số thí sinh ít hơn và  trường cấp học bổng cho học sinh nghèo. Hơn nữa anh Vỹ sẽ  dạy tôi về kỹ nghệ họa. Anh Vỹ sau làm trung tá không quân.

Tôi đậu hạng 13 trên khoảng 250 trúng tuyển. Thời ấy, trường nầy được coi như là trường học nghề, đào tạo dân thợ, không như các trường trung học phổ thông khác, học xong tú tài và thi vào đại học ra dân thầy như luật sư, bác sĩ,giáo sư…


Trường tọa lạc ở số 65 đường Huỳnh Thúc Kháng, phía trước mặt trường là Bộ Công Chánh, đằng sau là chợ trời ở đường Hàm Nghi, bên cạnh có rạp hát Rạng Đông ở đường Pasteur, một bên là đường De lattre de Tassigny (sau là Công lý) và chợ Bến Thành không xa lắm.

Khi Pháp đến Việt Nam,họ lập ra trường Thực Nghiệp (Ecole d’ Apprentisage) để sửa chữa tàu của họ năm 1898, sau này đổi thành trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ.

Dưới thời toàn quyền Bonhour, trường Cao Thắng với tên dầu tiên là Trường Cơ Khí Á Châu (Ecole de mécaniciens asiatiques) được  lập ra do Nghị Định ngày 20/2/1906 của Thống Đ̣ốc Nam Kỳ Rodier. Đây là trường dạy nghề thứ hai do Pháp lập ra ở Nam Bộ.

Trường Cơ Khí Á Châu có mục đích là dể dào tạo chuyên viên cơ khí bản xứ cho Hải quân Pháp tại Đông Dương và kỹ thuật gia cho kỹ nghệ hay xí nghiệp của người Pháp. Vị Hiệu Trưởng sáng lập nhà trường là Đại Úy cơ khí hải quân Pháp Emmanuel Rosel. Ông làm giám đốc trường cho dến năm 1939 khi ông từ trần, với cấp bậc Đại tá cơ khí Hải quân.

Số học sinh lúc ấy rất ít, vì người Việt Nam chưa thích di học về các ngành kỹ nghệ theo quan niệm xã hội xưa trọng sĩ nông công thương, vả lại khi ra trường, phải di lính cho Hải quân Pháp, nên lớp học dầu tiên chỉ có vài ba chục học sinh.

Trường được dặt dưới quyền diều khiển của Hải quân, mặc dù mọi chi phí dều do ngân sách chính phủ Nam Kỳ dài thọ. Dụng cụ, máy móc đều do Hải quân cung cấp. Giáo sư là những sĩ quan hay hạ sĩ quan cơ khí Hải quân tại căn cứ Sài Gòn.
 
Sau này học sinh ra trường, không chỉ là thợ thuyền nữa mà họ có nhiều hướng đi như theo ngành Hàng Hải hay Hải Quân như tướng Trần Văn Chơn, Chung Tấn Cang.
 
Đến năm 1950 mới có một vị Hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên là ông Nguyễn Cao Khoan, kỹ sư điện trường Grenoble, nhưng ông vẫn làm kỹ sư sở Hoả xa mà chỉ kiêm nhiệm Hiệu trưởng thôi.

Năm 1952 Ông Đỗ Văn Trà, Kỹ sư của Bộ Công Chánh đến kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng, thay ông Nguyễn Cao Khoan.

Năm 1954 trường bắt đầu mở thêm lớp Đệ tam (đệ nhị cấp).

Ngày 29 tháng 6 năm 1956, trường được đổi tên thành trường Trung học Kỹ thuật Đệ nhị cấp Cao Thắng, do nghị định số 199-GD của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Mục đích của trường theo nghị định này là để đào tạo những kỹ thuật viên bậc trung đẳng cho nghành kỹ nghệ và thương mãi cùng đào luyện những học sinh đến bậc tú tài kỹ thuật.

Trường có đủ các lớp Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp để dạy thi Tú tài kỹ thuật toàn phần. Trường mở thêm một chi nhánh gồm 5 lớp Đệ thất đặt tại Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ, số 48 Phan Đình Phùng lấy tên là Trung Học Kỹ Thuật Phan Đình Phùng.

Tôi vào học Cao Thắng năm 1957.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng thanh tra kỹ thuật đến kiêm nhiệm Hiệu trưởng thay thế ông Đỗ Văn Trà từ ngày 16/9/1957 đến ngày 16/1/1958. Chi nhánh Phan Đình Phùng được dời luôn về trường trường Trung học kỹ thuật đệ nhị cấp Cao Thắng.

Ngày 17/1/1958 ông Phạm Xuân Độ, thanh tra tiểu học, tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương, cựu giám đốc học chính Bắc Việt và Cao nguyên đến nhận chức Hiệu trưởng chính thức đầu tiên của trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng. Nhà trường ngày càng khuếch trương thêm, dãy nhà nhân viên ở đường Pasteur được sửa chữa lại thành 6 lớp học và 4 phòng nhỏ.

Năm 1959, nhà trường xây cất lại giảng đường phía lộ De lattre de Tassigny và nới rộng các cơ xưởng để tiếp nhận viện trợ Tây Đức.

Ba tôi dẫn tôi đi khám sức khỏe ở nhà thương Saìgòn, tình cờ gặp ở đó thằng Mỹ Huỳnh cũng vào Cao Thắng như tôi. Trước ngày nhập học tôi xuống trường xem các lớp học và các xưởng, đến xưỡng rèn gần tháp để nước, tôi thấy một con bê buộc cổ ở đó. Khi vào xưởng thấy mấy thầy đang nhậu, lò rèn có lửa cháy.

Thấy tôi ngơ ngác nhìn quanh, một thầy hỏi tôi :

-Trò mới hả?

-Dạ phải

-Trò thử vác cái búa dài kia xem có đủ sức học rèn không?

Tôi cố sức nâng cái búa lên,
 
-Khá lắm, lát nữa muốn ăn thịt bê thì lại đây.

Té ra con bê ngoài kia là món nhậu của mấy thầy.
 
Nhà tôi, đúng ra là nhà chúng tôi tạm trú vỉ đó là nhà mà anh cùng cha khác mẹ mua cho ba tôi ở tuổi già theo đạo làm con xưa, ở xóm 20 đường Le Grand de la Liraye, sau này là đường Phan Thanh Giản và bây giờ là  đường Điện Biên Phủ. Ba tôi phải mua cho tôi một cái xe đạp đàn ông cũ. Tôi sơn nó lại bằng màu xanh lá cây, nhưng không biết, tôi dùng sơn cho gỗ thành ra nó đổi màu khi có mưa. Tôi gọi nó là xe kỳ nhông. Tôi đi học bằng xe nầy, cùng đi với thằng Đông là bạn mới cùng lớp. Thằng Đông có đến nhà và biết cả gia đình tôi, ngày nghỉ tôi lên nhà nó ở quê trên Phú Nhuận chơi.
 
Thế rồi ba tôi mua sắm quần áo và dụng cụ cho tôi đi học. Hằng ngày mặc đồng phục  quần dài xanh, áo sơ mi trắng ngắn tay có thêu phù hiệu. Không được mang guốc. Học xưởng thì  đồng phục xanh, sáng thứ hai mặc đồng phục trắng chào cờ và suy tôn Ngô tổng thống. Dụng cụ học xưởng phải mua dũa ba tạc (bâtard) dài 30 cm, dũa tam giác và dũa nhuyễn (finition) để học nguội, bây giờ tôi có cảm tưởng trở thành dân dao búa, khác với học trò phổ thông ngoan ngoãn, hiền lành. Danh hiệu dao búa vẫn đeo đẳng theo với học sinh Kỷ Thuật cho mãi đến tận bây giờ.
 
Ngày khai trường, tôi đi với thằng Vi cũng mới vào đệ thất, bổng gặp một anh Cao thắng lớp trên chặn lại hỏi Vi:
 
- Mầy là con thầy X dạy toán lớp đệ lục phải không?
 
- Ừ phải.
 
- Về nói với ba mầy dạy như con c…
 
Thằng Vi xịu mặt mếu máo.
 
- Thôi kệ nó Vi, tôi nói cho nó bớt buồn.
 
Trường có 5 lớp đệ thất là A, B, C, D, E. Tôi học  đệ thất C. Ngoài các môn học phổ thông như Việt văn, sử địa, toán, lý hóa, vẽ mỹ thuật, âm nhạc, thể thao... chúng tôi có thêm xưỡng, kỹ nghệ họa, kỹ thuật học và hiệu đoàn do thầy Kình phụ trách.

Năm này chính phủ đã cải tổ việc học, chương trình học của chúng tôi hoàn toàn bằng tiếng Việt. Học sử thì học họ Hồng Bàng chứ không học: “Nos ancêtres sont des Gaulois”.

Thầy Sơn dạy Việt văn truyện Trê Cóc, đến đoạn trê mắng cóc thì thầy nghíến răng trợn mắt lên, ậy thế học trò mệnh danh thầy là thầy Cóc.

Thẩy Phi Hùng dạy vẽ mỹ thuật, kỹ thuật là “Gần to xa nhỏ, gần thấp xa cao. Trông sao vẽ vậy”. Một anh thêm vào câu: Vẽ tầm bậy cho zéro.

Thằng  Diện sớm dậy thì, nó nói chuyện trai gái không chán, nó đọc đâu được 7 đêm khoái lạc, thôi thì nó kế các kiểu như vác cầy qua núi, nằm ngồi  đủ kiểu. Ông Hùng thấy bọn trẻ túm lại không vẽ, ông hỏi:
 
- Trò Diện vẽ gì vậy
 
- Nó kể 36 kiểu thầy ôi, một anh mau miệng nói
 
- Vậy tuần sau anh vẽ 36  kiểu búa cho tôi
 
Thế là chúng tôi xúm lại giúp nó làm bài.

Âm nhạc thì học vể solfège nhưng tôi không học xa được và khựng lại chỗ một nốt đen bằng 2 nốt trắng vì tôi không hiểu và theo quan niệm cổ thì xướng ca vô loài.

Đoàn ca của chúng tôi là Kỹ thuật hành khúc, hai câu đầu là:

    Anh em kỹ thuật ta mau đồng tâm cố gắng,
    Mong cho làm sao xứng danh ngôi trường Cao Thắng,
 
Tôi quên khúc sau, có ai còn nhớ không ?
 
Xưởng thì học với thầy Chịa, ngày ấy ông đi chiếc Traction đen, Kỹ Nghệ Họa thì học với thầy Ðặng.
 
Học xưởng thì có nào là gò 1 lá tôn thành chữ S, học nguội thì dũa xì khói. Tôi dũa mãi sao không phẳng mà cứ bom bê hoài. Rèn thì tập làm 1 cái pointe à tracer. Thằng Huệ là binôm của tôi. Nó lí lắc và ưa cải cọ. Một hôm chúng tôi tranh cải để quên cái pointe à tracer trong bể lửa làm nó cháy tiêu một nữa, tôi giận định thụi cho nó một cái xong dằn được và đi xin thầy sắt mới để làm lại.
 
Buổi trưa, tôi đến lớp trước giờ học, trên cao của giảng đường tôi nhìn sang Bộ Công chánh, thấy mấy ông công chức nếu không đọc báo thì ngủ gà ngủ gật. Chao ôi, làm công chức sao sướng thế, tôi nhất định phải trở thành công chức.
 
Tôi thường lén lúc ngủ trưa của bố tôi để lên sân Hào Thành sau là Hoa Lư, đường Đinh Tiên Hoàng để đá banh, vì tôi có lên đó tập thể dục với thầy Thành, nhờ vậy cơ thể tôi cứng cáp thêm.
 
Năm 1958, tôi  lên lớp đệ lục C với các bạn  đệ thất.
 
Năm này thầy Toán tôi là ông Minh ở Pháp về, thầy dậy chứng minh hình học, mới quá, học trò không hiểu, bu quanh bàn hỏi thầy. Thế là ở dưới nhao lên như tổ ong, nào là ăn uống, vật lộn náo loạn lên. Thằng Vĩnh ăn kem trắng chảy giọt trên sàn, cả lũ kháo ầm lên là nó bị xuất tinh và đặt tên nó là Vĩnh  quẹo. Ông giám thị Luật trông thấy, vào lớp trách thầy Minh thì mới tạm yên.
 
Xưởng Gò học với thầy Quan, Rèn với thầy Vầy, thầy Kiệt. Thầy này hay nói bóng bẩy, trong lớp gọi học trò lên bảng, thầy nói:
 
- Trong lớp ai ăn nói có duyên  …. Trò  Hữu Lý.

Tôi và  Hữu Lý đi coi hát ở rạp Long Phụng đường Phạm Ngũ Lão, trước nhà ga, khi vào trong rạp bổng có mấy anh trẻ bao vây hai đầu, tôi rút dũa ra, anh Lý nói: “Hoạt mầy chạy ra ngoài đợi tao giải quyết cho xong”. Một lúc sau anh ta ra, anh nầy có võ nhu đạo dây lưng nâu và đi học Nhu Ðạo ở sân Phan Ðình Phùng với  Hồ Cẩm Ngạc.Thì ra chuyện anh ta tán gái bị vây để trả thù.
 
Trong các bạn tôi có con thầy Nhuần tên Khánh Hoài, thằng Hoàng là con Thiếu tướng Nguyễn văn Là, giám đốc cảnh sát, công an, thằng Mạnh Vinh,  Bữu Minh,  Định An, Thọ An ….
 
Thằng  Hoàng tổ chức với anh nó học ở trường Huỳnh Khương Ninh một cuộc đá banh giao hữu, chúng tôi kéo nhau lên sân Hào thành để ủng hộ hội nhà. Khi chúng tôi thua 2 -1 thì một anh trong lớp móc dũa ra đòi dũa đối phương. Thấy nguy, thằng Hoàng với anh nó dừng cuộc đá thương nghị, trận đá tiếp tục và đội Cao thắng thắng 3-2.

Một hôm tôi thấy thầy Kiệt nổi sùng lên cằn nhằn:
 
- Mấy cái thằng văn chương bậy, nó chê tôi dốt văn chương, thử hỏi xe nó không chạy, đứng đó đọc thơ với văn xe nó có chạy không?  Tôi phải mở bu gi, cạo trấu xem có đìển, có xăng, may ra xe mới chạy được. Còn không thỉ chờ đến sang năm xe cũng không chạy.

Thì ra thầy mới đấu khẩu với mấy thầy dạy văn chương.
 
Pháp văn thì học với thầy Căn. Việt văn năm nầy tôi học thầy Bách về Nhị thập tứ hiếu.
 
Thầy Thúc Kỳ, kỹ sư hóa học, dạy lý hóa. Thầy người gầy gò nhưng có cái bụng lớn, chúng tôi gọi là ông thầy có chửa. Một hôm tôi thấy thầy đi với bạn đến thăm ba tôi, tôi sợ quá không dám ra chào  thầy.

Trường Cao Thắng có hai ban, Ban Chuyên Nghiệp, học hết bậc phổ thông thì ra trường làm những công nhân có tay nghề rất chuyên môn. Một ban khác là Ban Kỹ Thuật, học hết trung học đệ nhị cấp, thi đậu Tú Tài II sẽ thi vào học đại học Phú Thọ, tốt nghiệp ra kỹ sư. Dù là ban chuyên nghiệp hay ban Kỹ Thuật thì bên cạnh chương trình học nghề, là cũng học theo chương trình học chung của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, cũng đủ hết các môn Phổ Thông như Toán,  Lý, Hóa, Việt Văn, Triết Học, Lịch Sử, Địa Lý, Công Dân, Anh Văn, Pháp Văn, Mỹ Thuật Họa,  Thể Dục  … dù có rút ngắn và cô đọng hơn chương trình thường lệ.

Năm 1959 trường có 5 lớp đệ ngũ, chỉ có hai lớp đệ ngũ A và B là được học đến tú tài, còn ba lớp kia thì dạy nghề cho đến trung học mà thôi. Ba lớp đệ ngũ chuyên nghiệp là :
-  Dụng cụ học về nguội, tiện, phay, bào,
-  Cơ điện học về máy nổ  máy  dầu cặn, điện gia dụng, điện máy, điện tử.
-  Gò rèn hàn học về kỹ nghệ sắt.

Muốn học đệ ngũ A và B, điểm toán trung bình phải được 12, năm đó tôi được 11,80 lên  đệ ngũ dụng cụ. Tôi về báo tin cho ba tôi biết, ông có vẻ thất vọng, nhưng ông cũng đi gặp ông  Hiệu trưởng Phạm Xuân Độ, bạn quen khi xưa ở ngoài Bắc, để xin cho tôi học lớp toán. Ông Độ chê:
“Con anh dốt thế làm sao học đến tú tài được. Anh cho nó đi học thợ là phải”.

Thật là mất mặt ba tôi, vì con, nhưng rồi ba tôi an ủi tôi “Thôi con học thợ thì cố làm thợ giỏi sau ra cán sự may ra đi Tây Đức tu nghiệp như ông Đương ở trường”.

Tôi đi học thêm toán lý hóa buổi tối ở lớp tối do thầy Quảng dạy ở đường Cao Thắng. Lúc về đi ngang lò bánh mì thơm phức. Tôi ghi tên học thêm lớp tối các môn kỹ thuật do bộ Lao Động tổ chức dạy nghề cho người đi làm. Do đó tôi gặp thằng Đương ở xóm Nguyễn Tri Phương, bạn cùng lớp của tôi.

Tôi đậu chứng chỉ kỹ nghệ họa thầy Đặng năm 1960 máy xe hơi thầy Mão năm 1961, máy dầu cặn thầy Trọng năm 1962.

Thầy dạy sử địa năm này là  thầy Long, thầy sói đầu nhưng hay kể văn chương Việt Nam. Tôi còn nhớ câu thơ thầy đọc như sau:
    Nước đẩy cặc bần run lẩy bẩy ,
    Gió đưa dái mít nhẩy tưng tưng.
Hai câu nầy nói về sản vật  ở quê, xong vừa nghe cặc dái là trong lớp cứ ồn lên. Hoặc  thầy nói về kinh nghiệm xử thế như:
    Nhẫn, nhẫn, nhẫn trái tử oan gia tùng tử tận,
    Nhiêu, nhiêu, nhiêu, thiên tai vạn họa nhất tề tiêu.
Vậy mà các anh bạn không để ý kêu ầm lên là ông Long hột nhãn như đầu thầy.

Năm nầy tôi được học xưỡng trên máy tiện, phay, bào. Máy tiện lớn phải dừng máy mỗi khi thay số, vì máy chạy bởi cua roa chuyền lên trục ở trên cao. Máy nhỏ hiệu Sculfort của Pháp chế. Trường sửa soạn xây cất lại giảng đường phía lộ De lattre de Tassigny và nới rộng các cơ xưởng để tiếp nhận viện trợ tây Đức

Thầy Lê văn Đảnh dạy Điện, chú Tư  dạy máy Dụng Cụ, thầy Trọng dạy Ô-tô, thầy Vầy dạy rèn, thầy Quan dạy Gò. Thầy Thức  dạy máy hơi nước ...

Kỹ Nghệ họa học  ở trên lầu Đồng Hồ, do thầy Đặng dạy, hình vẽ, thầy vẽ sẵn trên giấy đen, nét vẽ hay chữ màu trắng trông rất rõ ràng. Một hôm thầy  Đặng khen tôi và nói với anh em theo gương tôi làm chuẩn học vẽ làm tôi hừng chí lên để học cho giỏi như anh Lưu vừa là trưởng lớp vừa là hạng nhất trong lớp. Sau trung học anh Lưu đi quân cụ. Thầy  Đặng dạy giỏi và tận tâm chỉ bảo, sau nầy tôi học dự bị thi vào ENSM vẫn đứng đầu lớp về  Kỹ Nghệ họa trong khi không biết nhiều tiếng Pháp.

Trong lớp thằng Toàn giỏi Việt văn, nó viết tới 4 trang về bài tả nổi vui mừng khi gặp lại mẹ sau thởi gian xa cách, tôi chỉ viết được nửa trang thì cạn ý. Sau nầy nó đi thợ máy không quân.

Thầy Chiểu nguyên Thanh Tra quân đội ở ngoài Bắc thời chánh phủ Nguyễn Văn Tâm dạy Pháp văn, ông ta hay hút thuốc lào quấn giấy và nói với học trò Các anh cứ gạch đít to tổ bố vào để nhớ những chi tiết quan trọng. Ông nói là người làng Cói ở ngoài Bắc, thì ra là người cùng làng với tôi.

Anh văn với thầy Tạt lớp đệ Ngũ.  Dáng thầy bệ vệ, thắt cravate. Thầy hay la mắng học trò vì không lau bảng đen trước, khi thầy vào lớp mới lau nên bụi phấn bay đầy chỗ thầy ngồi.

Công Dân học với Thầy  Lễ, đang học Luật.
Thầy  Mão dạy máy nổ, thầy khó tánh, học với fhầy lớp im phăng phắc, mỗi lần thầy gọi tới 2 học sinh lên trả bài. Anh em thường bảo giờ thầy Mão ruồi bay ngang biết đực hay cái. Chúng tôi làm thực tập ở xưởng ô tô trên động cơ xe 2 CV 2 thì và trên  động cơ xe GMC 4 thì, sợ nhất là lúc quay cho máy chạy nếu bất cẩn thì manivelle trở lại làm gẫy tay.

Mỗi kỳ lãnh học bổng được 400 đồng tiền mặt, mấy anh tụ nhau lại trong một lớp để sát phạt. một anh trông chừng giám thị ở cửa. Không biết làm sao ông Luật biết được, ông lên bắt sòng bạc. Tôi không đánh bài nhưng có mặt trong đám. Anh canh cửa hô lên:  “Chết cha, ông  Luật lên” . Chúng tôi chờ ổng mở cửa thì tông mạnh ra cho ổng té rồi cháy như vịt thì  ổng không nhận ra ai.

Đến ngày Tết bọn tôi trốn ra dạo chợ tết ở chợ Bến Thành, nếm mứt kẹo và chọc  các cô bán hàng. Một hôm hai ông gíám thị chặn hai đầu đường, vây tụi tôi trước cổng trường, anh Thọ được lệnh khóa cổng không cho chúng tôi vào. Tụi tôi bàn với nhau nhắm ông giám thị lùn và mập, tông vào cho  ổng té rồi chạy ra phía sau chun lỗ chó vào lớp.

Khoảng thời gian nầy thì có chị Chín, có xe bán nước ngọt đặt gần xưởng Nguội, sau lại có thêm cô Liên, chừng 16 hay 17 tuổi phụ giúp bán với chị Chín, cô Liên trở thành cây Si cho nhiều người trồng, nên xe nước chị Chín đông khách hơn trước kia.

Ngoài cổng trường, những xe đổ hột xí ngầu lắc, ăn bò vò viên, xe bột chiên, bánh mì thịt, khô mực ... bán chiếm lòng lề đường, cảnh sát quận nhất đuổi chạy qua bên kia là Quận nhì, Quận nhì đuổi chạy lại Quận nhất, ranh giới chỉ là con đường Công Lý.
 
Bọn dụng cụ chúng tôi làm nguội với đề tài là hột xí ngẩu to tướng, một anh thua  đổ hột xí ngầu cay cú nó liệng hột xí ngầu nó làm bể chén kiểng của anh bán rồi bỏ chạy.

Năm này tôi được lãnh phần thưởng hạng nhì trong lớp, trong lúc nghỉ hè, nhà tôi không có điều kiện đi chơi, tôi lấy sách được thưởng để giải trí.
 
Tôi lên đệ tứ dụng cụ năm 1960.
 
Năm nầy thầy Việt văn là ông  Bá Tước là đạo diễn Thanh Tuyền. Thầy có những đề tài luận rất hay mà tôi còn nhớ như: “Người ta thường bảo rằng hoa hồng có gai, nhưng tôi mừng rằng trên gai còn có hoa hồng”. Thầy lúc nào cũng mặc diện, đầu chải mượt và đi Vespa như tài tử điện ảnh.

Thầy Hà dạy toán, cử nhân khoảng 22- 23 tuổi hay đỏ mặt như con gái. chúng tôi hay trêu chọc thầy. Khi dạy đến căn số bậc hai của số dương, thầy nói:
 - Các anh đang đến chân tường, chỉ biết có số dương, người ta có thể lấy căn số âm nhưng phải trèo lên tường để xem trời bên kia .
 Câu nầy tôi nhớ lâu trong việc học hành về sau.
 
Thầy  Hà có nhiều giai thoại ở Trường Cao Thắng, ngày Thầy đi dạy đầu tiên bị gác dan và Giám Thị không cho Thầy vào trường, Thầy phải nhắn mời Giám Học ra đưa Thầy vào, chỉ vì Thầy đi dạy còn rất trẻ có dáng thư sinh “Trói gà không chặt”, giám thị nghĩ Thầy là học sinh không mặc đồng phục, nên không cho vào trường, từ đó về sau Thầy Hà đi dạy phải thắt cà vạt để cho Giám Thị phân biệt...
 
Thầy Thống dạy xưởng phay, thằng Huệ và tôi trình thầy là máy phay của tụi tôi không chạy, nói thầy đứng ở giữa 2 máy trên vũng nước tính cho điện giựt ổng. Thầy Cảnh dạy xưởng nguội.
 
Người Tây Đức đến dạy nghề tại trường cùng máy móc thiết bị, hệ thống tổ chức cùng cán bộ giảng dạy của họ. Giảng đường A được xây dựng lại trong giai đoạn này. Chúng tôi học tiện trên các máy mới chuyển giao. Thằng Huệ nó cho máy chạy hết tốc lực, tôi sợ nó gẫy trục thì chết cả lũ. Trước khi hết giờ phải ngừng máy và lau chùi máy cùng sàn gạch bông khoảng 20 phút.

Thầy Tới dạy xưởng cơ khí.
 
Việt sử học với thầy “Thì rằng là” vì thầy hay bắt đầu bằng: “Thì rằng là”.

Thầy  Ẩn ở Pháp về dạy hóa học. Khi dạy về nguyên tử Oxy, thầy làm phân tích nước để chứng minh nước có 1 nguyên tử oxy, nhưng thầy run tay châm bật lửa vào vòi cao su làm nó cháy. Thầy nói:
 
- Mấy em coi oxy duy trì sự cháy.

Chúng tôi cãi lại
 
- Đâu có oxy thầy, có cao su cháy thôi.
 
Thằng Vân nói to lên:
 
- Thầy dạy hay thấy mẹ, lảm ổng tưởng nó khen ổng. Tụi tôi bồi thêm “Thầy mở lớp tư cho tụi em học thêm”. Ông tưởng thật đi thuê trường và mở lớp thật, không biết có ai đi học không?

Tụi tôi lên đá banh trên sân Hoa Lư, thằng Toàn nhỏ con đang chạy theo trái banh một mình thì có một anh lớn con ra dành trái banh của nó, tụi tôi kéo xuống tẩn cho nó một trận, nó bị thương, ai dè nó học đệ lục trong trường và thưa với ông hiệu trưởng, thế là chúng tôi phài vào bệnh viện xin lỗi nó.
 
Chúng tôi họp thành nhóm nhỏ đi chơi với nhau là Mỹ Nguyễn, Mỹ Huỳnh, thằng Vĩnh và tôi. Về sau có thằng Vân nhập bọn. Thằng Vĩnh là con chủ nhà hàng SingSing ở đường Phan Đình Phùng là  một quán có tiếng ở Sài Gòn. Chưa hết năm học, nó đã khoe với tụi tôi là nó chuẩn bị sang tây học, làm tôi thầm nghĩ thằng nầy phước lớn vì đi Pháp đối với tôi lúc đó như được lên thiên đường. Nhưng sau cùng nó ở lại Sài Gòn với má nó và tôi có đến trọ nhà nó ở Tân-Định năm 2012.
 
Thầy Thành dạy thể thao năm này trường có trình diễn ở sân Tao Ðàn, có Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chủ tọa. Ngày ấy đủ các trường Gia Long, Trưng Vương, Trương Vĩnh Ký, Chu Văn An ... Thọ An được cử  đi diễn hành đầu đoàn. 

Năm 1961 ông Cao Thanh Đảnh kỹ sư ENSM lảm hiệu trưởng trường thay ông  Phạm Xuân Độ. Giám Học là các ông Minh, Lý Kim Chân, Lê Thanh Vân, Phan Văn Long, Tổng Giám Xưởng có ông Phòng, Phan Văn Mão, Nguyễn Thành Ðức, Tổng Giám Thị có Lê Văn Chịa, Giám Thị có các ông Kim, Luật, Tài, Khoa, Nén, Ái, Ngạc. Sau năm 1964, ông Đảnh được cử làm giam đốc nhà máy xi măng Hà Tiên và thay thế bởi ông Nguyễn Tấn Phát,  kỹ sư ENSM. Ông Đảnh vào làm Caric một thời gian trước khi đi Pháp và có đến Nantes gặp tôi khoảng năm 1980 và tôi có gíup thẩy tìm việc làm vì thầy ở vào tuối khó khăn. Sau đó thầy qua Mỹ với con gái.

Hiệu trưởng Cao Thanh Đảnh và các  thẩy đứng hàng đầu: Thống, X, X, Ẩn, X, Luật, Đảnh, Vân, Nhuần, Long, Đặng, Tước.

Cuối năm nầy tôi đứng đầu lớp vượt qua anh Lưu, và được phần thưởng ưu hạng, tôi mời ba tôi đi dự lễ phát phần thưởng cho người vui lòng.
 
Tôi vốn giỏi kỹ nghệ hoạ nên mấy anh bạn chụp hình vài mẫu vẻ của tôi để làm bùa copier trong kỳ thi trung học.
 
Tháng Tư năm 1961 có mở cuộc bầu cử Tổng thống. Ba liên danh ứng cử viên  là Ngô Đình Diệm-Nguyễn Ngọc Thơ. Nguyễn Đình Quát-Nguyễn Thành Phương  và Hồ Nhật Tân- Nguyễn Thế Truyền. Anh bạn  Hai cứ ngâm rỉ rã trong lớp:

    Diệm cười Quát rủ nàng Phương,
    Tân Truyền một cặp thơ hường giao duyên.

Tôi hỏi nó về nguồn của hai câu nầy, nó nói là ở trong Sấm Trạng Trình, tôi đi tìm đỏ mắt không ra, không biết có phải nó đặt ra hay là vè của các  ứng cử viên
 
Cuối năm, thiếu tá không quân Nguyễn Cao Kỳ đến lớp chúng tôi để kêu gọi chúng tôi gia nhập thợ không quân, thằng Toàn đi thợ máy không quân.
 
Người Tây Đức chuyển về trường kỹ thuật Đức Việt, tức trường Công Nghiệp Thủ Đức, đem theo máy móc thiết bị (họ  tặng cho trường  một số máy cho xưởng cơ khí và xưởng kỹ nghệ sắt).
 
Chúng tôi thi trung học ở trường Thực Nghiệp, bắt đầu bằng môn kỹ nghệ hoạ, ông  Nguyễn Ðược Giám Ðốc nha Kỹ thuật học vụ đến nói với chúng tôi rằng đây là kỳ thi quan trọng không được cọp dê nhau làm mất giá trị bằng cấp đi. Ông vừa quay lưng, anh ngồi trước tôi quay lại lấy compas đo cách bố trí bài vẽ của tôi. Ông  Ðược trông thấy ông nói Anh kia, tôi vừa nói xong mà anh đã cọp dê, nếu tái phạm tôi đuổi anh ra ngoài và cấm thi. Nó chờ ông ta đi khỏi lớp rồi lại tiếp tục. Kỳ thi kỹ thuật học, anh ngồi bên cạnh tôi để cả cuốn sách dưới háng rồi xé toàng toạc để chép bài, cô gác thi trẻ thấy thì đỏ mặt lên nhưng không nói gì vì mắc cở.
 
Tôi thi đậu trung học kỹ thuật chuyên ngành dụng cụ hạng Bình thứ. Như vậy tôi có hy vọng cưới vợ vì trước khi thi mấy anh bạn cứ ngâm ra rả Phi cao đẳng bất thành phu phụ, sau này tôi mới biết đó là bằng trung học.

Ông hiệu trưởng Đảnh mở thêm một lớp đệ tam để cho học sinh đậu trung học kỹ thuật học lên tú tài, ưu tiên cho  học sinh đậu có thứ hạng. Ngày khai trường vào học, tôi nghĩ tới các bạn phải thi kỳ hai không biết còn gặp lại tụi nó không. Chúng tôi quyết định đình công không vào học, buộc ông Đảnh hoặc bỏ lớp hoặc mở ra 5 lớp đệ tam cho tất cả anh em vảo học. Thấy không xong, ông Đảnh mời ông Ðược xuống giải quyết, chúng tôi giữ nguyên lập trường, kết quả ông Ðược cho mở thêm lớp đệ tam cho tất cả  học sinh đậu trung học. Thế là tôi có nghề trong tay và có triễn vọng thi tú tài.
 
Tôi lên đệ tam C năm 1961.
 
Năm này các anh bạn tự cảm thấy là người lớn, vì đã có bằng trung học trong túi, cho nên đi đứng khệnh khạng như anh cả. Đi học thì không bỏ áo vào quần, phù hiệu trường đeo trên lưng quần, mang guốc không đi giầy vào trường, ông Luật trông thấy đuổi mấy anh ra khỏi trường chỉ cho vào khi đúng qui luật của  trường và dặn anh Thọ gác cổng phải tuân thủ qui luật.
 
Lớp tôi có thêm một số trò mới như các bạn thực nghiệp, Trương Quang Lộc từ Nha Trang vào, Phan Tử Hy từ Huế vào, anh nẩy nói tôi là ba nó là tướng ngoài Bắc, còn anh nó là đại tá quân đội VN cộng hòa.
 
Thằng Nhơn và thằng Nghĩa hăng hái hoạt động và hay thì thầm về tướng Hùynh văn Cao ở quân đoàn 4.
 
Thầy Thanh Vân dạy Pháp văn, khoảng 15 phút trứơc khi hết giờ học buổi sáng, mùi sào nấu của quán ăn trong trường bay lên thơm phức, vài anh lừng lững đứng lên nói
 
- Thưa thầy tới giờ chúng em đi ăn cơm và tụi nó đi xuống lầu không xin phép  Thầy Vân. Thầy cũng không rầy rà gì cả. Tôi hỏi  Thầy Vân:
 
- Thầy nói tiếng Pháp thông thường cho tụi em nghe ra sao?
 
- Mình người Việt, ai đi nói  tiếng Pháp, coi kỳ quá. Và thẩy ít khi nói  tiếng Pháp trong lớp.
 
Thầy Hoàng Diệm tu nghiệp từ Hoa Kỳ về dạy Anh văn. Trong lớp, thầy rầy anh em nghịch phá và nói:
 
- Please, raise your hand và Bọn Mỹ gàn lắm, tụi nó đọc Sài gòn mình là Sai gàn, thật là sai và gàn.
 
Thầy là đại úy pháo binh và có một cái sẹo lớn trên cổ, chúng tôi gọi là ông đại úy cà nông cạp.
 
Thầy Nhuần dạy môn Việt sử và Thế Giới sử, lúc nào cũng quần áo chỉnh tề. Thầy thường bắt nộp tập chép bài để chấm điểm chớ không trả bài như các Giáo sư khác. Trường có một buổi lễ rất long trọng, có Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ chủ tọa, Thầy Nhuần  điều khiển chương trình với hai ngôn ngữ Việt, Pháp. Thầy  Lương Thọ Phát, tiến sĩ Văn chương Pháp, đọc bài diễn văn chào mừng quan khách bằng tiếng Pháp.
 
Mấy anh bạn không quan tâm đến môn Sử địa vì không phải lên bảng, tụi nó mượn bài đã chấm điểm, cạo tên đi và tô màu đậm hơn để nộp. Mấy anh ngồi cuối lớp nẩy ra trỏ đo của quý và đánh cá ăn tiền, đám nầy làm ồn ào, Thầy Nhuần trông thấy, thầy bảo:
 
- Ba anh ngồi cuối lớp kia lên bảng lập tức, mau lên.
 
Ba chàng không kịp thu hồi bửu bối, gài nút quần, đỏ mặt vì cố sức lum khum lên bảng, chúng tôi được dịp cười bể bụng. Sau đó tụi nó bị đuổi 15 hôm.
 
Thầy Khiêm dạy toán, người dể dải, có một lần tụi tôi không muốn học, mấy bạn trốn qua lớp bên cạnh, cử tôi ra nói với thầy
 
- Thầy ơi, bữa nay không có ai vô lớp cả.
 
- Vậy à, thôi cho em về.
 
Thầy đi ra, tụi tôi ̣theo sau lưng thầy ra cổng.
 
Anh Thọ gác-dan, hỏi ổng:
 
- Sao thầy bải lớp?
 
- Bửa nay không có học trò.
 
- Tụi nó đi sau lưng thầy kìa.
 
Thầy quay lại thấy tụi tôi, lại vào học như cũ.

Thẩy Đôi dạy xưởng nguội, mấy anh bên Thực nghiệp qua ráp mộng mang cá quá hay, không có kẻ hở, khẻ gỏ với cán dũa thì nó rời nhau ra. Tụi tôi dũa ỳ ạch mà cũng không ráp khí́t. Tụi tôi  đem xuống lò rèn , đốt nóng lên rồi lấy búa nện, cũng không tốt. Tụi bạn chờ Thẩy Đôi chấm xong của bên thực nghiệp bỏ vào tủ khóa lại lỏng lẻo, thừa lúc ổng vắng mặt, kéo cửa tủ ra, lấy pointe à tracer khều mộng rớt xuống dũa bay số đem nộp, chỉ phải bớt điểm vì thiếu bề dầy. Thẩy Đôi thấy tụi tôi tự nhiên dũa hay quá, Thẩy sinh nghi, chấm điểm xong, mở tủ ra thỉ mất một số mộng. Thẩy Đôi tru tréo lên.
 
- Giời ơi, thế này mà đòi học tú tài với kỹ sư. Đi ăn trộm thời có.
 
Thầy Trọng dạy máy dầu cặn, tôi đi học thêm lớp tối của bộ lao động do thầy dạy.

Ngày 1̉1-11-1960, thành phố có vẻ gì nghiêm trọng, lớp đóng cửa. Đài phát thanh đọc nhật lịnh của Ngô tổng thống về cuộc đảo chánh của quân nhẩy dù do Đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu. Tôi đạp xe lên đường Thống Nhất xem tình hình. Lính dù nằm sau các cây lớn nã súng vào dinh Đập Lập, một xe thiết giáp chạy trên đường Công Lý, bắn một tràng đại liên vào dinh thì lãnh một trái rốc két bốc cháy, tôi sợ vạ lây chạy về trường. Tôi không dám báo cho ba tôi biết, vì đã táo bạo đi xem nguy hiểm, vì lính phòng vệ  tổng thống phủ là những xạ thủ.
 
Năm này trường đặt ra các thẻ nhỏ màu xanh đỏ phát cho ba anh đứng đầu sau mỗi môn thi để khuyến khích học trò. Tôi mang về nhà cả đống khoe với ba tôi, vì tôi đứng đầu gần hết các môn học. Thằng Mỹ Huỳnh luôn luôn hạng nhì.
 
Anh em đa số trốn học đi quanh chợ Sàigòn hay chui vào các rạp Rạng Đông, ở đường Pasteur, bên hông trường, Casino Sàigòn nằm trên đường Pasteur, Lê Lợi ở gần ngã tư Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực, Vĩnh Lợi nằm cạnh bệnh viện Sàigòn, đa số anh em thích đi Lê Lợi hơn vì nơi đó có treo chiếc đồng hồ, phía tường bên cạnh màn ảnh, cho nên dễ biết giờ giấc ra về.
 
Trên đường Lê Lợi anh em đi xem sách các nhà sách Lê Phan, Văn Hữu, Khai Trí...  anh nào có tiền ngồi quán Kim Sơn ngay góc Nguyễn Trung Trực Lê Lợi để nhìn nam thanh, nữ tú đi mua sắm, để nhìn ông đi qua bà đi lại , hoặc để rửa mắt  hoặc ra chợ trời hay chợ cũ xem hàng.

Thằng  Vinh và thằng Khải nhập vào nhóm tôi để đi tà tà trên phố  Lê Lợi hay bến Bạch Đằng. Năm nay không phải thi nên các cu cậu đi tán gái, tìm đào. Thằng Vĩnh tán con Phương, sau này là vợ nó. Thằng Vĩnh có máy chụp hình 6x6 Roley, tụi tôi đi chơi và nó chụp nhiều hình làm kỹ niệm.

Thằng Vinh gặp tụi tôi nó ngâm thơ xa xã bài cô gái hái chè và thằng “Phải Gió” như sau:
    Hôm qua em đi hái chè
    Gặp thằng phải gió nó đè em ra
    Lạy ông mà nó chẳng tha
    Nó đem đút cái đầu cha nó vào
    Trời ơi em sướng làm sao ?
    Hễ càng lúc lắc nó càng vào sâu ...
Nó bỏ lững hai câu cuối. Xong nó cười hí hí.
Thằng Đương tán được cô đào, nó nhờ tôi đi đưa thơ tỏ tình. Tới nơi thằng anh con  đào nó tưởng là tôi đến tán em gái nó, nó xùa chó ra cắn làm tôi chạy có cờ.
Cuối năm t̀ôi đứng đầu lớp và ba tôi đi dự lễ phát phần thưởng ở trường tôi. Ba tôi bảo tôi:
- Con ráng học cho bằng Ông Đảnh kỹ sư ENSM.
Tôi vâng dạ cho ổng vui lòng chứ nào có biết ENSM ở đâu, tôi chỉ nghe nói là  Ông Đảnh ở bên Pháp về mà thôi.
Tôi lên lớp đệ nhị A năm 1962, ông Ðảnh xếp những học sinh giỏi vào lớp A, rồi B, rồi C ...Năm này tôi học chung với các bạn giỏi bên các lớp toán A và B. Các đầu lớp đệ tam A là thằng Phên, đệ tam B là thằng Tòng.. Thằng Tòng đi học bằng xe vespa, ngày tất niên nó bận complê và thắt cà vạt như mấy ông thầy. Nó mở ra hội nhiếp ảnh ở trường và được ông Đảnh hổ trợ.
 
Trưởng lớp là Phạm Ngươn Đáng, mà sau này anh em đều gặp mỗi khi về thăm xứ sở, anh Đáng là tay uống bia có hạng.
 
Thầy Hà dạy toán và hình học không gian, khi nói về cố thể hình cầu thầy hỏi:
 
- Các anh có biết làm sao đo đường kính hình cầu không ?
 
- Dễ lắm thầy, để em chứng minh cho thầy coi. Một anh bạn nhanh nhẩu trả lời:
 
Nó móc cái chân cụ lý pied à coulisse ra và cởi nút quần để lôi của quý ra. Ông Hà đỏ mặt nói :
 
- Thôi đừng làm nữa mấy anh biết cả rồi.
 
Thầy Lâm người Bắc dạy Vật lý,  thầy gọi học trò lên bảng:
 
- Cái anh Nguyễn Long Tổn
 
Cả lớp cười ầm lên vì giọng thầy đọc nghe na ná như Cái anh Nguyễn Lông L..
 
Thằng  Hải đứng lên xun xoe nói :
 
- Thưa  thầy con..
 
Chưa hết câu thì thằng Hòa ngồi kế bên tôi đã hét to lên:
 
- Thưa  thầy thằng Hải đòi làm con cặc thầy.
 
-  Em nói gì thế?
 
- Thưa  thầy  thằng  Hải muốn hỏi thầy cái gì.
 
Thằng Hải đỏ mặt ngượng nghịu ngồi xuống. Thằng Hòa đi Biệt động quân và tử trận.
 
Năm này tôi đi trưng binh vì tới tuổi động viên, sức khoẻ họ không khám chỉ bắt tôi tuột quần xà lỏn đi qua cái cửa nhỏ xíu có ông bác sĩ ở trong nhìn. Họ xếp tôi vào hạng chiến đấu ngay. Không biết thằng Vĩnh làm thế nào để được  xếp miễn dịch.
 
Cuối năm này tôi đứng đầu lớp có 39 học sinh và ba tôi đi dự lễ phát phần thưởng.
 
Tôi không biết mực học của chương trình kỹ thuật có bằng bậc phổ thông bên ngoài hay không, nên tôi nộp đơn đi thi tú tài 1 ban toán với thằng em tôi học ở Pétrus Ký. Chúng tôi đi thi trước ngày thi tú tài 1 Kỹ thuật và tôi đậu hạng Bình thứ. Sự kiện này làm tôi phấn khởi, vì sức học mình không kém dân  phổ thông và yên chí đi thi vì đã có một mảnh bằng trong túi. Bài toán của tôi được 20/20 kỹ lục trong các điểm thi của tôi.
 
Ngày thi vấn đáp văn chương với  thầy Bá Tước,  tôi gặp một anh bạn vừa ra, tôi hỏi nó:
 
- Sao anh, ổng hói khó không
 
- Ổng quay tao túi bụi không trả lời được, đề tao cho ổng một bài học cho biết.
 
Nó rút cây búa ra phang bể nát đồng hồ xe vespa của  thầy Bá Tước.
 
Tôi đậu tú tài 1 Kỹ thuật hạng Bình. 
 
Tôi tiếp tục lên lớp đệ nhất A là năm cuối cùng ở trường Cao Thắng.
 
Thầy toán đại số là thầy Viêm, thầy Tần dạy hình học giải tích, thầy Quang dạy vật lý. Các thầy nầy là giảng viên ở đại học khoa học. Thầy Tần và thầy Quang làm giấy chứng nhận về khả năng của tôi để theo học lớp Math Sup bằng tiếng Pháp.
 
Triết Học với thầy Mẫn, Pháp văn có bà thầy người Pháp đến dạy, tôi sợ bả thấy mặt kêu lên bảng trả bài nên tôi hay dấu mặt trong giở bả. thầy Phùng Thịnh dạy Anh văn.
 
Năm này trong lớp tôi có 37 học sinh như An Cao,  An Nguyễn, Hoà, Hải, Đương (Đà Lạt), Khiêm (Đà Lạt), Lộc (Kiến trúc), Lộc Nguyễn, Tòng, Phên, Thu, Việt, Vinh, Nhơn, Nghĩa, Khải, Đức, Bá, Quy, Khôi, Đước, Phụng, Liêm, Phạm Ngươn Đáng trưởng lớp, Phong (Dù), Mỹ Nguyễn, Mỹ Huỳnh, Vĩnh, Lợi, Giờ, Hoàn, Hoàng, Hoạt Trần (Hải quân).


Lớp đệ nhất A 1963 và thầy Hà
Thằng Đương có lẽ làm việc cho ông Luật, cuối năm nó được lảnh phần thường Đạo Đức học đường. Thằng Phụng thích chụp hình với mấy thầy. Hình các thầy với ông Đảnh có mặt nó dấu X. Nó cũng có phần thưởng.

Tháng  6 năm 1963, thượng tọa Thích Quảng Đức đã tự thiêu ở ngã tư Lê Vân Duyệt/ Phan Đình Phùng đế phản đối chính sách bất bình đẳng đối với Phật giáo của Tổng thống Diệm.
 
Tháng 8, ba trăm sinh viên học sinh tổ chức biểu tình tại Công trường Diên Hồng, phía trước chợ Bến Thành trong lúc đang có lệnh giới nghiêm.  Cảnh sát Dã chiến  kéo tới đàn áp và bắn cả vào đám biểu tình. Nữ sinh Quách Thị Trang bị tử thương. Khoảng 200 người bị bắt giữ. Ngay chiều hôm đó Chính quyền Đô thành ra thông cáo rằng các lực lượng an ninh đã được lệnh nổ súng vào bất cứ đám đông nào tụ họp ngoài công lộ mà không xin phép trước.
 
Học sinh các trường Gia Long, Trưng Vương và Võ Trường Toản tổ chức mít tinh bãi khóa. Học sinh Cao Thắng cũng lãng khóa . Tháng Chín  trong tình hình sôi động giữa chính phủ và khối Phật giáo.
 
Ngày 11/11/1963, nhiều xe nhà binh chở lính đổ về trung tâm thành phố, rổi súng nổ vang dội, tôi không ̣đi học và nghe ngóng tỉnh hình qua đài phát thanh của cuộc đảo chánh do các tướng lãnh cầm đầu. Tổng thống Diệm bị lật đổ, thành phố hoang mang và hỗn loạn. Bót Lê văn Ken bên cạnh chợ Bến Thành bị  học sinh Cao Thắng đốt phá ngày 2/11.
 
Hôm sau báo chí có đăng sự tham dự cùa vài học sinh Cao Thắng ngồi trên xe tăng cách mạng làm nổ súng.
 
Cuối năm này tôi đứng đầu lớp và ba tôi đi dự lễ phát phần thưởng. Tôi nộp đơn đi thi tú tài 2 ban toán với em  tôi trước kỳ thi trong Kỹ thuật. Tôi đậu tú tài 2 ban toán B hạng Bình thứ và yên chí để thi phần kỹ thuật.
 
Đề bài thi toán rơi vào phép nghịch đảo, tôi tìm ra giải đáp,  được 18,50/20 và đậu  hạng Ưu cũng là học trò đầu tiên đậu tú tài với thứ hạng này. Tôi được nhà trường cho ghi vào sổ vàng. Thằng Mỹ Huỳnh  đậu hạng bình.
 
Để được hoãn dịch vài năm, tôi và em tôi nộp đơn thi vào nhiều trường đại học năm đó với hy vọng đậu đâu học đó.Tôi đậu thủ khoa vào Kỹ sư công nghệ, Cao đẳng sư phạm kỹ thuật, Cao đẳng nông lâm súc (lâm khoa) và  Đại học sư phạm khoa học toán hạng 6/7. Em tôi đậu thủ khoa Nông lâm súc (súc khoa), nó đậu Đại học sư phạm khoa học toán hạng 2/7. Tôi không học Cao đẳng sư phạm kỹ thuật nên anh Tông đậu dự khuyết vào thay thế. Sau này anh làm Hiệu trưởng trường Nguyễn Trường Tộ.
 
Ba tôi khuyên tôi nên học kỹ sư công nghệ trong Phú thọ vì tôi quen với kỹ thuật rồi. Tôi vào công nghệ học khoảng 1 tháng với mấy bạn kỹ thuật Thiện, Mỹ Huỳnh, Tòng…
 
Mấy tướng lãnh tranh dành quyền lực cứ đảo chánh rồi chỉnh lý lung tung, lại xẩy ra tranh chấp về tôn giáo và phong trào mặt trận giải phóng lớn mạnh. Không có lãnh đạo giỏi, miền nam  hỗn loạn. Quân đội cần thêm nhiều lính, và người Mỹ can thiệp trực tiếp vào chính quyển  trong Nam.  Em  tôi không muốn đi quân lính, nó nộp đơn xin học bổng đi du học và được cấp học bổng bán phần đi Pháp. Thấy thế, ba tôi bảo tôi
 
- Sao con không đi xin học bổng đi du học như  em con.
 
- Con đang học kỹ sư công nghệ thì cần gì học bổng vả lại con đã 19 thì quá tuổi được du học rồi.

Hồi đó chính phủ Tổng thống Diệm chỉ cho đi du học tối đa là 18 tuổi thôi, nhất là bang giao Việt Pháp đang gặp khó khăn.
 
- Con cứ nộp đơn xin, không được thì cứ học ở Phú thọ.
 
Để làm vui lòng ba tôi, tôi  nộp đơn xin  học bổng quốc gia đi du học ở Pháp, tôi  được cấp học bổng toàn phần vì năm đó tôi là học trò duy nhất đậu tú tài hạng ưu trong nước. Sự kiện bất ngờ làm tôi bối rối không biết phải làm sao. Ba tôi thấy xa tình hình trong  nước nên quyết định là tôi phải  đi du học để làm gương cho mấy đứa em, kiếm được lương khá để giúp gia đỉnh và xa chiến tranh.
 
Tôi gửi đơn qua viện Pháp Việt Institut (Franco Vietnamien) ở Paris nhờ ông Meillon nộp đơn cho tôi học Math Sup ở Lycée Du Parc Lyon để thi vào École Centrale. Tôi cũng nộp đơn xin  học lớp dự thi vào ENSM ở Nantes theo ý ba tôi. Tôi chuẩn bị đi du học trong 15 ngày, lo lắng vì không biết tiếng Tây, bận rộn không kịp từ giã bạn bè, thầy cô, họ hàng thân thuộc và báo tin cho trường công nghệ biết. Ngày lên phi cơ chỉ có thằng Đương và ba nó ra tiển tôi ở Tân Sơn Nhất. Tôi gặp anh Bẩy, con chủ nhà hàng Thanh Thế, học Cao thắng trước tôi một năm cùng đi.
 
Tôi đến Paris ngày 4/10/1964, không biết nói tiếng Pháp, viện Pháp Việt không  nộp đơn xin  học Math Sup của tôi, ông Redon phó viện trưởng khuyên tôi ra ghi tên học ở Fac des sciences Paris vì tôi không biết tiếng Pháp. Bên nhà tôi đang học công nghệ, không lẽ qua đây học đại học khoa học thì đi làm gì? Tôi nóí với ổng rằng tôi có ghi tên ở ENSM. Ông ta nói:
 
- Anh xuống Nantes học tốt hơn vì anh không biết nói  tiếng Pháp.
 
Đến Nantes tôi gặp lại các anh em Cao Thắng cũng đi học lớp thi vào ENSM  thằng Luân con ông Luật, thằng Tòng (kỹ sư ENSM) , thằng Mỹ Huỳnh (Dut Angers).
 
Năm 1993 trường ENSM đề cử tôi đi làm hội thảo về cơ khí ở Đại học bách khoa Đà Nẵng. Tôi về lại Sài gòn bây giờ là thành phố Hồ chí Minh và gặp lại các bạn cũ Đán, Minh Trần, Lộc Huỳnh, anh Á là anh thằng Việt. Tôi về thăm trường cũ, được thầy hiệu trưởng Võ Hồng Thái, Kỹ sư ô-tô, cùng với thầy Lâm trưởng phòng đào tạo dẫn đi viếng trường. Thiết bị và các nhà học không có gì thay đổi. Sau đó tôi gửi về tặng trường một động cơ xe Peugeot đương đại để các em học tập trên cơ khí mới. Sau tôi còn tặng 5 máy vi tính IBM 384 cho  trường.

Năm 2011 tôi dẫn các cháu về thăm  trường đang chuẩn bị lên cấp Cao đẳng. Trường được xây cất lại phòng học, cơ xưởng, trừ lầu đồng hồ được giữ nguyên để làm phòng truyền thống của trường. Thầy hiệu phó Lê Xuân Lâm hướng dẫn tôi và gia đình thăm phòng này và cho chúng tôi biết là chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Ðức Thắng và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đều là cựu  học sinh  trường. Ông Tôn Thọ Khương cựu học sinh khóa 1947-49 là trưởng lớp của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Chơn, Chung Tấn Cang. Tổng Thống Thiệu gặp thầy cũ Lý Kim Chân  làm Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ , thì lễ phép, chấp tay cúi đầu chào, người ta chỉ biết học sinh Cao Thắng dao búa, ít ai biết rằng họ rất lễ phép với Thầy mình.
 
Tôi học Cao thắng 7 năm và giữ mãi những kỹ niệm trên về thầy và bạn, đây là những năm quan trọng trong đời tôi. Tôi hoàn thành điều mong ước của ba tôi là ra kỹ sư ENSM và học đến Tiến sĩ vật lý vật liệu năm 1974 với mong ước đem ít kinh nghiệm về gíúp đàn em. Nhưng vẫn chưa bằng thầy Đảnh vì tôi chưa làm việc cho trường cũ. Tôi đi du học cũng nhờ tú tài kỹ thuật, những câu nói của thầy Hà, thầy Long, thầy Kiệt, thầy Bá Tước …cho tôi những kinh nghiệm sống thực tế và tình tương trợ của bạn học.

Nguyễn Mạnh Hoạt (chs 1957-1963)

Nguồn: http://ahvinhnghiem.org/CaoThang/ThoiToiHocCaoThang.html

Cảm ơn tác giả và huynh trưởng Huỳnh Ái Tông đã trích đăng hồi ký.

Ghi chú: 
Xem ảnh nhân " Kỷ niệm 110 năm ngày thành lập trường Cao Thắng 1906-2016"
link: http://hieushareallfiles.blogspot.com/2016/04/hop-mat-nhan-dip-ky-niem-110-nam-thanh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét