Nghề cá Mekong nuôi sống Đông Nam Á
Sông Mekong cung cấp ngành công nghiệp cá nội địa lớn nhất thế giới. Theo Ủy ban sông Mekong, xấp xỉ 2,6 triệu tấn cá hoang dã và những nguồn tài nguyên thủy sinh khác được thu hoạch mỗi năm, đạt giá trị ít nhất 2 tỉ USD. Nếu tính về ngành công nghiệp thứ cấp, như chế biến và tiêu thụ cá, tổng giá trị kinh tế của nghề cá Mekong vào khoảng 5,6 - 9,4 tỉ USD/năm - đóng góp đáng kế vào kinh tế khu vực.
Nghề cá không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng cho ngư dân địa phương (với rất nhiều người thuộc diện nghèo nhất của khu vực) mà còn có ý nghĩa sống còn trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Thu nhập của hàng triệu ngư dân sống dọc theo dòng chảy của sông Mekong và các nhánh sông chính sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi việc đánh bắt cá sụt giảm. Khoảng 70% cá đánh bắt thương mại của sông Mekong là loài di cư khoảng cách xa. Việc xây dựng hệ thống đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong sẽ ngăn chặn con đường di cư này. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các ảnh hưởng này khó có thể dùng công nghệ để giảm bớt.
Công nghệ “tạo hành lang” di cư cho cá hiện nay không thể đáp ứng được lượng di cư khổng lồ - có thể đạt tới 3 triệu con/giờ vào thời kỳ đỉnh điểm. Và, tính đa dạng trong các cách thức di cư là đặc tính của hàng trăm loài cá Mekong.
Ảnh hưởng từ các đập thuỷ điện trên sông Mekong sẽ là cái giá rất lớn với sức khoẻ, dinh dưỡng và an ninh lương thực của con người. Hơn một nửa tiêu thụ đạm động vật của 60 triệu người hạ lưu Mekong đến từ công nghiệp cá của sông.
Nghề cá sông Mekong không chỉ nuôi dưỡng các cộng đồng người sống dọc theo con sông, mà cung cấp thực phẩm cho cả người dân ở những thành phố, thị trấn lớn. Việc sụt giảm trong số lượng đánh bắt cá sẽ giảm bớt lượng cá cung cấp cho thị trường, dẫn tới tình trạng khan hiếm và giá cả tăng cao, và cuối cùng là mức tiêu thụ cá xuống thấp.
Các gia đình nghèo hơn sẽ đặc biệt khó khăn. Thay thế nguồn đạm từ cá hiện tại bằng các nguồn protein khác sẽ đắt đỏ hơn nhiều và đó là một thách thức trong tiêu dùng gia đình.
Khi nguồn đạm từ cá là trung tâm dinh dưỡng cho con người tại khu vực Mekong thì việc giảm sụt lượng đánh bắt sẽ làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng, vốn luôn là vấn đề lớn tại một số vùng trong khu vực. Do vây, sức khoẻ con người sẽ bị giảm sút, tình trạng ốm đau bệnh tật trở nên phổ biến hơn, khả năng học tập tiếp thu kiến thức giảm, khả năng sản xuất hộ gia đình giảm, nghèo nàn trở nên trầm trọng hơn.
Cuối cùng, vì những ảnh hưởng tiềm tàng với an ninh lương thực, dinh dưỡng và sức khoẻ con người, xây dựng các đập thuỷ điện trên dòng Mekong có thể đẩy lùi nỗ lực của chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc xoá đói giảm nghèo, đạt những mục tiêu Thiên niên kỷ.
Trả giá
Ngoài những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nghề cá và an ninh lương thực khu vực, còn có rất nhiều tác động khác được báo trước nếu hệ thống đập thuỷ điện tiếp tục xây dựng trên sông.
Theo ước tính chính thức, tổng cộng các đập sẽ tạo ra khoảng 600km hồ chứa nước dọc sông Mekong, đòi hỏi việc tái định cư cho 88.000 người. Có một thực tế buồn ở khu vực Mekong là, cuộc sống của những người phải thay đổi chỗ ở vì các dự án thuỷ điện trở nên tồi tệ hơn sau tái định cư.
Tính đa dạng hoá môi trường sinh thái dưới nước của Mekong chỉ đứng thứ hai sau Amazon, sẽ bị đe doạ. Một số loài cá di cư bị ảnh hưởng bởi hệ thống đập là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài ăn thịt. Những loài này là trung tâm của sự ổn định và khả năng sinh sản của toàn bộ hệ thống sinh thái sông Mekong. Tổn thất của chúng cũng là hậu quả không thể lường trước được với hệ sinh thái.
Đập thuỷ điện cũng sẽ đẩy một số loài cá đang ở mức nguy hiểm như cá heo Irrawaddy và cá da trơn khổng lồ Mekong tới bờ vực tuyệt chủng, mất đi hệ sinh thái dồi dào này sẽ là một thảm hoạ mang tính toàn cầu.
Đập thủy điện cũng phá vỡ tính thuỷ học đồng thời ngăn chặn sự chuyên chở trầm tích giàu dinh dưỡng của sông. Những trầm tích này là phân bón tự nhiên bồi đắp hai bờ sông, những cánh đồng lúa bát ngát phì nhiêu trải dài khắp tiểu vùng, bồi đắp đất trồng và giảm thiểu sử dụng phân bón nhân tạo đắt tiền.
Trung Quốc có kế hoạch xây dựng tám đập thuỷ điện ở thượng nguồn Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương)... Tới thời điểm này, ba dự án đã hoàn thành. Dự án thứ tư, cũng là một trong những công trình thuỷ điện lớn nhất đại lục từ trước tới nay - đập Tiểu Loan - bắt đầu đưa nước vào hồ chứa, và có ít nhất hai dự án khác đang trong quá trình xây dựng.
Những dự án này sẽ thay đổi căn bản chu kỳ khô hạn - lũ lụt tự nhiên của sông Mekong, ngăn chặn vận chuyển trầm tích, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sinh kế của hàng triệu người dân vùng hạ nguồn tại Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Những tác động tới mực nước và nghề cá đã được ghi chép lại tại khu vực biên giới Thái Lan - Lào. Bất chấp như vậy, tiến trình xây dựng đập thuỷ điện vẫn diễn ra mà không hề có sự tham vấn của bất kỳ quốc gia vùng hạ nguồn nào nào, cũng như không có một đánh giá hoàn chỉnh về tác động của đập tới con sông và con người sống dọc theo sông.
Đập nước phá tan những giá trị văn hóa
Nhịp điệu bất tận của chu kỳ nước lớn, nước ròng Mekong nghìn đời nay đã nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho mọi người dân trong khu vực.
Con sông đem lại những nền tảng của cuộc sống cho cả người dân nông thôn hay thành thị, nó nuôi dưỡng những giá trị văn hoá, chuẩn mực truyền thống, truyền cảm hứng vào âm nhạc, điệu múa, ca khúc, ẩm thực, nghề thủ công và đời sống tâm linh, tạo nên bức tranh đời sống đa sắc màu của cả một vùng.
Dọc theo con sông, những lễ hội truyền thống, văn hoá đã ăn sâu vào tiềm thức người dân tiểu vùng. Ví dụ như Campuchia có “lễ hội nước” nổi tiếng vào tháng 11, khi sông vào mùa cạn.
Sông cũng là nguồn cảm hứng của văn hoá dân gian, của những truyền thuyết bao đời như Lễ hội Thần rắn thu hút hàng nghìn người tham gia tại Lào và Thái Lan nói về vị thần huyền bí từ sông.
Nếu ngôi nhà sông huyền thoại của thần rắn trở thành những cái hồ lặng sóng vì đập thuỷ điện, thì tâm linh người dân sẽ đi về đâu?
Văn hoá đa dạng và giàu bản sắc của khu vực cũng tạo ra thị trường hấp dẫn cho du lịch sinh thái, nhưng đập thuỷ điện đã đe doạ những điểm nóng du lịch ấy. Thúc đẩy du lịch là chính sách chung của tất cả chính phủ dọc khu vực Mekong. Tại Siphandone, phía nam Lào, cá heo Irrawaddy và thác Khone Phapheng trở thành điểm du lịch quốc gia, nhưng cũng trở nên mong manh với đập Don Sahong.
Còn ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan, đập Ban Koum đã đe doạ nhấn chìm “moonscape of the Mekong”, một quang cảnh tự nhiên kỳ bí được tạo nên từ hơn 3.000 lỗ chạm khắc vào đá bởi chính dòng sông Mẹ.
Giải pháp năng lượng
May mắn thay, cuộc cách mạng năng lượng hiện tại trên toàn cầu đã minh chứng rằng, có rất nhiều chọn lựa mới để đáp ứng nhu cầu điện. Việc phá sông làm đập trở thành thứ công nghệ lỗi thời.
Phnom Penh đã thông qua chính sách năng lượng quốc gia, khuyến khích đầu tư và công nhệ năng lượng mới. Các chính phủ Mekong có thể sẽ bước qua kỷ nguyên những năm 1950 của những con đập lớn và bắt đầu hướng tới sự phát triển ổn định, xây dựng nền kinh tế hiện đại mà không ảnh hưởng tới lợi ích của các sông mang lại.
Suốt hai thập niên qua, quan ngại về những kế hoạch xây dựng đập nước lớn khắp vùng Mekong ngày một gia tăng. Ngày 14/3/2009, Liên minh Cứu Mekong đã bắt đầu một chiến dịch mới bảo vệ sông Mekong.
Đây là một mạng lưới gồm các nhóm hoạt động xã hội, các nhà học giả, báo chí, hiệp hội ngư dân, ngôn dân, những người dân bình thường từ các nước Mekong và cộng đồng quốc tế… sẽ làm việc cùng nhau để bảo vệ sông Mẹ, tài nguyên của sông và sinh kế của người dân.
Kể từ khi bắt đầu, Liên minh cứu Mekong đã thu thập được hơn 16.000 chữ ký của những người dân các nước Mekong và khắp thế giới, thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị khu vực “giải phóng” dòng chảy của sông và theo đuổi chọn lực cung cấp điện ít tổn thất hơn.
Ghi chú:
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 ki lô mét, diện tích lưu vực 795.000 ki lô mét vuông, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 mét khối/giây và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ mét khối tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của sáu quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Tám công trình thủy điện chính trên sông Mekong nằm trong lảnh thổ Trung Quốc đã và đang xây dựng gồm:
- Đập thủy điện Cống Quả Kiều cao 105 mét, theo kế hoạch trữ nước vào tháng 6-2011.
- Đập thủy điện Tiểu Loan (Xiaowan) cao 292 mét, công suất 4.200 MW,đã đưa vào hoạt động tháng 10-2009. Đây là đập lớn thứ hai sau đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử.
- Đập Mãn Loan (Man Wan) cao 132 mét, dung tích 920 triệu mét khối, công suất 1.500 MW hoàn thành 1993.
- Đập Đại Triều Sơn (Dachaoshan) cao 118 mét, dung tích 940 triệu mét khối, công suất 1.350 MW hoàn thành cuối năm 2003.
- Đập Cảnh Hồng (Jinghong) cao 108 mét, công suất 1.500 MW hoàn thành 2009.
Ngoài ra, còn ba đập khác nằm ở đoạn hạ lưu sông Mekong (Trung Quốc gọi là “Lan Cang”) đang trong quá trình xây dựng là:
- Đập Nọa Trát Độ (Nouzhadu),
- Đập Cảm Lâm
- Đập Mãnh Tống.
Tổng hợp từ Internet
Đọc thêm: Nông dân Việt Nam phập phồng trước số phận sông Mẹ
website stat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét