Phóng viên VietNamNet đã có 10 ngày lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa cùng ngư dân với lời dặn trước khi xuất phát: Nếu bị tàu Trung Quốc rượt đuổi có thể phải huỷ máy ảnh, máy tính mang theo xuống biển và bị bắt giữ thì tự chịu trách nhiệm. Khi phóng viên vừa về đất liền thì nhận được tin chiếc tàu cùng đoàn bị tàu Trung Quốc bắt.
Để giúp độc giả hiểu cuộc sống và sự quật cường của ngư dân nơi vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi xin đăng tải loạt phóng sự “Tường trình từ vùng biển Hoàng Sa” với những hình ảnh, câu chuyện nóng hổi phóng viên vừa mang về.
Trước khi đăng tải loạt bài, chúng tôi - Những người làm báo VietNamNet xin được chân thành cảm ơn bà con ngư dân hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Đặc biệt là hai thuyền trưởng, kiêm chủ tàu Nguyễn Thanh Tuấn và Tiêu Viết Hồng (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã từng đùm bọc, chở che, giúp đở, chia sẽ từng giọt nước, miếng cơm trong những ngày chúng tôi lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa.
Kỳ I: Vượt biển ra Hoàng Sa
- Qua nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi được một chủ tàu chấp nhận cho làm ngư dân “không số” lên tàu đánh bắt xa bờ ra Hoàng Sa với điều kiện là chuẩn bị tinh thần chịu đựng gian khổ và hiểm nguy. Nếu bị tàu Trung Quốc rượt đuổi có thể phải huỷ máy ảnh, máy tính mang theo xuống biển và bị bắt giữ thì tự chịu trách nhiệm.
Tôi chấp nhận tất cả và âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi đầy hiểm nguy này! Bất chợt tôi nhớ câu thơ mà một lão ngư dân đọc cho tôi nghe khi hỏi chuyện về Hoàng Sa nơi Âm Linh Tự trong một sáng đầu xuân ở huyện đảo Lý Sơn: “Hoàng sa, trời nước mênh mông; Người đi thì có, người về thì không…” mà lòng tôi quặn thắt cho số phận những ngư dân ngày đêm mưu sinh trên vùng biển Hoàng Sa. Rất nhiều những chàng trai ra đi mãi mãi không về, thân xác họ vùi dưới lòng biển sâu bởi bão tố cuồng phong nhấn chìm…
Hơn 50 giờ ra Hoàng Sa
Để chuẩn bị cho chuyến đi “lành ít, dữ nhiều” này, tôi không còn thời gian để suy nghĩ cho riêng mình. Chỉ biết rằng, chuyến đi sinh tử ra Hoàng Sa ấy là niềm khao khát cháy bỏng nhiều năm tôi mơ một lần được nhìn thấy vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc sau hơn 36 năm nằm trong tay của ngoại bang bây giờ sẽ như thế nào. Số phận mong manh của những ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ thu tàu trắng tay lên bờ mà tôi đã từng gặp, họ đã sống và mưu sinh nơi vùng biển này ra sao?
Bỏ lại phía sau phố phường tấp nập, với bao trăn trở suy tư của cuộc sống đời thường, tôi khoát bộ đồ lao động trở thành ngư dân “không số” lên chiếc tàu đánh bắt xa bờ 120 CV mang số hiệu Qng-95…TS của một ngư dân Quảng Ngãi rời cảng Sa Kỳ trong một sáng giữa tháng 3 ra vùng biển Hoàng Sa trong sự can ngăn, lo lắng của bạn bè và người thân.
Trên con tàu công suất 120 CV nhỏ bé, tổng cộng 12 thuyền viên. Tôi là “thuyền viên không số” thứ 13 không tính thuyền trưởng, kiêm chủ tàu. Hình như con số 13 không may mắn với người phương tây. Nhưng với bà con ngư dân thì họ chẳn hề suy nghĩ.
Vị thuyền trưởng, kiêm chủ tàu đồng ý cho tôi đi theo bảo rằng: “Có thể tàu chật, nhưng tấm lòng anh em tụi tui không chật. Chỉ mong anh cố mà chịu đựng gian khổ, chia sẽ cùng anh em. Có phước cùng hưởng, có hoạ cùng chia…” Tôi hiểu lời trấn an ấy. Bởi ra khơi, thì mặt biển mênh mông ấy là không bến bờ. Không có bất cứ thước kẻ nào vạch được cái đường biên hình học duy lý lên bề mặt của đại dương biển cả. Chỉ có tình thương yêu bọc đùm, tạo thành một khối mới có thể vượt qua những bất trắc hiểm nguy nơi mặt đại dương hoang dại
Chuyến ra Hoàng Sa âm thầm ấy, tôi đã mang nặng bao tấm lòng ân nghĩa của bà con ngư dân nơi vùng biển khó nghèo này giành cho tôi. Nhiều ngư dân tôi gặp nơi cảng Sa Kỳ, tất cả đều ái ngại khi biết tôi ra Hoàng Sa không phải để đi chơi hay đánh bắt mà là chuyến đi sinh tử đánh cược số phận cho rủi may để thực hiện thiên chức của người làm báo tôn trọng sự thật.
Nhiều ngư dân khi biết tôi quyết định ra Hoàng Sa đầy hiểm nguy thì ái ngại. Họ bảo rằng, nếu ra Hoàng Sa thì tôi là người “ngoại đạo” đầu tiên đến vùng biển đảo đầy hiểm nguy này. Tất nhiên, ai gặp tôi cũng đều tay bắt với lời cầu chúc an lành. Nhiều người trong số họ còn làm phép cầu phúc lành cho tôi một chuyến đi dữ ít lành nhiều. Thú thực, lòng tôi rưng rưng khi những tấm lòng bao dung của bà con ngư dân nơi vùng biển này giành cho tôi-Một đứa con không phải của biển!
Hành trình hơn 50 giờ đồng hồ với khoản thời gian tính của bà con ngư dân là hơn 2 ngày 2 đêm ra Hoàng Sa. Trong chuyến hải hành gian nan và hiểm nguy ấy, khi tận mắt chứng kiến cảnh lão ngư dân, kiêm thuyền trưởng trên tàu đưa tôi ra Hoàng Sa đã hai lần dừng tàu trước khi ra cửa biển để lễ vật khấn vái ơn trên phù hộ độ trì cho chuyến ra khơi. Tôi mới thấy hết những hiểm nguy rập rình, mà chổ dựa của những ngư dân nghèo này không nơi bấu víu. Họ chỉ tin vào thế giới tâm linh như sức mạnh nhiệm màu giúp họ vượt qua tai ương của biển cả luôn rập rình ngoài vùng biển Hoàng Sa!
Lời cầu khẩn trước biển của lão ngư dân thuyền trưởng Nguyễn T.T trong buổi sáng ra khơi đã phải 2 lần quay đầu tàu hướng về đất mẹ để cầu khẩn nghe sao mà thắt lòng. Thú thật, lòng tôi đau nhói khi những lời cầu khấn của bao số phận ngư dân gửi gắm đức tin vào một đấng linh thiêng vô hình nào đó của biển, của đất trời. Họ cầu cho những đứa con từng cưỡi sóng đạp gió ra khơi được an lành, mà lòng tôi tự hỏi có ngư dân nào trước khi ra biển không lễ lạt thành khẩn gửi lòng tin vào tâm linh?!
Bài học đầu tiên khi ra Hoàng sa
Vượt qua vùng biển Lý Sơn chừng 70 hải lý, biển mênh mông không một bóng tàu qua lại. Con tàu nhỏ bé như một chiếc lá trôi bập bềnh giữa biển bao la. Thế giới nhỏ bây giờ của tôi với 12 thuyền viên trên tàu là 6 m2 làm nơi ăn, ngủ, nghỉ. Diện tích khiêm tốn còn lại giành cho chứa dầu và lương thực, nước uống.
Tài công N. V. A., người đã có hơn 17 năm bám vùng biển Hoàng Sa thấy tôi sốt ruột bảo rằng: Phía trước là Hoàng Sa, người ra biển không được nóng vội. Cho dù có gặp bất trắc cũng phải bình tỉnh để đối mặt. Đó là bài học đầu tiên trong đời làm báo tôi học được trong chuyến ra Hoàng Sa lần này.
Mênh mông biển Hoàng Sa.
Những ngày lênh đênh trên biển, tôi đã nhận ra tấm lòng bao dung rộng như biển cả của bao ngư dân tôi gặp. Họ sẵn sàng chấp nhận những hiểm nguy về phía mình để cho anh em đồng đội được bình yên. Lão thuyền trưởng Nguyễn T.T. đã từng bảo với tôi rằng: “Sống giữa biển cả nguy hiểm này, nếu không thương yêu đùm bọc nhau thì khó lòng mà vượt qua những tai ương rập rình phía trước. Tình đoàn kết, lòng yêu thương nhau là điều thiêng liêng nhất mà mỗi thuyền viên trên tàu tâm niệm…”
Đêm ngày thứ 2, khi con tàu đi ngang qua đảo Phú Lâm, Tri Tôn, là những hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm giữ của Việt Nam hơn 36 năm qua. Đứng nhìn từ xa trong màn đêm đen dày đặc giữa biển, mắt tôi chỉ thấy quầng sáng và ánh đèn nhấp nháy của đèn tín hiệu mà ngực tôi như nghẹn lại và lòng đau quặn thắt. Bởi vùng đất thiêng ấy đã thấm đẫm bao máu, mồ hôi, nước mắt của cha ông mấy trăm năm trước bỏ công khai phá bây giờ đang nằm trong tay ngoại bang.
Đi ngang qua những hòn đảo, một phần đất máu thịt của tổ quốc, nhưng tôi không được đặt chân đến. Con tàu cứ thế chầm chậm trôi đi trong bóng đêm dày đặc. Tất cả đèn trên tàu đều được tắt, âm thanh duy nhất chỉ là tiếng máy nổ của chiếc tàu bị sóng biển ầm ào nuốt chửng. Ngồi trong ca bin tàu cùng với tài công N.V.A, mắt tôi đăm đắm nhìn về hướng đảo Tri Tôn chỉ nhận ra ánh đèn đỏ chớp nháy liên hồi.
Tài công N.V.A thở dài bảo với tôi rằng: “Mỗi lần tàu đánh cá của bà con mình ra vùng biển Hoàng Sa, khi đi qua các đảo đều phải chọn ban đêm, không dám đi ban ngày vì sợ tàu tuần tra Trung Quốc phát hiện rượt bắt. Mỗi lần đi ngang qua đây, tụi tui đau lắm. Không biết đến bao giờ mới hết cảnh khổ đi qua vùng đất của tổ quốc mà không dám ngước nhìn. Hỏi răng không đau được…”
Có ra Hoàng Sa, được nghe bà con ngư dân kể lại nổi gian khó nhọc nhằng những ngày bám biển, mới thấm hết được cái giá mà ông cha ta đã trả để bảo vệ. Giờ đây, cho dù phần đất thiêng liêng ấy vẫn còn trong tay của ngoại bang. Nhưng tất cả những ngư dân ngày đêm bám nơi vùng biển này vẫn luôn tự hào về quá khứ hào hùng của cha ông mấy trăm năm trước. Tất cả họ đều mơ đến một ngày không xa, Hoàng Sa, mãnh đất thiêng ấy không còn trong tay ngoại bang.
Suốt chuyến hải hành khi tàu chúng tôi đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa, bắt đầu đi ngang qua đảo Phú Lâm, xuống Hai Trụ, Tri Tôn về đảo Bom Bay được ngư dân mệnh danh là vùng biển “tử thần” hay vùng biển “chết”. Bởi nơi vùng biển này chỉ tính trong hơn 10 năm qua đã có hàng trăm tàu của ngư dân Việt Nam chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt tại đây bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp tàu và đòi tiền chuộc. Thậm chí nhiều người bỏ mạng, bị thương vì bị lính Trung Quốc nổ súng bắn…
Kỳ 2: Nín thở đi qua vùng biển 'tử thần'
- Suốt chuyến hải hành khi tàu chúng tôi đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa, bắt đầu đi ngang qua đảo Phú Lâm, xuống Hai Trụ, Tri Tôn về đảo Bom Bay được ngư dân mệnh danh là vùng biển “tử thần” hay vùng biển “chết”.
Bởi nơi vùng biển này chỉ tính trong hơn 10 năm qua đã có hàng trăm tàu của ngư dân Việt Nam chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt tại đây bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp tàu và đòi tiền chuộc. Thậm chí nhiều người bỏ mạng, bị thương….
Đi qua vùng biển “tử thần”
Trước khi tàu bắt đầu chạy qua vùng biển đảo Phú Lâm, tôi được lệnh của thuyền trưởng Nguyễn T.T. yêu cầu đem toàn bộ máy móc bọc vào túi ni-lon cột chặt đưa cất giấu dưới hầm tàu để đề phòng khi tàu Trung Quốc phát hiện bắt giữ .
Thuyền trưởng T. bảo: “Nếu không may bị tàu TQ bắt giữ, phát hiện anh đem theo máy ảnh, chắc chắn anh khó có đường trở về. Vì vậy, trường hợp xấu nhất, có thể phải vứt bỏ toàn bộ máy móc anh mang theo xuống biển, nếu như anh muốn bảo toàn mạng sống để trở về…”
Không biết thực hư lời cảnh báo đó như thế nào. Nhưng trong hơn 10 giờ tàu chạy trong bóng đêm qua vùng biển được bà con ngư dân mệnh danh là vùng biển “tử thần” hay vùng biển “chết” này, toàn bộ đèn trên tàu được lệnh tắt. Chỉ còn bóng điện nhỏ đủ soi sáng chiếc la bàn đặt trước bánh lái cho tài công định hướng chạy tàu giữa đêm đen trên biển.
Trên gương mặt thuyền trưởng Nguyễn T.T lộ rõ vẻ căn thẳng, mắt luôn quan sát phía trước và hai bên. Thuyền trưởng T. kể: Hơn 22 năm bám vùng biển Hoàng Sa từ những ngày còn là ngư dân đi bạn đến khi sắm tàu, anh thuộc vùng biển này như lòng bàn tay và nhận biết ánh đèn của các tàu.
Đâu là tàu đánh bắt của ngư dân Việt Nam, đâu là tàu quân sự, tàu tuần tra của Trung Quốc. Trừ trường hợp tàu tuần tra của Trung Quốc bất thần xuất hiện thì bó tay. Nếu phát hiện từ xa, thì còn có cơ may chạy thoát.
Chỉ tính trong hơn 10 năm qua đã có hàng trăm tàu của ngư dân Việt Nam, chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt tại đây bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp tàu và đòi tiền chuộc. Thậm chí nhiều người bỏ mạng, bị thương….
Nơi vùng biển “tử thần” này, chỉ mới hôm ngày 23-3, khi trên đường từ Hoàng Sa trở về, tôi lại nhận được tin tàu của ông Tiêu Viết Là, một tàu đánh bắt công suất 70 CV mang số hiệu Qng-50362 mà tôi đã gặp nơi vùng biển Hoàng Sa cùng 12 thuyền viên trên tàu đang đánh bắt cách đảo Phú Lâm khoảng chừng 4 hải lý đã bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ đòi khoảng tiền chuộc hơn 150 triệu đồng.
Tôi vuốt ngực, ơn trời tôi đã gặp may. Nếu hôm 22-3, tôi ở lại trên chiếc tàu ấy, chắc giờ này đã trở thành “con tin” bị Trung Quốc bắt giữ nơi đảo Phú Lâm.
Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện mà ông Là kể cho tôi nghe hoàn cảnh khi ông đã 2 lần trắng tay vì bị Trung Quốc bắt giữ thu tàu. Sự đời người ta bảo”họa bất hoá tam”, nhưng với ông, lần bị bắt này là thứ 3 trong vòng hơn 5 năm qua.
Ông kể: 2 lần trắng tay trở về, rồi đi bạn làm thuê không đủ nuôi vợ con 7 người trên bờ. Đánh liều ông vay tiền mua tàu và ra Hoàng Sa. Lần này thì ông cùng 11 thuyền viên tiếp tục bị bắt, thu tàu, đòi tiền chuộc với số tiền vượt ngoài khả năng của một ngư dân nghèo.
“Việc ngư dân Việt Nam đi ngang hay đánh bắt tại khu vực đảo Phú Lâm, Tri Tôn thường xuyên bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ thu tàu xảy ra như cơm bữa trong những năm gần đây. Bởi Trung Quốc không muốn sự có mặt thường xuyên của ngư dân Việt Nam tại vùng biển này. Nhưng đây là vùng biển chủ quyền của Việt Nam, việc Trung Quốc bắt giữ tàu đòi tiền chuộc là vô lý…”, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn nói.
Đó là chưa kể hàng trăm tàu khác với hàng trăm ngư dân phải bỏ mình nơi vùng biển này vì bão tố.
Chỉ tính riêng trận bão Chan Chu hồi tháng 5-2006, đã có hơn 158 ngư dân tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng bỏ mình khi đánh bắt tại khu vực biẻn Hoàng Sa bị cơn bão Chan Chu nhấn chìm.
Hơn 10 giờ nghẹt thở
Suốt chuyến hải hành chạy ngang vùng biển đảo Phú Lâm, Tri Tôn đến vùng biển đảo Bom Bay phải mất hơn 10 giờ tàu chạy trong bóng đêm.
Thuyền Trưởng Nguyễn T.T bảo với tôi rằng: “Đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ. Cách đây chừng 10 năm, vùng biển này còn là vùng biển chung, tàu đánh bắt các nước trong khu vực cùng đánh bắt quanh các đảo. Nhưng không hiểu tại sao, mấy năm gần đây Trung Quốc lại tăng cường tuần tra, không cho tàu các nước đánh bắt, muốn độc chiếm khu vực biển Hoàng Sa và không muốn sự xuất hiện của ngư dân Viẹt Nam, nên thường xuyên bắt giữ thu tàu…”.
Còn thuyền trưởng Trương Minh Quang thì bảo rằng, anh đã có hơn 22 năm bám nơi vùng biển Hoàng Sa. Những năm trước, khi đánh bắt cũng như đi qua vùng biển này vào ban ngày đều bình yên. thường xuyên gặp tàu Trung Quốc tuần tra, không hề bị xua đuổi hay bắt bớ. Nhưng không hiểu vì sao độ chừng 5 năm trở lại đây, tàu quân sự và kiểm ngư của Trung Quốc lại có những động thái bắt giữ tàu đánh bắt của bà con ngư dân Việt Nam.
Đến 1 giờ sáng đêm ngày thứ 3, tàu chúng tôi đã vượt qua vùng biển “tử thần” nằm sát đảo Phú Lâm chừng 10 hải lý. Vùng biển đảo chìm Bom Bay hiện ra trong màn đêm. Theo tay chỉ của thuyền trưởng T., đảo chìm Bom Bay hiện ra giữa mênh mông biển cả chỉ xác định qua ánh đèn hiệu nhấp nháy được Trung Quốc cho xây dựng trên đảo này.
Đây là đảo không có lực lượng quân sự Trung Quốc đóng giữ. Nhưng theo thuyền trưởng T. cho biết, thỉnh thoảng tàu quân sự và tàu kiểm ngư Trung Quốc vẫn thường xuyên tuần tra tại khu vực này. Nhiều tàu đánh bắt của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị bắt giữ.
Tuy nhiên, vùng biển quanh đảo Bom Bay vẫn là ngư trường tương đối an toàn cho bà con ngư dân đánh bắt vào ban đêm. Đặc biệt là nghề lặn biển săn tìm hải sâm, tôm hùm và các loài cá quí nhiều vô kể nơi các rạn san hô quanh đảo.
Điểm quyết định dừng tàu để chuẩn bị đánh bắt lúc 1 giờ sáng ngày thứ 3 sau chuyến ra Hoàng Sa được thuyền trưởng T. xác định là cách đảo Bom Bay chừng 2 hải lý nằm ở toạ độ 16 độ 03-447N và 112 độ 26-854E thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Cả rạn san hô quanh khu vực đảo Bom Bay kéo dài hơn 12 hải lý là ngư trường tốt nhất cho nghề lặn biển vào ban đêm của ngư dân Việt Nam.
Thuyền phó T.V. A. chuẩn bị đồ nghề cho đêm đánh bắt đầu tiên ra Hoàng Sa. Thời gian được ấn định cho hai nhóm thợ lặn là 4 giờ đồng hồ, chia làm 2 ca. Sau đó, tàu phải lập tức rời nơi đánh bắt trước 5 giờ sáng ra hải phận quốc tế neo đậu để tránh tàu tuần tra Trung Quốc truy đuổi bắt giữ.
Vũ Trung (còn tiếp)
Nguồn: VietNamNet
website stat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét