26 tháng 6, 2022

NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN LẠI GÂY ỒN ÀO

Ông luôn gây ra sự ồn ào từ khi ông bắt đầu sáng tác cho đến khi ông lìa đời. Và bây giờ, hàng chục năm sau khi ông vĩnh biệt cõi vô thường, ông lại gây ra ồn ào một lần nữa.

 Điều đáng nói là lẽ ra sự ồn ào phải vây quanh những gì thuộc về nghệ thuật mà ông sáng tạo ra, đằng này, sự ồn ào lại vây quanh con người chính trị của ông, hay nói đúng hơn là những bối cảnh chính trị mà ông phải rơi vào đó.

  Ông Trịnh Công Sơn lớn lên tại miền Nam Việt Nam, trong chiến tranh Việt Nam, trong đó có hai lực lượng đối nghịch nhau đều là người Việt, lực lượng cộng sản từ miền Bắc Việt Nam, và Việt Nam cộng hòa, đồng minh với Hoa Kỳ.

Ông sáng tác những bài nhạc ca ngợi tình yêu, những ca khúc phản chiến, những lời lẽ mang nội dung siêu thoát của triết lý Phật giáo.

Ngày 30/4/1975, ông lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn, ca ngợi sự chấm dứt chiến tranh, không còn cảnh người Việt bắn giết nhau nữa.

Ông bị những người cộng sản đưa ông về quê đi lao động để “cải tạo” tiểu tư sản, khi họ mới nắm quyền trên cả nước. Nhạc của ông bị họ cấm, vì bị cho là ủy mỵ, mà ngay cả những ca khúc phản chiến (Ca khúc Da vàng) của ông cũng bị họ cấm mà không nói lý do (lý do có thể là người cộng sản không thích khái niệm nội chiến trong các ca khúc ấy, họ cứ đòi rằng cuộc chiến đó là cuộc chiến chống xâm lược).

Đối với bên cộng sản là như thế, ông cũng chẳng được bên chống cộng nhìn ông khá hơn.

 Phe này cho rằng ông sáng tác các ca khúc phản chiến góp phần làm Việt Nam Cộng hòa … sụp đổ (!?)

 Phe này cũng cho rằng một số ca khúc của ông sau năm 1975 là a dua về phe những người cộng sản, chẳng hạn như Em ở nông trường em ra biên giới, hay là Huyền thoại mẹ. Họ quên khuấy mất ông có cả những ca khúc sáng tác sau 1975 có đầy “vấn đề” đối với những người cộng sản, chẳng hạn như Đời gọi em biết bao lần (phe tuyên giáo cộng sản cho rằng ông nói về những người Việt bỏ xứ ra đi vì không chấp nhận chế độ), hay là bài Quỳnh Hương, rồi Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui,… Bản thân người viết bài này từng chứng kiến ông dạo trên phím guitar bài Quỳnh hương giữa giảng đường đại học tại Sài Gòn, giữa không gian vẫn vừa hồng chuyên trong những năm 1980. Một sự thách thức đầy trào lộng.

Rồi thì mọi chuyện cũng qua. Từ năm 1986 trở đi, người cộng sản bắt đầu không quan tâm nhiều tới những vấn đề … ý thức hệ trừu tượng nữa. Họ vẫn không dỡ lệnh cấm các nhiều ca khúc “có vấn đề” của ông Trịnh Công Sơn nữa (làm sao mà cấm được một bản nhạc nhỉ?!), nhưng cũng bớt hằn học với chúng hơn.

Rồi thì bộ phim Em và Trịnh ra đời, được chiếu rộng rãi ở Việt Nam trong tháng 6/2022. Theo tôi việc làm bộ phim này thể hiện rất rõ bản chất duy lợi của chế độ hiện hành tại Việt Nam hiện nay. Cơ quan “văn hóa” Việt Nam, cùng các “đơn vị hoạt động văn hóa” tư nhân hiểu rõ là một số rất đông công chúng Việt Nam thích nhạc Trịnh Công Sơn, thế là họ thêm mắm dặm muối vào chuyện tình cảm của ông để gây ra một sức hút rất mạnh. Bộ phim chắc chắn là lời rất to, và nếu tôi nhớ không lầm thì hãng thực hiện phim này là Galaxy có chủ nhân là con gái của một vị cán bộ cộng sản quan trọng trong Bộ ngoại giao Việt Nam trước kia.

Rõ ràng đây là một bộ phim thương mại hơn là nghệ thuật.

Nhưng cũng có thể có những người tham gia làm phim vì yêu thích thực sự ông Trịnh Công Sơn và nhạc của ông.

Có nhiều người từ chối xem phim này, trong đó có tôi, vì cho rằng làm sao có thể làm 1 bộ phim về một nhân vật có tầm vóc, và nhiều góc cạnh, như Trịnh Công Sơn, trong hoàn cảnh kiểm duyệt ở nước Việt Nam cộng sản được.

Bà Khánh Ly, người ca sĩ rất thân cận với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng bộ phim là một sự xúc phạm người nhạc sĩ, xúc phạm cả chính bà, với những chi tiết và ngôn ngữ thô tục.

Là người lớn lên tại miền Nam Việt Nam sau năm 1975, tôi không hề ngạc nhiên về những gì bà Khánh Ly nhận xét.

Phe chống cộng, và chống Trịnh Công Sơn, lại được kích động dữ dội, nhất là trên các trang mạng xã hội. Người ta lại lặp lại rằng ông Trịnh Công Sơn là thủ phạm làm cho chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. Từ sự giả thuyết táo bạo đó, người ta tiến tới tin rằng ông Trịnh Công Sơn, và cả bà Khánh Ly nữa là… điệp viên cộng sản, rồi người ta nói rằng lời nhạc (ca từ) của ông là … bắt chước … các nhà sư, không có gì hay ho cả!

 Điều lạ là sự thâm thù này của họ đối với ông Trịnh Công Sơn kéo dài quá day dẳng, nhiều người trong số họ đã già lắm rồi (47 năm rồi còn gì), nhưng cũng có những người trẻ hơn, tự nhận là … Hậu duệ Việt Nam Cộng hòa (?!).

Xem ra phe cộng sản lại một lần nữa thắng thế, họ vừa thu được tiền, vừa thu được một ít sự hài lòng đối với nhóm công chúng hâm mộ người cố nhạc sĩ.

 Phe chống cộng thì nhờ mạng xã hội cũng rất ồn ào, nhưng tôi không cho rằng họ thắng, vì họ không thu được cái gì cả, ngoài những xúc cảm rất âm tính có hại cho chính họ. Họ lại một lần nữa tiếc nuối và bực bội.

Một đặc điểm có lẽ là chung cho cả những người Việt bên trong và bên ngoài Việt Nam là họ rất ít tham gia chính trị, nhưng lại rất hay bàn về chính trị. Mà không phải là bàn, mà là cãi nhau, mắng nhau. Ông Trịnh Công Sơn xui xẻo rơi vào đó.

 Ông chỉ là một nghệ sĩ có tài, yêu cái đẹp, và … chống chiến tranh (có mấy nghệ sĩ ủng hộ chiến tranh?!).

 Những người chống ông, dù có to tiếng đến đâu, cũng không cản được hàng chục triệu người Việt Nam khắp nơi trên thế giới, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, hát karaoke nhạc Trịnh Công Sơn hàng ngày. Mà đâu chỉ người Việt Nam, người ngoại quốc nữa.

 Tôi không xem bộ phim  Em và Trịnh, vì tôi không thích tính thương mại của nó, cũng như những chi tiết thô tục mà bà Khánh Ly nêu ra, nhưng tôi nghĩ rằng đối với công chúng Việt Nam, bộ phim có tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực. Xem phim về ông Sơn, dù là kiểu phim mùi (soap opera) vẫn còn hơn xem phim về một… dũng sĩ diệt Mỹ nào đấy.

 Tôi nhớ về đám tang ông Trịnh Công Sơn cách đây hơn 20 năm. Đây mà một đám tang lớn bậc nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại (các đám tang kia là cụ Phan Chu Trinh, nhạc sĩ Văn Cao, và tướng Võ Nguyên Giáp). Lúc ấy ông Trần Công Sung, một cây bút bên Pháp nhận xét rằng: dân tộc Việt Nam vẫn còn có thuốc chữa vì họ vẫn còn tôn trọng cái đẹp. Ông Sung giải thích với tôi rằng Dostoevsky có nói rằng cái đẹp sẽ cứu thế giới.

 Nay nhân câu chuyện ồn ào ít nhiều mang tính ý thức hệ xung quanh người nhạc sĩ quá cố cũng như bộ phim thương mại về ông, tôi lại nghĩ thêm đến câu của nhà triết học Đức, Goethe, rằng mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi xanh tươi.

 Cây đời là các bản nhạc Trịnh Công Sơn. Người Việt vẫn hát nhạc Trịnh Công Sơn thôi. Biết đâu điều đó sẽ chữa lành cơn sang chấn tinh thần của dân tộc này!

--Nguyễn Khoa--

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-6-22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét