4 tháng 11, 2012

Nhật kí Trà Vinh


Một trong những tỉnh của miền Tây tôi muốn ghé qua là Trà Vinh (những tỉnh kia là Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Cà Mau), và cơ hội đã đến vào đầu tháng Năm nay. Chỉ hơn một ngày ở Trà Vinh và cũng chỉ quanh quẩn trong khuôn viên đại học, nhưng cũng đủ để ghi chép lại những cảm nhận của mình về một tỉnh đặc biệt này.

Tất cả bắt đầu từ một workshop ở ĐHQG TPHCM vào năm ngoái. Đại học Trà Vinh cử một hay hai người đi dự workshop và những người này có nhã ý mời tôi về Trà Vinh nói chuyện một buổi, mà sau này thành … một ngày. Phải sắp xếp thì giờ một thời gian mới dành cho một chuyến đi mà chính tôi cũng cảm thấy háo hức. Đi để biết Trà Vinh bây giờ ra sao, nơi mà Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết hẳn một ca khúc để ca ngợi …

Những nẻo đường quê hương

Từ Kiên Giang, tôi đi Trà Vinh qua ngả Vị Thanh và Cần Thơ. Xe chạy bon bon trên quốc lộ mới thỉnh thoảng làm tôi thót ruột vì những cú thắng gấp của anh tài xế. Xe chạy ngang qua huyện Gò Quao, nơi đường xá mấp mé mặt nước và rất hẹp, nếu có hai xe đi ngược chiều bắt buộc một xe phải dừng lại để xe kia đi. Đây là huyện nghèo nhất của Kiên Giang. Vẫn còn những căn nhà trống huơ trống hoác như sắp sập bất cứ lúc nào. Những em bé mặt mũi đen đúa chạy nhảy bên đường không xem cái chết đang chực chờ ra gì. Những người đàn ông đang đi theo hình chữ S như đang say xỉn. Đây là quê hương của Huỳnh Mai, cô con gái lấy chồng Hàn Quốc với cái giá 600 USD cho gia đình, và sau này bị chồng giết chết một cách dã man. Nhớ đến Huỳnh Mai và nhìn cái nghèo xác xơ hai bên đường tôi cảm thấy mình chạnh lòng. Có khi còn cảm thấy phản cảm khi thấy những lá cờ sao vàng và búa liềm phất phới tung bay để kỉ niệm 37 năm sau ngày giải phóng. Đã ba mươi bảy năm, tức hơn một thế hệ, mà Gò Quao vẫn thế này đây. Xót xa lắm chứ.

Nghĩ miên man rồi tôi chìm vào giấc ngủ trưa lúc nào không hay. Đến khi tỉnh lại thì thấy trời đỗ mưa ở tuyến đường Vị Thanh. À, đây là Chương Thiện ngày nào đây. Bây giờ là thành phố Vị Thanh, thủ phủ của tỉnh Hậu Giang (sau khi tách khỏi Cần Thơ mấy năm trước đây). Vị Thanh từng là vùng “xôi đậu” và ác liệt một thời. Đây là nơi mà bà con tôi, cả bên VNCH lẫn bên cách mạng, đã bỏ lại một phần cơ thể của mình trong thời chiến. Vị Thanh ngày nay có vẻ khang trang hơn, với bờ kè chạy dọc theo con sông Vị Thanh, trông rất đẹp. Nhưng niềm vui cũng chỉ phút chốc thôi, vì vài phút sau khi xe đi về hướng miệt vườn thì cái nghèo lại hiện ra. Tuy có phần đỡ hơn Gò Quao một chút, nhưng Hậu Giang vẫn là một tỉnh nghèo. Chợt nhớ đến đâu Hậu Giang gạo trắng nước trong mà thấy có chút gì mỉa mai trong đó.

Từ Hậu Giang, xe vượt qua Cầu Cần Thơ hoành tráng, và bên kia cầu là Vĩnh Long. Phải đi con đường dẫn lên cầu mới cảm thấy căm giận bọn Tàu China. Chẳng biết chúng xây đường xá với công nghệ gì hay chúng đã ăn cướp bao nhiêu tiền mà chúng đã để lại cho chúng ta những con đường nhấp nhô như sông nước, chẳng ra làm sao cả. Trời mới hết mưa thì đường lộ lênh láng nước, nói là sông thì hơi quá đáng, nhưng cũng có những khoản đường giống như sông. Với kiểu xây đường này ở bên Úc thì chắc khối kẻ đi tù, nhưng ở VN thì hình như chẳng mấy ai quan tâm. Tôi quay sang hỏi anh tài xế có bực mình không, anh cười nói “quen rồi thầy ơi”. Ôi, người mình sao mà nhẫn nhịn thế!

Xe đi ngang một khu đất giống như đền thờ rất rộng, tôi hỏi anh tài xế là đền thờ ai vậy, thì được biết đây là khu nhà lưu niệm và đền thờ ông Phạm Hùng, cựu thủ tướng và bộ trưởng bộ nội vụ. Hoá ra, ông Phạm Hùng quê ở Vĩnh Long, tức cùng quê với ông Võ Văn Kiệt. Ngôi đền thờ này rất lớn và có thể nói là hoành tráng. Nghe anh tài xế nói khi mới xây thì cũng có lời ra tiếng vào, vì chiếm nhiều đất quá trong khi Vĩnh Long là tỉnh nhiều dân ít đất. Cũng nói thêm rằng ông Võ Văn Kiệt không có một đền thờ ở Vĩnh Long. Tôi cứ phân vân hoài hai chữ “đền thờ”, có cái gì đó không phải cách mạng. Người ta xây đền thờ để tưởng niệm thần thánh, hay những khai quốc công thần (như Lạc Long Quân hay Hùng Vương), chứ có ai xây đền thờ cho một nhân vật cách mạng. Nhưng Vĩnh Long có. Và, chắc các tỉnh khác cũng có. Như vậy cách mạng cũng thích đền thờ.

Hai bên đường về Trà Vinh thường có những cánh đồng như thế này

Trà Vinh

Qua đền thờ Phạm Hùng, đi một hồi cũng đến Trà Vinh. Trà Vinh là một tỉnh mới thành lập từ năm 1992. Năm nay (30/4/2012) Trà Vinh kỉ niệm 20 năm tái thành lập. Thật ra, Trà Vinh ngày xưa là một phần của Vĩnh Long, nhưng do tăng trưởng dân số, nên Chính phủ quyết định lập một tỉnh mới. Trà Vinh chỉ có 1 triệu dân, với hơn 30% là người Khmer. Do đó, không ngạc nhiên khi xe mới vào Trà Vinh tôi đã thấy nhiều chùa chiền kiến trúc theo phong cách của người Khmer, tức là bộ mái chùa xây theo hình tam cấp, góc mái chùa được đắp hình đuôi rắn cong vút, nhìn qua là không thể nhầm lẫn với kiến trúc chùa Việt Nam. Những ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh còn có một nét hay là còn lưu lại nhiều cổ thụ, làm cho không gian chùa có phần mát mẻ hơn là chùa Việt Nam (nhất là khuôn viên chùa ở ngoài Bắc đã trở thành những hàng quán bán … thịt nướng).

Một ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh

Tôi đến khách sạn Cửu Long (nghe nói là 3 sao) cũng đã 5 giờ chiều. Nhưng cái nắng ở ngoài đường vẫn còn hừng hực. Các bạn trong đại học đã ưu ái đặt phòng tốt cho tôi (nghe cô tiếp viên duyên dáng nói như thế), nhưng khi vào nhận phòng thì tôi mới biết phòng này chắc đã lâu chưa có ai ở. Phòng rất rộng, có hai phòng, một dành cho tiếp khách và một dành cho ngủ. Diện tích cũng tương đương với phòng ở Melia ngoài Hà Nội mà tôi từng ở (vì mấy hôm đó, khách sạn hết phòng nên cho tôi ở phòng to, chứ chẳng phải tốt lành gì!) Tôi đi xem phòng tắm thì thấy những ống nước đã rỉ sét. Nhìn xuống thảm thì lổm chổm những dấu tròn, chứng tỏ những người khách trước đây hút thuốc lá và dụi tàn thuốc dưới thảm. Ở đây (Trà Vinh) chỉ có khách sạn này là tốt nhất, nên đành phải ở đây chứ ở đâu bây giờ.

Khách sạn Cửu Long (Trà Vinh)

Lịch sử khách sạn này cũng thú vị. Tôi nghe anh chủ tịch hội đồng quản trị nói rằng khi Trà Vinh mới tách ra khỏi Vĩnh Long, nên còn nghèo lắm, chưa có khách sạn. Hôm đó, ông Trần Xuân Giá (cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư) đi công tác ở Trà Vinh, và được bố trí ở một nhà khách. Ông đang tắm giữa chừng thì cúp nước, người đầy xà phòng. Ông dĩ nhiên không hài lòng, và hỏi tại sao tỉnh không xây một khách sạn cho tốt. Tỉnh nói không có tiền, chẳng có ngân sách. Thế là ông Trần Xuân Giá giúp đỡ cho tỉnh xây dựng khách sạn Cửu Long như chúng ta thấy ngày nay. Khách sạn nhìn từ xa thì hoành tráng, nhưng là khách sạn Nhà nước, nên vẫn còn cải tiến phong cách phục vụ nhiều hơn nữa mới xứng đáng với status 3 sao.

Buổi tối các bạn trong ĐH Trà Vinh mời ăn tối cũng ngay tại nhà hàng của khách sạn. Tôi có dịp gặp anh chủ tịch Hội đồng quản trị (anh này nguyên là chủ tịch tỉnh, nay nghỉ hưu sang làm cho trường), một anh giáo sư nguyên là khoa trưởng y khoa Đại học Thái Nguyên đang vào đây để thiết lập khoa y cho trường, và các bạn bên phòng đào tạo sau đại học và quan hệ quốc tế. Trà Vinh nổi tiếng các món hải sản và rượu đế Xuân Thạnh, nên thế là tôi có dịp thử hai món này. Cũng ngon, nhưng chắc công bằng mà nói thì không bằng Kiên Giang. Riêng rượu Xuân Thạnh thì ngon, uống vào có cảm giác như nóng bừng trong ruột, giông giống cognac. Nghe nói ngày xưa khi còn sống, mỗi lần về đây, ông Võ Văn Kiệt đều mua vài chục lít rượu Xuân Thạnh để thiết đãi bạn bè. Sau này, qua một anh bạn trong trường, tôi cũng “tậu” vài chai Xuân Thạnh về tận … Sydney!   Chỉ để có dịp nào quan trọng mới đem ra chào bạn bè, chứ bây giờ thì tạm thời cho nó nằm trong tủ kiếng :-). Dân Trà Vinh có thói quen chào rượu là uống hết li. Mấy lần chào như thế tôi cũng thấy hơi ngại ngại (vì sáng mai còn làm việc chứ), nhưng các bạn ấy hiếu khách, nên “chơi tới bến” luôn, chứ sợ gì. Tôi nghĩ thế và thế là sẵn sàng tiếp nhận chào rượu của các bạn ấy. Thật ra, tôi chẳng say gì cả, buổi tối còn có dịp dạo chơi phố Trà Vinh nữa.

Buổi tối, tôi nhân cơ hội đi dạo phố Trà Vinh. Lúc đó là 9 giờ tối, nhưng ngoài đường vắng xe lắm. Nói là phố nhưng phần lớn phố xá đã đóng cửa. Một nét hay của Trà Vinh là còn những con đường hai bên có cây sao hay cây me cao vun vút (có lẽ trồng từ thời Pháp để lại). Đi trên những con đường như thế vào buổi tối, với những ánh đèn hắt ra một cách vàng vọt, cũng là một cảm giác thú vị. Không thấy những hàng quán nhộn nhịp, mà thỉnh thoảng thấy những tụ điểm bán trái cây hai bên đường.

Cảnh này rất khác với Rạch Giá, nơi mà ban đêm có hàng trăm hàng quán bán đồ nhậu và cà phê. Thật vậy, ngày nay, chỉ cần đi dạo một vòng khu mới lấn biển ở Rạch Giá thì sẽ thấy toàn là hàng quán ăn nhậu và cà phê. Rạch Giá có 2 khu lấn biển: khu trước 1975 người ta đặt cho cái tên là “khu nhiều quan” (vì chỉ đa số quan chức ở), còn khu lấn biển sau này là “khu nhiều quán”. Còn ở Trà Vinh này, không có “nhiều quán”, dân có vẻ lo học hành chứ không phải lo chuyện nhậu nhẹt như dân Kiên Giang. Bằng chứng là Trà Vinh có đại học, còn Kiên Giang thì không.

Đại học Trà Vinh

Sáng hôm sau tôi ghé qua Đại học Trà Vinh. Xe mới vào khuôn viên đại học, tôi hơi giật mình, không ngờ Đại học Trà Vinh (có tên tiếng Anh là Tra Vinh University hay TVU) hoành tráng như thế. Nguyên campus trường rất rộng, chắc cũng hơn 300 công đất. Một điểm rất hay là campus trường rất xanh, cây cối hai bên đường rất nhiều, làm tôi nhớ đến ĐH Washington ở Seattle! TVU xuất thân là một trường cao đẳng cộng đồng (community college) được thành lập vào năm 2001, qua sự viện trợ của Canada (theo tôi hiểu như thế). Đến năm 2006, trường được chính thức trở thành đại học. Trường có hẳn một website nhìn cũng bắt mắt lắm: www.tvu.edu.vn (chỉ có điều tôi không thích cái logo “Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng”, vì không chuẩn tiếng Việt. Đáng lẽ phải là “Đem cơ hội học tập chất lượng cao đến với cộng đồng”). Nhìn những bức hình to ở đại sảnh của trường, tôi mới nhớ phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là dân quê ở Trà Vinh. Chính ông kí quyết định thành lập Đại học Trà Vinh. Tôi càng ngạc nhiên khi biết TVU có đến trên 20 ngàn sinh viên, nhưng hình như một số là đào tạo trung cấp (tức dạy nghề), chứ không phải bậc cử nhân.  Trường cũng có liên kết với một số trường nước ngoài, hình như chủ yếu là Canada, để đào tạo sau đại đại vài chương trình.

Hôm đó, tôi giảng 4 bài. Hai bài về cách thiết kế bộ câu hỏi, và hai bài về cách viết bài báo khoa học. Lớp học có khoảng 70 người, đa phần là các giảng viên trẻ và nghiên cứu sinh đang làm luận án đâu đó trên Sài Gòn hay Hà Nội. Nói chung, cũng như các lớp học khác ở Việt Nam mà tôi có kinh nghiệm, lớp học này cũng ít trao đổi trong lớp, nhưng trao đổi ngoài lớp thì nhiều. Những câu hỏi thiết thực, nhưng quan tâm cháy bỏng, những ước vọng vươn cao, v.v. Tất cả làm tôi cảm động, và muốn có nhiều thời gian hơn nữa để trao đổi thêm. Nhưng tôi chỉ có 1 ngày ở đây, vì chiều nay phải đi Sài Gòn để nói chuyện ở IRED.

Nhìn chung, TVU dĩ nhiên vẫn còn là một đại học còn non trẻ, nhưng có tham vọng vươn cao. Theo tôi hiểu, hiện nay trường còn thiếu thốn mọi bề. Thiếu thốn từ nguồn nhân lực đến thiết bị cho thí nghiệm. Hiện nay, TVU chỉ có tham vọng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cho tỉnh và vùng, chứ chưa vươn ra ngoài vùng, và tôi nghĩ một định hướng trước mắt như thế cũng thực tế. Bất cứ trường nào cũng khởi đầu từ những khó khăn và thiếu thốn, nhưng nếu có lãnh đạo tốt thì trường nào cũng có thể vượt ra ngoài tầm địa phương. Tôi cũng mong TVU một ngày nào đó, có thể là 20 năm nữa, sẽ trở thành một trung tâm đào tạo tốt cho vùng và cả nước. Hi vọng rằng dịp sau sẽ có dịp quay lại TVU để chia sẻ thêm với các bạn một số vấn đề mang tính kĩ thuật hơn.

NVT
Nguồn:  nguyenvantuan.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét