- Google bán quảng cáo tốt bởi đây doanh nghiệp đầu tiên đưa ra hình thức quảng cáo theo từ khoá, có nền tảng công nghệ tốt và đã chứng tỏ mình “hiểu” người dùng hơn bất kỳ đối thủ nào khác.
- Các sản phẩm của Gmail, Google Map, Hangouts… đều như “cám con cò” để vỗ béo người dùng và giúp Google bán quảng cáo tốt hơn. Vâng CHÍNH BẠN mới là sản phẩm xuất sắc nhất của Google, một sản phẩm mà các nhà quảng cáo thèm muốn tìm kiếm để tiếp cận.
Khi nhắc đến sản phẩm của Google, chắc chắn đa số mọi người sẽ nghĩ ngay đến Google Search. Ngoài ra, Google cũng còn rất nhiều sản phẩm khác như Gmail, Android, Google Map, Google+ và cả YouTube nữa. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ thắc mắc xem sản phẩm nào của Google là xuất sắc nhất trong số những cái tên nói trên?
Mô hình kinh doanh của Google
Trước hết hãy nhìn lại về mô hình kinh doanh (business model) của Google.
Về doanh thu, có thể chia doanh thu của Google ra thành 2 mảng chính: Doanh thu từ quảng cáo và doanh thu từ các hoạt động kinh doanh khác.
Doanh thu quảng cáo bắt nguồn từ:
Adwords: nơi những người mua quảng cáo trên trang của Google phải “đấu giá” cho các từ khoá tìm kiếm.
AdSense: dịch vụ nhúng quảng cáo của Google vào các website khác nhau, kể cả trang web của bên thứ ba viết nên
DoubleClick: Khác với Adwords và AdSense là 2 kênh quảng cáo dựa vào văn bản (text), DoubleClick là kênh quảng cáo đa phương tiện bao gồm hình ảnh, âm thanh, video và các loại quảng cáo tương tác khác. Quảng cáo bạn nhìn thấy trên YouTube là một ví dụ về DoubleClick.
Các doanh thu khác bao gồm tiền phu phí của các công ty sản xuất phần cứng có sử dụng Google Services (được phép truy cập vào Google Play và các dịch vụ Google khác) cho thiết bị chạy hệ điều hành Android. Bên cạnh đó còn là các nguồn thu từ bộ sưu tập bằng sáng chế và bản quyền của hãng.
Về chi phí, Google bỏ tiền ra cho 4 mảng chính: Nghiên cứu và phát triển (R&D), vận hành các trung tâm dữ liệu (data center), thâu tóm lưu lượng (traffic acquisition) và bán hàng, tiếp thị(sales & marketing).
Chúng ta có thể thấy rằng Google bỏ rất nhiều tiền cho bộ phận R&D để phát triển các sản phẩm mới và đây là hoạt động tạo nên nhiều khác biệt giữa Google với các đối thủ của mình. Chũng chính nó đã đưa Google trở thành một trong các công ty sáng tạo nhất thế giới. Goolge cũng vận hành một hệ thống trung tâm dữ liệu với tổng số máy chủ ước tính lên tới khoảng 1 triệu máy, một con số khổng lồ.
Google kiếm tiền từ đâu?
Google là một trong các công ty công nghệ có mức phát triển có thể nói là điên rồ trong suốt nhiều năm qua. Biểu đồ ở dưới cho thấy mức độ tăng trưởng ghê gớm trong doanh thu của Google trong 10 năm gần đây.
Trong vòng 10 năm qua, doanh thu của Google đã tăng từ chưa đến $1.5 tỷ lên tới gần $60 tỷ, tức là tăng gấp 40 lần. Với một doanh nghiệp Mỹ, tốc độ tăng trưởng 2 chữ số trong một thời gian dài là điều vô cùng đặc biệt và nó lý giải tại sao giá cổ phiếu của Google tăng liên tục, thậm chí có thời điểm đã lên tới hơn $1000/cổ phiếu.
Như đã nói ở trên, doanh thu của Google có thể được chia ra thành 2 phần: Quảng cáo và Phi quảng cáo. Đồ thị sau thể hiện phân chia này theo tỷ lệ % đóng góp vào tổng doanh thu
Chúng ta có thể thấy rằng cho đến tận năm 2012, doanh thu ngoài quảng cáo của Google cũng ở mức khiêm tốn từ 5% tổng doanh thu trở xuống. Năm 2013, lần đầu tiên doanh thu ngoài quảng cáo của Google tăng mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn chỉ vỏn vẹn chiếm có 9% tổng doanh thu của công ty mà thôi. Với sự chênh lệch quá lớn giữa doanh thu từ quảng cáo và các doanh thu khác, xét một cách khách quan, chúng ta hoàn toàn có thể gọi Google là công ty quảng cáo bằng các phương tiện và sản phẩm công nghệ.
Tại sao Google bán quảng cáo tốt đến vậy?
Quảng cáo trực tuyến không phải mới, trước Google việc đặt banner quảng cáo đã có từ khá lâu ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên có 3 yếu tố khiến Google trở thành độc tôn trong thế giới quảng cáo trực tuyến, đó là:
• Mô hình quảng cáo mới
• Nền tảng công nghệ xuất sắc
• Hiểu rõ người dung
Thứ nhất, Google là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra hình thức quảng cáo theo từ khoá. Tức là nếu bạn bán cà phê và muốn thông tin về website của mình hiện lên hàng đầu trong kết quả tìm kiếm khi người dùng tìm “coffee”, bạn phải trả tiền cho Google và phải trả cao hơn những người khác cũng muốn mua từ khoá “coffee” này. Đây là mô hình rất mới ở thời điểm Google ra mắt dịch vụ này. Mô hình mang tính cạnh tranh như thế giúp người cần mua quảng cáo có thể quảng cáo của mình đến đúng đối tượng hơn, và tất nhiên giúp Google thu được nhiều tiền hơn.
Để làm được việc thứ nhất, phải dựa vào điều thứ hai, đó là nền tảng công nghệ của Google. Dịch vụ tìm kiếm với hệ thống PageRank nổi tiếng đã giúp Google lấy được một lượng người dùng lớn, tăng giá trị quảng cáo cũng như giúp phân tích các từ khoá tốt hơn cho người mua quảng cáo.
Và cuối cùng, để có thể giúp những người mua quảng cáo tiếp cận tốt hơn (đúng nhóm đối tượng, đúng lúc, đúng chỗ…) với đối tượng người dùng, Google đã chứng tỏ mình “hiểu” người dùng hơn bất kỳ đối thủ nào khác. Và đấy cũng là lý do Google phát triển hàng loạt các dịch vụ trực tuyến, mà 99% số đó là miễn phí, để càng ngày càng hiểu rõ hành vi, nằm bắt được thông tin của người dùng trên toàn thế giới, ở khắp tất cả các châu lục.
Không có công ty nào mà tất cả các sản phẩm đều nhất quán gắn đến việc tìm hiểu và thu thập thông tin về người dùng như Google cả. Điển hình là:
• Google Search biết bạn cần tìm cái gì
• Gmail, Hangouts biết bạn nói chuyện gì với người khác
• Google Map biết bạn đang ở đâu
• YouTube biết bạn xem gì
• Google Music biết bạn nghe gì
• Google+ biết các mối quan hệ của bạn
Nói một cách vui vẻ, các sản phẩm của Gmail, Google Map, Hangouts… đều như “cám con cò” để vỗ béo người dùng và giúp Google bán quảng cáo tốt hơn. Và như nhà sáng lập phần mềm ứng dụng đình đám Whatsapp từng viết trong bài blog cá nhân từ vài năm trước: “Remember, when advertising is involved you the user are the product.” (dịch: nên nhớ rằng, khi có liên quan đến quảng cáo, bạn – những người dùng – chính là sản phẩm).
Vâng CHÍNH BẠN mới là sản phẩm xuất sắc nhất của Google, một sản phẩm mà các nhà quảng cáo thèm muốn tìm kiếm để tiếp cận.
Đã từng có nhiều tranh luận, thậm chí là kiện tụng về vấn đề bảo mật thông tin và sự riêng tư của người dùng đối với các dịch vụ của Google. May mắn thay, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, Google chưa để xảy ra sự cố gì đáng tiếc trong việc khái thác thông tin người dùng. Tuy nhiên, nếu bạn là người coi trọng sự riêng tư cá nhân, việc hạn chế các quyền truy xuất thông tin cá nhân khi dùng các dịch vụ của Google là điều nên cân nhắc. Và hy vọng rằng với khẩu hiệu “Don’t be evil”, Google sẽ không bao giờ “bán đứng” người dùng của mình.
Nguồn: Góc nhìn Alan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét