Những mất mát trong hệ sinh thái đều xuất phát
từ sự xâm chiếm rừng, lòng tham của chính con người gây nên...
Nói đến môi trường, suy nghĩ lóe lên ngay lúc này, trong đầu mỗi chúng ta ắt hẳn là bị ám ảnh bởi bóng đen “ô nhiễm”. Đây là một thực tế, khi mà chỉ trong vỏn vẹn 6 tháng đầu năm 2016, chúng ta đã phải gánh chịu biết bao hiện tượng xấu, thảm họa môi trường. Từ những đợt nắng nóng như thiêu đốt, cướp đi bao nhiêu sự sinh tồn trên đất đến những cơn mưa trái mùa mang nhiều độc tố, để cả tấn cá chết nổi trắng cả dòng kênh. Hay những cơn rét buốt, thổi đến thấu xương mà mấy em nhỏ ở vùng cao phải gồng chịu trong bộ áo manh mỏng.
Chưa dừng lại đó, một trời biển mênh mông trải dài theo các tỉnh miền Trung, tưởng chừng như “miễn nhiễm”, đột ngột ngắt lịm, bóp chết bất kỳ sự sống nào tồn tại trong nó. Vậy đâu là nguyên nhân cho khung cảnh không thể bi thương hơn của “sự sống” môi trường quanh ta.
Con người thường biện minh rằng, để duy trì sự sống cần phải khai hoang, cần phát triển khoa học - kỹ thuật, công nghiệp - nông nghiệp… vì vậy, hiển nhiên môi trường phải chịu ít nhiều tác động là điều khó tránh khỏi; và chúng ta tự lừa nhau bằng những đề án khôi phục môi trường tưởng chừng như rất khả quan. Chúng ta tự cho mình quyền khai thác tài nguyên của môi trường và biến môi trường thành công cụ phục vụ tối đa cho lợi ích trước mắt, mà quên mất rằng, môi trường mới chính là nhân tố tạo ra chúng ta ngày hôm nay.
GS.Trịnh Xuân Thuận, trong tác phẩm Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu (NXB Trẻ, 2015), nói rõ: “Sự tiến hóa sẽ có xu hướng giẫm chân tại chỗ nếu nó không được kích thích. Môi trường và khí hậu đóng vai trò kích thích cho sự tiến hóa từ loài vật đi đến con người hoàn thiện đó của chúng ta”. Như vậy, từ thuở xa xưa, môi trường tạo nên con người với trí tuệ ưu việt, nhưng với những gì đang diễn ra hôm nay, trí tuệ và ý thức ấy lại trở thành mối đe dọa đối với môi trường và tất cả các loài sinh vật sống dựa vào nó, trong đó có cả con người.
GS.Thuận đã đặt ra câu hỏi cho hàng ngàn bạn trẻ có mặt tại buổi hội thảo rằng: “Môi trường là tiền đề tạo nên con người. Vậy khi môi trường mất đi, như bức tường thành bảo vệ bị sụp đổ, liệu con người còn có thể tồn tại không? Để có cơ hội khắc phục những gì mình gây ra chăng? Tất cả đều nằm trong luật nhân quả cả”.
Những “vết thương”
Như chúng ta đã biết, với dân số ngày càng tăng như hiện nay, con người cần nhiều thứ cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển. Và với trí óc thông minh của mình, con người nảy sinh hơn nữa nhu cầu cảm thụ sự tiên tiến, hiện đại.
Để phục vụ cho mong muốn đó, nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất mọc lên nhanh chóng. Người ta bắt đầu lấn chiếm vào những khu rừng, thay các ruộng lúa, vườn cây ăn quả… bằng những tòa cao ốc, khu dân cư, hay các công trình công nghiệp xả đầy khí thải, độc hại khôn lường. Đây chính là nguyên nhân khiến lượng carbon trong không khí không ngừng gia tăng, làm bề mặt Trái đất nóng lên, gây hiệu ứng nhà kính.
Gần đây nhất, hậu quả của việc xả độc đó đã tạo ra một lỗ thủng lớn trong khí quyển, mà chúng ta vẫn gọi nôm na là thủng tầng ozone, khiến Việt Nam và nhiều nước khu vực châu Á gánh chịu những đợt hạn hán chết chóc như đầu năm nay.
Việc chúng ta phá hủy không biết bao nhiêu cánh rừng, những “lá phổi xanh” duy nhất trong vũ trụ này để cung ứng một số lượng lớn đất đai cho sinh hoạt, theo như GS. Thuận là khiến “diện tích của các khu rừng trên trái đất bị co bé lại như một miếng da lừa”. Khai thác quá mức rừng, không chỉ làm cho con người dần mất đi lượng không khí cho việc hô hấp, mà còn đe dọa đến sự đa dạng sinh học, đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng lũ lụt do đất bị xói mòn, không còn khả năng giữ và ngăn chặn nước.
Điển hình như loài ếch nhái, được xem là loài lưỡng cư hấp thụ các chất hóa học, trao đổi khí thông qua lớp da ẩm và có khả năng thẩm thấu. Loài này giúp phát hiện những chất độc nhẹ trôi nổi trong khí quyển và báo hiệu các thảm họa đang rình rập chúng ta. Sự giảm sút về số lượng loài này trên thế giới, là một minh chứng cho thấy sự ô nhiễm trong môi trường của chúng ta như thế nào. Bên cạnh đó, những dược liệu tự nhiên hiện nay cũng dần bị mất dấu trước sự lấn át thiên nhiên mạnh mẽ của con người. Hệ quả là chúng ta hàng ngày phải hấp thụ vào cơ thể vô số hóa chất, thay vì những gì có sẵn trong thiên nhiên.
Những mất mát trong hệ sinh thái như vậy “đều xuất phát từ sự xâm chiếm rừng, lòng tham và trí tuệ của chính con người gây nên”, GS.Thuận khẳng định.
Kêu gọi lòng nhân từ
Qua đó có thể thấy, nguyên nhân chính gây nên những ô nhiễm ngày một lớn cho môi trường, dẫn đến sự xâm chiếm và trí tuệ đầy lòng tham kia, là do sự bùng nổ dân số.
Việc dân số tăng lên nhanh chóng, đòi hỏi rất nhiều về lương thực, chỗ ở, vật chất và sự hưởng thụ đến mức hành tinh không còn khả năng nuôi nổi con người nữa. Từ đây, con người nảy sinh sự cạnh tranh khốc liệt để tích lũy được nhiều nhất có thể những nhu cầu trên. Mong muốn những điều tốt đẹp là mong muốn chính đáng, dù vậy, chúng ta cũng cần hiểu rõ, việc tồn tại trong vũ trụ này, tất cả đều là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
GS.Trịnh Xuân Thuận chỉ rõ: “Bị chinh phục bởi sự phát triển không ngừng của các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, bị chìm đắm trong những cuộc chiến tranh liên miên, bị hành hạ trong đói nghèo và bệnh tật lây lan trên toàn cầu, bị kích thích bởi miếng mồi lợi nhuận hơn là bởi đạo đức và luân lý, chúng ta đã đi qua thế kỷ XX một cách mù quáng, gây biết bao tác hại cho môi trường tự nhiên và làm tuyệt diệt không biết bao nhiêu loài sinh vật, mà gần như chúng ta không nhận thấy. Một trong những mối nguy hiểm nhất là xu hướng tăng nhanh dân số”.
Đồng thời, với tư cách một người Phật tử, ông nhìn nhận: “Những mặt tích cực của khoa học - kỹ thuật là rất nhiều. Nhưng, như chúng ta đã thấy, cũng là nguồn gốc của rất nhiều cái ác: khí gây hiệu ứng nhà kính làm Trái đất nóng lên, nhiều khu rừng biến mất, các sa mạc ngày càng mở rộng, nhiều loài vật bị tuyệt chủng, một bầu khí quyển bị ô nhiễm, các chất thải phóng xạ, rác thải chất chồng, nước bị đầu độc, v.v… Cũng nghiêm trọng không kém: đó là hố ngăn cách giữa các nước nghèo và các nước giàu không ngừng mở rộng”.
GS.Trịnh Xuân Thuận (thứ 3 từ phải sang) trong một lần thuyết trình tại Làng Mai (Pháp)
Từ đây, “việc tối quan trọng là không được làm chuyện vô nghĩa là tự hủy diệt mình và nơi cưu mang vô cùng quý giá của mình trong mênh mông vũ trụ. Đã đến lúc phải ý thức những tác hại mà chúng ta gây ra cho hành tinh và cho các sự sống khác” (sđd, tr.566). Từ bi với môi trường là từ bi với chính mình, một thông điệp mà không chỉ riêng nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận mong mỏi được gửi gắm, mà bất cứ ai biết rung động chân thật cũng sẽ đều muốn lan tỏa đi khắp.
Giao Hảo
Nguồn: http://giacngo.vn/thoisu/2016/07/30/5BD6DB/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét