TTO - “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” - câu tục ngữ ấy vẫn nằm lòng nhiều người dẫu cuộc sống đổi thay từng ngày. Mang theo không khí mùng 3 tết thầy, chúng tôi gặp gỡ nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - người thầy làm rung động bao thế hệ vì nghị lực tuyệt vời.
Mời bạn theo dõi cuộc trò chuyện đầu xuân này để cùng sẻ chia với cái nhìn bao dung, rộng mở của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.
4 tuổi bị liệt hai tay, 7 tuổi biết viết bằng chân, 35 năm thầy gắn với nghề giáo. Xuân Canh Dần này, thầy đón tuổi 64. Tạm rời bục giảng, thầy vẫn miệt mài làm thơ, viết truyện, làm công tác tư vấn tâm lý hôn nhân, học đường cho bạn trẻ qua tổng đài 1088. Một “kỷ lục” khác của thầy là 1.150 buổi giao lưu với học sinh, sinh viên. Con số ấy vẫn chưa dừng lại dẫu thầy đang từng ngày chiến đấu với căn bệnh suy thận.
* Kính chào thầy! Xin chúc thầy có sức khỏe thật tốt trong năm mới Canh Dần!
- Vâng, xin cảm ơn! Xin chúc các bạn trẻ trong năm mới có thật nhiều niềm vui, tràn đầy sức trẻ, tràn đầy sự tươi mới, có thêm nghị để vượt qua chính mình trên hành trình chinh phục những mục tiêu.
Đầu xuân, cũng xin gửi tặng các bạn vài câu thơ:
Xuân không đến từ trời
Xuân không sinh từ đất
Những phút giây lòng ta vui nhất
Xuân ùa về ríu rít chồi tơ
Chúc các bạn lúc nào cũng có mùa xuân trong tim mình và ngày nào cũng là ngày tết!
* Thưa thầy, tục ngữ có câu “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, mong thầy vui lòng chia sẻ vài suy nghĩ về vấn đề này?
- Theo tôi, câu này chỉ có ý nhắc nhở các thế hệ học trò rằng tết là những ngày vui nhất trong năm, tất cả những ai đã đi qua tuổi học trò đừng bao giờ quên công lao của thầy cô.
Ngoài câu “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” còn có một phiên bản khác là “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết chú, mùng 3 tết thầy”. Nghĩa là mùng 1, mùng 2 thì dành những tình cảm thân thương nhất cho những người thân yêu, mùng 3 tết thì dành tình cảm cho thầy.
Nói như thế không có nghĩa là thầy đứng vị trí thứ ba mà chỉ có ý rằng trong dịp tết, đừng quên công lao của thầy. Nếu có điều kiện thì hãy đến thăm viếng, chúc tết thầy. Đó là hạnh phúc của thầy mà cũng là niềm vui của trò.
* Thưa thầy, các học trò của thầy đã thể hiện truyền thống này thế nào?
- Tôi gắn với nghề giáo 35 năm, giảng dạy rất nhiều thế hệ học trò. Ngày xưa, cuộc sống đơn giản lắm. Ngoài những người thân yêu, làng xóm thì người dân Việt Nam nào cũng nghĩ đến công lao của người thụ giáo mình. Vì vậy, đến thăm thầy là nguyện vọng, là hạnh phúc của trò.
Ngày xưa, dịp tết, hầu hết học trò đều mang gạo, bánh chưng - những gì quý giá nhất - đến biếu thầy. Đó là tấm lòng, tình cảm rất vô tư.
Ngày nay, cơ chế thị trường đã len lỏi vào mọi góc độ của cuộc sống. Có những học trò đến thăm thầy, thể hiện tấm lòng kính yêu với thầy. Có những học trò lâu ngày gặp lại tôi, ôm tôi, òa khóc vì xúc động. Đó là những giây phút rất hạnh phúc.
Nhưng cũng có những học trò đến với mục đích lấy lòng thầy. Thậm chí có những học trò mang theo những món quà rất lớn nhưng rồi sau đó mất hút. Đó cũng là một vấn đề trong cuộc sống hiện đại mà khi ngẫm lại cũng hơi buồn. Nhưng mà thôi, cuộc sống là thế, bên cạnh những mặt tốt cũng có những mặt trái mà ta phải chấp nhận.
Một đời làm thầy, có chừng mươi học trò nhớ đến mình là đã hạnh phúc lắm rồi!
Tôi cũng không quá máy móc trong chuyện trò cứ phải đến thăm thầy mùng 3 tết. Bây giờ, cũng không có thầy cô nào yêu cầu học trò cứ phải đến thăm mình dịp tết. Nếu không đến được mùng 3 tết thì có thể đến vào ngày khác, tùy điền kiện của mỗi người.
Tóm lại, mỗi học trò nên nhớ đến thầy cô trong dịp tết lễ thế này. Điều đó thể hiện đạo lý hướng đến cội nguồn.
* Thưa thầy, dịp tết thầy có thường thăm viếng những người thầy từng giảng dạy thầy không ạ?
- Dịp tết, tôi thường đến thăm một số người thầy tiêu biểu trong đời tôi. Một trong những người thầy ở Sài Gòn để lại trong tôi nhiều ấn tượng từ thời đi học là giáo sư - nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai.
Tôi sắp xếp đến thăm thầy từ trước tết vì trong những ngày tết e rằng có việc nọ, việc kia. Trong năm, khi có những vui buồn gì, tôi cũng đến thăm thầy như một dịp để chia sẻ.
Cũng như trong một bài thơ, tôi viết rằng:
Điều duy nhất tháng ngày tôi mơ đến ở các em
Không phải là những cánh thư lưu luyến
Cũng không phải là ở nhũng cuộc viếng thăm
Mà chính ở tấm lòng rộng lớn mênh mông
Hay nói cách khác là ở những chiến công
Các em cứ thành đạt, trở thành những công dân tuyệt vời, cứ chinh phục những đỉnh cao tài năng. Đó đã là món quà vô giá các em tặng thầy.
* Ở tuổi 64, dù sức khỏe không tốt, thầy vẫn không ngừng đến giao lưu với học sinh, sinh viên các trường. Điều thầy mong mỏi nhất qua những cuộc gặp mặt đó là gì, thưa thầy?
- Vì các em, tôi sẵn sàng vượt qua những khó khăn bệnh tật. Điều tôi mong truyền đến các em không phải là những kiến thức xa lạ mà là lửa sống. Cụ thể là ý thức học, ý chí học và phương pháp học. Muốn làm được điều đó thì phải có lửa khát vọng vượt qua chính mình.
* Thưa thầy, thầy trăn trở điều gì nhất ở bạn trẻ hiện nay?
- Đó chính là chất lý tưởng sống. Cụ thể là ý thức phụng sự cộng đồng, cống hiến cho đất nước. Các bạn trẻ hiện này cũng có lý tưởng, nhưng chất lý tưởng ấy không còn như trước.
Mong muốn làm giàu cho bản thân là rất chính đáng nhưng đừng quên chữ hiếu, đừng quên cộng đồng, đất nước. Mong các bạn cân bằng, hài hòa giữa những mong muốn, suy nghĩ thực tế cho bản thân với những lý tưởng sống cao đẹp vì cộng đồng.
* Trân trọng cảm ơn thầy và kính chúc thầy một năm mới nhiều niềm vui!
TRUNG UYÊN thực hiện
nguồn: Tuoitre online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét