Hạnh phúc của tôi trong những ngày sống ở biển Hoàng Sa là được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió trên nóc ca bin của những chiếc tàu đánh cá đang ngày đêm bám vùng biển Hoàng Sa để mưu sinh.
Mỗi lần nhìn lá cờ Tổ quốc phần phật bay, tim tôi như nghẹn lại cùng với lòng tự hào. Tổ quốc vẫn hiển hiện trên bầu trời biển đảo giữa trùng khơi.
Trước biển bao la, những ngư dân mặt sạm đen vì nắng gió biển khơi luôn rạng rỡ nụ cười lạc quan. Nhiều ngư dân trẻ tôi từng gặp, giữa trùng khơi họ đều khẳng định với tôi rằng: Họ chỉ có hai bàn tay trắng nhưng đất trời Hoàng Sa mãi mãi trong trái tim và luôn gợi nhắc quá khứ hào hùng của cha ông suốt mấy trăm năm cưỡi sóng đạp gió chinh phục vùng biển đảo này.
“Trung Quốc ỷ thế tàu to, trang bị súng ống, còn bà con ngư dân tàu nhỏ lại tay trắng, giữa biển mênh mông nên họ ăn hiếp. Thực lòng mà nói, nếu được cho phép, bà con ngư dân tụi tui sẵn sàng đối mặt để bảo vệ chủ quyền…” - thuyền viên Trương Văn Công khẳng định.
Không riêng gì ông Công, mà tất cả những thuyền viên tôi gặp giữa biển Hoàng Sa đều bảo rằng họ không hề biết run sợ cho dù có bị bắt, bị đánh đập.
“Nhiều lần bị bắt, đánh đập, rồi cướp toàn bộ máy móc, kể cả cá đánh được, tức lắm, nhưng chỉ có hai bàn tay trắng không biết làm chi hơn, đành phải chấp nhận. Cái mà anh em tụi tui lo sợ nhất là bị cướp tàu, hoặc bị tàu lớn bất ngờ đâm chìm tàu giữa biển như trường hợp tàu Qng-96516-TS của anh Dương Thanh Phú ở Lý Sơn hôm 9/3. Còn những hiểm nguy khác không nghĩa lý gì…” - thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn tâm sự.
Mỗi một chiếc tàu cưỡi sóng đạp gió ra Hoàng Sa mang theo những đứa con đất Việt dũng cảm, can trường. Tôi vẫn còn nhớ như in lời tâm tình của thuyền viên Nguyễn Thanh Tích trên tàu Qng-95821: “Cuộc sống ở Hoàng Sa là nơi không dành cho những người run sợ, yếu hèn. Nếu sợ chết thì chỉ ra một lần rồi mãi mãi không quay trở lại...”
Tôi hỏi Tích: Trong số những thuyền viên mà Tích quen biết, có ai không trở lại Hoàng Sa?". Tích lắc đầu: “Nói là vậy, nhưng tất cả những người ra Hoàng Sa mưu sinh, chẳng ai bỏ biển bao giờ cho dù họ có bị Trung Quốc bắt giữ, đánh đập. Thậm chí nhiều chủ tàu bị giữ tàu, trắng tay trở về nhưng một thời gian sau họ cũng tìm cách quay trở lại biển Hoàng Sa…”
Những đêm trắng cùng thức với ngư dân giữa Hoàng Sa, tôi được nghe những câu chuyện kinh hoàng nơi biển cả, từ chuyện giông tố nổi lên bất ngờ, đến chuyện tàu Trung Quốc rượt đuổi bắt giữ.
Hơn 40 thuyền viên tôi gặp giữa biển Hoàng Sa, người ít nhất cũng 2 lần thoát chết và 1 lần bị Trung Quốc bắt giữ. Nhiều chủ tàu trắng tay lên bờ, họ lại tiếp tục vay mượn để đóng tàu mới ra khơi.
Ngay như thuyền trưởng kiêm chủ tàu Dương Lúa, Lê Văn Lộc ở An Hải, huyện đảo Lý Sơn, bị Trung Quốc bắt giữ thu tàu hồi cuối tháng 9/2009. Không còn phương tiện, cả hai chủ tàu đều lên tàu bạn tiếp tục bám biển Hoàng Sa mưu sinh.
“Nếu được nhà nước hỗ trợ, tụi tui sẽ vay vốn đóng mới tàu tiếp tục ra bám biển Hoàng Sa...” - Lão ngư Dương Lúa khẳng định
Ngồi trò chuyện cùng ngư dân, tôi gọi họ là những “chiến binh” của biển. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, Tiêu Viết Hồng đều bảo: Tụi tui là những “chiến binh” của biển nhưng là những “chiến binh” tay trắng. Mấy chục năm nay dẫu đối mặt với bao hiểm nguy, chúng tôi không bao giờ biết run sợ. Cho dù những kẻ cậy tàu to, súng lớn, nhưng khó lòng mà khuất phục được ý chí kiên cường của những người con đất Việt.
Hào khí Hoàng Sa
Nếu lấy mốc từ ngày Phạm Quang Ảnh, người con của đất đảo Lý Sơn dưới thời triều Nguyễn đã “vâng mệnh vua ban” đóng thuyền buồm ra Hoàng Sa để đo đạc, đóng cột mốc trên đảo đã hơn 400 năm.
Kể từ ngày đó, những con dân đất Việt cứ thế hết đời này đến đời khác tiếp nối bước chân ra chinh phục vùng biển đảo Hoàng Sa bất chấp những hiểm nguy rập rình.
Ông Võ Hiển Đạt, một người con được sinh ra trên đất đảo Lý Sơn, không nối gót cha anh xuống tàu ra Hoàng Sa mà ở nhà chăm chỉ học hành để làm phận sự truyền cái chữ cho con dân xứ đảo và chú tâm nghiên cứu lịch sử của vùng đất.
Ông khẳng định rằng, từ thuở Phạm Quang Ảnh “vâng mệnh vua ban” thống lĩnh đội Hoàng Sa giong thuyền buồm ra đo đạc, cắm cột mốc chủ quyền nơi đảo Hoàng Sa, những bước chân nối tiếp rầm rập xuống thuyền vượt biển tạo nên hào khí Hoàng Sa nơi vùng đất đảo này.
Ông Đạt nói rằng: "Cái hào khí Hoàng Sa được hun đúc từ nhiều thế hệ cha ông truyền trong dòng máu của mỗi con dân xứ biển lòng quả cảm, ý chí kiên cường không hề biết sợ run trước thế lực hung bạo nào…”
Trước khi ra biển Hoàng Sa, tôi đã có những ngày sống ở đảo Lý Sơn, tận mắt chứng kiến cảnh ngư dân nơi huyện đảo sắm lễ vật lũ lượt đến Âm Linh Tự làm lễ cầu nguyện trước mỗi chuyến ra Hoàng Sa.
Bất kể sớm, trưa, chiều tối, trong khói hương nghi ngút cùng tiếng chuông ngân lên nơi Âm Linh Tự như nhắc nhở cháu con nơi vùng đất đảo này ghi nhớ công khai phá của tiền nhân.
Trong cái không khí trầm hùng của nghi lễ những ngày đầu năm nơi làng biển của huyện đảo này, tôi như nghe vang vọng những bước chân rầm rập xuống thuyền và tiếng mái chèo khua nước của đội hùng binh mấy trăm năm trước.
Còn bây giờ, nơi cảng cá Lý Sơn hay cảng biển Sa Kỳ, hàng trăm tàu thuyền chen chúc vào ra. Ngư dân trên những chiếc tàu đầy tôm cá từ Hoàng Sa trở về, hay những chiếc tàu rẽ sóng ngược ra Hoàng Sa với bao kỳ vọng cho cuộc sống no cơm ấm áo.
Nhiều lão ngư tôi gặp giữa biển Hoàng Sa bảo rằng: Có ra Hoàng Sa mới thấy cái hào khí của con dân đất Việt bao đời bám biển. Bất chấp mọi hiểm nguy, những đứa con biển vẫn can trường không hề biết sợ...
Tôi vẫn còn nhớ như in lời của lão kình ngư Nguyễn Thanh Tuấn trong cái đêm trắng nơi đảo Bom Bay: “Không có sức mạnh nào có thể khuất phục được những đứa con đất Việt đang ngày đêm bám biển Hoàng Sa. Bây giờ và mãi mãi về sau, chúng tôi và cháu con đã, và đang tiếp tục tiếp nối bước chân của tiền nhân ra vùng biển đảo Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền…”
Giữa những ngày biển lặng, đi qua vùng biển Lý Sơn, hay dọc các vùng ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, thanh niên trai tráng của các làng chài lần lượt kéo nhau xuống tàu ra Hoàng Sa.
Họ ra đi trong tâm thế của người con nước Việt ra vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc để mưu sinh. Tôi đã gặp hàng đoàn trai tráng xuống tàu ra Hoàng Sa bám biển với những chuyến đánh bắt dài ngày và những chuyến tàu rời Hoàng Sa trở về khi tàu đã đầy tôm cá.
Hoàng Sa trong tâm trí của những chàng trai ra đi với lời hò hẹn của bao thiếu nữ trên bờ mong ngày trở về như những sợi dây vô hình nối chặt đất liền với biển đảo Hoàng Sa như là máu thịt.
Vũ Trung
(trích phóng sự "Tường trình từ Hoàng Sa" của báo điện tử VietNamNet)
website stat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét