18 tháng 5, 2020

Cơ sở bảo trợ xã hội Vinh Sơn 1 mái nhà chung cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn



Nhiều năm qua, cơ sở bảo trợ xã hội Vinh Sơn 1 (thành phố Kon Tum) đã trở thành điểm tựa cho nhiều trẻ mồ côi, không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Từ chỗ nhận nuôi vài em, đến nay sau gần 45 năm, hàng trăm em có hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số… ở khắp các địa phương trong tỉnh Kon Tum đã về chung một mái nhà đầy tình thương yêu.



Điểm tựa cho trẻ

Cơ sở bảo trợ xã hội Vinh Sơn 1 (cơ sở Vinh Sơn 1) hiện đang nuôi dưỡng 200 cháu, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ tật nguyền…ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhỏ nhất là từ vài tháng tuổi. Đây là một trong những ngôi nhà chung lớn nhất cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi trong tỉnh Kon Tum. 200 cháu đang được nuôi dưỡng với nhiều lứa tuổi, có hoàn cảnh, tính cách khác nhau, đòi hỏi sự hy sinh nhiều từ các thầy cô, các sơ tại mái nhà chung. Theo sơ Y Kham, người phụ trách cơ sở Vinh Sơn 1, ban đầu các cháu vào đây không quen lối sống tập thể, nề nếp nên việc dạy bảo, đưa các cháu vào nề nếp rất khó khăn, nhất là lứa tuổi nhỏ.



Xơ Y Kham, người phụ trách Cơ sở Vinh Sơn 1, và các cháu đang được bảo trợ. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Không chỉ chăm lo nuôi dưỡng các cháu, cơ sở Vinh Sơn 1 còn góp phần cùng chính quyền các cấp trong tỉnh Kon Tum đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Theo lời kể của sơ Y Kham, 10 năm trước, bé A Long (ở xã Đăk Na huyện Tu Mơ Rông) sinh ra được vài tháng thì mẹ mất. Theo tập tục, người nhà chôn sống A Long theo mẹ. Trước sự việc trên, anh A Din, người trong làng đã cứu A Long và đưa về cơ sở Vinh Sơn 1 nuôi dưỡng. Năm lên 8 tuổi, các sơ đưa A Long về làng cũ thăm cuội nguồn. Tại đây, các sơ đã lấy A Long làm nhân chứng sống, phối hợp chính quyền, khuyên can mọi người từ bỏ hủ tục chôn sống con trẻ dưới 6 tháng tuổi theo mẹ khi mất. 10 năm qua, các sơ ở cơ sở Vinh Sơn 1 còn nuôi dưỡng em A Vát, ở huyện Ngọc Hồi, cũng được cứu sống khi bị chôn theo các anh em (mẹ A Vát sinh được 3 người nhưng 2 người chết). Đến nay, cả A Long, A Vát đều phát triển bình thường.

Ngoài nuôi dưỡng các trường hợp mồ côi, không nơi nương tựa, ở cơ sở Vinh Sơn 1 còn có trẻ tật nguyền, bệnh bẩm sinh, hư Y Lệ (1 tuổi) và A Brơp (18 tuổi) đều bị bệnh tim... Đây là khó khăn không nhỏ cho những người làm công tác chăm nuôi nơi đây.

Tình người ở mái nhà chung

Hiện tại, ở cơ sở Vinh Sơn 1 ngoài các sơ,  có 6 thầy, cô và 3 y tá, y sĩ, đều đến dạy, làm việc tự nguyện. Gắn bó 24 năm với cơ sở Vinh Sơn 1, thầy Lê Văn Hô không nhớ rõ đã dạy bao nhiêu trò. Từng là giáo viên dạy hợp đồng ngoại ngữ (tiếng Anh và Pháp) ở xã Ia Chim thành phố Kon Tum. Nhiều năm qua, thầy Hộ là nhịp cầu nối cho các em trước một ngôn ngữ mới, ngoài tiếng Việt, tiếng bản địa. Theo thầy Hô, muốn các em học ngoại ngữ tốt, người giáo viên ngoài việc chịu khó thì phải biết tiếng địa phương của các em. Nhiều lúc, học sinh không rõ tiếng việt, thầy cô phải dùng tiếng địa phương để giải nghĩa. Theo nhận xét của thầy Hô, các em người dân tộc thiểu số, khả năng phát âm, giao tiếp ngoại ngữ tốt, riêng ngữ pháp, làm bài cần luyện thêm. “Phải biết tiếng địa phương, phong tục, tập quán, biết lắng nghe mới có thể dạy được các em” thầy Lê Văn Hô thừa nhận. Gắn bó 24 năm, thầy và một số người đến dạy bằng cái tâm.


Lớp học tiếng Anh của thầy Lê Văn Hô, người có 24 năm tự nguyện gắn bó với Cơ sở Vinh Sơn 1. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN
Với cô Nguyễn Thị Lan, tham gia công tác y tế của cơ sở được 11 năm. Tự nguyện đến với cơ sở Vinh Sơn 1, mỗi ngày, ngoài việc nhà, cô Lan đều đến để thăm khám cho mọi người. Nhiệm vụ của cô Lan là giúp các cháu chăm sóc bản thân, phòng tránh các bệnh thông thường như cảm sốt, tiêu chảy...; tư vấn cách vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống, đảm bảo sức khỏe. “Trước đây các cháu hay mắc bệnh thông thường, nhất là tiêu chảy. Nay các cháu biết vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, ăn, ngủ đúng giờ, sinh hoạt nề nếp” cô Nguyễn Thị Lan cho biết thêm.

Ngoài ra, tại cơ sở Vinh Sơn còn có các thầy, cô, anh chị là các sinh viên, học sinh cũng đến trợ giúp các mẹ, các sơ trong việc dạy học cho các em. Nhiều người trong số đó, đã được nuôi dưỡng, trưởng thành từ chính mái nhà chung Vinh Sơn 1 này như: Y Din, Y Len, Y Yit, Y Byuk…

Gắn bó với cơ sở Vinh Sơn 1 nhiều năm, sơ Y Kham nhớ tên từng thành viên ở đây. Sơ nhớ hoàn cảnh mỗi người, nhớ từng tiếng khóc của các cháu. “Sơ là nữ tu, làm bằng việc cái tâm, đức tin, yêu thương các em, các cháu, không đòi hỏi”, sơ Y Kham cho biết
.

Để chăm lo cho 200 cháu có hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các sơ ở cơ sở Vinh Sơn 1 còn tích cực tăng gia sản xuất, tạo thêm thu nhập cho cơ sở. Hiện cơ sở Vinh Sơn 1 đang quản lý 6 ha đất sản xuất, trồng cà phê, mỳ (sắn), bời lời, cao su. Ngoài ra, cơ sở Vinh Sơn 1 còn nuôi gần 100 con lợn rừng, lợn lai. Mỗi năm cho thu nhập từ chăn nuôi được gần 300 triệu đồng. Cùng đó, các sơ còn trồng rau xanh quanh khuôn viên; dạy các cháu làm bánh mỳ cung cấp cho mọi người và thị trường bên ngoài.

Với cái tâm của người làm thiện nguyện, các sơ và những người làm việc tại cơ sở Vinh Sơn 1 vẫn đang âm thầm, khắc phục mọi khó khăn để nuôi dạy, là điểm tựa cho những trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn...

Cao Nguyên
****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét