8 tháng 11, 2009

Kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, 9/11/1989 – 9/11/2009

Thời gian trôi qua, lịch sử và đời sống con người cũng đổi thay theo dòng đời. Nhớ lại hai mươi năm trước, đứng dưới bức tường dài kiên cố chia đôi Berlin, không ai có thể tưởng tượng nổi nó sụp đổ sau một đêm, nhờ hàng triệu cánh tay đưa lên tạo thành trận bão dân chủ, chấm dứt chiến tranh lạnh. Các quốc gia Đông Âu chính thức thoát khỏi địa ngục hơn 40 năm dài từ đó có đời sống mới với tự do và nhân quyền.

Ngược dòng thời gian, ngày 01.08.1961 để ngăn chặn làn sóng người chạy trốn khỏi phía Đông ngày càng gia tăng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Krushchev đề nghị Chủ tịch Đông Đức lúc đó là Walter Ulbricht “xây tường”. 16.00 chiều thứ bảy 12.8.1961, Walter Ulbricht ký lệnh xây tường, và ngay đêm hôm đó đã cho quân đội, cảnh sát và công nhân, dưới sự hỗ trợ của Hồng quân Liên Xô, xây tường. Sáng hôm sau, 13.8.1961, một phần bức tường ngăn cách Đông-Tây Đức đã được dựng lên.


Berlin ngày 10/09/1989: "Chúng tôi là những người hạnh phúc nhất!" - Ảnh: PWN

Bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989. Năm nay cả châu Âu mừng kỷ niệm 20 năm với lễ hội “Freedom Festival” tại thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên Bang Đức. Lễ kỷ niệm năm nay, 9/11/2009, mang ý nghĩa lớn lao và đặc biệt, bởi vì sau 20 năm nước Đức thống nhất, thế giới có một châu Âu thống nhất, một châu Âu không hàng rào biên giới, thịnh vượng và phát triển với 27 thành viên thuộc Liên hiệp châu Âu, mà trong đó 9 thành viên thuộc khối Warszawa cũ. Đó là Ba Lan, CH Czech, Slovakia, Hungary, Bulgaria, Romania, Estonia, Lithuania, Latvia.

Trước Lễ hội vài ngày, Tổng thống CH Czech Vaclav Klaus là nguyên thủ quốc gia cuối cùng đã ký Hiệp ước Lisbon, mở đường cho Liên hiệp châu Âu xây dựng các định chế theo phương thức mới, củng cố sức mạnh và sự bền vững trong các chính sách đối ngoại, kinh tế và quốc phòng, thực sự là đối tác hàng đầu với gần 500 triệu dân và tổng thu nhập cao nhất thế giới (16.600 tỷ USD năm 2007).

Cộng hòa Liên Bang Đức ngày nay như thế nào ? Xin xem các ảnh sau:

CỔNG BRANDENBURG


Cổng Brandenburg xưa



Cổng Brandenburg nay


Trong bức ảnh đầu tiên, được chụp năm 1988, những khách tham quan leo lên một chiếc bục quan sát đặt bên khu vực do người Anh kiểm soát ở Tây Berlin để nhìn được rõ hơn cái biểu tượng qua bức tường cao 12 bộ. Trên chiếc bục quan sát đó, một tấm biển đề nhắc nhủ những người dân Berlin: “Tự do của các bạn là nhiệm vụ của chúng tôi.”

Giữa thời điểm kết thúc cuộc Đệ nhị Thế chiến và việc xây dựng lên Bức tường vào năm 1961, đã có 3,5 triệu người Đông Đức chạy trốn sang phía tây. Sau khi nó được dựng lên, có chưa tới 5.000 người trốn thoát.

Hôm nay, quảng trường Pariser Platz, nơi có chiếc Cổng Brandenburg, lại lần nữa là một quảng trường đông đúc nhộn nhịp.

Chiếc cổng giờ đây được bao bọc bởi những tòa nhà mới với kiến trúc cổ điển: phía bên trái là bảo tàng Liebermann Haus, trong khi bên phải là Sommer Haus, nơi trú đóng đại bản doanh của một ngân hàng và tòa đại sứ Hoa Kỳ. Tòa đại sứ các nước Anh, Pháp và Hungari quây tụ ở gần đó.

PHỐ BERNAUER


Phố Bernauer xưa


Phố Bernauer nay

Tầng trệt của khu nhà ở nằm bên phải bức ảnh đầu tiên – được chụp từ khu vực do người Pháp trú đóng ở Tây Berlin năm 1985 – đã bị nhà chức trách Đông Đức xây bít kín lại sau khi nó được sử dụng cho một loạt các cuộc đào thoát liều lĩnh.

Vào hai đêm của tháng Mười năm 1964, 57 người Đông Đức đã tìm cách trốn thoát sang phía Tây qua một loạt những đường hầm được đào từ tòa nhà chung cư. Những nỗ lực đó đã bị phát hiện và có những phát súng nổ qua lại giữa lính gác biên giới và những người đào hầm.

Dần dần, những tòa nhà nằm kế bên Bức tường đã bị phá hủy nhằm tránh việc có những người trốn chạy liều lĩnh nhảy qua các cửa sổ và nóc nhà – để hoặc là được tự do hoặc là chết. Quân đội Anh đã giúp phá hủy phần Bức tường ở khu vực này, và ngày nay Bernauer Strasse là một con đường và tuyến xe điện chính đông đúc.

Phía nam của Phố Bernauer đã trở thành bộ phận của “mảnh đất chết” ô nhục – một khu vực cấm qua lại, rộng tới 500 thước Anh mà nhiều điểm đã bị dọn sạch để cho lính biên phòng của Đông Đức có được không gian quan sát ngắm bắn thuận lợi, với mệnh lệnh phải bắn những đối tượng nằm trong tầm ngắm của mình. Tổng cộng, đã có 239 người chết khi cố gắng vượt qua Bức tường. Người cuối cùng là Chris Gueffroy, ngày 6 tháng Hai, năm 1989.

Đường băng này có đèn pha chiếu sáng và được kiểm soát chặt bởi 116 tháp canh, 20 trung tâm chỉ huy và chó canh phòng. Nó bao gồm cả những chướng ngại vật ngăn chặn xe cộ – có thể nhìn thấy cận cảnh trên bức ảnh đầu tiên – và được rải sỏi dày kín, khiến ta không thể chuyển động mà không gây nên tiếng ồn được, trong khi đinh được rải bên dưới các ban công nhô ra từ tầng các tòa nhà.

PHỐ EBERT


Phố Ebert xưa



Phố Ebert nay

Bức ảnh thứ nhất được chụp năm 1962, một năm sau khi “Hàng rào Bảo vệ Chống Phát-xít” – là cái tên mà bộ chính trị Đông Đức đặt cho Bức tường – được dựng lên, và cho thấy trọn vẹn quy mô của con đường băng chết chóc này.

Nhìn dọc theo Phố Ebert về phía Cổng Brandenburg, hướng bên trái chỉ còn lại tòa nhà từ thời trước Đệ nhị Thế chiến nằm trong khu vực này. Còn hầu hết đều hoặc bị phá hủy hoặc bị cảnh sát biên phòng dọn sách để làm nhụt chí những người chạy trốn.

Ngày nay, khu vực này đã được gìn giữ và quy hoạch lại để trở thành một khối nhà làm văn phòng nhìn xuống con phố giờ đây đông đúc, đầy những cửa hàng mua bán, các du khách tới thăm và những doanh nhân. Những tòa nhà mới bất ngờ mọc lên trên nền đất hoang cũ – những công trình kỷ niệm một nước Đức mới, và tất nhiên, về chủ nghĩa tư bản phương Tây đã mang tới cho nó.

Sau khi tái thống nhất, Berlin đã chi ra 50 triệu bảng Anh để giật đổ Bức tường, xóa bỏ những dấu vết của nó và trang trí lại những công trình kiến trúc đã rơi vào tình trạng đổ nát, với việc con đường băng chết chóc trở thành thứ bất động sản được săn lùng và đắt đỏ nhất của thành phố.

Ở cuối Phố Ebert, cách xa nửa dặm, là Potsdamer Platz nổi tiếng, nơi từng là một trong những khu mua sắm bận rộn nhất ở Berlin thời tiền chiến.

Trong suốt những năm tháng dài của cuộc Chiến tranh Lạnh, giao lộ và quảng trường đông đúc bận rộn đó đã bị con đường băng chết chóc nuốt chửng – song giờ đây nó đã lần nữa lại vươn dậy như trái tim mới đầy sức sống của thành phố được trẻ lại này.

Tổng hợp từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét