20 tháng 11, 2009

CHÀO MỪNG NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Lời giáo huấn từ tiền nhân: “ Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây”. Hôm nay kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11. Xin mượn trang này gởi tấm lòng tri ơn của chúng con đến quý Thầy Cô đã từng giảng dạy tại trường THKT Cao Thắng (Sàigòn).

Nhân đây xin được phép trích ký sự ghi nhanh của anh Trần Thành Nghiệp (c/hs khóa 62-69) tường thuật chuyến đi thăm thầy Nguyễn Khánh Nhuần của nhóm bạn học hải ngoại vào tháng 7 năm 2008. Mong bài viết này như nguồn tư liệu cung cấp cho các bạn cựu học sinh một ít thông tin về thầy cũ bạn xưa.

Một kỷ niệm đẹp, mà có lẽ chỉ khi gặp nhau mới có thể diển tả hết giá trị và ý nghĩa của tình Thầy, tình bạn. Hoài niệm dù đã ra đi rất xa, phai nhạt trong cuộc sống tất bật lo toan, nhưng một khi bổng trở về nó vẫn còn nguyên bóng dáng thời học sinh thuở nào.

NVH



TƯỜNG TRÌNH CHUYẾN THĂM THẦY NGUYỄN KHÁNH NHUẦN

Nhiều tháng trưóc ngày kỷ niệm Độc lập Hoa Kỳ, July 4th 2008, qua liên lạc trên hệ thống e-mail cùng với sự gợi ý của bạn Bùi Đúc Ly – Seattle, một số bạn đồng môn KT Cao Thắng củ đã đồng ý và cùng quyết định “ bay “ về Seattle với mục đích họp bạn đồng môn, sau nhiều năm xa cách, đồng thời luôn tiện thăm lại Thầy học củ, giáo sư Sử - Địa Nguyễn Khánh Nhuần, nay đã thọ lộc 93 tuổi .

Chúng tôi cùng Anh Chi Võ Hồng Phúc đã đến phi trường Tacoma International Airport – Seattle vào trưa July 3rd 2008, được biết bạn đồng môn Nguyễn Văn Khang đã phải tranh thủ xin nghĩ để đón bạn từ phi trường, sau đó “ drop “ ba chúng tôi ghé thăm tư gia của LĐ. Tống Viết Thuật ( gần phi trương) để trở lại nhiệm sở, đến xế chiều gần 04:00Pm, lại phải trở lại phi trường đón Tạ Cẩm Chướng rồi mới ghé lại đưa chúng tôi cùng đến Hội trường thuộc Tổ Đình Việt Nam của Bùi Đức Ly, có 2 phòng vãng lai, nơi khuôn viên có đặt tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Thánh Tổ của Hải Quân … mà bạn Bùi Đức Ly cùng gia đình đã cố công xây dựng, tiếp nối tâm nguyện của Ông thân sinh từ Việt Nam, vào những năm trước 1975 .


tượng đài Đức thánh Trần


Sau khi được bạn Bùi Đức Ly giới thiệu , hướng dẫn tham quan tượng đài Đức thánh Trần và cùng chụp hình lưu niệm …Bạn Hồng Văn Thêm cho Anh em xem Tấm Bảng Lưu Niệm dành tặng Thầy Nguyễn Khánh Nhuần , được Thêm thực hiện khá công phu,trên cùng là dòng chữ lớn Trường Trung Học KT Cao Thắng bên cạnh có hình tượng thước vẽ chữ T,” ê ke ‘ vuông góc,”compas” cùng bánh xe răng, chồng lên nhau,như trong Huy hiệu của Trường KT Cao Thắng ngày xưa, ở giữa bên dưới là ảnh của Thầy, vòng quanh dưới ảnh là bài thơ “ Mừng Thượng Thọ Thầy “ của bạn Hồng văn Thêm, hai bên là danh sách các bạn đồng môn Cao Thắng hiện cư ngụ tại hải ngoại …Tất cả được khắc trên bảng kim loại không rĩ sét. Đặc biệt bạn Thêm đã thực hiện 2 bảng : một bảng đã trao tặng Thầy Nhuần, bảng còn lại hiện do bạn Bùi Đức Ly lưu giữ .

Một buổi tiệc họp bạn vô cùng thân mật được gia đình bạn Bùi Đức Ly cùng gia đình các đồng môn và thân hữu địa phương Seattle chung góp khoản đải, mỗi gia đình tự mang đến vài mòn thức ăn, đã bày chật trên khoảng mặt bàn dài và đã phải kê thêm bàn vài ba lượt, khi có thêm bạn và thân hữu đến ...Đặc biệt món "Lẫu vịt nấu chao " do đầu bếp Đào Hải, đã từng có kinh nghiệm với món ăn độc đáo này, cung cấp ... Anh em chuyện vãng, tâm tình, ca hát,văn nghệ “bỏ túi” với tiếng đàn guitare và tiếng hát của Tạ Cẩm Chương, Hồng Văn Thêm, Phạm Ngọc Phụng, Trần Thanh Nghiệp, Chị Phúc cùng nhiều bạn khác nữa …Đặc biệt bạn Thêm đã hát lại bài vọng cổ mà Anh đã sáng tác trước đây đã 20 năm …

Sáng hôm sau, July 4th 2008, sau buổi đìểm tâm, Anh em còn lại 11 người với sự liên lạc và hướng dẫn của bạn Đào Hải, chúng tôi thẳng tiến đến nơi hẹn thăm Thầy lúc 02:00 pm cùng ngày .

Với tuổi thọ 93, mái tóc bạc phơ, người chùn thấp, đi đứng phải cần tay vịn với bánh lăn , Thầy vẫn còn minh mẫn chuyện trò, Thầy rất vui khi anh em đến thăm (vì hoàn cảnh sống nơi săn sóc người già thật cô đơn và buồn tẻ ). Trước đây, Thầy sống cùng cô Vân, người con gái út, nhưng thời gian tụi này đến thăm, vợ chồng họ đang đi nghĩ hè tại Thái Lan, nên đưa Thầy đến gởi ở một nhà chăm sóc người già tư nhân này, chỉ độ vài ba phòng nhỏ, có người thường xuyên trông nôm. Lúc Anh em đến vì là cuối tuần, nên có Cô Mai, một người con gái khác của Thầy đã đến trước.




Thầy trò gặp nhau


Gặp lại đám học trò củ Cao Thắng Thầy rất xúc động , từng người một chào hỏi và bắt tay cùng Thầy. Quà thăm Thầy gồm: một bộ bình & tách trà, một hộp trà thơm Đài Loan, một bịt càfé hổn hợp Việt Nam cùng Bảng Lưu niệm và bức ảnh củ ngày xưa, lúc Thầy chụp cùng hai cô con gái nhỏ mặc đầm trắng và một số Anh em học sinh Cao Thắng, mà Vũ Ngọc Nhinh đã chuyển gởi trước đây ( tôi đã copy và lộng vào khuôn hình dành tặng lại Thầy, Cô Mai rất ngạc nhiên vì chúng tôi còn giữ được tấm hình này). Bùi Đức Ly đọc cho Thầy nghe bài thơ “Mừng Thượng Thọ Thầy” của bạn Hồng văn Thêm và tên các bạn, thứ tự theo danh sách trên Bảng Lưu NIệm…Thầy xúc động đến nghẹn lời …Không nén được cảm xúc, Thầy đã bật khóc …Tụi này phải vỗ về giúp Thầy trấn áp nỗi xúc động đang dâng trào, đồng thời cũng rướm lệ kể cả Cô Mai, con gái của Thầy …Vài phút sau, lấy lại sự bình tỉnh, Thầy thốt :” Tôi đã từng đi dạy Việt Văn, Pháp Văn, Sử Địa, cả Quốc Gia Thương Mại nhưng hôm nay lại không thốt được nên lời ..”


Thầy Nguyễn khánh Nhuần, Nhinh, Mười, Phước, Lăng, ?, Bùi minh Sa, Hóa và hai con


Tiếp đó chúng tôi chụp ảnh lưu niệm cùng Thầy…Vì căn phòng nhỏ, gồm cái ghế bành cũng là nơi Thầy dựa ngủ, nên chúng tôi 11 người thêm Cô Mai là 12, đã choán cả căn phòng …Cô Mai và cả Thầy cùng đồng ý, nên chúng tôi đưa Thầy ra phần “Deck” sau nhà với bàn & ghế ngồi có dù che nắng ( may là bầu trời Seattle hôm ấy không mưa )…Ngồi quanh Thầy chuyện vãng ..Thầy vui miệng kể chuyện xưa…Xưa hơn cả chuyện Cao Thắng nữa …!



Ành lưu niệm


Thầy kể rằng : “Ngày xưa khi còn bôn ba bên đất Thái Lan, nhờ có hiểu biết về khoa bói toán, nên Thầy kiếm sống bằng nghề Thầy Bói, bởi người dân Thái rất mê thích xem bói ... Ở Thái Lan có một Chợ Thầy Bói có gần đến 300 Thầy Bói …Người Thầy Bói cần đăng quãng cáo trên báo, tự gìới thiệu về mình để chiêu dụ người xem … Một hôm nọ, bổng nhiên Thầy được quân lính đến với một chiếc xe màu đen vời Thầy vào Cung Vua…“hồn phi bách tán” chưa biết chuyện lành dữ ra sao ?! Vào đến Cung gặp Vua Thái , còn rất trẻ, chỉ độ 18 , Ngài cho biết là du hoc từ Thụy Sĩ vừa trở về nước để nối ngôi Hoàng huynh vừa bị ám sát …Nhà vua phán “ Biết Ông là người Việt Nam ( là dân ngoại quốc) giỏi nghề bói toán, lại nói thạo tiếng Tây ( Pháp ), nên ta muốn nhờ bói xem một quẻ”…Thế là Thầy lấy hết sức “bình sanh” ( Nguyên văn lời của Thầy ) xem cho Vua Thái một quẻ...

Thầy nhắc lại : “Xem xong, không biết có hay ho gì không ?”, nhưng Vua Thái ngợi khen và ban thưởng cho Thầy 100 đồng ( một trăm ) tiền Thái thời bấy giờ, Thầy ngại ngần không dám nhận, quyết chối từ, chỉ xin nhà vua viết cho vài chử để làm kỷ niệm cùng con cháu về sau …Thấy thế, nên Vua truyền ban cho Thầy một giấy khen , xác nhận tài bói toán của Thầy…Nhờ trương giấy khen này lên, nên thiên hạ xúm nhau nhờ Thầy xem bói đông “nuồm nuộp”, vì ngoài việc mê bói toán, người dân Thái rất trọng kính nhà Vua, nên thấy Giấy khen của Vua ban cho Thầy nên họ càng tin tưởng, và Thầy có dịp “hốt bạc triệu" Tụi này chen vào “Thế thì Thầy quả là cao kiến nhả con tép, để bắt được con tôm càng lông rồi !”…Thầy cười thích thú !…

Lợi dựng lúc Thầy vui, tôi nhắc lại câu nói bất hữu mà Thầy thường chêm vào lúc giảng bài cho bọn mình đỡ …ngáp ... Tôi nhắc :" Thầy có còn nhớ câu nói gì Thầy thường chêm vào lức giảng bài Sử Địa cho tụi này đỡ buồn ngủ không ?”... Không đợi Thầy đáp, tôi tiếp luôn “…Haha ! Thầy thường nói : Vô lậu , bất thành nhân đó !”

Nghe câu hỏi này Thầy làm bộ tỉnh bơ : “Nói gì kỳ vậy ? Ai dạy mà nói tục tỉu quá vậy ?” Im lặng một lúc ,Thầy lại hỏi : “Nhưng mà có đúng không ?” Cả bọn cùng ráp nhau cười !
Tôi liền đáp : “Đúng quá chứ ! Tụi này vào lính rồi, đi chơi thằng nào cũng dzính hết ! Đúng quá đi chứ !” .Thầy cười

Thầy nói là Thầy rất vui, so với ngày xưa, bây giờ Thầy còn hơn Ông Picarno bên Pháp, chỉ có được mỗi một người học trò củ ghé thăm lúc già yếu …Vì nắng gió lên, nên Cô Mai ( ngườì đã xác nhận hai cô bé trong hình, mặc áo đầm trắng chụp hình cùng Thầy khi xưa, là 2 cô em, Liên và Vân, Vân là cô gái Út sống cùng Thầy trước đây và hiện đang đi Vacation tại TháiLan) sợ Thầy bị lạnh nên đề nghị đưa Thầy vào phòng khách …Bất chợt như nhớ điều gì, nên một mình Thầy nhanh nhẹn bước về phòng, tụi này sợ Thầy té ngã, nên vội chạy theo, vào phòng Thầy kéo các ngăn kệ nhựa tìm chi đó, hình như Thầy muốn tìm tập nhật ký để ghi chép ngày tụi học trò đến thăm ?! Thấy Thầy đang tìm kiếm, nên tôi ra báo cho Cô Mai đang trò chuyện cùng Chị Phúc và Chi Ly, vội vào thì Cô báo cho Thầy là vì mới chuyển đến đây, nên Cô em út chưa mang hết đồ dùng của Thầy đến …Thầy và chúng tôi lại trở ra phòng khách …Một chốc sau thì có thêm một người con rễ của Thầy cùng đến, Anh cho biết ngày xưa cũng là dân Kỷ thuật Qui Nhơn, có chuyển vào Cào Thắng học, nhưng bị dân Cao Thắng húng hiếp quá nên lại trở về học Trường kỹ thuật Qui Nhơn …Có lẻ Anh nói đùa cho vui mà thôi ! Chứ dân Kỹ thuật Ban Toán “hiền như cục bột” luôn chăm chỉ học hành, trọng Thầy, mến bạn, với người ngoài cũng còn thân thiện, huống chi là bạn đồng học cùng trường, ai đành húng hiếp ! …Nhìn trên sổ thăm viếng, tôi thấy ghi 12 người thăm Thầy Nhuần trong ngày …Có lẻ người con Rễ của Thầy đến sau chưa được tính thêm vào …

Thăm viếng rồi cũng đến lức từ biệt để Thầy nghỉ ngơi …Nhưng Thầy có vẻ lưu luyến lắm ! Không muốn tụi này ra về…Cả bọn ra đến xe đậu phía trước ..Chợt thấy Thầy bước ra đến “ Balcon” dọc lối ra vào nhà, nên cả bọn phải vội quay trở lại để bắt tay và vẩy chào từ biệt Thầy thêm lần nữa …Thầy vẫn đứng trông theo cho đến khi tụi này lên xe, lăn bánh khuất dạng …


Thầy trò lưu luyến chia tay


Đấy ! Diển tiến thăm Thầy là như thế đó ! Tôi cố gắng ghi lại trung thực, đầy đủ để các bạn đồng môn, không có dịp về thăm Thầy lần này, cùng chia sẻ được những tình cảm, tương giao tình nghĩa Thầy Trò cùng người Thầy học củ. Chúng ta có được may mắn hay nói cách khác, có được cái Phúc, đã vào tuổi lục tuần, có người mái tóc cũng đã “hoa râm” nhưng còn có được một người Thầy học củ còn hiện hữu với tuổi thọ gần bách niên, cho chúng ta có dịp thăm viếng, vấn an, thể hiện tình nghĩa Thầy Trò trong tập quán đời sống văn hóa Việt từ ngàn xưa, với ảnh hưởng Khổng học Trung Hoa “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” luôn kính trọng người Thầy học.

Trần Thành Nghiệp (CT khóa 62-69)
Website: http://www.ktcaothang.com
Email: ntran98@gmail.com

NVH : Xin lỗi anh TTN vì là ‘trích’ nên có bỏ bớt một số đoạn trong bài. Rất cảm ơn anh chuyển cho tôi bài viết này.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn bạn đồng môn Nguyễn văn Hiếu,Blog Cao Thắng đã phỏ biến nhân "Ngày Nhà Giáo ",bài viết mang ý nghĩa " Một chuyến thăm Thầy " của bạn hữu đồng môn CT.69 Hải ngoại
    Chia sẻ đến bạn đồng môn & Thân hữu ..
    CT.69 Trần thành Nghiệp
    Toronto - Canada

    Trả lờiXóa